Đạo, đời và đôla

SÁNG ÁNH 02/04/2019 21:04 GMT+7

Bạn có thể đi học trường do tôn giáo kinh doanh, chữa bệnh ở nhà thương tôn giáo, nếu chữa khỏi thì mua bán ở cửa hàng tôn giáo hay ăn nhà hàng chay tịnh của chùa nào đầu tư. Chữa không được thì chết, và chôn ở nghĩa trang tôn giáo kinh doanh...

Những nhân vật tôn giáo - đôi khi đầy tranh cãi - có vai trò rất lớn trong mọi mặt đời sống Mỹ, bao gồm đời sống chính trị ở mức cao nhất. Ảnh: Washington Post
Những nhân vật tôn giáo - đôi khi đầy tranh cãi - có vai trò rất lớn trong mọi mặt đời sống Mỹ, bao gồm đời sống chính trị ở mức cao nhất. Ảnh: Washington Post

Hoa Kỳ nguyên thủy là nơi lánh nạn của các nhánh Cơ Đốc Kitô cảm thấy bị hà hiếp ở châu Âu. Thế giới mới là nơi họ yên ổn nhang đèn theo ý họ và theo ý trời. Lịch sử lập quốc là năm 1620, khi tàu Mayflower mang 102 hành khách thuộc dòng Puritan (Thanh giáo) ly khai cập bến Cape Cod (bang Massachusetts) tìm tự do tôn giáo. 

Suốt thế kỷ 16 tại châu Âu là chiến tranh tôn giáo giữa Kitô La Mã (Công giáo) và Kitô Cơ Đốc, điển hình là cuộc thảm sát vào ngày thánh Barthelemy (1572), 30.000 người Cơ Đốc bị giết khắp nước Pháp. Bắc Mỹ, Nam Phi trở thành nơi xa xôi để họ gần được với trời. 

Tất nhiên, sau đó thì Bắc Mỹ cũng được thành lập, trong đó có tội phạm bị truy nã, giang hồ hết lối, tay chơi cùng quẫn và buôn da thú, lái súng với lại đào vàng…

Nhưng Hoa Kỳ là quốc gia của tự do tôn giáo và tôn giáo này qua các thế kỷ đầu là Kitô Cơ Đốc. Đây là một tôn giáo Kitô cải cách. Có dòng ngày nay vẫn đi xe ngựa và trồng bắp nuôi bò, có dòng (trước đây) cho lấy 5-7 vợ từ lúc lên 12 tuổi khiến người Hồi phải ghen tị. Vì ly khai và chống lại giáo hội Kitô La Mã nên cách họ bành trướng là con đường truyền giáo, được gọi là Kitô truyền giáo (Evangelical).

Bất khả xâm phạm

Ngày nay, trên khắp các phố Hoa Kỳ vẫn thấy thanh niên từng cặp, áo sơmi trắng thắt cà vạt song đôi, thuộc dòng Later-Day Saints (Mormon). Chẳng những ở Mỹ mà họ truyền đạo khắp thế giới, và một thanh niên làu làu tiếng Pháp vì từng truyền đạo ở nước này là ứng cử viên tổng thống “xém trúng” Mitt Romney (2012).

Dòng này tích cực đến nỗi truyền đạo cho đến cả các vong, nghĩa là bất cứ ai, dù đã chết, mà họ có được tên tuổi là họ cứu rỗi luôn, nhập đạo của họ! Các vong khó mà phản đối, hay có phản đối hay không thì chẳng ai biết vì các vong không có tiếng nói trên truyền thông. Điều này từng khiến người Do Thái bất mãn, khi dòng Later-Day Saints truyền giáo và nhập đạo luôn cả 6 triệu người Do Thái bị diệt chủng.

Luật tại Hoa Kỳ xem các tổ chức tôn giáo gần như bất khả xâm phạm. Họ được miễn thuế và hầu như chẳng bao giờ bị các cơ quan thuế vụ điều tra sổ sách. Việc của họ là giảng đạo và từ thiện, nhưng nếu giảng đạo vang vọng vào thinh không thì từ thiện lại phải đụng đến tiền. Và tiền thì rất lắm, từ thiện càng to thì càng nhiều tiền.

Truyền đạo không phải là chỉ thắt cà vạt sơmi trắng đi xe đạp đến gõ cửa từng hộ như cựu thống đốc (và đương kim thượng nghị sĩ) Romney từng phải một thời vất vả. Từ thập niên 1960, nảy ra cách đến với quần chúng dễ dàng hơn là qua truyền hình và nảy ra dòng truyền giáo qua tivi (televangelist). Các vị này không cần tìm đất có bãi đậu xe để xây nhà thờ và đợi ngày chủ nhật dậy sớm mà hôm nào, giờ nào, nhất là vào các giờ khuya vì giá thuê đài rẻ và là lúc con chiên đang thao thức kiếm niềm tin, cũng có thể giảng đạo cho hàng triệu tín đồ.

Nếu nhà thờ (hay đền chùa) nhỏ, ít tín đồ, là một doanh nghiệp (phi lợi nhuận) nhỏ, nhà thờ lớn là một doanh nghiệp lớn thì giảng đạo truyền hình cũng thế. Ít người nghe thì thuê giờ vắng canh tư ở đài địa phương, nhiều người nghe thì sắm luôn đài và hệ thống truyền thông tôn giáo.

Tại Mỹ, nhà nước không chỉ đạo tôn giáo mà ngược lại. Một vài vị đạt hàng “La Hán xuất lâm” trong lĩnh vực này là Billy Graham, quân sư dạy đạo và đời cho các tổng thống Eisenhower, Johnson và Nixon. Con ông Billy Graham, Frank Graham, tuy kém cha nhưng vẫn đứng đầu hai tổ chức tôn giáo.

Như chuyện đùa, nhưng không vui

Xin nêu vài chuyện không vui cụ thể.

Mục sư Pat Robertson, là người được thượng đế liên tục thủ thỉ vào tai toàn những tiên tri (sấm), là một thế lực chính trị (bảo thủ) khác. Năm 1982 theo ông này là ngày tận thế, miền Tây nước Mỹ sẽ bị bão thần (tsunami), quãng năm 2006, 2007 khủng bố sẽ tấn công nước Mỹ: “Thượng đế không dùng từ “hạt nhân” nhưng tôi nghĩ là Ngài muốn nói như vậy”.

Sang đến năm 2008, ông giải thích là nhờ cầu nguyện nên nước Mỹ được trời thương, tha cho cái họa khủng bố hạt nhân. Thay vì cười, nên biết là thành phần “tuyên truyền giáo lý” kiểu này vẫn ảnh hưởng mạnh đến cử tri Hoa Kỳ, ở mức 30-35% và là cốt cán của cử tri ủng hộ Tổng thống Donald Trump khiến quyền lực của ông đè nặng trên Đảng Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ Lyndsay Graham, một thủ lãnh phe Cộng hòa, từng chỉ trích ông Trump hết lời, giờ lại là đồng chí thắm thiết của tổng thống chỉ vì ông phải tái cử năm 2020 và cần đến số cử tri “truyền giáo” ở bang North Carolina.

Đây cũng là trường hợp của nhiều chính trị gia Cộng hòa, bảo thủ kiểu truyền thống nhưng phải lụy ông Trump vì ông này đánh thức được thành phần cử tri tôn giáo. Riêng Romney, vì nhờ dựa vào giáo phái 7 vợ vị thành niên và chuyển đạo cho cả vong linh nên bất cần và thuộc thành phần Cộng hòa bảo thủ “Không bao giờ theo Trump”.

Không nói đến ảnh hưởng chính trị hay tinh thần, chỉ nói đến việc kiếm tiền thì ví dụ điển hình là mục sư Peter Popoff. Vị này làm phép lạ và chữa bách bệnh cho bá tánh, được cả nước Mỹ biết tiếng. Sau khi bị hai chuyên gia ảo thuật lật tẩy, công ty - nhà thờ của Popoff phá sản, giật nợ của 800 con nợ. Nhưng nhờ phép lành, ông này tái xuất vào cuối thập niên 1990 trên tivi, bán nước thánh và cứu rỗi chúng sinh.

2005, công ty truyền đạo này nhận được 23 triệu USD, nhưng sang năm 2006 trở thành một tổ chức tôn giáo nên ta không biết tiếp. Điều ta biết là sư phụ này năm 2007 mua một căn nhà tại California giá 4,7 triệu USD và hiện được Zillow định giá 6,8 triệu USD. Tín hữu nào có vấn đề sức khỏe, tiền bạc hay gia đạo, tình cảm, hiện vẫn có thể lên mạng gửi tiền cho mục sư.

Theo lời thầy trên mạng: “Bất kể con đang ở đâu và đối mặt với chuyện gì, thầy muốn con biết là với Thượng đế điều gì cũng có thể. Tình trạng khó xử của con có một lối thoát, và với ý của Thượng đế, thầy sẽ mang con ra khỏi thiếu thốn, bệnh tật, thất vọng và sợ hãi. Ngài sẽ dắt con khỏi vùng hoang vu và khô cằn con đang trải nghiệm để dắt con tới miền xanh ngát có sữa và mật ong tràn đầy”. Ngắn gọn, gửi tiền đi là mật đắng biến thành mật ngọt.

Mục sư Peter Popoff.(Ảnh: celebsonlio.com)


Scandal lớn về các mục sư truyền giáo trên tivi là chuyện vợ chồng Tammy Faye và Jim Bakker trong thập niên 1980. Họ nổi tiếng trên truyền hình và rất ăn khách ngoan đạo, có lẽ, biết đâu đấy, chính nhờ cách trang điểm lố lăng của bà Faye đánh vào trái tim giáo hữu vùng quê.

Năm 1979, Cơ quan Viễn thông liên bang (FCC) phát hiện đài của vợ chồng này quyên tiền trên sóng giúp từ thiện mà lại bỏ 350.000 USD vào túi riêng. Cuộc điều tra này bị FCC ém nhẹm, khi hồ sơ chuyển sang Bộ Tư pháp thì bộ không truy tố.

Năm 1985, Cơ quan Thuế vụ điều tra mật (nội bộ và không công bố lúc đó) và tìm ra 1,3 triệu USD giai đoạn 1980-1983 được cặp thầy - cô này dùng vào việc cá nhân, nhưng chuyện này cũng dìm luôn và công ty vẫn được hưởng chính sách miễn thuế dành cho tôn giáo. Lý do: Chính quyền Reagan lúc đó không muốn gây chuyện với thành phần cử tri cốt cán của họ.

Phải đợi đến năm 1987, khi một thiếu nữ bị Jim Bakker và một đồng phạm đánh thuốc và hãm hiếp, mọi chuyện mới tỏ. Thầy Bakker sau đó toan dùng 280.000 USD để bịt miệng cô này. Khi vỡ lở, Bakker nhường chức cho một thầy khác (Jerry Falwell) để giữ chỗ nhưng thầy này lại có ý giật nhà thờ khỏi tay Bakker. Hai bên đánh nhau giữa chợ, tay ba luôn với một thầy khác lăm le di sản nhà thờ này (Jimmy Swaggart). Thầy Swaggart này bị bắt gặp giải khuây trần thế với chị em “buôn hương” nên chuyện càng xé toạc.

Jim and Tammy Faye Bakker (Ảnh: AP)

Giảng đạo ăn tiền tại Mỹ thì không sao, không có ai dòm ngó và có biết cũng để qua. Nhưng phạm sắc giới là điều không thể tha thứ với quần chúng con chiên Hoa Kỳ với truyền thống Thanh giáo từ ngày lập quốc.

Jim Bakker “nằm ấp” 5 năm mà đọc lại Kinh Thánh thầy đã thuộc lòng. Thời gian làm nguôi ngoai mọi chuyện và hiện Bakker đang làm gì? Ông giảng đạo trên tivi với nội dung mới là sửa soạn cho ngày tận thế gần kề. Ông bán hàng khô để tích trữ phòng tương lai hung dữ này với giá khủng và tiên tri mọi chuyện trên đời. Bão Matthew tại Mỹ theo thầy là do Thượng đế trừng trị tổng thống Obama, và tiên đoán nếu Tổng thống Trump mà bị bãi nhiệm thì Hoa Kỳ sẽ lâm vào nội chiến lần thứ nhì.

Đây chỉ là một số ví dụ nổi tiếng về hiện tượng kinh doanh tôn giáo ở Mỹ. Hiện tượng này hết sức phổ thông, bạn có thể đi học trường do tôn giáo kinh doanh, chữa bệnh ở nhà thương tôn giáo, nếu chữa khỏi thì mua bán ở cửa hàng tôn giáo hay ăn nhà hàng chay tịnh của chùa nào đầu tư. Chữa không được thì chết, và chôn ở nghĩa trang tôn giáo kinh doanh. Bạn mua xe, hay mua điện thoại, hay tiêu tiền vào bất kể công ty nào chứng khoán thì biết đâu cũng làm tăng giá cổ phần cho một nhà thờ nào đó vì họ có quyền đầu tư với quỹ miễn thuế của họ. Nhà thờ nào muốn thêm tiền trang trải thì tổ chức xổ số. Thôi thì, cư sĩ tại gia. ■

Tổng “doanh thu” của lãnh vực từ thiện và không lợi nhuận (gồm cả tôn giáo và không tôn giáo) theo Cục Thuế vụ Hoa Kỳ năm 2009 là 1.400 tỉ USD, tổng tài sản là 2.600 tỉ USD. Số người có công ăn việc làm trong lãnh vực này (năm 2005) đã là 13 triệu người.

Như vậy, tại Hoa Kỳ, lãnh vực kinh tế từ thiện là một lãnh vực lớn. Để so sánh, tổng chi ngân sách liên bang năm 2009 là 3.100 tỉ USD. Lãnh vực từ thiện này không đóng thuế, thu tiền từ các dịch vụ hay đầu tư, người đóng góp được trừ thuế cá nhân và 29% doanh thu là đóng góp từ các quỹ nhà nước, liên bang hay địa phương. Trong khi không phải tổ chức từ thiện hay phi lợi nhuận nào cũng gốc tôn giáo thì tổ chức tôn giáo nào cũng phi lợi nhuận và từ thiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận