Đủ ý tưởng, thiếu biện pháp

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP 15/03/2011 01:03 GMT+7

TTCT - Sở dĩ nhiều chủ trương về giáo dục đại học (GDĐH) đưa ra thực hiện trong những năm qua không được suôn sẻ, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý GDĐH.

Khi nhiều người VN tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất nước, dịp đầu năm như tìm đến một nơi bày tỏ những ước vọng mãnh liệt về sự trưởng thành tri thức và thành đạt, thì cũng là lúc nên nhắc lại những ưu tư và cả những kỳ vọng về một hệ thống giáo dục đại học đang rất cần một sự cải tổ sâu sắc.

Cả nền giáo dục nước ta nói chung cũng như hệ thống GDĐH nói riêng có quá nhiều vấn đề, cho nên nhiều chuyên gia và trí thức tâm huyết thấy cần có một cuộc cải cách sâu rộng nền giáo dục để đất nước có thể phát triển bền vững.

Lấy tiền ở đâu cho giáo dục đại học?

Khoa học giáo dục ở nước ta còn chưa hướng vào những vấn đề cơ bản của giáo dục, Viện Khoa học giáo dục cũng mới được tận dụng nhằm minh họa chứ chưa phải để nghiên cứu phản biện cho các chủ trương của ngành.

Vấn đề nổi bật đầu tiên là “tiền đâu”, tức là tài chính đại học. Báo cáo của Quốc hội sau cuộc khảo sát về GDĐH năm 2010 cho biết hiện nay chi phí đơn vị trên đầu sinh viên một năm để đào tạo ở các trường công khoảng 6 triệu đồng (khoảng 300 USD), nhưng nhiều trường chạy theo số lượng tuyển sinh vượt chỉ tiêu nên chi phí này hạ xuống còn khoảng 2,5 triệu đồng (tương đương 130 USD). Chi phí đơn vị quá thấp như vậy thì không thể nói đến chất lượng.

Theo thông lệ quốc tế, chi phí đơn vị cho đào tạo đại học đối với các nước mà trình độ phát triển còn thấp như VN phải cao hơn GDP trên đầu người một ít (tức phải khoảng 1.200 USD) mới có thể đạt chất lượng chấp nhận được. Vậy nước ta lấy đâu ra tiền để đảm bảo chi phí đơn vị tối thiểu đó?

Cũng theo kinh nghiệm thế giới, phải chia sẻ chi phí GDĐH từ các nguồn nhà nước, sinh viên và xã hội. Chính sách học phí đủ cao + hỗ trợ cao được nhiều nước sử dụng để đảm bảo đủ kinh phí đào tạo, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội. Học phí cao để huy động đóng góp của những người có khả năng đóng góp, vì họ đang đầu tư cho tương lai của chính mình, còn hỗ trợ cao phải đúng địa chỉ, chủ yếu là giúp người nghèo bằng cách cho vay để họ có khả năng trả học phí học đại học và sẽ hoàn lại trong tương lai.

Mấy năm qua Chính phủ đã cố gắng đưa ra quỹ tín dụng sinh viên để thực hiện hỗ trợ (tuy chưa thật cao), nhưng chính sách này được thiết kế chưa thấu đáo, không ổn định, gây khó khăn cho nhiều sinh viên. Và chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng chưa được kết nối với chính sách học phí đủ cao một cách chặt chẽ.

Để xử lý vấn đề này cần đổi mới tư duy và tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt trong bộ phận lập pháp, tức là các đại biểu Quốc hội. Cần làm cho mọi người thấy rõ: việc kìm giữ mức học phí ở mức quá thấp chính là tạo bất công xã hội, vì phải lấy ngân sách, tức là tiền thuế của mọi người, kể cả dân nghèo, để bao cấp cho cả một số người khá giả học đại học. Học phí đủ cao + hỗ trợ cao mới là giải pháp công bằng.

Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường đại học

Đây mới là nội dung chính của bài toán quản lý GDĐH. Ngành giáo dục khẳng định rất đúng rằng quản lý là khâu yếu kém nhất của hệ thống GDĐH hiện nay. Tuy nhiên cho rằng nguyên nhân của yếu kém đó là do Bộ GD-ĐT phải nắm quá nhiều trường, và chủ trương giao bớt một số trường cho tỉnh quản lý là không thỏa đáng, vì hiện nay và trong thời gian trước mắt các tỉnh rất khó có đủ năng lực để quản lý bậc đại học.

Cho rằng nguyên nhân yếu kém ở chỗ bộ nắm quá nhiều trường là do quan niệm bộ phải quản lý trực tiếp, từ đó dẫn đến khái niệm chủ quản và trực thuộc. Nếu quan niệm nội dung quan trọng của bài toán quản lý GDĐH là tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học thì không lo ngại về quá nhiều trường như bộ tính toán, vì bộ chỉ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước.

Chính nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới GDĐH 2006-2020 đã đưa ra ý tưởng xóa bỏ cơ chế chủ quản, thế nhưng tiếc rằng cho đến nay chưa có biện pháp cụ thể nào để thực hiện ý tưởng đó.

Tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý giáo dục đại học

Sở dĩ nhiều chủ trương về GDĐH đưa ra thực hiện trong những năm qua không được suôn sẻ, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý GDĐH, một số vấn đề cơ bản của khoa học giáo dục chưa được đi sâu nghiên cứu để hỗ trợ cho các chủ trương đó.

Các lần đề nghị tăng học phí trình Quốc hội không tìm được sự đồng thuận cao có thể do chủ trương tăng học phí không được đưa ra đồng thời với chủ trương hỗ trợ sinh viên bằng quỹ tín dụng, cũng chưa có chiến dịch thuyết phục công luận rằng phương án học phí đủ cao + hỗ trợ cao mới thật sự đảm bảo công bằng xã hội.

Chủ trương đổi mới tuyển sinh bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan và hợp nhất kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học đã giẫm chân tại chỗ nhiều năm vì bộ phận trực tiếp chịu tổ chức thi tuyển sinh không thực hiện quy trình thi theo hướng mà nghị quyết 14 của Chính phủ đã khẳng định: “Cải tiến thi tuyển sinh đại học theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại...”.

Một hoạt động lớn về áp dụng học chế tín chỉ cho toàn bộ hệ thống GDĐH cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, gây khó khăn trong thực hiện ở các trường...

Càng đổi mới GDĐH, càng thực hiện đại chúng hóa GDĐH, chúng ta càng thấy nước ta rất thiếu các chuyên gia thực thụ về khoa học giáo dục và những nhà quản lý thật sự có hiểu biết về GDĐH.

Có thể đưa ra một sự so sánh để hình dung về đội ngũ chuyên gia và “sĩ quan” cho ngành giáo dục ở nước ta hiện nay. So với ngành quân sự, đến nay nhìn lại có thể thấy các chuyên gia và “tướng lĩnh” của ngành giáo dục phần lớn là những người tự đào tạo giống như ở lĩnh vực quân sự vào đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Muộn còn hơn không, Nhà nước cần nhanh chóng gửi đào tạo chuyên gia thực thụ về các lĩnh vực nói trên ở các nước tiên tiến, đồng thời tăng cường các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước về khoa học giáo dục. Không tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý giáo dục dựa vào khoa học giáo dục thì không thể tạo nên sự phát triển bền vững của nền giáo dục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận