TTCT - “Những người thật sự làm việc, đóng góp cho xã hội sẽ không tiêu phí năng lượng của mình vào sự cáu kỉnh” - tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả một cuốn sách tập hợp các bài bình luận về xã hội và văn hóa, những hiện tượng xã hội đương đại đang thu hút nhiều độc giả trẻ (*), nói với TTCT. M.N. Khi đưa ra thông điệp “Bức xúc không làm ta vô can”, anh hướng đến những ai? Anh hay dùng từ “chúng ta” - một khái niệm tập thể rất khó minh định. - Cuốn sách nhắm tới cộng đồng nói chung, trong đó có cả tác giả nữa. Nhiều chủ đề trong sách như trào lưu đi du lịch, làm từ thiện, đời sống trên mạng xã hội, phẫu thuật thẩm mỹ, các ngôi sao giải trí... hẳn sẽ nằm trong mối quan tâm của những người trung lưu thành thị, dân văn phòng, thanh niên nhiều hơn là của những công nhân, nông dân. Những câu chuyện khác như tâm lý đám đông, bất bình đẳng trong xã hội, tác hại của một nền kinh tế chạy theo lợi nhuận vô độ... lại có thể là mối quan tâm của mọi người, từ người về hưu tới doanh nhân. Tôi ý thức được rằng một công nhân lắp ráp bên băng chuyền hay một người lái xe ôm sẽ không có thời gian để đọc sách, cuốn này hay bất cứ cuốn nào. Mặt khác, họ cũng không phải những người hay bức xúc và trương cái bức xúc của mình lên mọi chỗ mọi nơi. Nói cách khác, “bức xúc chỉ để làm màu” theo chữ dùng của một nhà báo khi nói về cuốn sách, là một “đặc sản” của dân trung lưu thành thị, những người được hưởng lợi nhiều từ công cuộc hiện đại hóa của đất nước nhưng rất ngại hi sinh, và thường chỉ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình qua việc kêu ca phàn nàn trong phòng có máy lạnh. Anh có cho rằng “bức xúc” là một phản ứng ban đầu quan trọng để người ta tiến vào những vấn đề cụ thể hơn, như suy lý về công bằng, về phải - trái? - Bức xúc là một cảm xúc tự nhiên khi người đứng trước cái sai trái, bất công, những gì mà người ta cho rằng “không phải”. Trong nhiều trường hợp, giận dữ là khởi điểm khiến người ta xắn tay áo lên hành động. Nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, người ta sa vào những cơn bức xúc liên miên (nhóm không thay avatar trên Facebook bằng cờ Pháp sau cuộc thảm sát ở Paris bức xúc với nhóm thay avatar và ngược lại) và thường kết thúc ngày của mình bằng sự cáu kỉnh, giận dữ triền miên mà không dẫn tới một hành động nào cả. Ngược lại, những người thật sự làm việc, đóng góp cho xã hội sẽ không tiêu phí năng lượng của mình vào sự cáu kỉnh. Họ cần giữ một cái đầu lạnh, cần suy nghĩ, chiến lược, kỹ năng... Tranh luận ồn ào thì ta thấy nhiều, nhưng lập luận đa dạng thì đáng tiếc lại ít. Như với mọi chuyện, cái đẹp nằm ở con đường ở giữa: không im thin thít vô cảm, nhưng cũng không ầm ĩ lên, nhất là ầm ĩ chỉ để trình diễn cái tôi, để thỏa mãn cơn nghiện sự chú ý, để chứng tỏ cho người khác và cho bản thân rằng mình là người tử tế. Có câu “Talk is cheap”, ai cũng nói được. Cái cần hơn là sự lắng nghe và thấu hiểu người khác, đây chính là điều đang thiếu trong xã hội. Các bài viết của anh đưa ra thực tế, lý giải những hiện tượng, trào lưu xã hội và văn hóa. Nhưng anh thường có các giải pháp của tổng thể, dễ khiến từng cá nhân người đọc thở dài “biết vậy, nhưng tôi phải làm gì?”. Chẳng hạn anh viết: “Chúng ta hãy dành cho đám đông những người nghèo đô thị, những thanh niên nông thôn, những công nhân ở các khu công nghiệp một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ”. Vì sao vậy? Đặng Hoàng Giang - Lê Bảo Khang Tôi muốn tác động vào việc thay đổi quan niệm. Ví dụ, người ta hay cho rằng đám đông thanh niên nông thôn, công nhân, người nghèo đô thị phá phách vì họ vô học, lưu manh, mông muội. Tôi muốn chỉ ra rằng có những người phá phách vì họ bị đẩy ra bên lề, và chúng ta mắc lỗi một phần trong chuyện này. Khi đã thay đổi quan điểm và đồng ý rằng chúng ta cần đối xử tử tế hơn với những người nghèo, thì mỗi người có thể hành động cụ thể trong phạm vi công việc và hoàn cảnh của mình, từ nhà hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội tới một doanh nhân đang thuê công nhân trong xưởng của mình, tới một gia đình thành thị đang có ôsin. Anh đang lãnh đạo Cecodes - một tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng yếu thế; chủ trì những cuộc đọc sách và đối thoại với công chúng thông qua Reading Circle... Hành trình đó là cội nguồn cảm hứng cho những đề tài trong cuốn sách? - Những mối quan tâm xã hội của tôi dẫn tôi tới những công việc đó. Ngược lại, những công việc đó giúp tôi suy nghĩ và phát triển ý thức về bất công, bất bình đẳng trong xã hội, về công lý, về quyền con người. Qua đó tôi đặt cho mình những câu hỏi và thông qua các bài viết cố gắng tìm câu trả lời cho nhiều chuyện như: án tử hình có nhất thiết cần cho việc thực thi công lý, quyền của tử tù, phẫu thuật thẩm mỹ nói gì về vị trí của phụ nữ trong xã hội, ai là người thiết lập diễn ngôn về cái đẹp, chúng ta có nên tự hào khi có tỉ phú đôla, ý thức hệ được truyền tải bởi truyền hình thực tế là gì... Tôi muốn nhìn xuyên qua các hiện tượng bên ngoài để phân tích các tương quan xã hội, quyền lực ở đằng sau. Anh có mường tượng về tác động của những bài viết ấy? - Phản ứng của độc giả về các bài viết khá là khó lường. Tôi khá bất ngờ khi có những chủ đề dường như buồn chán và không thời thượng lại có tác động tới suy nghĩ của nhiều người, như chuyện làm từ thiện, đi du lịch hay vẻ đẹp của người đứng một mình. Rõ ràng là trong một biển của sốc, sex, sến, chúng ta vẫn có thể có những cuộc trò chuyện đàng hoàng và hóm hỉnh. Tất nhiên, có những quan điểm trái chiều, nhiều độc giả có thái độ rất gay gắt, thậm chí lăng mạ. Lúc đó cuộc trò chuyện ít đàng hoàng và hóm hỉnh hơn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ lo ngại điều gì. Các bài viết của anh thường gây tranh luận, chẳng hạn cuộc tranh luận quanh bài viết chỉ trích sách self-help, rất căng thẳng và dai dẳng trong nhiều nhóm độc giả. Anh nghĩ gì về những cuộc tranh luận đó? - Càng có nhiều tranh luận càng tốt, căng thẳng và dai dẳng không sao, chỉ cần nó tạo ra những góc nhìn mới, những chứng cứ mới, những lập luận khác. Khen hay chê, nếu không mang tính thuyết phục thì đều không giúp ích nhiều. Tôi đang muốn nói tới những ý kiến kiểu “viết hay quá, đúng là tiến sĩ có khác”, hoặc “tác giả chả hiểu gì cả, thế mà cũng gọi là tiến sĩ”. Tôi muốn lắng nghe các ý kiến khác nhau và sẵn sàng để người khác thuyết phục mình. Anh có một cuộc trò chuyện với độc giả vào trung tuần tháng 11 này, dưới tên gọi “Với Đặng Hoàng Giang - Hỏi gì cũng được”. Và anh đề ra một “luật lệ”: những câu hỏi nào được 1/3 khán phòng thông qua thì anh sẽ trả lời. Anh định thực hành gì dưới “luật lệ” ấy? - Đây là một thí nghiệm nhỏ: Liệu “hỏi gì cũng được” có dẫn tới việc người tham dự, chủ yếu là các bạn trẻ, sẽ hỏi những câu dễ dãi, vui vẻ vô thưởng vô phạt, tò mò đời tư kiểu “Anh yêu lần đầu năm bao nhiêu tuổi?”. Nhưng tôi rất ấn tượng là trao đổi của họ rất có chiều sâu, rất nhiều trăn trở, nhiều suy nghĩ của những người quan tâm tới trách nhiệm của mình, tới cộng đồng. Chúng tôi đã nói nhiều chuyện, từ kinh nghiệm tái hội nhập sau khi đi học ở nước ngoài về tới làm thế nào để các phong trào xã hội lớn mạnh hơn. Tôi muốn cảm ơn các bạn trẻ hôm đó. Viết, đối với anh, có gì khó và có gì vui? - Với tôi, viết luôn luôn khó. Mỗi lần bắt tay vào một chủ đề mới là một lần đứng trước cánh rừng rậm của các cuốn sách, các luận án, các bài báo, của nhiều lý thuyết khác nhau. Những chủ đề mà tôi nêu ở trên là những câu chuyện toàn cầu, xảy ra ở mọi nước, mặt khác chúng có những đặc thù của Việt Nam. Tôi phải tìm cho mình con đường đi vào cánh rừng đó, phải tìm ra được một mạch kể, phải phát quang để có một quan điểm của mình, phải thuyết phục được bản thân vì đó là điều kiện cơ bản để có thể thuyết phục bạn đọc, phải kết nối các sự kiện của Việt Nam với các lý luận trên thế giới để mổ xẻ và thấu hiểu. Quá trình “đi vào rừng” đó là một quá trình học hỏi cho chính bản thân tôi, nó khó khăn nhưng cần thiết, và là ý nghĩa của việc viết. Tôi sẽ vui nếu bài viết của mình đem tới cho bạn đọc một cú hích, làm giật mình, gây suy tư, thậm chí hoài nghi nhiều cái mình vốn coi là đúng, là hiển nhiên. Đó là những điều cần thiết để có được tư duy phản biện, để trở thành những công dân có thái độ xã hội và chính trị tự chủ, không dễ chấp nhận “ăn sẵn” những diễn ngôn từ bên ngoài. Xin cảm ơn anh. ■ (*): Tác giả Đặng Hoàng Giang sẽ ra mắt sách vào sáng 28-11 tại Cà phê thứ 7, TP.HCM. Tags: Đặng Hoàng GiangLưu phanĐiều cần hơn cả là sự lắng nghe và thấu hiểuBức xúc không làm ta vô can
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Mỹ hé lộ lý do được Nga thông báo trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine DANH ĐỨC 23/11/2024 Từ đây cho tới ngày 20-1-2025, thời điểm ông Trump trở lại Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự kiến sẽ có nhiều diễn biến khó lường.