Dầu hỏa và vị thế đồng đô la

SÁNG ÁNH 26/12/2022 10:35 GMT+7

TTCT - Vai trò của đồng USD trong thương mại toàn cầu, đặc biệt liên quan tới dầu hỏa, có thể sẽ là vấn đề quan trọng nhất về kinh tế và chính trị quốc tế trong những năm sắp tới.

Dầu hỏa và vị thế đồng đô la - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Khoảng cuối tháng 8-1971, một thanh niên Mỹ mới thực tập xong 2 tháng tại một ngân hàng Pháp và đi chơi một vòng Âu châu. Sếp anh nhắn, em đừng mang tiền USD, mà nên đổi ra mark Đức, và anh nghe lời. 

Trong chuyến đi, Charles Kolb được chứng kiến dịp hiếm hoi nhiều nơi ở Âu châu, người ta không nhận đổi tiền USD. Nhắc lại và nhấn mạnh, ngân hàng và các chỗ đổi tiền nhận đổi mark Đức, nhưng không nhận đổi USD!

Sau này Kolb trở thành cố vấn về chính sách đối nội của tổng thống Bush cha và chủ tịch Ủy ban Phát triển kinh tế Hoa Kỳ. Sự kiện ngày 15-8-1971 mà Kolb trải qua là biến cố lịch sử mà người đương thời ít ai để ý. 

Những người cùng lứa với Kolb như tôi, nếu không phải đổi USD đúng vào dịp đó, thì hoàn toàn không có ký ức gì đặc biệt về ngày này.

Dầu hỏa và vị thế đồng đô la - Ảnh 2.

Các đại biểu Liên Xô, Anh, và Nam Tư ở hội nghị Bretton Woods năm 1944. Ảnh: Financial Times

Từ bản vị vàng đến bản vị đô la

Sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929, chính quyền Mỹ giới hạn tư nhân mua và dự trữ vàng. Năm 1933, tất cả người Mỹ phải nộp cho chính quyền toàn bộ số vàng họ giữ nhiều hơn 5 lạng. Số vàng này lúc đó được chính quyền ấn định giá bồi thường là 20,67 USD/lạng (sắc lệnh tổng thống 6102).

Vấn đề là bạn cầm tờ giấy in hình ông George Washington thì có gì bảo đảm giá trị 1 USD của nó? Lúc bấy giờ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trên nguyên tắc phải dự trữ số vàng bằng 40% giá trị USD được lưu hành. 

Nếu chính quyền tuân thủ nghiêm ngặt thì bà bán cá cũng biết là Mỹ được tiêu xài gấp 250% số vàng họ có trong két sắt. Nhưng nếu ai cầm USD cũng đi đòi vàng thì FED lấy đâu ra số 60% chênh lệch kia, nên phải có lệnh nói trên. 

Khi Thế chiến II ở Âu châu nổ ra, các nước như Anh hay Pháp mang vàng sang gửi Mỹ để khỏi bị Đức cướp. Hoa Kỳ ngập vàng, đeo 2-3 dây chuyền một lúc. Hiệp ước Bretton Woods lúc cuối cuộc chiến (1944) bèn quy định cố định giá trị một lượng vàng là 35 USD.

Hiệp ước đấy là mồ chôn đế quốc Anh về mặt tiền tệ. Hoa Kỳ sau Thế chiến II trở thành siêu cường mọi mặt thay Anh, và đồng USD trở thành ngoại tệ để trao đổi trên toàn thế giới. Thí dụ Hà Lan mua cao su của Malaysia thì phải đổi tiền Hà Lan sang USD để gửi đi. 

Malaysia nhận USD rồi mới đổi sang tiền Malaysia để trả lương cho công nhân cạo mủ. Đặc quyền quốc tế này khiến kinh tế Mỹ không làm gì cả vẫn hưởng khoảng 3-7% giá trị tăng trưởng toàn cầu.

Giờ nếu nhà nước Venezuela hay Zimbabwe thiếu tiền xài thì họ làm gì? Họ in thêm tiền ra thôi. Lượng tiền nhiều hơn hàng sinh ra lạm phát, tiền Venezuela hay Zimbabwe sẽ giảm giá trị tương ứng. Còn nếu Mỹ in thêm tiền thì sao? 

Vì USD được dùng làm dự trữ quốc tế, cả thế giới sẽ phải trả cái giá lạm phát cho Hoa Kỳ. Năm 1965, tổng thống Pháp Charles De Gaulle cho đó là hà hiếp. Bộ trưởng kinh tế Pháp Giscard d’Estaing thì dùng chữ "đặc quyền quá lố". Mỹ giữ vàng của mọi người, quy định giá vàng theo USD, quy định phân lời của USD để vay, rồi in tiền USD để trả nợ luôn!

Dầu hỏa và vị thế đồng đô la - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Giscard D'Estaing gặp Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ở Nhà Trắng năm 1962. Ảnh: Wikipedia

Nhưng đầu tháng 8-1971, Pháp gửi chiến hạm sang Mỹ đòi lại số vàng họ ký thác tại Fort Knox và đòi thực thi quyền đổi số USD họ đang cầm theo giá ấn định tại Bretton Woods là 35 USD/lạng. 

Năm đó, Mỹ vừa phải tiêu xài cho chiến tranh tại Việt Nam, vừa phải triển khai những phúc lợi xã hội trong chương trình cải cách lớn được thông qua bởi chính quyền Johnson. Tổng thống Nixon làm gì có đủ vàng để trả, bèn tuyên bố đơn phương vào ngày chủ nhật 15-8-1971 đình chỉ hiệp ước Bretton Woods, không nhận đổi 35 USD lấy 1 cây vàng nữa, làm gì nhau?

Đồng USD từ đó được thả nổi, không có "bản vị vàng" nữa, nhưng sau vài ngày bối rối tại Âu châu, như chàng sinh viên Kolb trải qua, thì chẳng có gì thay đổi. USD vẫn là tiền dự trữ quốc tế trên thế giới. 

Ngân hàng trung ương nào cũng phải dự trữ vàng và ngoại tệ, đa số vẫn là USD, để bảo đảm cho giá trị đồng tiền nước mình. Hiện nước dự trữ ngoại tệ nhiều nhất là Trung Quốc, với 3.300 tỉ USD. Còn chính Hoa Kỳ lại chỉ dự trữ có 237 tỉ USD thôi, bằng 1/14 Trung Quốc, và ngang với... Thái Lan. Bởi vì ta là USD thì cần gì dự trữ USD nữa, chỉ việc in ra thôi.

Chưa hết, Hoa Kỳ không thích ai thì trừng phạt và cấm vận nước đó bằng cách đuổi ra khỏi hệ trao đổi SWIFT bằng đồng USD. Như trong thí dụ trước, Hà Lan sẽ không mua cao su của Malaysia được vì không có USD.

Đây là thực tế của Iran - nước nhiều tài nguyên, nhưng khốn đốn trong 40 năm bị Mỹ phong tỏa. Tôi từng gặp một bạn Iran mua nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách mang mấy chục ký vàng trên lưng lừa vượt biên, thay vì dùng điện thoại di động chuyển ngân!

Nhờ vị trí đặc quyền của USD, nên dù nợ quốc gia chính thức của Mỹ là 31.000 tỉ USD (so với tổng sản lượng kinh tế là 23.000 tỉ), có nguồn ước tính Hoa Kỳ thật ra nợ thế giới tới 70.000-200.000 tỉ USD. Những khoản vay này không có giấy nợ như vay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mà gần như là Mỹ xài, nước khác trả.

Sẽ có những đồng tiền khác?

Dông dài về đồng USD như vậy là để nói đến sự kiện có thể sẽ là lớn nhất về kinh tế và chính trị quốc tế những năm sắp tới.

Dầu hỏa và vị thế đồng đô la - Ảnh 4.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chào đón nồng hậu ở Saudi Arabia. Ảnh: GMA Network

Trung Đông là khu vực nhiều tài nguyên dầu khí và bất cứ ai từng đặt chân hay bánh xe sang Mỹ đều biết dầu khí ở đó rẻ thế nào. Xăng dầu rẻ đến nỗi từ sau Thế chiến đến giờ, xe con ở Mỹ hầu hết đều dư thừa mã lực và hàng hóa vận chuyển bằng xe tải phung phí nhiên liệu, chứ không chơi đường sắt. 

Lối sống Mỹ là bàn giấy một nơi, hãng xưởng một nơi, nhà ở một nơi và mua sắm giải trí một nơi khác. Những nơi này nối với nhau bằng xa lộ.

Để duy trì giá xăng rẻ, Hoa Kỳ đặt trọng tâm chính sách đối ngoại tại Trung Đông, nơi có hai siêu cường dầu hỏa là Saudi Arabia và Iran. Nhưng duyên nợ Iran - Mỹ chấm dứt từ năm 1979 sau cuộc cách mạng Hồi giáo. 

Saudi trở thành cột trụ duy nhất của Mỹ, bên cạnh các nước nho nhỏ như UAE, Qatar, Kuwait... Một số nước sản xuất dầu khác tìm cách thoát ảnh hưởng của Mỹ như Iraq hay Libya sẽ lập tức bị can thiệp, bằng vũ lực nếu cần.

Rốt cuộc tới giờ dầu hỏa vẫn được định giá, trao đổi và mua bán bằng USD, nhưng tình hình có vẻ đang thay đổi. Saudi cho thấy họ cũng muốn tách dần khỏi ảnh hưởng từ Washington. 

Khủng hoảng dầu hỏa 2014-2015 khiến họ chao đảo, giá một thùng dầu từ 108 USD (tháng 6-2014) hạ xuống còn 44 USD (tháng 1-2015), khiến lần đầu tiên trong lịch sử, Saudi thâm thủng ngân sách và thu nhập không đủ tiêu dùng. 

Rồi nay khi Mỹ cấm vận Nga, họ lại muốn ép Saudi phải tăng sản lượng để giữ cho giá dầu rẻ, chuyện này ngặt nỗi đi ngược lợi ích giới cầm quyền Saudi.

Trong tình cảnh đó, đầu tháng 12-2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Saudi. Nhân cuộc viếng thăm, thái tử Saudi Mohammad bin Salman (MBS) triệu tập Hội nghị thượng đỉnh hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC) gồm 7 nước trong khu vực, và nhân tiện là Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Ả Rập với 21 nước Ả Rập. 

Kết quả đầu tiên là các thỏa thuận mua bán trị giá khoảng 30 tỉ USD giữa Saudi và Trung Quốc. Nhưng còn quan trọng hơn là khả năng thanh toán một phần các thỏa thuận này bằng nhân dân tệ. Theo phía Trung Quốc nói kiểu e lệ thì các khoản này mới chiếm 1-3% trong giai đoạn đầu. 

Họ dè dặt không phải vì ngại ai, mà chẳng qua vì Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nếu đồng USD mất giá thì chính họ cũng thiệt hại to.

Chiến tranh Ukraine và việc phong tỏa tài chính, cấm vận dầu khí Nga cũng đưa đến tình thế mới. Ba nước sản xuất nhiều dầu nhất thế giới là Hoa Kỳ, Saudi và Nga - mỗi nước khoảng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. 

Nga bị đặt ra ngoài hệ thanh toán bằng USD thì sẽ bán dầu hay bán súng bằng ngoại tệ khác, hay đổi chác cách nào đó. Còn nhớ đầu thập niên 1990, khi kinh tế Liên Xô và đồng rúp sụp đổ, có nhà máy làm bánh xe Nga từng đổi bánh xe lấy giày dép!

Trở lại thí dụ đầu tiên, không có USD thì Hà Lan sẽ đổi hoa uất kim hương lấy mủ cao su của Malaysia, và như vậy có hơi bất tiện. Sẽ có những khó khăn cần khắc phục, như chất vàng lên lưng lừa để vượt núi đi mua nhà ở nước ngoài. 

Dầu hỏa và vị thế đồng đô la - Ảnh 5.

Ảnh: Reuters

Nhưng một khi đã khắc phục rồi thì đồng USD sẽ mất vị thế quốc tế suốt 80 năm qua. Không giống Âu châu, khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có tầm độc lập nhất định, và từng nước cũng sẽ mạnh bạo hơn khi có thêm Trung Đông và Trung Á.

Lưỡng cực chính trị của thế giới trong thế kỷ trước giờ đã bước sang giai đoạn khác, tuy dựa nhiều trên trao đổi thương mại, nhưng vẫn không loại bỏ được khả năng những giải pháp bạo lực. 

Việc đồng USD có dần dà mất đi vị thế quốc tế hay không từ năm 2023 là quan trọng, tuy hẳn không được quan tâm đúng mức như lửa khói sùng sục, lật đổ ở đây hay xâm lăng ở kia. Nó sẽ bắt đầu khi có những nơi, dầu hỏa không còn dùng USD để mua bán nữa.■

Ở Nam Cali, tôi lái xe trung bình một tháng 3.000km, đi làm, đi chợ và về nhà thôi là 100km mỗi ngày. Lối sống cá nhân chủ nghĩa mà cả thế giới ngưỡng mộ này chỉ khả thi khi giá nhiên liệu rẻ. Nếu nó không rẻ thì xã hội Mỹ đã khác hẳn.

Nói ví dụ, 70 năm qua nước Mỹ chắc đã phải phát triển chung cư, xây dựng hệ thống chuyên chở công cộng và hỏa xa, hay người da đen và người da trắng đã phải ở lẫn lộn gần nhau rồi, chứ chẳng có những khu nhà theo sắc tộc như hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận