Đội tuyển Việt Nam thời Troussier: Coi chừng vết xe đổ

HUY ĐĂNG 16/04/2023 09:55 GMT+7

TTCT - Sau nỗi buồn ở Doha Cup, ông Philippe Troussier giờ sẽ hướng về mục tiêu phù hợp hơn: SEA Games 32 tại Campuchia.

Từng có một thời, giới truyền thông nước nhà đặt ra câu hỏi liệu có nên tổ chức SEA Games và AFF nữa hay không, đặc biệt là với môn bóng đá?

U23 Việt Nam gây thất vọng trong những trận đầu tiên dưới thời HLV Troussier. Ảnh: VFF

U23 Việt Nam gây thất vọng trong những trận đầu tiên dưới thời HLV Troussier. Ảnh: VFF

Vượt giới hạn phòng ngự

Câu hỏi này được đặt ra là bởi bóng đá Việt những năm gần đây bắt đầu vượt khỏi tầm vóc của "ao làng". 

Trừ Thái Lan, Việt Nam thường dễ dàng đánh bại các đối thủ còn lại, trong những trận cầu mà Malaysia, Indonesia hay Philippines ít thể hiện được gì hơn ngoài những pha tiểu xảo và lối đá thô bạo. 

Ở các giải tầm châu lục, Việt Nam lại thường xuyên gặt hái thành tích đáng chú ý dưới thời HLV Park Hang Seo: á quân U23 châu Á 2018, bán kết Asiad 2018, tứ kết Asian Cup 2019, và nhất là vào tới vòng loại cuối cùng của World Cup 2022.

Trong giai đoạn rực rỡ này, điểm nổi bật về chiến thuật của các đội tuyển Việt Nam là phòng ngự chặt chẽ và phản công sắc bén. Trong tay ông Park, đội tuyển quốc gia Việt Nam từng có 10 trận liên tiếp không thủng lưới, tiệm cận kỷ lục thế giới của Ý. 

Ở các cấp độ trẻ hơn như U23, người hâm mộ cũng thường xuyên thấy đội bóng của ông Park chơi thứ bóng đá chặt chẽ, vững chãi và toan tính hơn, nhất là trước các đối thủ tầm châu lục. Kết quả là ở nhiều giải đấu, Việt Nam tiến xa nhờ những chiến thắng sít sao.

Nhưng thất bại ở vòng loại World Cup 2022, cùng những trận thua trước tuyển Thái Lan hai năm qua, bắt đầu đặt ra câu hỏi phải chăng đó là giới hạn của bóng đá phòng ngự? 

Tinh thần chiến đấu hết mình là điểm mạnh của bóng đá Việt dưới thời ông Park, nhưng không thể đòi hỏi điều đó qua mọi giải đấu, suốt nhiều năm trời.

Rồi ông Park chia tay bóng đá Việt, ông Troussier đến với một hoài bão to lớn. Trong buổi họp báo ra mắt, chiến lược gia người Pháp phát biểu: "Nhiệm vụ của tôi là vượt qua những giới hạn của người tiền nhiệm và đưa bóng đá Việt lên tầm cao hơn".

Phát biểu này gây xôn xao ít nhiều ở thời điểm đó, bị đánh giá là câu nói kém khéo léo của HLV Troussier. Nhưng ai cũng hiểu, mục tiêu của chiến lược gia người Pháp hẳn nhiên phải là tấm vé dự World Cup 2026. 

Việc FIFA mở rộng giải và tăng gấp đôi số vé cho châu Á giúp bóng đá Việt gần với World Cup hơn, nếu tiếp tục tiến bộ sau thời ông Park.

Trở lại với phát biểu của ông Troussier, khi ông nói "vượt những giới hạn của người tiền nhiệm", ý ông phải chăng là chỉ nói tới thành tích, hay còn cả tư duy, chiến thuật, lối chơi? 

Trong những ngày đầu nắm đội, ông tỏ rõ quyết tâm tạo nên dấu ấn. Troussier thay đổi nhiều về phương thức huấn luyện trên sân tập và chiến thuật khi ra trận. Ở Doha Cup 2023, U23 Việt Nam chơi thứ bóng đá tấn công hơn hẳn so với thời ông Park. 

Kết quả là… trắng tay rời giải: lần lượt thua Iraq 0-3, thua UAE 0-4 rồi thua Kyrgyzstan trên chấm luân lưu sau khi hòa 0-0.

Sau giải, HLV Troussier phát biểu rằng ông vẫn không hối hận khi chỉ đạo các cầu thủ chơi tấn công trước những đối thủ nhỉnh hơn về trình độ.

Thực và đạo

Không thể phán xét HLV chỉ sau vài trận đầu tiên. Rất nhiều chiến lược gia nổi tiếng cũng mất một thời gian dài mới giúp đội bóng làm quen được với phong cách và triết lý của mình. 

Nắm tuyển quốc gia càng khó, vì trong một năm, tổng thời gian HLV trưởng làm việc với cầu thủ chỉ vài ba tháng.

Nhưng HLV Troussier dường như đang ôm một giấc mơ vượt quá khả năng của ông. Đã từng có bằng chứng, ngay trong khu vực thôi, về vết xe đổ của láng giềng Thái Lan.

Hơn 5 năm trước, HLV Kiatisak lập nên một loạt chiến tích tương tự những gì ông Park làm được với bóng đá Việt. Giai đoạn đó, Thái Lan hoàn toàn thống trị khu vực Đông Nam Á và chơi ngang ngửa với nhiều đại gia của châu lục. 

Sự tự tin dâng cao đến mức Kiatisak có lúc từng tuyên bố Thái Lan nằm trong top 8 châu Á và đủ sức giành vé dự World Cup 2018. 

Ở đợt vòng loại cuối cùng năm ấy, người hâm mộ chứng kiến một Thái Lan ngang tàng chơi tấn công trước Nhật Bản, Saudi Arabia và Úc, để rồi chuốc lấy một loạt thảm bại. Giấc mơ tan vỡ, "Zico Thái" từ chức.

Thái Lan ở thời điểm đó không sai khi đặt mục tiêu giành vé dự World Cup, nhưng khi sự tự tin lớn đến mức khiến HLV Kiatisak nghĩ rằng đội bóng của ông có thể chơi tay bo cả Nhật Bản hay Saudi Arabia thì tự tin đã trở thành ảo tưởng.

"Chơi tấn công ở tuyển quốc gia khó hơn so với ở CLB" là tựa đề một bài phân tích đang đọc trên chuyên trang The Analyst. 

Theo đó, số liệu thống kê, như tốc độ di chuyển của cầu thủ ở tuyển quốc gia là 1,45 mét/giây, trong khi ở CLB là 1,64 mét/giây; số đường chuyền trung bình của các trận cầu quốc tế cũng nhiều hơn gấp rưỡi so với cấp CLB… cho thấy rất khó truyền đạt và xây dựng một triết lý bóng đá tấn công xuyên suốt ở cấp độ tuyển quốc gia.

Kết quả là các HLV tuyển quốc gia ngày càng có xu hướng chơi phòng ngự phản công. Những đội vô địch World Cup gần đây, Pháp và Argentina, đều tập trung trước hết vào phòng ngự. 

Cả các đội "ngựa ô" như Croatia hay Morocco cũng vậy. Mặt trận tấn công của họ thường được khoán hẳn cho chỉ một siêu sao như Lionel Messi hay Kylian Mbappe.

Đội bóng đã chuyển từ truyền thống phòng ngự sang tấn công nổi tiếng nhất là Đức, từ những năm 2010. 

"Để làm được vậy, những người làm bóng đá Đức phải thay đổi tư duy từ khoảng đầu thập niên 2000. Họ học hỏi từ chính kình địch Hà Lan và tập trung đào tạo kỹ thuật, vun đắp cho những cầu thủ trẻ có tố chất "số 10". Kết quả là sau khoảng 10 năm, bóng đá Đức tràn ngập tiền vệ tấn công xuất sắc", nhà báo Vũ Công Lập từng chia sẻ.

Nhưng ngay cả Đức cũng không thể thành công lâu dài với lối chơi tấn công. Sau giai đoạn thăng hoa đầu thập niên 2010, bóng đá Đức những năm gần đây sa sút nghiêm trọng. Vấn đề then chốt của họ chính là khả năng phòng ngự.

Phòng ngự mãi không thể giúp bóng đá Việt Nam vươn lên đẳng cấp châu lục, nhưng có lẽ vẫn là phương án khả thi nhất lúc này.■

Lời khuyên cho tuyển quốc gia: nên phòng ngự

Số liệu thống kê của The Analyst cho thấy 44% bàn thắng ghi được ở các trận đấu cấp độ tuyển quốc gia là do những sai lầm của hàng thủ. Con số tương ứng ở cấp CLB chỉ là 36%. Điều này lý giải vì sao nhiều HLV tuyển quốc gia chọn lối đá chặt chẽ, hạn chế mắc sai lầm, thay vì tìm kiếm bàn thắng, nhất là với những đội "kèo dưới".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận