Đứa trẻ trên nắp thùng kem

THANH HIỀN (ĐÀ NẴNG) 01/11/2011 22:11 GMT+7

TTCT - Tôi dõi theo hai bố con anh khuất dần khi cơn mưa bất chợt ập đến. Giữa đường biển này lấy đâu ra cái nhà để trú, cây cối cũng chưa đủ lớn để có tán che nổi một người.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Ngày nắng, biển đông nghịt người nhậu nhẹt, hò hét, nhảy sóng... Và những xe bán hàng rong ê a rao...

Tôi lại gặp bố con anh. Con nhóc ngồi trên nắp thùng kem chừng 3 tuổi, mặt lấm lem. Anh chở nó đi khắp bờ biển, đoạn nào có người thì đạp chậm lại để mời. Riêng nhóc hình như nhanh cũng được, chậm cũng được, miễn cho nó thứ gì cầm trên tay. Được một đoạn dài, anh dừng lại trước chiếc xe trứng chiên, chả chiên của một phụ nữ. Người phụ nữ ấy bế lấy nhóc, quệt tay ngang mặt nó rồi thơm thơm mấy cái vào má.

Ra đó là một gia đình, hai vợ chồng chiều chiều đi bán hàng rong ngoài bờ biển, phải chở theo nhóc vì ở nhà không có ai trông, cũng chẳng đủ tiền cho đi mẫu giáo.

Tôi biết vậy là bởi những lần mua kem của anh, chị đến đưa cho nhóc mấy cái trứng cút chiên để ăn khi ngồi trên nóc thùng kem cho đỡ buồn. Rồi tôi để ý nhiều hơn, nhóc lúc nào cũng mặc chiếc áo phông mỏng dính, đôi lần đội thêm chiếc mũ tai bèo của ba, còn không thì dù lạnh đến mấy nhóc cũng cứ bình thản theo ba hết mọi ngả đường. Có chiều trở lạnh, người trên biển về gần hết, tôi co ro trong chiếc áo sơmi dài tay, tình cờ thấy nhóc, vẫn không thêm một mảnh áo nào, chỉ khác là mặt tái đi.

Chẳng biết thùng kem và xe trứng chiên kia mấy giờ khuya mới về tận nhà, để nhóc không phải ngủ trên “chiếc giường” di động, khi qua ổ gà, ổ voi, khi bị ba bế xốc lên vai để mở nắp lấy kem. Và cũng chẳng biết sau một ngày rong ruổi ngoài biển, anh chị có chắt chiu đủ tiền để một ngày không xa đưa nhóc đến cổng trường.

Lớp cũ trường xưa...

Thật là lạ khi người ta đập phá dọn dẹp hết, chỉ chừa có cái quạt trần cũ kỹ bụi bặm mốc meo trơ trọi u sầu lủng lẳng... trên trần.

Chỗ này xưa kia là một trường tư thục, bây giờ bị phá đi để biến thành trung tâm mua sắm đồ điện tử. Bạn bè vừa báo tin, tôi lật đật chạy vù đến thăm nom lần cuối vùng kỷ niệm thời niên thiếu. Giải thích và thuyết phục mãi, ông bảo vệ mới cho vô với lời dặn “lẹ lên và cấm chụp hình”.

Đây nè, chỗ này trước kia là bức tường cuối sân sau. Hồi sinh viên biểu tình chống Mỹ ở ngoài đường, vì không muốn rắc rối nên trường trung học đóng cổng sắt nhốt học sinh bên trong. Và rồi học sinh đứng sau hàng rào sắt la ó phụ họa mấy anh sinh viên: “Nhỏ mà không học, lớn làm đại úy... cảnh sát dã chiến”. Thế là cảnh sát bắn lựu đạn cay vào sân trường. Chịu khói không thấu, thầy trò chạy như vịt...

Còn phía trước trường là chỗ ông già bày sách trên tấm nilông trải ở lề đường, bán đủ loại sách giáo khoa cũ - mới, thỉnh thoảng kèm vài quyển tiểu thuyết. Còn nhớ hôm đó thằng Lân bị tai nạn giao thông, nhẹ thôi nhưng cũng đủ đà để bay vào hạ cánh an toàn trên đống sách. Lúc đầu ông già tức khí, nhưng sau đó lại cười khì khì. Bây giờ người ta đang đập lề đường để lát gạch mới.

Gốc cây điệp là chỗ tôi bị nạn. Tan học, lơ ngơ ra về bỗng dưng “bụp, bụp, bụp”, tôi bị hai ba thằng lạ mặt đánh túi bụi. Chưa kịp hiểu ra điều gì thì trận đòn ngưng đột ngột như lúc bắt đầu cũng đột ngột, sau hiệu lệnh: “Lộn rồi tụi bây ơi, hổng phải thằng này!”. Cây điệp đã bị cưa ngang, chỉ còn chừa phần gốc nhô lên, to hơn bề mặt tấm thớt.

Nói chung, người ta đang cải tạo lại hết. Bàn ghế học sinh dĩ nhiên là không còn, bảng đen phấn trắng, tủ đựng học bạ đã dọn sạch. Cửa sổ cửa cái đều đi vắng, khiến mảng tường trông giống như gương mặt với miệng chữ A mắt chữ O.

Trường lớp hầu như chẳng còn dấu tích nào, ngoại trừ cái quạt đang lủng lẳng trên trần với dáng vừa thắc mắc vừa chịu đựng. Hôm đó, cô nữ sinh học giỏi nhất lớp bị cảm và lạnh. Cậu học sinh học giỏi nhất lớp lẳng lặng sang phòng bên cạnh, chỗ có cái táp-lô điều khiển, âm thầm tắt cái quạt trần, ngỡ không ai nhận ra hành tung của mình. Vừa trở về lớp, cậu bị mấy chục cái miệng la ó phản đối trêu vui. Rồi sau đó mấy chục cái miệng ấy rúc rích cười đồng lõa.

Lớp cũ ơi, người xưa ơi...

TTCT cảm ơn các bạn: mainhan Trần, Ngô Thị Hương Quế, Bạch Tuyết, Giang Thanh, Võ Thị Nương... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận