Đợi chờ Biden…

DANH ĐỨC 23/01/2021 18:00 GMT+7

TTCT - “Đợi chờ Godot” - vở kịch của văn hào Ireland Samuel Beckett, được coi là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại kịch phi lý, không cốt truyện, không cao trào, một bi kịch nhưng lại đậm màu trào lộng để gửi đi thông điệp hư cấu về xã hội hiện đại hoang tàn và cô độc. Đợi chờ Biden sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng bao gồm đầy đủ những cung bậc cảm xúc đó…

Hình ảnh đoàn người di cư Honduras lội ngược lên Guatemala, rồi Mexico, để tới Mỹ ngay trước khi tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức có tính biểu tượng. 

Họ hi vọng vào chính sách nhập cư rộng lượng hơn của chính quyền mới. Đây cũng là một trong những hình ảnh minh họa cho các nước, từ châu Mỹ sang châu Á, Âu, Phi… đang mong đợi từ người thay thế Tổng thống Donald Trump.

Đơn giản vì 4 năm đã qua, dưới trào Trump, nước Mỹ đã thay đổi quá nhiều so với trước kia, dẫn đến sự đối đầu của một vài nước cạnh tranh, sự chịu trận nhẫn nhục của một số nước từng là đồng minh suốt thế kỷ 20, và sự điều chỉnh ở tất cả những nước khác. 

Nhưng giờ họ mong đợi hay chờ đợi gì là tùy người đối diện. Có thể, khả năng chẳng có gì đáng kể, như lời nhân vật Estragon trong Đợi chờ Godot: “Didi à, chẳng phải là chúng ta vẫn luôn tìm kiếm một thứ gì đó để tạo cho mình ấn tượng là chúng ta vẫn tồn tại đó sao?”.

Ảnh: Time Magazine

Vẫn chia chác ở Trung Đông?

Thông điệp cuối cùng của Phó tổng thống mãn nhiệm Mike Pence tại căn cứ không lực hải quân Lemoore (California) vào thứ bảy cuối cùng của nhiệm kỳ Trump-Pence là: “Vinh hạnh vì chính quyền này là chính quyền đầu tiên trong mấy thập kỷ qua không đưa nước Mỹ vào bất cứ cuộc chiến tranh mới nào”. 

Có thể nhìn nhận đó là thành tích đối ngoại tuyệt vời của ông Trump, song cũng có thể coi đó là chuyện “bất chiến tự nhiên thành”, khi vai trò nước Mỹ ngày càng thu hẹp trên toàn cầu.

Tháng 4-2020, tờ The New Yorker đã trách móc trong bài “Nước Mỹ bỏ rơi Syria” rằng “nhiều người Syria vẫn nghĩ Mỹ quan tâm đến họ. Song, bây giờ họ đã biết rõ hơn rồi”. 

Bài báo dẫn lời Tổng thống Trump: “Chuyện Syria, hãy để người khác lo”. Song, người khác đấy là ai? Trả lời: “Từ lâu, Nga đã tự thể hiện mình là lựa chọn thay thế thích hợp hơn cho quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông”.

Bù lại, chính quyền Trump đã giúp hòa giải Israel với các nước Ả Rập trong nỗ lực liên minh chống “chủ nghĩa phiêu lưu” của Iran tại khu vực. Danh sách các nước mới ký kết hòa bình với Israel ngày càng dài: Saudi Arabia, UAE, Morocco, Bahrain. 

Đầu năm 2021, tới phiên Sudan làm hòa với Israel khi Darfur thôi “ôm” khẩu hiệu “ba không” (không ký hòa ước, không thừa nhận, và không thương thuyết với Israel). Đây là một di sản mà theo tờ Foreign Affairs 15-1, ông Biden nhất thiết phải kế thừa: “Biden không cần một chính sách mới về Trung Đông”.

Đại sứ Mỹ tại Israel David Firedman, vừa mãn nhiệm hôm 20-1, trả lời phỏng vấn chia tay tờ The Jerusalem Post, thì đưa ra thông điệp cảnh báo chính quyền và người kế nhiệm: “Không một người duy lý nào sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran”. 

Tuy nhiên, đây có vẻ không phải ý ông chủ mới ở Nhà Trắng, người đứng đầu một chính quyền vốn bị/được gọi là “Obama 2.0” - khởi xướng và hoàn tất thỏa thuận hạt nhân với Iran chính là Barack Obama, sếp cũ của ông Biden. 

Tổng thống tân cử từng tuyên bố sẽ đàm phán thêm để tăng cường sức mạnh cho thỏa thuận và hi vọng Iran lần này sẽ tuân thủ nghiêm. Để chuẩn bị, ông đã bổ nhiệm toàn bộ nhóm đàm phán với Iran lần trước trở lại các vị trí cao nhất trong bộ khung ngoại giao: phụ tá ngoại trưởng, ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia…

Tuy nhiên, cần cảnh báo khả năng cao là tiến trình thương thuyết sẽ lại bắt đầu với những cái lắc đầu “em chả”, “anh cần chớ tôi không cần”… như từng thấy qua bao lần đàm phán trước kia, với Iran hay Triều Tiên cũng vậy, do ông Trump hay ai làm “chủ xị” cũng thế. 

Điều khôi hài là các chính quyền Mỹ hay sa đà vào những cuộc đàm phán mà hậu vận luôn là “vũ như cẩn”.

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Reuters

Châu Âu giữa hai làn đạn

Riêng với Nga, đã có tin nhóm chuyển tiếp quyền lực của ông Biden mời đại sứ Mỹ hiện giờ tại Matxcơva John Sullivan tiếp tục ở lại nhiệm sở. Bloomberg19-1 cho biết Sullivan nằm trong nhóm chỉ vài sứ thần bổ nhiệm thời Trump nay được lưu dụng. Hầu hết các đại sứ Mỹ khác đã ra đi cùng ông Trump hôm 20-1.

Kinh nghiệm của đại sứ Sullivan về nước Nga càng cần thiết lúc này, khi nhà đối lập Nga Alexey Navalny vừa từ Đức về nước đã bị bắt. Hồi tháng 9-2020, phía Đức thông báo ông Navalny bị Nga đầu độc, sau đó được đưa sang Đức cứu chữa và lưu lại từ đó tới nay. Hôm chủ nhật 17-1 vừa rồi, ông về nước và bị bắt ngay khi máy bay chở ông hạ cánh.

Cố vấn an ninh được đề cử của tổng thống sắp nhậm chức Nicholas Burns đã ngay lập tức lên tiếng. CNBC dẫn lời ông này nói vụ bắt giữ có liên quan tới dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng phương Bắc 2 từ Nga sang Đức. Dự án hợp tác Nga - Đức có công suất dự kiến 27,5 tỉ m3/năm này vốn đã gặp nhiều phản đối vì các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước như Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic mà đường ống đi qua. 

Năm 2019, Mỹ từng ra lệnh trừng phạt nhằm chặn việc xây dựng đường ống, cho rằng Đức và các nước châu Âu khác quá lệ thuộc Nga về năng lượng. Ông Burns còn nói ngay trên báo Đức Handelsblatt: “Châu Âu phải dừng việc xây dựng Dòng phương Bắc 2… Điều này sẽ tạo cơ hội cho chính quyền mới của Hoa Kỳ trao đổi một cách tin cậy và bình tĩnh với Chính phủ Đức và các quốc gia khác có liên quan”.

Đúng là Mỹ cần “bình tĩnh” nói chuyện với Đức, do lẽ mới thứ sáu tuần rồi 15-1, Berlin đã ký lệnh cho phép xây dựng đường ống trong lãnh thổ nước mình. Việc Mỹ trừng phạt các nước châu Âu tham gia Dòng phương Bắc 2 là một thí dụ về mâu thuẫn giữa Liên minh châu Âu (EU) và ông Trump trong 4 năm qua. 

Một năm rưỡi sau khi nắm quyền, ông Trump đã “lên lớp” châu Âu về dự án này, chê bai nó “thật kinh khủng” và là “một thảm kịch cho nước Đức”. Nhưng trên thực tế, không chỉ dân Đức cần khí đốt Nga, mà gần như khắp châu Âu, trong đó có dân Pháp, mà mùa đông tuyết trắng xóa này đang được yêu cầu bớt xài điện!

Câu chuyện về đường ống khí đốt là một thí dụ cho thấy châu Âu đang cần một nước Mỹ bình đẳng hơn so với nước Mỹ “bề trên” như thời Trump. Hôm 2-12-2020, Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất về một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới cho phép các đối tác làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề. 

Nhưng trong khi giọng điệu của chính quyền mới có thể khác, các chính sách cơ bản, qua thí dụ Dòng phương Bắc 2 và những mào đầu của ông Burns, cho thấy về bản chất, chính sách gây sức ép với EU để đối phó Nga của Mỹ sẽ vẫn không thay đổi.

 Chính sách của chính quyền Biden không phải là “nước Mỹ trước tiên”, mà là tôn trọng đồng minh”.

Fujisaki Ichiro - (cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ)

Châu Á chờ gì?

Châu Á vốn đông dân nhất nên cũng đa dạng nhất trong trông mong từ ông Biden. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 18-1 nói Tổng thống đắc cử Biden nên đàm phán với Triều Tiên để củng cố tiến bộ mà ông Trump đã đạt được với lãnh tụ Kim Jong Un. 

Đây không chỉ là do ông Moon vốn chủ trương đàm phán với miền Bắc, mà có thể còn do ông không muốn thấy vấn đề bán đảo Triều Tiên bị bỏ quên dưới trào Biden.

Nhật Bản, đang bận bịu chống Covid, đánh tiếng qua lời cựu đại sứ tại Mỹ - ông Fujisaki Ichiro: “Chính sách của chính quyền Biden không phải là “nước Mỹ trước tiên”, mà là tôn trọng đồng minh, và chúng tôi có những giá trị chung. Chúng tôi đón chào chính quyền Biden khi họ quay trở lại với thế giới đa phương”. 

Tất nhiên, có những vấn đề song phương nay cần đàm phán lại, theo lời ông Fujisaki, tỉ như gánh nặng chi phí với chính quyền Tokyo cho các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, hay các tranh chấp thương mại.

Tổng quát hơn, The Strategist 18-1 của Viện Chính sách chiến lược (ASPI) Úc nêu vấn đề phải chăng ông Biden sẽ “mềm” hơn trước Trung Quốc. 

Đầu tiên, bài viết “chỉnh” lại nhận định lâu nay của nhiều người là ông Trump cứng rắn với Trung Quốc: “Từ khi Trump nhậm chức tới tận tháng 2-2020, ông vẫn tung hô ông Tập [Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc] trên Twitter: “Ông ấy mạnh mẽ, sắc bén, tập trung uy lực vào việc lãnh đạo cuộc phản kích virus corona””. 

Cả về kinh tế, cuộc thương chiến và những đàm phán sau đó đã không mang lại kết quả gì thiết thực cho Mỹ. Theo The Strategist, “từ tháng 1 đến tháng 11-2020, Trung Quốc đã mua 82 tỉ USD hàng hóa của Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức cam kết trong thỏa thuận. Và một hiệp định thương mại giai đoạn 2 coi như đã chết hẳn”.

Chính quyền Biden thì chưa biết thế nào, nhưng nhìn vào quá khứ, The Strategist cho rằng có thể đoán định tương lai: “Trong nhiệm kỳ thứ hai của Obama, vào khoảng thời gian ông Tập lên nắm quyền, Mỹ đã áp dụng đường lối cứng rắn hơn, coi việc Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông là một thách thức quân sự lớn. 

Obama đã cố gắng thành lập một liên minh để kiềm chế Trung Quốc, bao gồm thông qua thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương 12 quốc gia loại trừ Trung Quốc mà Trump sau đó từ chối. Gần đây hơn, Trung Quốc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực gồm 15 quốc gia, và lần này Mỹ ở ngoài cuộc”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận