Để có những EURO như hôm nay

HÀ QUANG MINH 12/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Thứ tiêu biểu và dễ hiểu nhất để mô tả toàn cầu hóa có lẽ chính là bóng đá. Bóng đá hiện đại đã xóa sạch mọi đường biên của chủ nghĩa bản sắc và thay vào đó là sự kế tục của các thế hệ toàn cầu, bất kể chủng tộc, quốc gia hay văn hóa…

Đã quá lâu rồi, chúng ta không còn thấy sự khác biệt trời bể giữa các đội tuyển quốc gia hay các câu lạc bộ đỉnh cao. 

Dù vẫn còn những khác biệt về tư duy chơi bóng cá nhân - kiểu như người Nam Mỹ, người Latin sẽ có xu hướng khéo léo hơn so với người Anh, nhìn chung bóng đá hiện đại đã trở nên đồng dạng hơn rất nhiều.

Dietrich Weise dẫn dắt đội U18 Đức vô địch châu Âu năm 1981. Ảnh: dfb.de

 

Từ từng viên gạch đến Vạn lý trường thành

Điều này thể hiện rõ ở xu hướng chiến thuật, khi mọi HLV giờ đều có thể tiếp cận nguồn kiến thức phong phú, đa dạng, và khổng lồ từ những người đi trước cũng như cùng thời. 

Sự xóa nhòa (chứ không phải đánh mất) bản sắc đó có thể khiến người hoài cổ cảm thấy tiếc nhớ thứ bóng đá của những World Cup hay Euro xưa cũ, nhưng mặt tích cực là chúng ta được xem nhiều trận cầu hay hơn, đa dạng ý tưởng hơn và khoảng cách trình độ giữa các đội bóng cũng thu hẹp hơn.

Để có những trận đấu hấp dẫn về chiến thuật, những giải đấu căng thẳng đến nghẹt thở như vậy, rất nhiều thế hệ HLV đã tiếp nối nhau phát triển các ý tưởng sơ khởi của nhiều người đi trước. 

Họ chọn lấy từng viên gạch nền tảng đầu tiên ấy để xây nên một bức tường riêng cho mình, rồi kết nối bức tường ấy với các đồng nghiệp khác, dần hình thành nên một “Vạn lý trường thành” của túc cầu.

Sẽ khó có thể kể hết những cái tên đã đặt những viên gạch nền tảng cho bóng đá hiện đại hôm nay, nhưng nếu cần phải nhắc vài người tiêu biểu, chúng ta khó có thể bỏ qua Viktor Maslov, Valeriy Lobanovskyi, Rinus Michels, Johan Cruyff, Arrigo Sacchi, Dietrich Weise, hay Laureano Ruiz.

Trái kèo

Vào những thập niên 1950 hay 1960, sẽ là rất kỳ lạ nếu một tiền đạo trái lại thuận chân phải hay ngược lại. Ngày xưa, mặc định ai thuận chân nào sẽ đá biên bên đó. 

Bernd Holzenbein là người khiến Hà Lan phạm lỗi dẫn tới quả penalty quyết định cho Đức trong trận chung kết World Cup 1974. Ảnh: The18

 

Còn bây giờ, lối sắp xếp “trái kèo” ấy đã trở nên phổ biến, tùy vào ý đồ của HLV. Nếu một cầu thủ được yêu cầu bám biên và tạt bóng, anh ta sẽ chơi ở biên cùng chiều với chân thuận. 

Ngược lại, nếu nhiệm vụ của anh ta là từ biên cắt vào trung lộ, trở thành mũi nhọn săn bàn, anh ta sẽ đá “nghịch biên”.

Trận mở màn Euro kỳ này giữa Ý với Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ là một trường hợp như vậy. Tiền vệ - tiền đạo cánh Domenico Berardi của Ý thuận chân trái và nếu được ra sân, khả năng cao là HLV Roberto Mancini sẽ xếp anh đá bên phải. 

Khi Berardi băng cắt vào trung lộ, nếu dứt điểm bằng chân thuận, sút góc gần hay nhắm góc xa đều thuận tiện cho cái chân trái ấy; đặc biệt là những cú bẻ vào góc xa, nơi đồng đội của anh, tiền đạo Lorenzo Insigne (vốn thuận chân phải) có thể áp sát cột hai và đệm bóng tung nóc lưới.

Người đầu tiên đặt nền tảng cho lối chơi trái kèo này là Weise, một HLV người Đức. Sinh ra và lớn lên ở Đông Đức cũ, năm 1958, ông di cư sang Tây Đức. 

Weise đã góp công lớn cho chức vô địch thế giới năm 1974 của tuyển Đức, qua vai trò của Bernd Holzenbein - tuyển thủ quốc gia lúc đó đang chơi cho CLB mà Weise dẫn dắt, Eintracht Frankfurt.

Khi ấy, Đức có rất nhiều tiền đạo phải xuất sắc. Uli Hoeness chạy như một cái máy. Jürgen Grabowski tạt bóng như đặt. 

Weise bèn nảy ra một ý tưởng để Holzenbein có thể cạnh tranh. Ông nói với cầu thủ này trong một buổi tập: “Để xem thử điều gì sẽ xảy ra nếu cậu chuyển sang biên trái?”. 

Nói là làm, ông dạng chân ra, đóng vai một hậu vệ phải án ngữ trước mặt Holzenbein, rồi giải thích: “Khi cậu tấn công cắt vào trong từ biên trái, chân thuận của cậu sẽ tấn công trực tiếp vào chân không thuận của hậu vệ biên phải”.

Holzenbein lập tức tiếp thu ý tưởng mới này. Phong trào đá nghịch biên bắt đầu hình thành ở Bundesliga. 

Trong trận chung kết World Cup 1974, chính Holzenbein đã hành hạ hậu vệ phải Wim Jansen của Hà Lan bằng lối đá ấy. Jansen cuối cùng phạm lỗi với Holzenbein trong vòng cấm địa khi rơi vào thế bất lực. 

Quả penalty gỡ hòa 1-1 chính là bước ngoặt để Đức lên ngôi vô địch trong sự cay đắng của Rinus Michels. Người thực hiện quả penalty là Paul Breitner, một hậu vệ biên trái... thuận chân phải. 

Weise, mới qua đời tháng 12-2020 ở tuổi 86, hẳn không ngờ ý tưởng sơ khởi của ông giờ lại phổ biến như thế trong bóng đá hiện đại, trong hình hài của những Cristiano Ronaldo, Angel Di Maria, Gareth Bale, Kylian Mbappé..., toàn những siêu sao đẳng cấp thế giới.

Tổng lực và tuyến nghiêng

Michels cũng là con người đặt một trong những viên gạch đầu tiên cho chiến thuật bóng đá hiện đại. Trước thời của ông, bóng đá là một môn chơi tập thể nhưng đậm dấu ấn cá nhân. Michels suy nghĩ khác. 

Rinus Michels (trái) và Johan Cruyff, hai huyền thoại của bóng đá Hà Lan. Ảnh: Eurosports

 

Ông tạo dựng nên một triết lý vĩ đại sau này thành sách giáo khoa cho mọi HLV.

Đó không chỉ là “Total Football”, một từ nên được dịch là “bóng đá toàn tấu” hay “bóng đá tất tay” hơn là “tổng lực”. Total Footbal chỉ là cái vỏ thể hiện bên ngoài. 

Sáng tạo then chốt của Michels là các phương pháp “gầy dựng tập thể” (team building). Ý niệm này của ông chú trọng vào xây dựng chiến thuật tập thể, bao gồm 3 mảng: xây dựng tổ chức, xây dựng chiến lược và xây dựng chiến thuật.

Từ nền tảng này, Total Football mới có đất phát triển và sau này, lối đào tạo của Hà Lan mới đi theo công thức “tạo ra những cầu thủ có thể chơi ở mọi vị trí”. 

Từ đó, Michels đã khơi nguồn cho rất nhiều điều mới mẻ còn thể hiện ở bóng đá hiện đại bây giờ: lối chơi tạo áp lực chủ động (pressing), đôi khi tới mức cực đoan, ngay cả trên phần sân đối phương lúc không có bóng, với những truyền nhân lừng lẫy ngày nay là Jürgen Klopp, Pep Guardiola, Thomas Tuchel...

Trong các gương mặt tạo nên diện mạo bóng đá hiện đại hôm nay, Michels xứng đáng xếp ở vị trí “túc cầu minh chủ”. 

Chính Sacchi, nhà cách mạng chiến thuật của bóng đá Ý, từng nói: “Nếu có một cuộc cách mạng chiến thuật đúng nghĩa thì đó phải là cuộc cách mạng của Rinus Michels. Ông ấy biến bóng đá từ một môn chơi cá nhân thành một môn chơi đồng đội đúng nghĩa”.

Sacchi cũng là một đại diện tiêu biểu. Thời của ông, Đức nổi danh với thứ bóng đá kèm người, Ý thì có đặc sản phòng thủ khu vực, và Hà Lan lừng lẫy với pressing dùng bẫy việt vị. 

Khác biệt Đức - Ý nằm ở vai trò của libero. Một libero Ý sẽ chỉ ở sân nhà, làm chốt chặn sau cuối của hàng thủ, trong khi một libero Đức cơ động trên trục dọc sân và thay đổi vai trò rất nhanh từ thủ sang công và ngược lại. 

Sacchi nhìn thấy bóng đá Ý sẽ chậm lại so với các đối thủ nếu cứ gìn giữ mãi một triết lý đã bắt đầu lạc hậu. Ông học cách pressing từ Michels và Cruyff, rồi kết hợp nó với lối phòng ngự khu vực của Ý để tạo nên thứ bóng đá “phong tỏa không gian định tuyến theo bóng” (ball-oriented spatial coverage).

Chính điều đó tạo ra những chuyển biến chiến thuật sau này với cái gọi là “tuyến nghiêng”. Định tuyến theo bóng sẽ chia sân thành hai phần cơ bản theo chiều dọc: bên có bóng và bên không có bóng. 

Khi pressing, quân số cũng như hình dạng đội hình sẽ có thiên hướng dồn về bên có bóng để vừa tạo lợi thế số đông, vừa bóp nghẹt lại không gian thi triển của đối thủ. Ý niệm của Sacchi ngày nay thể hiện ở 100% đội tuyển và CLB đỉnh cao. Đội nào không tạo “tuyến nghiêng”, đội ấy chỉ có nước thua sấp mặt.

Đào tạo trẻ

Một người nữa cũng nên được nhắc tên dù không phải là một chiến lược gia khai chi lập phái là Ruiz, HLV đội năng khiếu ở lò La Masia danh tiếng hồi những năm 1970 và 1980. 

Những tài năng lớn nhất của Barcelona đều xuất thân từ lò La Masia. Ảnh: goal.com

 

May mắn cho bóng đá là khi Cruyff đến Barca, Ruiz đã ở đó và triển khai một giáo trình sau này được coi là “thánh kinh đào tạo trẻ”. 

Ruiz nhận ra rằng phải cho những cầu thủ có năng khiếu tập quen với chiến thuật ngay từ nhỏ. Ông cho các cầu thủ nhí chơi theo sơ đồ đội hình mà các đội chính Barca vẫn chơi.

Rồi còn phải kể bài tập tuyệt vời nhất của ông: Rondo, được đặt tên theo một thể thi ca với những câu lặp, đoạn lặp - trong đó các đường chuyền được lặp đi lặp lại, mà sau này chúng ta gọi là đá ma hay đá banh khờ. 

Nhờ đó, cầu thủ sẽ quen với chơi một chạm và ba loại đường chuyền cơ bản: chuyền an toàn, chuyền qua một người và chuyền qua khe hai người, để rồi xây dựng một lối chơi vừa an toàn, vừa tốc độ và đảm bảo khả năng mang lại chiến thắng.

Điểm lại một vài tên tuổi xưa đó là để nêu ra câu hỏi: Sẽ ra sao nếu đến tận Euro 2020 này, các đội bóng vẫn chơi với tốc độ của năm 1960? 

Đừng nói là cảm xúc sẽ thế này thế kia. Nó không giống hoài niệm của chúng ta đâu. Nó tẻ ngắt, nó rề rà, nó như phim truyền hình... Ấn Độ vậy.

Sẽ không thể kể hết được những người góp phần định hình diện mạo bóng đá hiện đại hôm nay. 

Nhưng ở thời điểm Euro 2020 này, cũng nên nhắc lại tên vài người, để hiểu, bóng đá cũng như mọi thứ trong xã hội, đều phát triển nhờ vào những kế tục, học hỏi, sẻ chia mà không ngần ngại gì các khác biệt về dân tộc, văn hóa, chính trị hay vùng miền...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận