Gia đình có dạy con cách dùng tiền?

BÌNH MINH - TRỌNG NHÂN 03/04/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Dù bị ảnh hưởng lớn từ cách dùng tiền của cha mẹ - đa số là quan sát thói quen chi tiêu của gia đình, nhiều người trẻ cho biết không nhận được sự chia sẻ và giáo dục bài bản về quản lý tài chính từ các bậc phụ huynh.

 
 Ảnh: The Balance

Trần Nguyễn Quốc Bảo (18 tuổi, ĐH Công nghệ thông tin) chia sẻ ở nhà, mình chỉ được nghe những lời căn dặn rằng nên tiết kiệm, đừng hoang phí, cứ thế dần hình thành một tâm thế “phòng thủ”: Được nhận “ngân sách” 3 triệu thì trước hết phải xoay xở làm sao cho được trong mức 3 triệu ấy, thay vì sẽ kiếm thêm 1-2 triệu nữa để tiêu xài thoải mái hơn.

Viên Anh Vy (21 tuổi, ĐH KHXH&NV) cho rằng người có ảnh hưởng đến phong cách dùng tiền với bạn là bà nội. Không phải vì những buổi bà cháu hàn huyên tâm sự, cắt nghĩa về tiền bạc mà là từ việc quan sát hành vi chi tiêu của bà. Một thói quen có phần “truyền thống” đó là cân nhắc thiệt hơn cho từng lần xuất tiền. “Giờ đây khi được rủ rê một kèo đi đâu đó, mình đều lượng sức xem có đủ hay không. Trung bình nếu một kèo ăn uống mà trên 500.000 đồng, mình thường từ chối” - Vy nói.

Với Phạm Vũ Tú Quỳnh (21 tuổi, ĐH KHXH&NV), từ bé cô nàng đã được dạy phải tiết kiệm. Chẳng hạn, nếu muốn mua một món đồ nào đó, bố mẹ của Quỳnh sẽ đặt ra chỉ tiêu cho con tự để dành trong khoảng 3 tháng (từ tiền bố mẹ cho sinh hoạt). Phần còn thiếu để đủ mua món đồ, bố mẹ sẽ giúp Quỳnh bù vào. “Mình nghĩ nhờ đó mà đến nay mình khá có ý thức về những vấn đề tài chính của cá nhân mình” - Quỳnh chia sẻ.

Sống trong gia đình có truyền thống tiết kiệm chi tiêu, từ nhỏ đến lớn Lao Minh Quân (30 tuổi) đều có xu hướng để dành, đến năm 25 tuổi thì bắt đầu có ý thức nhiều hơn về vấn đề tăng thêm thu nhập cá nhân để phục vụ cho cuộc sống về sau. Tuy nhiên, hầu hết các kiến thức về chứng khoán, tài chính, quản lý chi tiêu cá nhân… Quân đều học từ đúc kết của những người đi trước thông qua mối quan hệ bạn bè, sách, tài liệu online và YouTube thay vì được cha mẹ dạy.

“Cha mẹ không đồng tình nhiều với quan điểm tài chính của mình vì khoảng cách thế hệ dẫn đến góc nhìn và phương pháp cũng khác nhau. Nếu như trước kia, việc sở hữu tài sản chỉ cần tích cóp là đủ thì hiện nay nhiều người trẻ còn phải biết cách quản trị rủi ro và làm chủ cảm xúc khi đưa ra quyết định” - Minh Quân nói.

Nhận các dự án freelance từ khi vừa ra trường, sau đó làm quen với chứng khoán và liên tục học hỏi, đến nay Quân tự trau dồi cho mình được kiến thức khá ổn định về các lựa chọn đầu tư như vàng, nhà đất, chứng khoán… Theo Quân, càng nhiều kiến thức càng giúp có góc nhìn đa chiều để đưa ra quyết định phù hợp với bản thân nhất.

Tương tự, Lê Quỳnh (32 tuổi) chia sẻ trong suốt thời gian từ bé đến những năm đại học, cha mẹ cô chưa từng đề cập đến vấn đề quản lý chi tiêu cá nhân. “Cha mẹ mình xuất thân là những người lao động. Họ làm ra tiền, nhưng ở góc độ dạy dỗ con cái về năng lực quản lý tài chính cá nhân thì không hề có kiến thức bài bản. Hầu hết những gì cha mẹ trao đổi với mình là những câu chuyện kể chứ không phải là kiến thức hay kỹ năng. Họ nói về những khái niệm khá chung chung, ví dụ như đi làm thì phải tiết kiệm, nhưng về cách thức sắp xếp tài chính, đầu tư ra sao thì mình không được cung cấp kiến thức” - Quỳnh chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận