TTCT - Tổng kết loạt “Cha mẹ trực thăng”, TTCT trò chuyện với tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh mà Câu lạc bộ Đọc sách cùng con do chị sáng lập có nhiều hoạt động giúp trẻ em trở nên độc lập và tự tin hơn. Cô phụ trách Thụy Anh (đứng) và các thành viên của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con trong trại hè Ecocamp 2014 ở Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh: Phạm Hằng Tôi cũng không ngoại lệ! * Đầu tiên là câu hỏi cho chị với tư cách một... bà mẹ. Chị có làm “trực thăng” cho con trai không? Nếu có thì vì sao và không thì vì sao? - Tôi nghĩ bất kỳ vị phụ huynh nào cũng không cưỡng nổi sự “cám dỗ” của việc được làm “trực thăng” cho con. Tôi cũng không là ngoại lệ. Từ những bước đi đầu tiên của con, tôi đã dõi theo lo lắng, nhìn trước xem cháu có thể vấp vào đâu, cộc đầu vào đâu, thậm chí còn... lấy vải êm bọc sẵn vách tường nơi nó chạy qua, đề phòng cao nhất. Kết quả là ở nhà thì không sao, còn chỗ khác là cậu bé của tôi bị cộc đầu liên tục vì không biết nguy hiểm để mà tránh. Bài học ấy khiến tôi hiểu rằng cần hỗ trợ con bằng cách cho cháu biết thông tin, hướng dẫn cách xử lý chứ không phải là can thiệp vào hiện thực xung quanh để... không còn gì có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát của mình nữa. Nếu “trực thăng” đáp trực tiếp xuống nơi xảy ra “chiến sự” đôi khi sẽ không giải cứu đúng chỗ Thế là tôi cố gắng trở thành bà mẹ “trực thăng” nhưng là kiểu “lượn vè vè ngoài xa”, quan sát xa hơn điểm cậu bé của tôi đang đứng, mỉm cười khi thấy cậu bé loay hoay tự đối đầu với những khó khăn nhỏ để rút được kinh nghiệm mà không lặp lại lỗi sai. Trực thăng kiểu này cũng lắng nghe tín hiệu SOS đôi khi rất mơ hồ trong không trung để ứng cứu kịp thời. Kỹ năng quan sát, lắng nghe rất quan trọng. Nếu “trực thăng” đáp trực tiếp xuống nơi xảy ra “chiến sự” đôi khi sẽ không giải cứu đúng chỗ. Chẳng hạn, khi đứa trẻ liên tiếp bị điểm kém, việc của cha mẹ không phải là sốt ruột xử lý điểm số ngay mà quan sát và nhìn rộng ra để phán đoán: có vấn đề gì về tâm lý; bị hổng kiến thức nên chán học; lớp học chuyên sâu hơi quá sức so với trình độ đứa trẻ; sức khỏe có vấn đề; mắt nhìn bị kém đi... Những tín hiệu SOS được giải mã tốt sẽ cho cách giải quyết nhẹ nhõm, không gây tổn thương tâm lý trẻ. * Nhiều cha mẹ biết là theo sát con thì sẽ gây khó chịu, thậm chí phản kháng nơi trẻ, nhưng không “trực chiến” thì đau tim! Chị có giải pháp nào? - Cả quãng đời ấu thơ là thời gian học, tìm hiểu thế giới, tìm hiểu bản thân, thu hoạch kinh nghiệm thông qua những trải nghiệm, thậm chí thử nghiệm mới mẻ nhưng... có độ an toàn cao vì vẫn nằm trong vòng bảo bọc của cha mẹ. Cha mẹ không nên làm “trực thăng” sẵn sàng đổ bộ mà hãy là “trực thăng” với nghĩa bao quát từ xa, nhìn rộng hơn mọi vấn đề để cảnh báo, cung cấp kiến thức, phương pháp đối diện với khó khăn, chỉ ra nhiều con đường để đứa trẻ được lựa chọn. Mỗi lứa tuổi có đặc điểm phát triển riêng, đặc biệt là những tiêu chí liên quan đến sự tự lập, ý chí cá nhân và kỹ năng xử lý tình huống một cách độc lập mà nếu cha mẹ can thiệp không hiểu biết, dù là vô tình cũng sẽ cản trở một bước trưởng thành của con. Theo thuật ngữ chuyên môn, những mốc trưởng thành vượt bậc ấy được gọi là các lứa tuổi khủng hoảng: khủng hoảng lên 3, lên 7, khủng hoảng dậy thì. Hẳn các bậc phụ huynh đều quen với những đòi hỏi của trẻ như “Con tự!”, “Con muốn!”, “Con thích...” khiến mình rất khó chịu, nhưng đó là những đòi hỏi đầu tiên chính đáng của những em bé bắt đầu muốn khẳng định mình là một cá thể độc lập. Từ tuổi dậy thì trở đi, vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu các bố mẹ vẫn quá lo cho những bé con của mình mà không chấp nhận cái “tôi” của chúng được thể hiện bằng việc tự đưa ra quyết định của riêng mình. Chính trong thời kỳ này, điều bố mẹ cần làm với con là giúp con tin tưởng vào trình độ, giá trị của bản thân bằng cách khuyến khích con tự đưa ra giải pháp của mình, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định đó. Cảm thấy được tin mới có thể tự tin * Kể cả khi cha mẹ cảm thấy trước sự đổ vỡ? Nguyễn Tất Nhiên có hai câu thơ rất ấn tượng về những vụng dại này: Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao/Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ... - Vâng, có đôi khi ta phải... quay mặt đi để đứa trẻ có khoảng tự do của mình, thật sự độc lập trong hành xử, nếm trải những thất bại nho nhỏ đầu tiên cho nó bài học quý. Đến lúc ra đời, rời mái ấm nhà mình, nó mới tránh được những thất bại lớn hơn. Không thử thì không biết. Không sai thì không nhớ. Những lỗi sai nho nhỏ ở một khía cạnh nào đó lại cần thiết đối với trẻ hơn cả một cuộc sống vô lo, dựa dẫm, có người sắp đặt cho đâu vào đấy hết. Đứa trẻ cần cảm thấy được tin để chính nó có thể tự tin vào bản thân mình. Nhưng để có thể tin, hãy trao cho trẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời cho phép trẻ được hành động theo kiểu của nó ở từng trường hợp - từ nhỏ đến lớn - không sốt ruột làm hộ, làm hết. Đứa trẻ hay được dùng dao kéo ở nhà, ở chỗ khác sẽ không bị đứt tay. Đứa trẻ được cầm tiền đi mua rau, mua hành, sau này sẽ không lúng túng với đồng tiền. Đứa trẻ sớm được cùng ra đường với người lớn sẽ có phản xạ giao thông tốt hơn... Nói tóm lại, nếu trước đó thông điệp của bố mẹ đối với con là: “Đừng lo, chúng ta sẽ cùng giải quyết. Bố mẹ sẵn sàng hỗ trợ con!” thì đến tuổi dậy thì (từ 14, 15), thông điệp đã khác đi rất nhiều: “Con hãy học cách chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình!”. Mỗi người cần được sống cuộc đời của mình. Tôi từng gặp cậu thanh niên đã ra trường, mỗi lần được hỏi ý kiến gì lại nói: “Tùy mẹ em!”. Cậu chọn món ăn theo mẹ, quần áo mẹ mua, bạn gái mẹ duyệt... Cậu là người rất giỏi và thành đạt trong công việc, nhưng cuộc đời của mình, cậu bắt đầu sống muộn hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. * Từ góc độ “nạn nhân”, loạt bài cũng phát hiện hai kiểu “nạn nhân”: đó là những “nạn nhân”, như chị nói, quá lệ thuộc vào sự bao cấp của các “trực thăng”, hoặc nổi loạn để thoát khỏi sự chăm bẵm. Nhưng cũng có những độc giả kể về thời niên thiếu khi họ rất cần sự chăm sóc của bố mẹ mà không hề có, khiến không ít trong số họ đã trượt chân. Suy cho cùng, trách nhiệm và sự chăm sóc của cha mẹ luôn là điều kiện cần, chị có thấy vậy không? - Quả có vậy. Toàn bộ thời thơ ấu, đứa trẻ nào cũng cần tình yêu, sự quan tâm của cha mẹ. Theo thời gian trưởng thành của con, tình yêu ấy, sự quan tâm ấy sẽ bộc lộ khác nhau. Bé thì bế ẵm, chăm ăn, nâng giấc. Lớn thì hiểu tính hiểu nết, cùng chơi cùng đọc sách, chia sẻ buồn vui. Đôi khi cậu con trai cần được ông bố hỏi han, chơi đùa hơn là mang cho bộ đồ chơi đắt tiền về mà xa cách, bận bịu. Đôi khi cô con gái cần mẹ tế nhị chia sẻ cách đối xử với bạn khác giới, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc im lặng đồng minh nào đó khi cô có những tâm sự riêng tư. Đôi khi sự quan tâm của cha mẹ lại nằm ở hình thức tổ chức cuộc sống gia đình nữa. Tôi có một chị bạn, gia đình sống rất ổn. Các con ngoan, tự lập. Tuy nhiên, vì đặc điểm công việc của hai vợ chồng mà hiếm khi gia đình anh chị có bữa ăn chung toàn gia đình. Một thời gian dài chị cứ nấu cơm, ai về trước ăn trước, về sau ăn sau. Mỗi người một đĩa một bát, ăn xong rồi lên gác. Cho đến một lúc chị giật mình lo sợ. Chị sợ vì các con đã lớn, có phòng riêng, rồi sẽ có cuộc sống riêng, gia đình chị không có khoảnh khắc nào trong ngày để chia sẻ, thể hiện tình cảm với nhau, để kể chuyện và cười đùa với nhau như hồi các cháu còn bé nữa. Những giá trị gia đình là giá trị tinh thần nhiều khi ta không nhận ra nhưng chính là vòng bao bọc mạnh mẽ, như vầng hào quang bảo vệ con người vậy. Một ngày rời rã trở về, thi trượt, cãi nhau với bạn thân, một nhóm bạn mờ ám khác rủ rê..., người ta sẽ dễ tĩnh trí hơn khi cảm nhận được sự ấm áp của người thân. Có thể không chia sẻ trực tiếp nhưng tình thương yêu sẽ bảo vệ được đứa trẻ. Chỉ có điều đừng đánh đồng tình thương yêu với sự áp đặt vì lợi ích của con, đừng nhầm lẫn sự chăm sóc với quản lý con thái quá. * Chị từng tổ chức trại xa cho các trẻ ở tuổi mà không ít bậc cha mẹ không dám rời xa dù trong một ngày. Chị có đúc kết gì hay từ những cuộc trại này? - Mỗi đứa trẻ tham gia trại hè mang đến cho chúng tôi một câu chuyện cảm động về cha mẹ mình. Có bạn chưa từng xa mẹ, cứ chiều tối lại khóc. Một bạn khóc, cả mâm... khóc theo! Nhưng chính bạn hay khóc ấy lại là bạn tích cực học cách sống tự lập và sẵn sàng hòa đồng với các công việc của đội. Có mẹ thương con đến nỗi xin lên trại ở cùng con vài ngày cho quen. Trại hè cho tôi thấy còn rất nhiều bậc cha mẹ vẫn làm “trực thăng” quá sát đối với con. Nhiều bố mẹ tỏ ra ngạc nhiên khi thấy con mình sáng nào cũng có thể dậy đúng giờ, gấp chăn màn gọn gàng, quét nhà và lau bàn - là những việc không bao giờ bạn phải mó tay. Có bạn nhỏ sau đó một vài tháng gọi điện mách với tôi: “Mẹ con không cho con làm việc nhà như ở trại!”. Ở trại hè, chúng tôi đưa ra một loạt hoạt động tự lập của cá nhân như vệ sinh cá nhân, giặt quần áo bằng tay, gấp chăn màn, dọn phòng... kết hợp với các hoạt động tập thể như lau nhà, lau bàn, nấu cơm, quét rác, nhổ cỏ, chăm cây và các chương trình học tập khác. Ở mục nào cũng đưa ra quy trình chung cho mỗi hoạt động, phương pháp làm, đưa ra các tình huống giả định để giải quyết và cuối cùng là cho thử nghiệm, làm đều đặn hằng ngày, rút kinh nghiệm khi làm sai, được khen khi làm tốt. Đó chính là những bước hình thành thói quen và kỹ năng. Đó cũng là cách mà bố mẹ cần đối xử với những đứa trẻ ở nhà. Kỹ năng, thói quen và cảm giác trách nhiệm sẽ khiến bạn nhỏ tự tin với hành vi của mình và khiến bố mẹ đôi chút yên tâm hơn khi “thả” con ra ngoài xã hội. * Cảm ơn Thụy Anh và chúc chị thành công. Tags: Phụ huynh
NÓNG: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 122.000 tỉ đồng phát triển văn hóa TIẾN LONG 27/11/2024 Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
Tài xế có nồng độ cồn kịch khung dùng dao tấn công, cảnh sát phải nổ súng cảnh cáo HỒNG QUANG 27/11/2024 Tài xế Lập cầm dao "truy sát" đại úy Thái Duy Kiên. Cảnh sát giao thông phải sử dụng súng bắn chỉ thiên cảnh cáo đồng thời tạo khoảng cách an toàn chờ sự hỗ trợ.
Nam thanh niên bị điện giật ngưng tim 60 phút được cứu sống ngoạn mục ĐOÀN NHẠN 27/11/2024 Leo lên sửa mái tôn, anh D. (Đà Nẵng) bị điện giật chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngã xuống, ngưng tim 60 phút nhưng anh vẫn hồi sinh ngoạn mục.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân bị điều tra tham nhũng MINH KHÔI 27/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đang bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng.