TTCT - Dù mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin luôn tự hào là công cụ đem mọi người lại gần nhau hơn, nhiều người dùng trẻ tuổi đang cảm thấy ám ảnh bởi tiếng chuông báo liên tục trên điện thoại và kiệt sức vì nghĩa vụ trả lời các cuộc hội thoại trực tuyến đôi khi không có điểm dừng. Ảnh: Irish TimesHậu quả của hiện tượng “lo âu khi tin nhắn đến” là tốc độ phản hồi tin nhắn, email ngày càng chậm và có lúc bị lãng quên luôn giữa một rừng “thông báo” chưa một lần mở ra. Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng “tiếp xúc quá nhiều với thông tin có thể làm giảm khả năng phản hồi của người dùng vì họ bị quá tải” - theo báo The Guardian.Senait Lara (28 tuổi) nhiều lần bị quở là kém năng nổ trong các nhóm chat trên mạng của hội bạn: vài ngày cô mới “trồi lên” một lần, và ngay cả khi xuất hiện thì hầu như cũng không nói gì mà chỉ “thả tim” các tin nhắn của bạn bè rồi đi ra. Đôi khi, Lara thừa nhận, cô chỉ muốn ném điện thoại vào một góc và trốn khỏi các tin nhắn đến dồn dập. Sau khi tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn, Lara biết cảm giác lo lắng đó xuất phát từ tâm lý muốn làm hài lòng tất cả mọi người. Cô vẫn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện mặt đối mặt với mọi người, nhưng những trao đổi qua tin nhắn hoặc email khiến Lara chỉ muốn buông xuôi.Lara thuộc Thế hệ Y - những người sinh từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990, vốn được truyền thông mô tả là “thế hệ kiệt sức”. Họ lớn lên khi công nghệ đã cho phép công việc, thông tin và các giao tiếp xã hội bám theo mình khắp mọi nơi. Đại dịch COVID-19 và xu thế làm việc từ xa càng khiến ranh giới giữa công việc và đời tư thu hẹp chỉ còn vài bước chân từ giường ngủ đến bàn làm việc. Khoảng cách giữa tin nhắn đời tư và tin nhắn công việc cũng chỉ còn là những tiếng “ping” cộc lốc trên điện thoại.Một khảo sát của Kantar cho thấy số lượng tương tác trên mạng xã hội đã tăng 61% kể từ đầu dịch, nhưng có đến 73% trong số người được hỏi tỏ thái độ không thiện cảm đối với mạng xã hội. Một nghiên cứu khác của Klaviyo cho thấy một người Mỹ trung bình có 47 tin nhắn và 1.602 email chưa đọc dù dành đến 4,2 tiếng mỗi ngày trước màn hình điện thoại. “Điều này cho thấy mọi người đang dành nhiều thời gian hơn trên điện thoại mà vẫn có ít thời gian hơn để hoàn thành các cuộc trò chuyện (trực tuyến)” - The Guardian nhận xét. Trung bình, một người dùng điện thoại thông minh năm 2021 kiểm tra điện thoại của mình 262 lần/ngày, tăng hơn 3 lần so với chỉ 80 lần/ngày vào năm 2016, theo trang Reviews.org.Với tần suất tiếp xúc công nghệ dày đặc như vậy, cảm giác quá tải là dễ hiểu. Dần dà, những người gặp hiện tượng “lo âu khi tin nhắn đến” sẽ giảm dần hoặc ngừng hoàn toàn việc trả lời các cuộc trò chuyện trực tuyến với người quen, bạn bè hay thậm chí là người thân trong gia đình.Nhưng càng né tránh thì cảm giác lo lắng càng tồi tệ hơn: nhiều người không thể chịu nổi khi nhìn thấy số tin nhắn và email “tồn kho” ngày càng tăng. Kevin Schoenblum (25 tuổi) cứ mỗi tuần 1 lần phải xóa bỏ hàng loạt các email hoặc tin nhắn chưa đụng đến để không phải thấy những con số màu đỏ ám ảnh trên màn hình điện thoại, dù có thể phải chấp nhận bỏ lỡ một số thông tin quan trọng. “Ý nghĩ rằng tôi nợ ai đó một lời hồi đáp hoặc ai đó đang chờ đợi phản hồi từ tôi tạo ra một vòng luẩn quẩn của cảm giác tội lỗi xen lẫn xấu hổ và căng thẳng” - Schoenblum nói.Để giải quyết tình trạng này, phó giáo sư tâm lý tại Đại học New York Emily Balcetis khuyên mọi người nên tập thói quen tạo ra các ranh giới trong giao tiếp qua mạng, bắt đầu từ những việc đơn giản sử dụng đồng hồ báo thức truyền thống để hạn chế đặt điện thoại gần giường ngủ. Việc tránh tiếp xúc với công nghệ vào khung giờ nghỉ ngơi có thể “cho não bộ một khoảng thời gian tĩnh lặng trước khi ngủ, giúp bắt đầu ngày mới nhẹ nhàng hơn,” Balcetis giải thích.Nhiều người bị thôi thúc kiểm tra và trả lời email bên ngoài giờ làm việc vì áp lực giữ hình ảnh nhân viên gương mẫu, nhưng Balcetis khuyên nên đặt ra ranh giới rõ ràng và dùng tính năng trả lời tự động để thông báo cho người gửi biết khung giờ mình không thể phản hồi. “Rốt cuộc thì những gì chúng ta đang tìm kiếm không phải là nhiều cách hơn để duy trì kết nối với nhau, mà là những cách kết nối có chất lượng hơn” - Balcetis kết luận. Tags: Tâm lýEmailTin nhắnGiao tiếpChatTrao đổi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.