Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ...

DƯƠNG LIỄU 05/08/2022 06:21 GMT+7

TTCT - Điện ảnh Hong Kong dường như đang quay lại vị trí của chính nó khi mới bắt đầu: nhỏ lẻ, bị lép vế cả về số lượng, chất lượng lẫn ngôn ngữ, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ để tồn tại.

Hong Kong đã tạo ra khái niệm "phim chưởng", "phim bộ" với người Việt. Thập niên 1990, ra cửa hàng cho thuê băng chỉ thấy hai loại phim: phim hoạt hình Nhật Bản cho trẻ em như Doraemon, Thủy thủ Mặt trăng, và phim Hong Kong.

Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ... - Ảnh 1.

Hong Kong những năm 1960 qua mắt Vương Gia Vệ, thể hiện: Trương Mạn Ngọc. Ảnh: Ying Xiang

Hào quang một thuở

Thời hoàng kim những năm 1980-1990, điện ảnh Hong Kong trở thành một trong những đế chế điện ảnh lớn nhất thế giới. 

Thời điểm bận rộn, thành phố nhỏ bé này sản xuất tới hơn 200 đầu phim/năm, phủ sóng từ rạp tới truyền hình, với các tác phẩm đậm đặc màu sắc văn hóa bản địa… Thế giới phim Hong Kong nhiều màu sắc và đa dạng đến độ, dù người xem là ai, ở tầng lớp nào, vẫn luôn có phim phù hợp cho họ.

Những khán giả chưa từng tới Hong Kong đã biết tới món đậu hũ thúi ở khu Vượng Giác, nơi các nhân vật phim (thường là nghèo) vừa cắn miếng đậu hũ vừa tản bộ, biết được người Hong Kong thích ăn dimsum và bào ngư - đại diện cho sự giàu sang mà phim Sóng gió gia tộc mô tả. 

Họ cũng rành cả khu Lan Quế Phường hay Cửu Long Thành chật chội tối tăm, nơi các băng nhóm mafia và các cô đào lượn lờ, những căn phòng chật chội của dân lao động. Người xem thông qua phim ảnh mà chứng kiến văn hóa Hong Kong nói riêng và văn hóa Đông Á nói chung đậm nét, như việc gắn bó trong một đại gia đình nhiều thế hệ, coi trọng lời nói của cha mẹ ngay cả trong những vấn đề cá nhân như hôn nhân gia đình; hay ca ngợi tinh thần trượng nghĩa, hy sinh vì tập thể. Tất cả vang vọng trong những bài hát tiếng Quảng xập xình.

Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ... - Ảnh 2.

Trùng Khánh Sâm Lâm – đạo diễn Vương Gia Vệ

Cơm áo gạo tiền và nghệ thuật

Không phải tự nhiên mà Hong Kong có được đỉnh cao điện ảnh như vậy. Hong Kong may mắn (hoặc hơi xui?) có một lịch sử độc đáo khi là thành phố của người Hoa nhưng thuộc sự bảo hộ của Anh, cộng thêm do biến động chính trị từ đại lục, rất nhiều tên tuổi nghệ thuật đã di cư tới Hong Kong, trong đó nổi tiếng nhất với người Việt là nhà văn kiếm hiệp Kim Dung. 

Có một hệ thống kỹ thuật hiện đại của phương Tây và những chất xám tinh túy phương Đông, hai thứ này kết hợp đã sinh ra nền điện ảnh Cảng Thơm không thể trộn lẫn.

Điện ảnh thành phố này cũng sinh ra trong một thời điểm vô cùng khó khăn: dưới chế độ của Anh, điện ảnh không có bất cứ một điều luật bảo hộ hay hỗ trợ nào, tất cả phim ảnh Hong Kong đều phải tự lực cánh sinh. 

Điều đó khiến những bộ phim thập niên 1960-1970 đậm chất bình dân, dễ hiểu, dễ phổ biến: đa số là dòng phim võ thuật với những pha đánh võ mãn nhãn, nội dung không có gì quá sâu sắc khó hiểu. Cái tên Lý Tiểu Long cũng từ giai đoạn này mà xuất hiện và thành công vang dội sang cả Hollywood, gợi cảm hứng cho những bộ phim hành động cận chiến sau này như Matrix, Kill Bill, John Wick.

Từ gốc rễ đó, Hong Kong phát triển sang nhiều thể loại phim khác. Chất nghĩa hiệp Á Đông đem nhân vật chính trong phim gần gũi hơn với khán giả. Nếu đã đến rạp chiêm ngưỡng anh hùng Rambo xả súng như mưa một lần thì sẽ phải ra rạp nhiều lần hơn để xem một sát thủ tìm cách đền bù cho một cô ca sĩ phòng trà. 

Vùng "xám" trong nội dung và cách thức kể chuyện của điện ảnh Hong Kong cũng như tấm gương phản chiếu của chính vùng đất này khi đó: một đứa con lai của phương Tây và phương Đông trong dòng chảy lịch sử, đang dùng mọi sức lực cạnh tranh để tìm kiếm sự tồn tại trong xã hội hỗn độn.

Dưới áp lực ấy, và sự tham gia của các ông trùm lẫn giới xã hội đen, những viên kim cương của điện ảnh Hong Kong đã ra đời, thành công về doanh thu, phủ sóng châu Á, lấn sân sang phương Tây, gây ảnh hưởng lên cả Hollywood. 

Ngoài thể loại võ thuật của Lý Tiểu Long và Thành Long, hình ảnh vừa bay người vừa bắn súng của Châu Nhuận Phát trở thành định nghĩa mới gun-fu trong phim hành động, cảnh chiếc váy cưới trên xe môtô trong Thiên nhược hữu tình trở thành môtip đối lập đẹp như một giấc mộng, hay những cảnh phim xã hội với góc quay rộng của Vương Gia Vệ... luôn nằm trong top những phim kinh điển của điện ảnh thế giới. 

Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ... - Ảnh 3.

Lưu Đức Hoa cưỡi xe mô tô trong phim Thiên nhược hữu tình (đạo diễn Trần Mộng Thắng)

Riêng thể loại phim truyền hình, Hong Kong cũng tạo nên chuẩn mực với các series phim kiếp hiệp Kim Dung, phim điều tra phá án xã hội đen. Thiết kế mỹ nhân cổ trang với trang phục lướt thướt, mái tóc uốn thành từng vòng trên đầu còn được vẽ cả lên chén đĩa.

Trong công thức làm phim Hong Kong, có một yếu tố đưa nó lên đỉnh cao và cũng đưa nó xuống vực sâu: các minh tinh điện ảnh. Để có thể tồn tại trong thế giới cạnh tranh, các hãng phim đầu tư lăngxê hình ảnh các ngôi sao trong phim rất mạnh, các cặp diễn viên ăn ý được đo ni đóng giày cho lần xuất hiện kế tiếp. 

Các ngôi sao màn bạc lấn sân sang lĩnh vực ca hát, khán giả được bao trọn trong vòng giải trí với tên tuổi các minh tinh luôn hiện hữu chung quanh. Người xem bước ra khỏi rạp, lau nước mắt sau khi chứng kiến mối tình oan trái do nữ diễn viên Mai Diễm Phương đóng chính, về nhà bật radio lên và nghe bài hát chủ đề phim cho ca sĩ Mai Diễm Phương hát.

Ấn tượng lớn nhất với các phim Hồng Kông, với người viết bài này, là lối diễn và quay đậm màu Hí kịch Đông Á với các biểu cảm cường điệu, khẩu hình rõ, động tác tay chân linh hoạt. Nội dung thì khá kịch tính, hoặc đuổi bắt nghẹt thở, gia đình lục đục hoặc yêu đương quằn quại, cũng không có gì phức tạp phải nghiền ngẫm dài lâu. Có lẽ điều này lý giải vì sao phim của Vương Gia Vệ không đạt doanh thu cao ở chính sân nhà dù kho tác phẩm của ông được coi là sách giáo khoa làm điện ảnh: nhân vật lẫn nội dung trong phim ông đời thường, chậm rãi, cũng một phần như vậy mà phù hợp văn hoá Tây phương hơn.

Nếu nói phim Hồng Kông giai đoạn ấy là phim thần tượng thì cũng không sai lắm, vì các minh tinh thần tượng mới là nhân tố chính. Lắm phim đi xem chỉ để nhìn mặt diễn viên, diễn xuất hay kịch bản cũng chẳng phải là điểm nhấn. Đơn cử như Lý Gia Hân, xuất hiện làm mãn nhãn người xem chứ diễn xuất của "hoa hậu đẹp nhất Hồng Kông" thì chưa bao giờ phải bàn cãi, lúc nào cũng đơ. Tuy tính thương mại cao nhưng (đa phần) minh tinh diễn tốt, kịch bản vẫn hay, bộ sậu kết hợp ăn ý, thành ra các phim làm ra vẫn tròn trịa, dễ xem và cũng thu hút. Giai đoạn phim mì ăn liền của Việt Nam cũng có tinh thần tương tự.

Những điều tốt giúp lấn át hết các thứ khác, ví dụ phần bối cảnh đa phần là chật hẹp và ít hoành tráng, nguyên nhân cũng vì chi phí lớn nhất trả cho ngôi sao. Thành ra cứ nhìn bối cảnh dựng giả giả, phim trường nhỏ xíu, ít người, đồ đạc bài trí bưng từ phim này sang phim kia, diễn viên quần chúng ít ỏi là nhận ra đặc sản Hồng Kông.

Mất tim, mất tự do

Khi hào quang minh tinh lụi dần, điện ảnh cũng vì thế mờ dần. Hong Kong không ngừng lăngxê các tên tuổi như Thiên Hậu, Thiên Vương, Ngũ Hổ Tướng… nhưng rồi người thì qua đời, người giải nghệ, những tên tuổi chói sáng quá lấn át đàn em, các nhà sản xuất mới kịp nhận ra họ không còn thế hệ nào để kế tục nữa. 

Ở tuổi 60, Lưu Đức Hoa vẫn chăm chỉ đóng phim và chưa có ai kế tục. Châu Tinh Trì đóng đinh với các phim hài đến mức không còn một tên tuổi nào khác xuất hiện.

Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ... - Ảnh 4.

Tuyệt đỉnh Kungfu – đạo diễn Châu Tinh Trì.

Năm 1997, Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc, và lần đầu tiên đón nhận những điều kiện chiếu cố: phim xuất sang Trung Quốc không phải chịu thuế, được nâng đỡ và quan tâm, trao đổi văn hóa nhiều mặt… 

Nhưng sau nụ cười chào đón là những ứa lệ thầm thì: trước chế độ đãi ngộ và tài nguyên phim ảnh rộng mở đa dạng của đại lục, các ngôi sao Hong Kong đều từ từ nói lời từ biệt nơi họ đã bắt đầu. Những bộ phim nói tiếng Quảng dần vắng minh tinh, nhường vị trí đó cho phim tiếng phổ thông. Thậm chí một số mãi chẳng quay lại, như Thành Long - người luôn lên tiếng ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Và rồi, lưỡi gươm kiểm duyệt lách tỉa.

Từ thập niên 2000, điện ảnh Hong Kong dần xuống dốc. Số lượng phim giảm hẳn, minh tinh biến mất. Những bộ phim giai đoạn sau dần mất đi những khung cảnh Hong Kong quen thuộc. Phim hài Đội bóng thiếu lâm của Châu Tinh Trì, có Triệu Vy đóng vai một cô gái xấu xí ở Hong Kong nhưng lại nhồi bột mì và đánh thái cực quyền chứ không ngó nghiêng trong cái nhà tắm chật ních cũ mèm và uống trà vớ da trong khu ổ chuột. 

4 bộ phim Diệp Vấn đưa tên tuổi Chân Tử Đan lên hàng ngôi sao quốc tế, nhân vật lẫn nội dung đều tập trung vào tinh thần yêu nước của người Trung Quốc, Hong Kong chỉ còn là một chi tiết nhỏ, người xem nếu không biết rõ tiểu sử Diệp Vấn sẽ chẳng hề hay biết.

Níu gốc, tìm rễ

Nhân tài của Hong Kong không chỉ bị chảy máu về phía đại lục, mà còn chảy đi xa hơn. Luật dẫn độ năm 2014 đánh dấu một cuộc "di cư" khi hàng ngàn trí thức, bao gồm những người làm nghệ thuật rời bỏ Hương Cảng tới Anh, Mỹ, Úc, Canada. 

Sự trở lại với đại lục cũng thay đổi bộ mặt xã hội của Hong Kong khi các băng đảng mafia và Cửu Long Thành huyền thoại giờ chỉ còn trong ký ức. Thời đại công nghệ thông tin cũng khiến thể loại phim điện ảnh và truyền hình truyền thống giảm sức hút so với việc xem online. Hong Kong níu giữ hào quang cũ, xoay xở khai thác những nét văn hóa đang mai một.

Với lựa chọn đầu tiên, công thức không khác gì của thập niên đỉnh cao: xã hội đen rượt đuổi đấu trí, và tên tuổi các ngôi sao. Con đường thứ hai thì le lói những ánh sáng khác biệt với thể loại tâm lý xã hội, với hai thái độ khác nhau. 

Bên hiền hòa, chọn hướng đi an toàn (như Mad world khai thác vấn đề chính sách đô thị và cai trị của chính quyền địa phương với những người có bệnh lý tâm thần, soi rọi ánh nhìn vào những khu ổ chuột tối tăm, vấn nạn nhà ở và sự đúng đắn của tôn giáo. Hay ngôi sao phòng vé Still Human kể câu chuyện về một người đàn ông Hong Kong bị tật nguyền tìm ý nghĩa cuộc sống qua một người giúp việc Philippines, với ngôi sao Huỳnh Thu Sanh đóng chính).

Hướng đi này, hài hước và có chút mỉa mai, lại chính là hướng đi thất thu của 20 năm trước.

Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ... - Ảnh 5.

Still Human – đạo diễn Oliver Chan.

Thái độ thứ hai mang tính phản kháng và chống đối mạnh mẽ hơn. Sau năm 2014, hàng loạt phim về xung đột chính trị giữa Hong Kong và đại lục ra đời. 

Ten years phê phán đường lối áp đặt của Trung Quốc, chiến thắng giải thưởng Điện ảnh Hong Kong và bị cấm chiếu trên tất cả các rạp. Lost in the Fumes, nói về thủ lĩnh sinh viên Lương Thiên Kỳ, người ủng hộ chủ trương một Hong Kong độc lập hơn, cũng chung số phận. 

Điện ảnh Hong Kong ngày nay: Đọa lạc thiên sứ... - Ảnh 6.

Lost in the Fumes – đạo diễn Nora Lam

No. 1 Chung Ying street đậm màu chính trị bị từ chối chiếu ngay tại Hong Kong dù tham gia Liên hoan phim châu Á và đoạt giải thưởng lớn Grand Prix. Vanished Archives thì bị chặn mọi nguồn đầu tư khiến đạo diễn phải tự bỏ tiền túi, tìm sự ủng hộ của kiều bào và chỉ được phát hành qua DVD.

Dù chủ trương ôn hòa hay quyết liệt đáp lại, điện ảnh Hong Kong dường như đang quay lại vị trí của chính nó khi mới bắt đầu: nhỏ lẻ, bị lép vế cả về số lượng, chất lượng lẫn ngôn ngữ, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ để tồn tại. Chỉ những người hâm mộ là mong manh hy vọng biết đâu, đấy lại là điểm thúc đẩy mới cho nền điện ảnh độc đáo này.■

Ở mảng truyền hình, Đài TVB cũng dần rơi vào thế bất lợi khi bị các phim cổ trang của Trung Quốc "át vía" bằng các tác phẩm được đầu tư chế tác hoành tráng, diễn viên trẻ trung xinh đẹp; phim gia đình thì bị thể loại "gia đấu", "trạch đấu" (đấu đá trong gia tộc) của đại lục cạnh tranh khốc liệt.

Phim truyền hình bấu víu vào thể loại phá án, trinh thám bằng cách đẻ tiếp ra các phần sau, cho đến thập niên 2010 thì cũng đuối sức vì thể loại này được đại lục làm đẹp hơn, nội dung đa dạng hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận