Elena Ferrante - tác giả bí ẩn: Mặt tối trong tình bạn

ZÉT NGUYỄN 20/07/2022 11:16 GMT+7

TTCT - Ta biết được gì về bà, một nhà văn người Ý, người được coi là "cây viết hiện đại lỗi lạc của nước Ý", thậm chí "một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của thời đại chúng ta"?

Elena Ferrante - tác giả bí ẩn:  Mặt tối trong tình bạn - Ảnh 1.

1. Bắt đầu từ quãng năm 2013, một cơn sốt kéo qua và tàn phá giới độc giả văn chương các nước nói tiếng Anh: cơn sốt Ferrante. Elena Ferrante là tác giả nổi danh nhất với một bộ tứ tiểu thuyết Napoli. Cái tên Ferrante xuất hiện trên khắp các mặt báo lớn, các nhà sách trưng bày tác phẩm của Ferrante ở những chỗ thu hút mắt độc giả nhất, các nhà phê bình thi nhau viết về Ferrante, còn độc giả thì chụp ảnh và bình luận râm ran trên khắp các mạng xã hội.

Năm 2016, Ferrante được bình chọn vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất của tờ Time. Năm 2017, bộ phim tài liệu Cơn sốt Ferrante với những tên tuổi lớn trong làng văn tham gia như Roberto Saviano, Jonathan Franzen, Francesca Marciano, Elizabeth Strout, ra đời. Đến năm 2020, bộ 4 cuốn tiểu thuyết Napoli bán được 15 triệu bản, dịch ra 45 thứ tiếng. Hàng loạt tên tuổi lớn trở thành người hâm mộ của Ferrante: tiêu biểu nhất là Hilary Clinton, người gọi văn chương Ferrante là một thứ có tác dụng như "thôi miên," và bà buộc mình không được ngấu nghiến toàn bộ mà mỗi hôm chỉ được đọc một ít, vì bản thân bị cuốn hút quá mức, không thể ngừng lật trang chỉ vì muốn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Thế nhưng, Ferrante là ai thì tuyệt đối không một ai biết, ngoại trừ nhà xuất bản của bà. Tình trạng tác giả hoàn toàn giấu mặt này đem lại sự tò mò khôn nguôi từ phía độc giả, các nhà phê bình và đặc biệt là báo giới. Những tác giả ẩn dật từng né tránh công chúng nổi tiếng như Salinger của Bắt trẻ đồng xanh, hay Thomas Pynchon, so với Ferrante vẫn chưa là gì. Bà giữ được danh tín tuyệt đối bí mật. Dẫu đứng vào hàng tác giả bán chạy nhất, Ferrante chưa một lần ra mắt sách, gặp gỡ phóng viên hay giao lưu với độc giả.

Vậy ta biết được gì về bà, một nhà văn người Ý, người được coi là "cây viết hiện đại lỗi lạc của nước Ý", thậm chí "một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của thời đại chúng ta," người được miêu tả là "như Tolstoy"?

Dựa vào thư từ, chúng ta suy được rằng: bà lớn lên ở Napoli, bà học ngành cổ điển Hy La, từng làm mẹ. Bà bảo rằng: "Tôi nghiên cứu, tôi dịch, tôi dạy học". Không ai biết bà sinh năm nào, ngay cả gọi bà là bà cũng là một giả định. Nhiều người đoán định rằng dịch giả tiếng Anh của bà - Ann Goldstein chính là bà, dịch giả đột nhiên bị đưa vào trung tâm chú ý do sự biến mất của tác giả.

Ferrante tâm sự: "Tôi xuất bản để được đọc… Tôi tin rằng sách, một khi đã được viết ra, thì không cần tác giả. Nếu chúng có điều để nói, thì sớm hay muộn chúng sẽ tìm được độc giả; nếu không thì thôi… Chả phải việc PR rất là tốn kém ư? Tôi sẽ là tác giả ít tốn kém nhất của nhà xuất bản. Tôi sẽ tiết kiệm hộ cho anh cả sự xuất hiện của tôi".

Người bạn phi thường - cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong bộ tứ Napoli, xứng đáng làm nên tên tuổi lẫy lừng của nhà văn muốn tiết kiệm cả sự xuất hiện của mình, bởi nó thực sự là một tác phẩm đến với độc giả và ở lại, bởi nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn và tinh tế, mà lâu lắm rồi, độc giả mới bắt gặp ở một giọng văn đương đại.

Elena Ferrante - tác giả bí ẩn:  Mặt tối trong tình bạn - Ảnh 2.

Ferrante có thể làm mờ ranh giới tuổi tác giữa các phụ nữ. Minh họa của Sonia Pulido (The New Yorker)

2. Bao gồm hai phần, Thời thơ ấu và Thời niên thiếu, Người bạn phi thường kể về tình bạn của hai cô bé Elena Greco và Lila Cerullo ở ngoại ô Napoli nước Ý những năm sau Thế chiến 2. Trên cái nền là một khu phố nghèo đói giữa những năm 1950 của một đất nước mang đầy tàn dư đen tối thời hậu chiến đang hồi phục dần trong cơn vũ bão tìm cách làm giàu của tất cả các tầng lớp, hiện lên hình tượng một tình bạn nữ, được khắc họa từ mọi khía cạnh của nó, bao gồm cả những mặt tối. Và trải dài trong gần 500 trang sách là đủ những tăm tối của những bé gái khi phải lớn lên trong một xã hội nghèo đói và khắc nghiệt.

Người bạn phi thường dõi theo tình bạn chớm nở hồi lớp 1 của Lila và Elena, cho đến kết thúc tập 1, với một đám cưới của một trong hai người. Lila là con gái gia đình ông thợ giày, được miêu tả như một cô bé thiên tài có trí thông minh lẫy lừng, tự dạy cho mình biết chữ, và gan dạ dũng cảm không kém một đứa con trai nào; còn Elena (còn gọi là Lenù) là con gia đình ông nhân viên gác cổng, thông minh sáng láng, ngoan ngoãn nhưng lúc nào cũng có cảm giác ở trong cái bóng của Lila, bị Lila vượt trội.

Ở Người bạn phi thường, hình tượng Lila và Lenù như hai mặt của một con người, đôi khi nhập làm một, đôi khi tách rời, đôi khi lại là thứ giúp soi tỏ tính cách của người kia. Và có lẽ sự bất ngờ lớn nhất dành cho độc giả, đó là khi ta nhận ra, ai là "người bạn phi thường", ai mới là thiên tài trong những trang cuối tác phẩm. Ferrante khéo léo kể lại toàn bộ câu chuyện dưới góc nhìn của Lenù, và trong mắt cô thì Lila chính là "người bạn phi thường", chỉ đến khi ở phút giây quyết định, tác giả mới để cho Lila thốt ra rằng chính Lenù mới là "người bạn phi thường". Vai trò tráo đổi, như một khoảnh khắc đốn ngộ, bởi Lenù như được tiếp nhận một sứ mệnh mới: không chỉ phải học tiếp lên, mà còn gánh vác những ước mơ không thể thực hiện, của cả Lila, người đã bị nghèo đói kìm chân.

Ferrante bảo rằng bà muốn viết thứ văn chương "rõ ràng, chân thực và nơi các sự thật - sự thật của đời sống thường ngày - phải cực kỳ cuốn hút khi đọc". Bà khảo sát các cảm xúc của con người theo một lối đặc biệt, không nao núng, không né tránh, không đi vòng mà trực diện, thẳng thừng để phơi ra toàn bộ những cảm xúc mà ta không muốn gọi tên, hay dám thừa nhận có những cảm xúc như vậy tồn tại trong mình. Elena Ferrante bày ra trên trang giấy, thứ tình bạn nữ, mà những tưởng trước nay chưa bao giờ được mổ xẻ. Tuyệt đối từ bỏ lối viết sến sẩm tụng ca sáo mòn rằng phụ nữ thì yêu quý và giúp đỡ lẫn nhau, Elena tạo nên một sự đối lập gay gắt giữa Elena và Lila. Luôn có sự ganh đua kèn cựa, luôn có sự yêu quý nhưng thẫm màu ghen tị, luôn có cả sự lừa dối, hãm hại và chơi khăm, đặc biệt từ phía Lila dành cho bạn mình.

Một trường đoạn đỉnh cao thể hiện bút pháp mổ xẻ tâm lý của Ferrante là khi tốt nghiệp tiểu học, Lila vì gia đình nghèo đã bị buộc phải thôi học không được học lên cấp II, còn Lenù nhờ sự thuyết phục của cô giáo mà bố mẹ đồng ý cho học tiếp, Lila đã rủ Lenù đi chơi ở biển, một hành động tưởng chừng rất vô tư, nhưng thật ra nhằm để Lenù bị bố mẹ đánh đập và cấm không cho đi học nữa. Sự tinh ranh và ác ý luôn có sẵn ở Lila, còn Lenù dẫu ngây thơ và tin tưởng bạn mình, vẫn đọc ra được sự ác độc mà bạn dành cho mình.

Bút pháp của Người bạn phi thường còn đặc biệt ở chỗ nó cực kỳ tinh tế khi xây dựng thế giới qua sự tiếp nhận của hai đứa trẻ. Cái thế giới tăm tối của Lila và Lenù hiện lên là nơi "trẻ con và người lớn thường hay làm tổn thương lẫn nhau", nơi những từ ngữ chết chóc bủa vây bọn trẻ như "viêm thanh quản cấp, uốn ván, sốt phát ban, khí gas, chiến tranh, máy phay, gạch vữa, công việc, bom đạn, lao phổi, nhiễm trùng". Lớn lên ở khu chung cư nghèo đói, bẩn thỉu, trong nhận thức của Lila và Lenù, thế giới có lẽ chỉ gồm những căn nhà hàng xóm với những bà nội trợ và các cây phơi quần áo, những cuộc cãi cọ qua bancông, những trận đánh ghen từ tầng này sang tầng khác. Những cột mốc ranh giới gần như không tồn tại trong hình dung về thế giới của những đứa trẻ. Chúng bị bao bọc trong những cơn tò mò lẫn nỗi sợ tập thể, không lý giải được một cách rõ ràng. Không gian địa lý chỉ được mở rộng khi gắn liền với trường học: lên cấp II và một thế giới mới ngỡ ngàng mới đổ ập vào trong tâm trí của Lenù, với những con đường mới, quảng trường, khu phố, quán ăn. Đứa bé dần lớn lên, cùng với sự phổng phao của cơ thể, là chiều kích của những không gian mới.

Và cái thế giới mới ấy dần lộ ra đầy hiểm nguy, khi thay thế những trò nghịch ngợm của trẻ con như lia đá vào mặt nhau bằng những theo đuổi tình ái một cách khốc liệt của những đứa trai cùng khu phố, khi ông chú nhà văn nhà báo hàng xóm giờ đây có thể trở thành kẻ lạm dụng tình dục, và sự chênh lệch giàu nghèo khiến cho khao khát làm giàu có thể khiến anh trai bạn phát điên, khiến bố mẹ bạn sẵn sàng đem con gái bán rẻ…

3. Ferrante xây dựng một ẩn dụ lớn lao về vai trò đổi đời của giáo dục. Cả khu phố nghèo chìm trong kiệt quệ và con cái của những người lao động chân tay không thoát ra nổi cảnh túng quẫn bởi không được học hành. Lenù là đứa bé duy nhất bung ra khỏi mọi kiềm tỏa, để theo đuổi việc học. Học hành dường như trở thành một phương tiện cứu vớt cho cuộc đời của những kẻ "bình dân", "hạ tiện", như lời cô giáo tiểu học Oliviero của Lila và Lenù. Và quả thực vậy, chỉ có bằng giáo dục, thì tương lai của những đứa trẻ ấy mới có cơ hội khác đi.

Ferrante tâm sự rằng "tôi sử dụng tất cả các chiến thuật mà mình biết để thu hút sự chú ý của độc giả, để kích thích sự tò mò, để khiến dễ dàng lật trang".

Quả thực, chỉ mới là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bộ tứ, độc giả đã kịp liên tục chứng kiến những căng thẳng, những xung đột, những cãi cọ, những đánh lộn, những yêu đương tình ái, những cạnh tranh khốc liệt về tình và tiền. Tất cả tạo nên một nhịp truyện liên tục hấp dẫn, không hề nhàn tẻ. Người bạn phi thường dừng ngay ở một nút thắt lớn, phá tan mọi ảo tưởng của nhân vật chính và của cả độc giả, và khiến chúng ta rơi vào nỗi tò mò kinh điển, như ông vua đắm chìm vào những câu chuyện của nàng Scheherazade: Rồi sao nữa?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận