TTCT- Tranh luận về năng lượng hôm nay không còn bị gọi là “thuyết âm mưu” nữa, từ khi nạn đói năng lượng không chỉ đe dọa các nước phát triển. Những cột gió tạo ra điện gió bên cạnh một giàn khoan dầu khí, lựa chọn nào cho tương lai? -qz.com Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 1990 đến 2008, dân số thế giới tăng 27% nhưng nhu cầu năng lượng tăng tới 39%, đã thế một nửa năng lượng được tạo ra rơi vào những cái dạ dày khổng lồ mang tên Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, cho dù dân số ở ba khu vực đó cộng lại chưa đầy 1/3 nhân loại. Từ sau năm 2008, con số trên chắc chắn còn dịch chuyển theo hướng kịch tính hơn, vì các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc thiếu năng lượng triền miên và việc sản xuất năng lượng luôn châm ngòi cho vô số xung đột lớn nhỏ cũng như đi đôi với triệt phá môi trường. Nhắm mắt đi vào cửa tử Theo nhà nghiên cứu nhân học Marshall Sahlins từ Đại học Chicago, nhu cầu năng lượng trên thế giới tính theo đầu người hằng năm hầu như không đổi cho đến khi bắt đầu Cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Từ đó đến nay, nhu cầu này gia tăng không ngừng, đặc biệt mạnh trong vài thập niên gần đây. Báo cáo năng lượng British Petroleum Energy Outlook của Hãng dầu khí BP dự đoán nhu cầu năng lượng thế giới đến năm 2035 tăng 37%, tức 1,4% hằng năm, đi đôi với bầu khí quyển vốn đã ngột ngạt mà phải chịu thêm 25% lượng CO2. Năm 1935 được chọn làm mốc vì đó là điểm cuối ít nhiều lung lay của nỗ lực muốn cân bằng tiêu chuẩn sống Âu - Mỹ ở các nước đang phát triển, đi đầu là Ấn Độ và Trung Quốc. Những nước này hiện được coi là thủ phạm chính trong quan điểm chấp nhận hủy hoại môi sinh như cái giá phải trả của “phát triển”, trong khi Mỹ và Tây Âu ngày càng sát đích tự cung tự cấp năng lượng, chủ yếu nhờ nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm. Trung Đông tạm được dư luận “ưu ái” không săm soi, cho dù có tốc độ bùng nổ dân số (51% trong 20 năm) và gia tăng nhu cầu năng lượng (170%) cao nhất trái đất - bù lại thì họ may mắn ngồi trên bể dầu mỏ, cho dù không phải vô tận. Nói cách khác, loài người biết rõ sự hữu hạn của các nguồn nhiên liệu hóa thạch (vốn đáp ứng 86% nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2013), nhưng đơn giản không có lựa chọn nào khác, hoặc cứ tự an ủi rằng ngày tận thế còn xa. Nhưng một học sinh cấp III cũng dễ dàng tính ra kịch bản ảm đạm ở chân trời. Theo các tính toán đó, trữ lượng than trong lòng đất còn đủ cho 170 năm nữa, dầu và khí đốt là 43 và 46 năm. Nhưng con tính đã lạc hậu ngay khi chưa kịp cầm bút ghi lại: Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu năng lượng toàn cầu từ năm 2008 đến năm 2035 tăng ở mức 35% chỉ với điều kiện áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm năng lượng và khai thác nguồn năng lượng tái tạo, bằng không thì còn cao hơn nữa. Tận dụng cả các nguồn hóa thạch hiện chưa khai thác được vì thiếu cơ sở kỹ thuật cũng như tính kinh tế, thì con số 200 năm cho đến khi tiêu pha hết rồi chết đói cũng không phải là viễn cảnh huy hoàng cho lắm đối với xã hội của thứ sinh vật tự coi là văn minh nhất dải Ngân hà. Nguyên tử hòa bình (?) Năng lượng nguyên tử ở thuở hồng hoang của khoa học hạt nhân được tung hô như cứu tinh của nhân loại. So với các nguồn năng lượng khác, rõ ràng năng lượng hạt nhân có hiệu suất vượt trội, đến nỗi người ta để sự lạc quan lấn át mọi rủi ro tiềm tàng. Một loạt nhà toán học ngồi trong tháp ngà tính ra xác suất tai nạn rò rỉ phóng xạ cấp độ 4 ở mức 500 năm một lần. Thực tế, vốn ít khi chịu song hành với lý thuyết, có thống kê riêng và đặt ra câu hỏi: cứ cho là 500 năm mới có một lần tai nạn, thì rất có thể nó lại xảy ra năm sau hoặc ngay tối nay thì sao? Viện Hóa học Max Planck ở Mainz (Đức), một cơ sở có tiếng trong ngành, cho rằng trong số hơn 400 nhà máy điện hạt nhân và vô số phòng thí nghiệm hiện nay, nguy cơ tai nạn nằm ở khoảng 10-20 năm một lần, nghĩa là cao hơn 200 lần so với tính toán của ủy ban cấp phép cho lò phản ứng hạt nhân của Mỹ hồi năm 1990 (báo cáo của Max Planck Gesellschaft ngày 22-5-2012). Chúng ta, những người ít khả năng chuyên môn hơn họ, chỉ cần đếm các tai nạn từng xảy ra và không bị giấu nhẹm: Chalk River, Canada, 1952; Idaho, Hoa Kỳ, 1955; Kyshtym, Liên Xô, 1957; Windscale, Anh, 1957; Los Alamos, Hoa Kỳ, 1958... cho đến gần đây hơn là Chernobyl, Liên Xô, 1982; Vladivostok, Liên Xô, 1985; Chernobyl lần 2, Liên Xô, 1986; Fleurus, Bỉ, 2006; Fukushima, Nhật Bản, 2011. Ngay cả khi vấn đề an toàn ngày càng được xử lý tốt hơn thì cho đến nay vẫn còn một bài toán chưa có lời giải: các thanh đốt và một số rác thải của nhà máy điện hạt nhân - tùy vào chu kỳ bán rã của đồng vị - còn phóng xạ từ vài tháng đến vài ngàn năm nữa, và người ta chưa có cách nào khác an toàn hơn là chôn chúng vào các hầm mỏ bỏ hoang. Không phải nước nào cũng đủ dũng cảm và tài lực để đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân như Nhật và Đức sau sự cố Fukushima. Tuy vậy, cũng không nên khen họ quá sớm: Nhật đã tái sử dụng một nhà máy điện hạt nhân sau tai nạn, và một số chính khách EU gợi ý Đức kéo dài thời hạn đến sau năm 2020... Ánh sáng cuối đường hầm Rất logic mà lại khó làm: năng lượng tái tạo đã thành khái niệm “mốt” trong mấy năm qua, từ lò đốt rác thải hay ủ sinh khối lấy biogas, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt (tách ra từ nhiệt tỏa ra trong lòng Trái đất), năng lượng mặt trời, thủy điện, phong điện... Vật liệu đầu vào thường rẻ (như rác sinh học) hoặc gần như miễn phí (như nắng và gió), nhất là ở các quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với số giờ nắng cao hoặc bờ biển dài nhiều gió. Kỹ nghệ làm năng lượng từ nguồn tái tạo cũng đã ở mức thông dụng. Một trong những khó khăn duy nhất còn đọng lại là đầu tư ban đầu, bên cạnh các biện pháp khuyến khích xã hội hóa. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi rời Nhà Trắng đem lại nhiều tin vui cho nước chủ nhà, trong đó đáng chú ý là dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng quy định đấu nối điện gió và nghiên cứu tích hợp năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, trên cơ sở vốn viện trợ không hoàn lại từ Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA), theo thỏa thuận hỗ trợ tài chính giữa Chính phủ Mỹ và Cục Điều tiết điện lực Việt Nam (ERAV). Dự án này hứa hẹn thúc đẩy cuộc tìm kiếm năng lượng xanh ở Việt Nam đi xa hơn là chỉ vài cột turbin gió mang tính thử nghiệm ở Bình Thuận hay Bạc Liêu. Trước khi General Electric (GE) bắt tay vào thị trường Việt Nam, đã có không hiếm công trình nghiên cứu tiềm năng điện gió ở đất này, nhưng cũng không hiếm nhà đầu tư e ngại. Dù có bờ biển dài trên 3.000 cây số, nhưng gió vào đất liền thiếu ổn định, mà các cột gió ở vùng biển xa bờ có lẽ vẫn chỉ là sản phẩm trong mơ của các đại gia như Đan Mạch hay Đức. Ở các nước đó họ cũng đã chuyển sang thế hệ 2 của turbin điện gió để tận dụng gió ổn định ở độ cao trên 100m, trong khi đa số thông số đo đạc ở ta mới dừng ở độ cao trên dưới 60m. Tuy nhiên, với ngót 8% diện tích khả quan cho điện gió, Việt Nam cần sớm hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để nhanh chóng tìm ra giải pháp cung cấp năng lượng tái tạo, góp phần giảm thiểu chất đốt hóa thạch đã và đang gây khó khăn lớn cho môi sinh. Mua láng giềng xa So sánh với thế giới, theo thông tin của Hội đồng điện gió toàn cầu (GWEC) năm 2015, Trung Quốc dẫn đầu về công suất điện gió (145.104 MW), trên cả Mỹ (74.471 MW) và Đức (44.947 MW). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải dựa vào kỹ thuật nước ngoài vì không tự làm được loại turbin mạnh và ít phải bảo trì chuyên dùng cho kỹ thuật cột gió ngoài khơi, cho dù họ chiếm đa số trong lĩnh vực chế tạo (63/82 nhà sản xuất toàn cầu). Nhưng chính ở đây bộc lộ điểm yếu của các doanh nghiệp Trung Quốc: họ phá giá vô tội vạ để được cung cấp điện thừa cho lưới điện quốc gia với giá ưu đãi và triệt hạ đối thủ từ khu vực tư nhân. Ông Kuang Hua Lin, giám đốc công ty Đức Asia-Pacific Management Consulting, nói trên tuần báo kinh tế Wirtschaftswoche là Trung Quốc sẽ hạ con số trên xuống 15 doanh nghiệp để các đơn vị nhà nước với số vốn vô hạn không thể tiếp tục cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, với 60% thị phần vẫn ở trong tay 5 tập đoàn nhà nước lớn nhất thì sẽ còn rất ít đất sống cho xã hội hóa điện gió ở nước này. Ông Lin cũng không giấu là khách hàng Trung Quốc bắt đầu ngán ngẩm với sản phẩm nội địa vì turbin “made in China” hay hỏng vặt và giá sửa chữa thường rất cao, do đó nhà thầu nước ngoài hiện được tín nhiệm hơn. Bản thân các dự án cung cấp kỹ thuật Trung Quốc ở Việt Nam cũng không khá khẩm gì hơn, hi vọng người ta tiên lượng được vết xe đổ. Trước bối cảnh đó, hợp tác với các đối tác có tiềm năng kỹ nghệ cao có lẽ là lựa chọn khó khăn nhưng “có hậu” hơn? Bản thân Đức, một trong những quốc gia tận dụng năng lượng gió hữu hiệu nhất, cũng dựa vào công nghệ của GE, một trong ba nhà sản xuất lớn nhất thế giới bên cạnh Goldwind (Trung Quốc) và Vestas (Đan Mạch). Cơ sở của GE ở Đức xuất xưởng mỗi tuần 30 turbin cho Mỹ, Trung Quốc, Ireland, Hàn Quốc, Anh, Đài Loan, Nhật, Pháp, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Ý và Mexico. Tin lành và tin dữ từ một xứ ít nắng gió Thật ra người ta phải nhảy cẫng lên vì kỷ lục có một không hai này, nhưng dân Đức đang mải hưởng thụ một ngày chủ nhật nắng vàng gió mát nên không biết: trưa 8-5-2016, nước Đức sản xuất ra 87,6% lượng điện cần thiết cho cả nước từ nguồn tái tạo, chủ yếu là điện gió và một ít điện mặt trời. Điện thừa mứa đến nỗi giá điện tụt xuống 0, và thật ra còn thấp hơn - một số cơ sở sản xuất công nghiệp còn được tiền nếu dùng điện! Theo tính toán của ngân hàng dữ liệu Agorabank, nếu sử dụng điện ở mức trung bình thì hôm đó nước Đức hoàn toàn dùng điện từ nguồn nguyên liệu miễn phí. Tuy thế, tin vui ấy có mặt trái: tin buồn cho các hãng sản xuất điện truyền thống. Do các nhà máy điện truyền thống giữ nguyên công suất như mọi khi nên điện bị thừa, và lưới điện không đủ sức tiếp nhận. Số điện thừa được đem tặng cho mấy nước láng giềng, vì nếu đem bán trên thị trường chứng khoán thì nhà sản xuất phải trả thêm 130 euro/MWh! Vấn đề ở đây là turbin gió chỉ cần bấm nút là ngừng cánh quạt, trong khi một nhà máy nhiệt điện sau khi tắt cần hai ngày để tái hoạt động, và nhà máy điện hạt nhân muốn tắt mở thì phải làm đơn trước vài tuần để xin phép bộ máy quan liêu Đức vốn nổi tiếng nghiêm ngặt. Vậy thì, với đà này, người Đức chỉ cần chỉnh sửa lại cơ chế điều phối giữa các nhà cung cấp năng lượng. Nói cách khác, rắc rối té ra chẳng phải là rắc rối gì cả, hoặc nói cách khác nữa, người Việt Nam có thể thở dài: “Ước gì chúng ta cũng gặp rắc rối như thế!”.■ Tags: Điện xanhĐừng cưa chân chiếc ghế đang ngồi
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.