Gặp đại dịch, cảm ơn y tế cơ sở!

LAN ANH 21/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Trong công tác phòng chống dịch bệnh, tuyến y tế cơ sở (YTCS) rất quan trọng bởi đây là chốt chặn đầu tiên, cũng là nơi nắm bắt thông tin trước hết. Mùa dịch này, hệ thống y tế cơ sở đang phát huy tác dụng rất tốt - ông Nguyễn Tuấn Hưng, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), nói với TTCT.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng. Ảnh: Thùy Giang
Ông Nguyễn Tuấn Hưng. Ảnh: Thùy Giang

Thưa ông, chúng ta đang có một hệ thống y tế cơ sở như thế nào?

Hệ thống YTCS theo quy định hiện hành là từ tuyến huyện trở xuống, trong đó trung tâm y tế huyện bao gồm trạm y tế xã, phường. Y tế thôn bản là cánh tay nối dài của trạm y tế. 

Hiện nay, YTCS của VN phát triển mạnh, có những nơi BV tuyến huyện đạt những tiêu chí của BV hạng đặc biệt, như BV quận Thủ Đức (TP.HCM) và nhiều đơn vị ở TP.HCM khác, ở Hà Nội, ở Vinh (Nghệ An)... BV tuyến huyện nhưng đạt tiêu chí bệnh viện hạng 1, hạng 2 rất nhiều.

Về chuyên môn, nguồn nhân lực của y tế cơ sở cũng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đó là những thành công để đáp ứng phần nào nhu cầu phát hiện bệnh sớm và giải quyết sớm những vấn đề sức khỏe ở cộng đồng.

Các huyện đã năng động trong điều chuyển cán bộ, xã nào nhu cầu khám chữa bệnh nhiều thì để 7 người, xã nào nhu cầu ít để 3 người, không bình quân, cào bằng. Hay như ở Ninh Bình thành lập đội khám chữa bệnh lưu động đi nhiều nơi, kết quả cũng rất tốt.

Hiện có bệnh nhân điều trị ngay tại huyện, có nơi như Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Vĩnh Phúc) điều trị 5 bệnh nhân COVID-19 cũng rất tốt, tất nhiên là có sự giúp đỡ của tuyến trên. Nếu vai trò YTCS tốt, ông nghĩ trong những tình huống cấp bách thì YTCS sẽ giúp gì?

- Vai trò của cơ sở rất quan trọng và hệ thống này đang phát huy tác dụng. Như y tế thôn bản, xã phường gần dân nhất, là chân rết và nắm rõ thông tin để cảnh báo, phát hiện bệnh, dịch bệnh. Nhưng ở thành phố do chế độ lương bổng, do dân số đông hơn nông thôn nên việc nắm bắt thông tin chưa bằng ở nông thôn.

Nhưng về chuyên môn, họ sẽ là chốt chặn đầu tiên: đến từng nhà, phát hiện ngay ai đi nước ngoài về, về lâu chưa, có sốt hay không..., hỗ trợ phát hiện sớm yếu tố nguy cơ ở người từ vùng dịch về.

Ở các nước phát triển chất lượng YTCS rất cao, ở VN y tế phân bố theo tuyến. Tuyến dưới hay bị chê, còn tuyến trên được tín nhiệm nhiều dẫn đến quá tải. Điều gì cần thay đổi trong phân bổ hệ thống chung?

- Ở Thái Lan không có trung tâm y tế huyện, mà BV huyện của họ làm luôn chức năng khám chữa bệnh và y tế dự phòng. VN vừa quay lại mô hình trung tâm y tế đa chức năng ở tuyến huyện: khám chữa bệnh, y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số...

Hệ thống này khi bộ trưởng y tế Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm, ông nhận xét là hợp lý. Hệ thống bác sĩ gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ không khác gì y tế tuyến xã VN. Nếu muốn thay đổi thì rà soát để việc cung cấp dịch vụ tuyến xã tốt hơn.

Mô hình YTCS VN bắt nguồn từ điều kiện địa lý, ở cao do đồi núi chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của dân, từ trạm y tế xã lên huyện có khi hàng trăm cây số, nên trạm y tế xã có vai trò quan trọng ở khu vực ấy. Không có trạm y tế xã tốt thì người dân rất khó tiếp cận dịch vụ y tế.

Ngoài ra, vai trò của nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản cũng rất quan trọng, nhiều nước không có loại hình nhân viên y tế này ở cơ sở, cơ bản họ dựa vào hệ thống bác sĩ gia đình, từ dự phòng, tư vấn đến quản lý sức khỏe.

Dịch vụ bác sĩ gia đình tại phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM. Ảnh: TỰ TRUNG
Dịch vụ bác sĩ gia đình tại phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM. Ảnh: TỰ TRUNG

Về chất lượng khám chữa bệnh, ông thấy cần nâng tầm YTCS để có thêm nhiều BV như BV quận Thủ Đức (TP.HCM), BV Đa khoa huyện Hải Hậu (Nam Định)?

- Nếu có thêm những BV chất lượng ở cơ sở thì tốt quá, để người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt hơn, gần họ hơn, đỡ tốn kém hơn vì VN một người đi viện thường kéo theo gia đình đến BV chăm sóc, có vùng người dân tộc họ mang cả gia súc đến BV tuyến huyện, thậm chí lên BV tỉnh. Vì vậy, chủ trương là nâng tầm tuyến huyện.

Đã có nhiều dự án thực hiện chủ trương này từ đầu những năm 2000, ở nhiệm kỳ của bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, rồi đến nhiệm kỳ của bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu và bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Hướng đi này đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất cùng với các đề án 585 đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa, đề án 1816 đưa cán bộ y tế tuyến trên về cầm tay chỉ việc cho cán bộ cơ sở, giúp nâng tầm về kỹ thuật cho YTCS... 

Nhưng có những tỉnh chưa làm tốt do thiếu về nguồn lực, ngay cả tuyến tỉnh, vì thế trung ương vẫn đang tiếp tục các đề án để hỗ trợ.

Trước khi VN thực hiện đề án 585 đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo, có thực trạng các huyện nghèo, vùng sâu rất thiếu bác sĩ, có huyện chỉ có vài bác sĩ, huyện không thể thực hiện những kỹ thuật thường quy như mổ đẻ. Việc này được giải quyết ra sao?

- Năm 2013 chúng tôi đánh giá với 62 huyện nghèo, ghi nhận được 60 huyện nghèo thiếu 598 bác sĩ ở 15 chuyên khoa, sản, nhi, nội, ngoại... Người dân lúc đó bệnh nặng quá mới đi BV, đẻ thì đẻ tại nhà. Chúng tôi đã đề xuất đề án 585, đào tạo bác sĩ trẻ về tình nguyện tại huyện nghèo một cách bài bản. Đến nay đã đào tạo được 354 bác sĩ, đã và sắp về các huyện nghèo. Hiện đề án này đã hết kinh phí, chúng tôi đã chuẩn bị đề xuất với Quốc hội để có thể đào tạo bác sĩ tiếp cho huyện nghèo.

Còn đề án 1816 bác sĩ luân phiên về làm việc nhưng chỉ trong ngắn hạn nhưng chưa bài bản. Giai đoạn 2 của đề án 585 là đào tạo bác sĩ cho chính huyện đó, là những bác sĩ địa phương, trước đã học nhưng chưa bài bản, nay được đưa về Trường ĐH Y Hà Nội, Y Huế, Y Hải Phòng đào tạo 2 năm, giỏi nghề để họ về làm việc ở chuyên khoa của họ và hỗ trợ các chuyên khoa khác. Các bác sĩ trẻ đã làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn để người dân hiểu được vai trò của khám chữa bệnh sớm, tuyên truyền ở cộng đồng.

Ở những nơi có bác sĩ 585, bác sĩ đã dùng ảnh hưởng của mình đào tạo cho tuyến xã, tuyến xã đào tạo cho thôn bản, giờ ý thức người dân tốt hơn, có bệnh là họ đi khám. Hiện có những nơi không thuộc 60 huyện nghèo họ cũng đăng ký tham gia chương trình và đã có 800 bác sĩ được đăng ký. Nhưng do đề án hết kinh phí đào tạo, tới đây có thể đề nghị các tỉnh chi trả kinh phí đào tạo.

Theo ông, YTCS đang làm được bao nhiêu phần trăm trong nhiệm vụ của mình, để tuyến này làm tốt thì cần những điều kiện gì?

- Nhiều nơi YTCS đã làm được gần 100% phạm vi chuyên môn và nhiệm vụ theo yêu cầu, nhưng cũng nhiều nơi chưa làm được. Thực tế có nơi địa bàn quá rộng, không đi được hết. Huyện phải nắm rõ xã ấy cần bao nhiêu người để điều chuyển cho phù hợp, tùy từng địa bàn có đặc thù, giám đốc trung tâm y tế phải điều chuyển cho phù hợp về nhu cầu và năng lực, ngoài trang thiết bị. Nơi nào vẫn dùng thiết bị cũ, còn thiếu thốn, người dân sẽ sang nơi khác tốt hơn.■

Thành công trong tiêm chủng mở rộng

35 năm triển khai tiêm chủng mở rộng (từ năm 1985), VN đã thanh toán được bệnh bại liệt (năm 2000), loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh (năm 2005) và đang đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2023 (có thể cùng với bệnh rubella). Tỉ lệ mắc và tử vong nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch ở trẻ em giảm xuống rất thấp.

Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia: “Phải nói thật nếu không có họ đi xe máy mang từng phích văcxin xuống điểm tiêm chủng ngoại trạm, nỗ lực từng ngày thì không thể có kết quả chung là chúng ta đã đạt tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trên 90% trẻ dưới 1 tuổi ở quy mô tỉnh.

Cả nước có 700 huyện, mỗi huyện có 2-3 cán bộ chuyên trách tiêm chủng; 11.000 trạm y tế xã phường, mỗi xã phường trung bình có 5 cán bộ y tế và họ đều tham gia tiêm chủng mở rộng, mỗi thôn bản lại có 1 nhân viên y tế thôn bản, tất cả đều là những cánh tay nối dài của tiêm chủng”.

Cũng theo ông Đặng Đức Anh, mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2025 ít nhất sẽ bổ sung 1-2 loại văcxin vào tiêm chủng mở rộng, nâng tổng số văcxin tham gia chương trình lên 14-15 loại. Các văcxin mới sẽ tham gia chương trình là văcxin ngừa rotavirus và văcxin ngừa phế cầu.

Hiện đã có 13 văcxin trong chương trình, mỗi năm các cán bộ y tế ở cơ sở đã tiêm trên 30 triệu mũi tiêm phòng bệnh cho trẻ em. Đến năm 2025, số văcxin nâng lên 14-15 loại, số mũi tiêm hằng năm cũng nâng thêm hàng triệu mũi. Kết quả mỗi năm cho thấy có trên 30 triệu mũi tiêm mà 99,99% là an toàn. 

L.ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận