TTCT - Có nhiều công trình nghiên cứu và điều trị bệnh đột quỵ được quốc tế thừa nhận, nhưng TS.BS Nguyễn Huy Thắng - tổng thư ký Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM - cho rằng thành tựu kỹ thuật cao chỉ phục vụ số ít bệnh nhân. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2), trao đổi với TTCT, bác sĩ Thắng khẳng định Việt Nam cần làm tốt hơn trong công tác điều trị những bệnh căn bản thay vì mải chạy theo những “đỉnh cao” trong kỹ thuật điều trị. TS.BS Nguyễn Huy Thắng thăm bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Thuận ThắngCần ưu tiên giải quyết số đông* Nói về thành tựu của y học VN gần đây có báo cáo về việc chữa thành công một số ca cực khó và hiếm mà trên thế giới cũng phải thừa nhận. Trong khi đó, những bệnh thông thường chúng ta vẫn giải quyết chưa xong. Có gì mâu thuẫn ở đây không, thưa bác sĩ?- Tôi thật sự không thấy thoải mái khi nói về chuyện đạt được đỉnh cao này kia trong ngành y tế. Bởi vì nếu ứng dụng kỹ thuật cao điều trị được bệnh khó cũng là điều mừng, nhưng chỉ 5% người được hưởng lợi, còn 95% bệnh nhân không có điều kiện thì sao?Đạt được đỉnh cao về kỹ thuật điều trị là cần thiết, nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được bệnh của số đông. Câu chuyện bệnh nhân nằm chung giường, việc chăm sóc, điều trị thường ngày và dự phòng... mới là vấn đề khó mà ngành y cần phải giải quyết.Ví dụ hiện nay chúng tôi có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị đột quỵ mới mà một số nước trong khu vực như Singapore vẫn chưa triển khai được, tuy nhiên số bệnh nhân được hưởng lợi từ các kỹ thuật này là rất nhỏ, chỉ khoảng 3% trong tổng số các bệnh nhân đột quỵ. Như vậy chúng ta có thể có ưu thế hơn họ ở con số 3% đó, nhưng 97% còn lại thì chúng ta thua hoàn toàn.Và cũng không thể không nói đến đồng lương, kiểu như hiện nay thì làm sao bác sĩ không tìm cách làm thêm, mở phòng mạch... Tám tiếng ở bệnh viện, bốn tiếng ở phòng mạch thì còn đâu sức lực, thời gian... Tất cả những cái này đều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.Đối với tôi, niềm mơ ước lớn nhất là xây dựng được một bệnh viện sạch đúng nghĩa, chưa nói đến hiện đại. Người ta nói sạch như bệnh viện kia mà. Nói về kế hoạch tương lai, tôi mong muốn có thể xây dựng một trung tâm đột quỵ chuẩn mực tại TP.HCM. Trung tâm này sẽ làm đủ chức năng phòng ngừa, điều trị và phục hồi. Nơi này sẽ là trung tâm cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp cả nước.Tất nhiên sẽ chú trọng đến con số 95% như tôi đã nói ở trên chứ không phải 5%.* Nhưng ngành y hiện nay đang phải ứng phó với quá đông bệnh nhân, một trong những nguyên nhân được cho là làm ảnh hưởng chất lượng điều trị?- Tôi xin lấy một so sánh. Tại Bệnh viện Trường đại học Quốc gia Singapore, với đội ngũ tương tự chúng tôi ở đây, một năm chữa trị khoảng 1.000 ca bệnh, trong khi chúng tôi phải giải quyết gấp tám lần con số đó như trong năm 2013 vừa qua. Với số lượng như vậy khó có thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ như họ.Ở một số bệnh viện tuyến cuối, với phòng bệnh diện tích mười mấy mét vuông phải chứa mười mấy bệnh nhân, trong khi ở các nước chỉ 2-3 bệnh nhân. Làm nhiều như vậy sai sót sẽ dễ xảy ra. Sai sót trong điều trị, trong giao tiếp, trong cách thức giải thích với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.Trong sai sót có hai loại: sai sót ngoài tiên liệu của bác sĩ và sai sót do trình độ chuyên môn, do sai lầm. Trên thế giới sai sót ngoài tiên liệu của bác sĩ vẫn xảy ra, điều này cần được chấp nhận ở mức độ. Còn sai sót không thể chấp nhận được và đáng lo ngại là sai sót do điều trị sai dù đã có những khuyến cáo...So sánh với một số nước gần chúng ta, đội ngũ bác sĩ giỏi không phải là quá nhiều, quá nổi trội hơn so với ta. Nhưng ở họ, sự đồng đều về trình độ chung của các bác sĩ thì cao hơn ta nhiều, do vậy chất lượng điều trị ở tất cả bệnh viện luôn được bảo đảm.Bài toán quá tải khó giải, bởi phải làm sao cho việc điều trị ở tất cả tỉnh thành, thậm chí kể cả ở cấp địa phương thấp hơn là quận huyện, phải như nhau, phải điều trị được những bệnh căn bản. Làm sao để khi công bố một kỹ thuật điều trị mới thì nhiều bệnh viện đều có thể ứng dụng. Nhiều năm cộng tác với TS.BS Nguyễn Huy Thắng, tôi biết anh là người rất có khả năng nghiên cứu khoa học và là một bác sĩ luôn tôn trọng, quý mến bệnh nhân. TS Thắng là người có nhiều năm nghiên cứu về bệnh đột quỵ, một căn bệnh nguy cơ tử vong rất cao. Công trình thành công đáng quan tâm là sử dụng kỹ thuật thuốc tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhân đột quỵ.Theo tôi biết, kỹ thuật này đã được ứng dụng trên 500 bệnh nhân. TS Thắng còn cộng tác nghiên cứu một số công trình với quốc tế và được thừa nhận. Những hoạt động nghiên cứu mạnh mẽ của TS Thắng và các đồng nghiệp khác ở TP.HCM đã lan tỏa ra cả nước, cộng tác với các bệnh viện khác giúp cứu nhiều bệnh nhân là rất đáng trân trọng.GS.TSLê Đức Hinh(chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam)Chúng ta đang lạm dụng thủ thuật* Như vậy vấn đề chính vẫn là chuyện đào tạo?- Phải nói thẳng là chất lượng đào tạo ở các trường đại học y khoa của chúng ta chênh lệch nhau quá nhiều, có lẽ do sức ép cần phải có đủ số lượng bác sĩ cho xã hội. Chạy theo số lượng nên phải trả giá đắt. Điều làm tôi rất lo lắng là thế hệ bác sĩ kế tiếp.Ngành y liên quan mật thiết đến sức khỏe con người mà không được coi trọng về đào tạo là quá nguy hiểm. Đào tạo 5-6 năm ra một bác sĩ chỉ mới là căn bản, nhiều bác sĩ học thêm hai năm chuyên khoa vẫn chưa thể điều trị được bệnh, rõ ràng có vấn đề. Cái thiếu ở đây chính là kinh nghiệm thực tế. Lý thuyết học được ở nhà trường và thực tế điều trị là một khoảng cách.Thực tế bác sĩ phải tự đào tạo, tự trau dồi rất nhiều, nếu không sẽ lạc hậu, tụt hậu với những tiến bộ trong y khoa. Hơn nữa, không phải cứ làm nhiều là giỏi lên đâu. Bác sĩ làm nhiều chưa chắc đã giỏi vì điều đó chỉ mới là cải thiện kỹ năng. Bác sĩ còn phải tư duy, nghiên cứu, tham khảo, kiểm chứng... để có hướng giải quyết tốt nhất cho bệnh nhân.Chúng ta có khuynh hướng chú trọng quá nhiều vào việc chỉ định các thủ thuật, thậm chí đang lạm dụng. Có nhiều chỉ định dùng thủ thuật được đưa ra vội vã khi chưa dùng những chỉ định ít xâm hại cơ thể bệnh nhân trước. Tôi biết và nghe nhiều trường hợp bác sĩ chưa khám cho bệnh nhân, mới nghe bệnh nhân kể bệnh đã chích cho một mũi thuốc...Ở một số nước tiến bộ về y khoa như Singapore hay Mỹ, họ rất ít can thiệp vào cơ thể người bệnh. Nguyên tắc đầu tiên và hàng đầu là càng ít đụng chạm, ít xâm phạm gây hại đến cơ thể bệnh nhân, ít ảnh hưởng, ít thương tổn đến bệnh nhân nhất càng tốt. Bác sĩ chưa biết có thể chữa khỏi cho bệnh nhân hay không, nhưng nguyên tắc trước tiên phải là không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.Khi can thiệp là giải pháp cuối cùng và phải xem xét đến lợi ích cho bệnh nhân trong từng trường hợp cụ thể.* Những cọ xát và thực tế trong quá trình tu nghiệp đã mang đến cho ông những chiêm nghiệm gì, thưa bác sĩ?- Phải nói là sau khi đi tu nghiệp ở nước ngoài về, tôi thay đổi rất nhiều trong cách thức điều trị. Trước khi đi học ở nước ngoài, tôi không ít lần tự truy vấn chính mình về cách thức điều trị. Tôi tự hỏi liệu mình có máy móc quá không? Mình có làm theo công thức quá không? Liệu có cách nào giải quyết tốt hơn?Tôi thấy thường chúng ta ít cố gắng tìm ra cơ chế gây bệnh mà chỉ làm theo những gì sẵn có. Một bệnh nhân bị sốt, chúng ta điều trị sốt thì không có ý nghĩa gì cả. Quan trọng là phải tìm ra cơ chế gây bệnh để trị tận gốc. Khi nghe tin tôi đi học, có người nói nửa đùa nửa thật rằng trị đột quỵ cần gì phải qua tận Singapore hay Mỹ vì họ cũng chỉ dùng aspirin để điều trị như chúng ta thôi.Đi học về tôi mới thấy chúng ta thường dùng một công thức cho tất cả bệnh nhân mà ít dành nhiều thời gian xem xét đến cơ chế gây bệnh nên không giải quyết tận gốc được nguyên nhân. Ví dụ đối với một người đột quỵ, bác sĩ phải nắm được quá trình bệnh từ lúc nhập viện đến khi xuất viện, nắm được tại sao bị đột quỵ, nguyên nhân gì, kế hoạch điều trị ra sao, phòng ngừa thế nào để tránh tái đột quỵ...Người ta có thể nói nhờ thiết bị hiện đại, nhưng theo tôi, cốt lõi vẫn là con người. Nhiều năm nay chúng ta đầu tư nhiều cho máy móc thiết bị nhưng quên đầu tư vào con người. Mua sắm thiết bị bây giờ không phải là điều khó, cái khó là người sử dụng nó. Tôi biết một vài bệnh viện mua máy về rồi để đó cho oai chứ không có người sử dụng, hoặc chỉ sử dụng phần nào thôi.Khi đi học ở Mỹ tôi từng sửng sốt chứng kiến một bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tình trạng liệt nửa người hoàn toàn, sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho thuốc điều trị, không lâu sau bệnh nhân cử động được và hết liệt. Làm sao họ làm được như vậy mà chẳng cần biện pháp can thiệp gì ghê gớm?Tôi học và hiểu được rằng để làm được điều đó không hề dễ bởi ngoài áp dụng kỹ thuật mới, người ta khi đưa ra bất kỳ loại thuốc chữa trị nào cũng dựa trên cơ sở y học chứng cứ rất rõ ràng. Người ta rất trọng y học chứng cứ. Những loại thuốc đưa ra điều trị đó đã trải qua nghiên cứu và chứng minh thực tiễn.Chúng ta có quá nhiều trường hợp dùng thuốc theo quảng cáo. Không thể chấp nhận việc sử dụng thuốc theo quảng cáo được. Bác sĩ phải biết tra cứu, tham khảo bởi vì một phương pháp hôm nay có thể áp dụng được nhưng ngày mai có thể đã lạc hậu.Tôi thấy ngay từ trên ghế nhà trường người ta đã nhấn mạnh yếu tố tra cứu, nghiên cứu. Sinh viên y khoa phải biết “nghi ngờ”, không nên tin tuyệt đối vào lời nói của một ai cả mà phải dựa vào các chứng cứ y học từ nghiên cứu, tra cứu, tham khảo, kiểm chứng của chính mình. Đừng cứ thầy nói bệnh A thì cho thuốc A, rồi cứ thế ghi vào sổ rồi mà áp dụng...* Vậy phải làm gì để cải thiện chất lượng đào tạo?- Phải có đội ngũ giảng viên giỏi. Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Vấn đề hiện nay của chúng ta là làm sao có được đội ngũ thầy giỏi, những người giỏi nhất. Một trong những giải pháp, theo tôi, là làm sao càng có nhiều bác sĩ đến các nước có nền y khoa tiên tiến tu nghiệp càng tốt. Trăm nghe không bằng một thấy. Chúng ta được chứng kiến, được tham gia một quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân ở đó sẽ hơn gấp trăm lần những bài giảng hay thuần lý thuyết.Bác sĩ của chúng ta cũng hiếm có cơ hội để dự hội nghị quốc tế, mà theo tôi ở đó mới học được nhiều vì rất nhiều giáo sư, nhiều bộ óc giỏi nhất thế giới hội tụ ở đây. Chi phí cho những hội nghị đó rất đắt đỏ nên cơ chế chúng ta cho phép tham dự thế nào? Bác sĩ nào tự bỏ tiền ra đi dự? Rồi cơ chế cho bác sĩ đi du học nước ngoài cũng là vấn đề.Chúng ta thường cho bác sĩ đi khi có được học bổng y tế cộng đồng, có suất nào thì gửi suất đó... Ở nước ngoài, nếu thấy cần thiết phát triển một chuyên ngành nào đó, bệnh viện gửi bác sĩ đi học và gửi thẳng đi học ở một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đó của thế giới, như vậy chất lượng đào tạo mới đạt được cao nhất.* Xin cảm ơn bác sĩ.Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng tốt nghiệp tiến sĩ chuyên khoa thần kinh năm 2012, tu nghiệp chuyên ngành đột quỵ tại Bệnh viện Trường đại học Quốc gia Singapore (NUH) 2005-2006, chuyên ngành đột quỵ tại Bệnh viện Trường đại học Alabama (UAB), Hoa Kỳ 2007-2008.Các báo cáo quốc tế: Điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch tại Việt Nam; báo cáo tại Hội nghị thần kinh Hong Kong năm 2011; Điều trị can thiệp nội mạch trên bệnh nhân đột quỵ cấp; báo cáo tại Hội nghị đột quỵ châu Á - Thái Bình Dương, Hong Kong năm 2013; Đột quỵ trên người trẻ; báo cáo tại Hội nghị đột quỵ châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức tại Đài Loan 2014.(*): “First, do no harm”, trích trong Lời thề Hippocrates Tags: Bệnh viện Nhân dân 115Đầu tiên là không gây hạiLời thể HippocratesTS.BS Nguyễn Huy ThắngĐiều trị đột quỵY học cho số đông
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Phó tổng thống Philippines: đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.