Điện ảnh: Nhà nước hay tư nhân đều cần sản phẩm tử tế

CÁT KHUÊ 03/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Hoài vũ trắng là một trong hai phim truyện nhựa có đề tài về chiến tranh được chọn trình chiếu trong đợt phim kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc đã chia sẻ với TTCT những trăn trở của anh trong lần tái ngộ khán giả này...


Đạo diễn Đào Duy Phúc trên set quay phim Thái sư Trần Thủ Độ - Ảnh nhân vật cung cấp

Là một đạo diễn hiếm hoi đá cả... ba sân, Đào Duy Phúc từng làm phim thương mại Hai trong một (diễn viên Thành Lộc và Ngô Thanh Vân) rồi phim nhà nước và cả phim truyền hình.

Thái sư Trần Thủ Độ là một phim truyền hình dài tập làm được đã hai năm nhưng vẫn chưa một lần trình chiếu trước khán giả. Thế nên câu chuyện với Đào Duy Phúc bên cạnh nỗi vui mừng khi Hoài vũ trắng được trình chiếu dịp Quốc khánh này, còn có nhiều suy tư khác của một đạo diễn trước sự phát triển của điện ảnh nước nhà. 

Nhà nước hay tư nhân đều phải... nhẫn nhịn

* Là tác giả của một trong hai phim truyện được chọn để chiếu dịp 2-9 năm nay, cảm giác của anh ra sao?

- Có đạo diễn nào lại không muốn phim của mình có thêm cơ hội đến được với khán giả không? Đúng lúc này, trên VTCV12 cũng đang phát sóng phim Chiến dịch trái tim bên phải. Bên cạnh cảm giác vui, đương nhiên còn là tâm trạng lâng lâng khi nhìn lại thời “đạo diễn trẻ”. Dù còn chỗ này chỗ khác chưa được “pro” (chuyên nghiệp) nhưng không khí và tinh thần của phim khi ấy nếu bây giờ làm lại chưa chắc đã tạo được cái “chất” đó.

Hiện một số bạn bè trong TP.HCM cũng đang hỏi tôi phim Hoài vũ trắng chiếu ở rạp nào mà tôi chưa trả lời được.

* Giống với Bùi Thạc Chuyên, Lê Hoàng, anh là một trong số hiếm hoi các đạo diễn vừa có thể làm “vừa lòng” Nhà nước, vừa có thể được tư nhân trọng thị. Hai trong một còn đọng lại những kinh nghiệm gì cho một lần chạm vào túi tiền tư nhân?

- Kinh nghiệm rút ra thì nhiều lắm nhưng mẫu số chung là: dù phim của Nhà nước hay tư nhân thì đều phải làm ra một sản phẩm tử tế. Hãng phim tư nhân thì “chăm sóc” người sáng tạo rất kỹ, tạo điều kiện tối đa về sản xuất, vì vậy áp lực để phim thu được vé ngoài rạp cũng rất lớn.

* Vậy còn áp lực nhất khi làm phim cho Nhà nước nằm ở khâu nào? Kinh phí? Êkip làm phim? Khâu sản xuất hay phát hành?

- Với những phim đã làm, đầu tiên đúng là áp lực về kinh phí, sau đó tính toán “liệu cơm gắp mắm” để đi vào sản xuất thì gặp vấn đề êkip, tính chuyên nghiệp, hạ tầng điện ảnh... rồi thì nhẫn nhịn để vượt qua những ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt, tới khi phim hoàn thành thì gặp phải vấn đề phát hành. 

Trong kinh phí sản xuất phim khi đó không có chi phí cho PR, quảng bá. Bởi vậy với một đạo diễn hay một nhà sản xuất, khâu nào cũng gây áp lực, nhưng áp lực “đầu tiên” cũng chính là áp lực cuối cùng.

Hoài vũ trắng là bộ phim tâm lý, xã hội. Thông qua câu chuyện về một nữ biệt động gốc Hà Nội, hoạt động tại Huế, trong vùng địch tạm chiếm, bằng lòng dũng cảm và nhân hậu đã cảm hóa một sĩ quan ngụy. Bộ phim ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nữ chiến sĩ trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Đây là phim truyện nhựa thứ 4 của đạo diễn Đào Duy Phúc (trước đó là Chiến dịch trái tim bên phải, Hai trong một, Sinh mệnh). 

Làm sao mà chen được sóng...

* Là một đạo diễn trẻ, khi nhận các dự án mang tính lịch sử, nhất là ở những giai đoạn mà mình chưa trải qua, anh hứng thú hay thường là sự “cực chẳng đã”...?

- Chính những giai đoạn lịch sử mà bản thân chưa trải qua đã như một sự thách thức khiến tôi thấy hứng thú muốn chinh phục.

* Anh có buồn không khi nhiều năm nay, trong khi khối tư nhân “trăm hoa đua nở” với phim thương mại thì phim nhà nước dường như lặng lẽ với phận làm xong cất kho, chỉ lễ lạt mới được mang ra như số phận của Hoài vũ trắng?

- Bên cạnh chất lượng và tiêu chí nghệ thuật của hai dòng phim (tạm gọi như vậy) thì điều tôi nhận thấy lâu nay là phim nhà nước thường bị yếu khâu quảng bá tiếp thị, ưu tiên giờ đẹp, ngày đẹp trong các suất chiếu... nên một số phim có chất lượng không được khán giả biết đến. Và trong trăm hoa đua nở của phim tư nhân thì cũng có nhiều bông hoa đằng sau việc quảng bá tiếp thị rất chuyên nghiệp lại không đọng lại hương vị gì, thậm chí gây thất vọng cho khán giả.

Là một người sáng tác, dù là dòng phim nào tôi cũng phải cân nhắc để làm sao hướng tới tiêu chí của nhà sản xuất. Với bốn phim nhựa của tôi thì chỉ có Hoài vũ trắng ít cơ hội đến với khán giả vì có lẽ chất của phim không phù hợp với sóng truyền hình, còn ba phim kia sau thời gian chiếu rạp vẫn thường xuyên có mặt ở nhiều kênh truyền hình khác nhau.

* Và Thái sư Trần Thủ Độ, phim làm xong đã mấy năm, anh và phim của mình cũng đã nhận giải Cánh diều vàng 2012 nhưng đến nay VTV vẫn chưa phát sóng? Nỗi buồn có nằm ở “lực bất tòng tâm” trước sự quyết liệt của kinh tế thị trường?

- Quả thực, với phim Thái sư Trần Thủ Độ, sau khi giao phim tôi chỉ nghe được thông tin là giờ sóng ở các đài lớn đã kín hết năm sau từ tháng 10 năm trước với những bản hợp đồng kinh tế chặt chẽ. Và việc cần làm là làm sao để chen được sóng... Điều đó ngoài tầm của những người sản xuất, sáng tác.

“Mày làm phim để chết hay để sống?”

* Với tư nhân và nhà nước, “đối tượng” nào, theo anh, đạo diễn sẽ phải “thỏa hiệp” nhiều hơn và thỏa hiệp ra sao?

- Kỷ niệm ở hai cái kết phim. Với tư nhân, tôi đã phải cắt những gì mon men đến “cái tôi nghệ thuật”, vì cần hướng đến trạng thái khán giả sảng khoái khi ra khỏi rạp. Với phim nhà nước, việc phải xác định “trắng ra trắng, đen ra đen” đã khiến đạo diễn phải tự tay cắt gọt làm cho cái kết của một phim lãng mạn bị hẫng... Vì vậy, sự thỏa hiệp (nếu có) là như nhau, phục vụ tiêu chí của nhà sản xuất.

* Anh có tin ở Hoài vũ trắng với chữ “nếu”: nếu có thêm kinh phí, nếu được tự do phóng tác, nếu được phát hành tốt... thì phim sẽ được khán giả đón nhận tốt hơn?

- Tôi tin. Với Hoài vũ trắng, tuy chưa phải hoàn hảo nhưng là phim chững chạc nhất về tay nghề chuyên môn cũng như nội dung, chiều sâu nghệ thuật so với ba phim trước đó.

* Còn trường hợp đặc biệt của Thái sư Trần Thủ Độ, phim có những gì mà sẽ rất ít người có mặt trong buổi trao giải Cánh diều 2012 quên được sự ngậm ngùi của anh khi nhận giải, lúc anh bảo: mong phim sớm đến được với khán giả? Anh có nhớ cảm xúc của mình lúc đó?

- Cảm xúc trong giây phút đó tôi không thể quên vì nó chất chứa sau bốn năm đằng đẵng. Bộ phim có gì thì khi xem khán giả sẽ cảm nhận, còn tôi cũng như cả đoàn phim đọng lại những ngày tháng động viên nhau, vượt lên tất cả khó khăn vất vả hơn tất cả những phim tôi đã từng làm, thậm chí cả những lần đổ máu, những giọt nước mắt cay đắng... quyết tâm hoàn thành tác phẩm vì Thăng Long - Hà Nội.

Khi đó, một NSND đã hỏi tôi: “Mày làm phim để chết hay để sống?”.

* Anh có hay đi xem phim ngoài rạp không? Nhận xét của anh về phim thương mại VN mấy năm gần đây ra sao?

- Tôi vẫn thường đi xem phim ngoài rạp và nhận xét giống như đã nói về những bông hoa đua nở. Và tôi có niềm tin, lạc quan về điện ảnh VN, theo quy luật, các phim thương mại cũng như các phim đặt hàng của Nhà nước sẽ tự điều chỉnh để hấp dẫn hơn, nhân văn hơn và gần với khán giả hơn.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

 Cô đơn khi làm phim nhà nước

Những người viết huyền thoại- một phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã ra mắt vào dịp 2-9, nhưng vì một số lý do mà phim lại chưa được chiếu dịp lễ này. Chung câu chuyện phim tư nhân hay nhà nước, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng có những chia sẻ:

“Làm phim nhà nước hay tư nhân thì cũng đều có áp lực như nhau cả thôi. Chỉ có điều một đạo diễn khi làm phim nhà nước thì cô đơn hơn. Điều mình muốn, khán giả muốn chưa chắc đã là điều hãng phim muốn. Với phim chiến tranh, nhất là khi nền điện ảnh nhà nước vốn dĩ đã cùn mòn sau nhiều năm không có phim sản xuất, vận hành nó là điều hết sức vất vả.

Chúng tôi phải hoàn thiện bộ phim bằng những tổ sản xuất còn rất ít người biết việc và rất nhiều tay ngang thuê ngoài. Những người trong hãng thì với đồng lương rẻ mạt cũng khó đòi hỏi họ làm việc như mình muốn. Nhiều người đi làm dự án nhà nước với tôi cũng vì ân nghĩa chứ chẳng mặn mà gì.

Sản xuất thì có thể khắc phục, tôi luôn đề cao tính hấp dẫn trong phương pháp thể hiện nên phim của tôi dù đề tài nào của Nhà nước cũng vẫn chiếu được. Tuy nhiên, phát hành thì dở. Tốn tiền sản xuất và không phát hành được là thực trạng bi đát của phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng. Nhiều phim tốt mà phát hành kém gây lãng phí ngân sách và thiệt hại tài chính rất lớn.

Tôi nghĩ Bộ VH-TT&DL khi giao phim sản xuất cho các hãng cũng nên tính đến hiệu quả phát hành và nếu phát hành không được thì phải truy cứu trách nhiệm. Thật bất công khi chúng tôi cố gắng hết sức để làm bộ phim tốt nhất mà không thể đưa bộ phim tới công chúng chỉ vì sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của một số người nào đó liên quan tới khâu quảng bá phát hành.

Tám năm trước tôi đã sống bằng phim tư nhân và các hãng bên ngoài rồi. Với mức lương mà Hãng Phim truyện đang trả cho tôi, 2.260.000 đồng/tháng, tôi sống sao nổi. Tôi làm quảng cáo, làm phim truyền hình... Và vẫn làm phim nhà nước nếu dự án phim đó đề tài hấp dẫn và thật sự đáng làm. Quan điểm của tôi là bất kể phim nào cũng phải làm nghiêm túc, tới cùng chứ không thích sự hời hợt, dù là bất kỳ phim nào”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận