Đợt tuyệt chủng thứ sáu

HẢI MINH 02/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT - Các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều thế kỷ rằng những hành động của con người đang đẩy sự sống trên hành tinh mà chúng ta đang chia sẻ với các giống loài khác tới một cuộc tuyệt chủng hàng loạt lớn chưa từng có.

Họa sĩ Gordon Liddle và bức tranh Gaia - đợt tuyệt chủng thứ sáu lấy cảm hứng từ những gì con người gây ra với tự nhiên -artplode.com
Họa sĩ Gordon Liddle và bức tranh Gaia - đợt tuyệt chủng thứ sáu lấy cảm hứng từ những gì con người gây ra với tự nhiên -artplode.com

Các đợt tuyệt chủng hàng loạt từng xảy ra năm lần trong quá khứ, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy lần này sự thay đổi là rất khác biệt. Chúng ta thậm chí có thể không còn đủ thời gian để xoay chuyển tình thế nữa.

Trong khoảng thời gian 450 triệu năm của sự sống trước khi con người xuất hiện, các nhà khoa học đã đếm được năm đợt tuyệt chủng lớn, nhưng một nghiên cứu trên tạp chí The Anthropocene Review năm 2016 khẳng định đợt tuyệt chủng hàng loạt lần này rất khác, với tác nhân duy nhất xuất hiện trong khung cảnh sự sống mới 200.000 năm trước: Homo sapiens, tức người hiện đại.

“Vấn đề không phải là cáo buộc người nào đã gây ra mọi chuyện - tác giả đứng đầu nghiên cứu Mark Williams, Đại học Leicester (Anh), nói với báo The Guardian - vì con người không cố ý gây ra tình trạng này.

Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta đang tác động làm đảo lộn hành tinh và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, và rằng chúng ta phải trở thành những người bảo vệ cho tự nhiên, thay vì hành xử như những đứa trẻ phá phách trong một cửa hàng kẹo”.

Đợt tuyệt chủng thứ sáu là một thảm họa kinh khủng, trên diện rộng và không thể đảo ngược nếu chúng ta cứ tiếp tục như hiện giờ, nhóm các nhà khoa học cảnh báo.

Trong quá khứ, sau mỗi đợt tuyệt chủng, phải mất 10-30 triệu năm để mẹ tự nhiên hồi phục các hệ sinh thái, khoảng thời gian lâu hơn 40-120 lần so với sự tồn tại của người hiện đại.

“Những thay đổi sâu sắc ở quy mô cả hành tinh đã bắt đầu rồi” - đồng tác giả Peter Haff, nhà cổ sinh vật học và kỹ sư ở Đại học Duke, nói.

4 cỗ xe ngựa diệt vong

Nhóm nghiên cứu nói cuộc tuyệt chủng hiện giờ là độc nhất vô nhị trong lịch sử Trái đất vì bốn yếu tố: sự lan nhanh của những loài không phải bản địa khắp thế giới; một loài đơn lẻ (con người) đang sử dụng một tỉ lệ quá lớn các nguồn tài nguyên của Trái đất; hành vi của con người ngày càng có tính chất định hướng tiến hóa tự nhiên và sự nổi lên “không gian công nghệ” (technosphere).

Sự thay đổi đầu tiên được các tác giả nghiên cứu gọi là “quá trình đồng nhất hóa hệ động vật và thực vật toàn cầu”.

Điều đó có nghĩa là bạn có thể ăn cà chua ở Ý, săn linh dương châu Phi ở Texas, cưỡi ngựa ở Chile, gặp loài cóc mía ở Úc, đào giun đất ở Bắc Mỹ hay bắt được chuột ở Galapagos.

Tất cả những điều đó không thể xảy ra nếu không có sự can thiệp của con người: những hành trình khám phá mọi ngóc ngách Trái đất của chúng ta bằng các phương tiện vận tải hiện đại đã mang theo những giống loài mới tới những vùng mới.

Rất nhiều khi những loài mới này gây ra sự diệt chủng hàng loạt cho các loài bản địa vốn không quen thuộc với những kẻ xâm lấn.

Thứ hai, trong vài thế kỷ qua, loài người đã trở thành giống loài tham lam nhất Trái đất: trên đất liền, trong không trung và cả trên biển. Con người đang sử dụng 25-40% tổng nguồn lực của Trái đất cho mục đích ích kỷ của mình.

Thứ ba, loài người đã trở thành một thế lực lớn trong việc định hình sự tiến hóa.

Rõ ràng nhất là việc thuần hóa động vật và canh tác nông nghiệp đã được thực hành hàng nghìn năm, nhưng con người còn thay đổi quá trình chọn lọc tự nhiên (hay nhân tạo?) bằng nhiều cách khác nữa.

“Chúng ta đang thao túng các bộ gen qua việc chọn lọc nhân tạo và các kỹ thuật ở mức phân tử, còn gián tiếp tác động thông qua việc tương tác với hệ sinh thái” - đồng tác giả nghiên cứu Erle Ellis, chuyên gia về nhân loại thế (Anthropocene), thuật ngữ được dùng để chỉ thời kỳ Trái đất bắt đầu có con người, ở Đại học Maryland (Mỹ), nói.

Cuối cùng là vấn đề “không gian công nghệ”. Thuật ngữ này được Peter Haff nghĩ ra năm 2015. Ông định nghĩa nó là “một hệ thống xã hội - công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng trên toàn cầu bao gồm con người, các thiết bị công nghệ, các hệ thống cùng với những sự kết nối, quy định và thông tin gắn kết tất cả chúng lại với nhau”.

Về cơ bản, không gian công nghệ là một sự kết nối rộng khắp con người và các kỹ thuật của giống loài này.

“Tôi sẽ nói rằng các loài động vật và thực vật, cũng như con người, đều thuộc về không gian công nghệ này” - Haff nói.

Theo ông, loài người đã đạt tới một điểm mà chúng ta không thể ngừng sử dụng và cập nhật công nghệ, khiến không gian công nghệ giờ đã được ưu tiên hơn so với chính bản thân con người. “Theo nghĩa này, không gian công nghệ đang tạo ra những mô sống của chính chúng và như thế tích hợp với sinh quyển (biosphere)” - Haff giải thích.

Nhưng Ellis đưa ra một lời giải thích khác: “Hành vi của con người hiện đại với những xã hội cực kỳ phức tạp đã lan khắp Trái đất và đang ngày càng lớn hơn, rốt cuộc đã có năng lực làm thay đổi hoàn toàn hành tinh này.

Công nghệ không phải là động lực thay đổi hệ thống Trái đất - chính hành vi của con người gây ra điều đó”.

Dù còn tranh cãi trong việc nên nhấn mạnh vào công nghệ hay hành vi xã hội, các nhà nghiên cứu nhất trí rằng loài người hiện đại đang thay đổi Trái đất ở quy mô chưa từng thấy.

“Nếu loài người tuyệt chủng ngay ngày mai thì ảnh hưởng của chúng ta lên sinh quyển sẽ tương đương với việc chuyển giao giữa hai thế địa chất, giữa Thế Pleistocene và Thế Holocene chẳng hạn” - Williams nói. Một thế địa chất thường kéo dài tới hàng chục triệu năm.

Nhưng rõ ràng là con người sẽ chưa tuyệt chủng vào ngày mai. Nếu những thay đổi con người gây ra với sinh quyển tiếp tục như hiện giờ hoặc tăng tốc thì những gì xảy ra sẽ là “chưa từng thấy trên Trái đất”, theo Williams.

Sự thay đổi đó có thể được so sánh về mặt cổ sinh vật học với việc xuất hiện của các sinh vật siêu vi hay sự nổi lên của các tổ chức hữu cơ đa tế bào.

Tác giả Elizabeth Kolbert và cuốn Đợt tuyệt chủng thứ sáu -asu.edu
Tác giả Elizabeth Kolbert và cuốn Đợt tuyệt chủng thứ sáu -asu.edu

 

Đợt tuyệt chủng thứ sáu

Những vấn đề trong nghiên cứu của các nhà khoa học trước đó đã được triển khai trong cuốn sách được The Guardian đưa vào danh sách 100 cuốn thể loại phi hư cấu hay nhất mọi thời đại: The Sixth Extinction: An Unnatural History (tạm dịch: Đợt tuyệt chủng thứ sáu: Một lịch sử phi tự nhiên) của tác giả người Mỹ Elizabeth Kolbert.

Trong 13 chương của cuốn sách được giải Pulitzer, nữ nhà báo Kolbert đã đưa ra lời cảnh báo về một viễn cảnh “chúng ta sẽ diệt vong”.

Bà giải thích lời cảnh báo đó qua những câu chuyện xúc động, đau thương và có thật về số phận của loài ếch vàng Panama, tê giác Sumatra hay chim ăn mật ong mặt đen Maui.

Một mục đích quan trọng không kém của Kolbert - không như các nhà nghiên cứu - là giúp người đọc thông thường hiểu thêm về lịch sử các đợt tuyệt chủng hàng loạt, một khái niệm còn khá mới mẻ và chỉ bắt đầu manh nha trong thời kỳ Khai sáng ở Pháp.

Trong thảm họa tuyệt chủng tiếp theo do con người gây ra, qua những cuộc điều tra sâu rộng của bà, Kolbert viết: “1/3 các loài san hô cấu tạo nên rạn san hô, 1/3 các loài động vật thân mềm nước ngọt, 1/3 các loài cá mập và cá đuối, 1/4 các loài có vú, 1/5 các loài bò sát và 1/6 tất cả các loài chim đang đi tới diệt vong vì những thay đổi rộng khắp mà con người gây ra. 

Mất mát xuất hiện khắp nơi: ở Nam Thái Bình Dương, ở Bắc Đại Tây Dương, ở Bắc Cực và ở vùng Sahel, trong hồ và trên các hòn đảo, trên những đỉnh núi và trong các thung lũng”.

Lấy ví dụ, chúng ta vẫn cứ coi bầu khí quyển là một bãi rác công cộng và thải vào đó hơn 90 triệu tấn khí độc hại mỗi ngày.

Nếu khuynh hướng này tiếp tục, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên và gây ra “những sự kiện làm thay đổi thế giới”.

Sự ấm lên đáng báo động của cả khí quyển và đại dương, mà Kolbert cho biết hấp thu 1/3 lượng khí carbon dioxide mà chúng ta thải ra, đang tàn hại các hệ sinh thái vốn cân bằng rất tinh tế của Trái đất. Nó đe dọa một mạng lưới các loài mà chúng ta đang sống cùng.

Chu kỳ của nước trên Trái đất cũng đang bị đảo lộn một cách nguy hiểm. Các đại dương ấm lên bốc hơi nhanh hơn vào không khí. Không khí ấm hơn giữ ẩm nhiều hơn, gây ra mưa, lũ lụt và lở đất nhiều hơn.

Lượng nhiệt tăng lên cũng được giữ lại chủ yếu ở bề mặt biển khiến các trận bão hình thành trên biển có cường độ ngày càng dữ dội.

Các đại dương của chúng ta cũng bị axit hóa nhanh chóng, nhiều hơn so với hàng triệu năm trước và điều đó có thể khiến những rạn san hô là các hệ sinh thái đầu tiên bị diệt vong hoàn toàn trong thời hiện đại, Kolbert viết.

Hàng loạt vấn đề khác cũng đã được nêu ra với những ví dụ tỉ mỉ và đặc sắc trong cuốn sách: Trái đất nóng lên khiến hạn hán thường xuyên hơn, cháy rừng nghiêm trọng hơn, mùa màng bị đe dọa, băng tan, sự lan ra một cách tự nhiên của các virút, vi khuẩn và các loài mang bệnh khác như muỗi và ve...

Tệ hơn, bất chấp các bằng chứng rõ ràng là con người đang gây ra những vụ tuyệt chủng, chúng ta đã rất chậm chạp trong việc giải quyết thách thức với môi trường toàn cầu, cách chúng ta phản ứng dựa trên một quan điểm đã lỗi thời về mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên.

Kolbert viết rằng loài người đã cực kỳ thành công trên Trái đất trong việc sinh tồn và phát triển, nhưng chúng ta làm điều đó với cái giá phải trả là ảnh hưởng lên gần như tất cả những giống loài khác.

Cuốn sách kết thúc với mô tả về một căn phòng không cửa sổ ở Viện nghiên cứu bảo tồn tại California vẫn được gọi là “vườn thú đông lạnh”, nơi các nhà khoa học lưu trữ bộ gen lớn nhất của các loài trên Trái đất ở tình trạng đông đá. “Với việc đẩy các loài khác tới chỗ tuyệt chủng, con người đang tất bật cưa đi cành cây mà con người ngồi trên đó” - Kolbert kết luận. ■

5 đợt tuyệt chủng lớn

Giai đoạn chuyển giao Kỷ Ordovic-Silur. Khoảng 447-443 triệu năm trước, có thể do sự dịch chuyển của siêu lục địa Gondwana làm Trái đất lạnh hơn, nhiều vùng đóng băng và mực nước biển hạ thấp.

Giai đoạn Kỷ Devon muộn. Khoảng 375-360 triệu năm trước, các giả thuyết giải thích bao gồm sự lạnh đi của các đại dương, núi lửa phun trào dưới đại dương và thiên thạch.

Giai đoạn chuyển giao Kỷ Permi-Trias. Khoảng 251,4 triệu năm trước, nguyên nhân có thể do sự phun trào núi lửa quy mô lớn ở vùng nay là Siberia.

Giai đoạn chuyển giao Kỷ Trias-Jura. Khoảng 199,6 triệu năm trước, các giả thuyết được đưa ra do biến đổi khí hậu từ từ, va chạm của thiên thạch hoặc phun trào núi lửa.

Giai đoạn chuyển giao Kỷ Creta-Paleogene. Khoảng 65,5 triệu năm trước, có thể do một thiên thạch rơi xuống Trái đất hoặc do sự gia tăng hoạt động của núi lửa.

Và đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu đang diễn ra, với tác nhân chính là con người hiện đại?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận