Đi tìm con dấu cũ

QUỲNH HƯƠNG 05/06/2008 20:06 GMT+7

TTCT - Hơn 15 năm nay, có một người đàn ông âm thầm bỏ tiền túi lặn lội khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng sông nước đến vùng rừng núi xa xôi để sưu tầm cho kỳ được một loại cổ vật độc đáo: những ấn, triện của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Phóng to
Ông Phẩm bên những con dấu quí giá nhất của mình

Bộ sưu tập con dấu xưa được xem là có một không hai này đang được trưng bày tại căn nhà nhỏ nằm trong hẻm 220 Lê Văn Sĩ, quận 3, TP.HCM của ông Nguyễn Văn Phẩm.

Hơn 400 con dấu xưa hình chữ nhật, hình vuông được đúc bằng đồng và ngà được ông Phẩm xếp ngăn nắp trong từng khung tủ kính theo từng triều đại: từ thời nhà Lê, nhà Hậu Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn... Đủ mọi loại con dấu, từ những con dấu uy quyền của các vị tướng quân cách đây 400-500 năm đến những con dấu cách đây 100-200 năm thời Pháp thuộc của các viên quan lại...

Dấu ấn lịch sử, dấu ấn đời người

Những con dấu của ông Phẩm có từ cấp thấp nhất là lý trưởng, chánh tổng... rồi đến châu, huyện lên đến phủ, trấn... và những ấn triện quyết định sinh mệnh của cả một đội quân của các quan tả quân, đô đốc, đại đô đốc, đề đốc... Ấn thời Tây Sơn có hình chữ nhật, “chui vồ, thắt đáy”, còn ấn triều Nguyễn có cả hình vuông lẫn hình chữ nhật, chức càng to thì ấn càng to và trên chuôi có khắc họa hình con lân.

Ông Phẩm nói nhìn con dấu là có thể biết được chức tước, uy quyền của những vị quan, tướng ngày xưa. Những nét chạm trổ, sự kỳ công tinh vi trong khắc họa con dấu còn thể hiện uy thế của vị quan được cấp. Con dấu vô tri kia là vật gắn liền với sinh mệnh chính trị, quyền lực của tước phẩm từng người trong mỗi thời kỳ lịch sử. Một cái ấn xuống của nó cũng có thể gián tiếp làm cho hàng vạn con dân rơi vào cảnh lầm than, cơ cực, những vương tôn, công tử rơi vào vòng lao lý và con dấu có khi cũng làm cho chính chủ nhân của nó và thân tộc khốn đốn, ngục tù.

Chỉ cho tôi xem chiếc Thiên Trường phủ ấn (con dấu của phủ Thiên Trường - nay thuộc tỉnh Nam Định) được đúc vào năm 1628 (năm Vĩnh Tộ thứ mười, thuộc nhà Hậu Lê), ông Phẩm nói để sở hữu được chiếc ấn này, ông phải bỏ công đi lại cả chục lần, nài nỉ người chủ sở hữu để mua với một số tiền lớn.

Ông Phẩm rất tự hào và hãnh diện khi mua được con dấu này vì phủ Thiên Trường từng được xem là kinh đô thứ hai của nhà Trần và cũng là một trong những cái nôi văn hóa thời nhà Lê. Chiếc ấn này từng gián tiếp đóng những con dấu sinh mệnh, chứng nhân cho sự đổi thay quyền lực giữa nhà Lê và nhà Trần.

Trong bộ sưu tập con dấu xưa của ông Phẩm còn có những con dấu được xem là quí giá nhất mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử phải nhờ nó mới hoàn thành được những công trình nghiên cứu lịch sử của mình.

Ông Phẩm bảo dù có bận rộn công việc thế nào mỗi ngày ông vẫn dành vài giờ để lau chùi và ngắm nhìn những con dấu cổ. “Tôi chỉ muốn làm một người lưu giữ lại lịch sử bằng những con dấu cổ. Ấn, triện ra đời khi có nhà nước, có luật pháp, có đồng tiền... Do vậy, những ấn, triện là dấu ấn rõ nhất cho sự phát triển của nền hành chính công, của nhà nước pháp quyền trong các thời kỳ lịch sử. Nhưng quan trọng hơn, những con dấu nhỏ nhắn này còn là dấu ấn của mỗi phận người. Nó là công cụ tích cực giúp các vị vua, quan yêu dân, yêu nước đóng “triện” cho những chương trình canh tân, cải cách, và cũng là phương tiện hỗ trợ các quan tham dùng để dọa nạt, uy hiếp dân lành”. Trong bộ sưu tập con dấu của ông Phẩm, nhiều nhà sử học đã phát hiện những nghi án lịch sử đang tiếp tục được sáng tỏ về trường hợp có vị quan phủ vì dùng ấn, triện ra lệnh phát gạo cho dân trong khi dịch bệnh hoành hành thời nhà Nguyễn mà bị cách chức, giam vào ngục.

Nỗi lòng... ấn, triện

Phóng to
Những con dấu của ông Phẩm sưu tập
Quê ông Phẩm ở Phù Cát, Bình Định. Gia đình nghèo, không ai đủ điều kiện quan tâm đến đồ cổ. Vậy mà ông Phẩm lại có một niềm đam mê sưu tầm cổ vật đến kỳ lạ.

Đến khi vào Đồng Nai sinh sống rồi chuyển về TP.HCM làm nghề xây dựng, tình cờ ông Phẩm gặp một người quen chơi đồ cổ có vài ấn, triện xưa. Những con dấu cổ đã “hút hồn” ông: Tại sao mình không bắt tay sưu tầm những con dấu cổ. Đó là chứng nhân lịch sử tiêu biểu nhất, rõ nét nhất của một thời đại.

Lần dò về Bình Định, ông mày mò mua được một số con dấu xưa từ những người bán ve chai. Mọi người đều cho ông là bất bình thường, nhưng ông chỉ cười mà không giải thích về việc làm của mình. Mấy bà ve chai thấy có người mua, hét giá cao gấp 3-4 lần. Ông bỏ tiền ra trả mà rất vui vì biết rằng vẫn còn quá rẻ so với giá trị thật của nó. Cứ vậy, ông đi lùng sục các cửa hàng ve chai, những hiệu bán đồ cổ... để mua lại những con dấu.

Mười mấy năm nay, ông Phẩm bỏ tiền túi đi khắp nước, từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu rồi Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... để sưu tập con dấu. Ông cười khà: “Nhiều người bảo tôi... điên bởi nhiều khi bỏ cả mấy chục triệu đồng ra miền Bắc ăn dầm nằm dề cả tháng chỉ để mua được một con dấu cũ kỹ, mờ nhạt với một số tiền lớn”.

Ông Phẩm nói con dấu xưa còn lại đến ngày hôm nay chỉ là nhờ được chôn giấu hay thất lạc từ nơi này qua nơi khác. Bởi vậy, tuy hiếm nhưng nó có thể có ở khắp nơi mà muốn sưu tầm phải bỏ công tìm kiếm. Lúc trước chưa ai biết giá trị con dấu, người ta còn bán với giá “vừa phải”, còn bây giờ là... vô giá. Từ khi hiểu về giá trị con dấu, nhiều người đưa ra cái giá mà ông không đủ khả năng mua.

Không chỉ sưu tập, nhà sưu tầm con dấu độc đáo này còn nói ông dự định dành thời gian viết lại lịch sử, giai thoại của từng con dấu đó. Ông bảo: “Phòng triển lãm ấn, triện của tôi sẽ là nơi gặp gỡ, điểm hẹn của tất cả SVHS, những nhà nghiên cứu đam mê tìm hiểu con dấu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận