TTCT - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra bản khuyến cáo dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tư vấn các chính phủ điều chỉnh chính sách thích hợp trong thời buổi giá cả leo thang. Dân Indonesia biểu tình phản đối việc chính phủ dự định tăng giá nhiên liệu ở Jakarta ngày 13-5. Ảnh: ATrong nghiên cứu mới nhất của ADB mang tên “Sống với giá cả leo thang” đưa ra giữa tháng 5-2008, ADB cho rằng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm ở các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến còn ở mức cao hơn nhiều so với trước đây. Bởi vì thay đổi trong cấu trúc của nền kinh tế thế giới đã khiến cán cân cung cầu thay đổi trong các thị trường hàng hóa.Theo ADB, giá cao sẽ khiến nảy ra các sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng sản lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nông nghiệp đã bị lãng quên vài thập niên qua (nhường chỗ cho các tham vọng công nghiệp hóa, đô thị hóa...). Giá cả leo thang cho thấy tầm quan trọng vô cùng của việc chấm dứt sự lãng quên này và dành nhiều chú ý tới kinh tế nông thôn. Nay trước nhu cầu lương thực toàn cầu, sẽ cần một thời gian tương đối dài để khôi phục nông nghiệp về đúng vị trí của nó. Riêng với xăng, giá xăng tại các nước đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng từ năm 2002. Đi cùng là giá điện tăng, giá phương tiện giao thông tăng và trở thành gánh nặng lớn cho nhiều đảo quốc châu Á - Thái Bình Dương. ADB khuyến cáo: qua nghiên cứu ở các nước, nay đã rõ nhu cầu cần phải phòng chống việc tăng cao giá xăng dầu bằng mọi biện pháp, kể cả việc tự do hóa nhập khẩu xăng dầu, tự do hóa thị trường giao thông vận tải nhằm tránh tình trạng độc quyền và “làm giá”, đầu tư các nguồn năng lượng thay thế nhằm giảm thế lực của một vài nguồn cung cấp năng lượng độc quyền và để tránh lãng phí năng lượng. ADB quả quyết: tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh thuế trên nhiên liệu chính là đánh thuế vào các vùng sâu, vùng xa; và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu chính là một phần của giải pháp cho tình hình giá cả leo thang.ADB cũng nhắc thêm về nạn đói ở Haiti đã trở thành thách thức nhuốm màu bạo lực với chính phủ non yếu; chính phủ ở Ai Cập đang vấp phải nhiều chỉ trích vì không thể duy trì nguồn cung cấp bánh mì được trợ giá cho người nghèo; ở Côte d'Ivoire, Cameroon, Mozambique, Uzbekistan, Yemen và Indonesia đã nổ ra các cuộc biểu tình vì lương thực. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick phát biểu ít nhất 33 quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng xã hội vì điều này. Lý giải về mặt xã hội học: đa số dân chúng có thể chấp nhận vấn nạn tham nhũng và hà khắc, nhưng khi quá lo lắng về mối bận tâm tìm thức ăn cho con cái, họ dễ mất bình tĩnh và có tâm lý không còn gì để mất. Điều này đặc biệt đúng khi lý do họ bị đói không phải vì thiếu lương thực, mà vì không có khả năng mua lương thực đang bày bán ê hề. Những khuyến cáo của ADB tuy mới công bố song trong thực tế không hẳn là mới. Một số chính phủ đã chọn thái độ này hoặc thái độ khác và hậu quả hay kết quả đã là nhãn tiền.Malaysia: trợ giá, khó nhưng vẫn làmThủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi vừa thông báo do giá cả thế giới tăng, khoản trợ cấp cho xăng, lương thực và những sản phẩm thiết yếu sẽ lên khoảng 50 tỉ ringgit (15,6 tỉ USD) trong năm nay. Số tiền này cao hơn khoản trợ cấp năm 2007 (43 tỉ ringgit) và cao hơn số tiền hằng năm chính phủ chi tiêu cho các dự án phát triển và hạ tầng chính (khoảng 40 tỉ ringgit). Phát biểu tại cuộc họp của đảng cầm quyền ngày 11-5, ông thừa nhận chính quyền đang vấp phải tình huống chưa bao giờ có và cuộc khủng hoảng mới này liên quan giá dầu thô trên thế giới.Thế nhưng, theo thông tấn Bernama, Thủ tướng Badawi khẳng định vẫn tiếp tục trợ giá dầu khí năm nay hơn chăm chăm mục tiêu đầu tư cho các dự án gọi là “để phát triển đất nước”. Ông đã yêu cầu xem xét lại tất cả dự án lớn. “Chúng tôi sẽ cố gắng giảm nhẹ gánh nặng. Khát vọng chính trị của chúng tôi là đỡ gánh nặng cho người dân”.Báo Berita Minggu trích lời Bộ trưởng Thương mại nội địa và tiêu dùng Shahrir Samad nói chính phủ nước này có kế hoạch sẽ nâng giá xăng trên thị trường nội địa đối với người tiêu dùng nước ngoài để giảm gánh nặng trợ giá. Người nước ngoài sẽ phải trả theo giá thị trường, còn người dân Malaysia được mua theo kiểu trợ giá. Không chỉ trợ giá xăng dầu, Chính phủ Malaysia cũng đã đưa ra các biện pháp để ổn định giá gạo, giữ giá cả thấp và nguồn cung dồi dào, kể cả phải chi ít nhất 725 triệu ringgit (230 triệu USD) để nhập ngũ cốc. Thủ tướng Badawi nói đây là nhằm giảm gánh nặng cho người tiêu dùng đang phải chật vật với giá các mặt hàng thiết yếu leo thang. Chính quyền cũng sẽ có biện pháp khuyến khích nông dân nước này trồng thêm lúa bằng cách giữ giá thị trường ở mức tối thiểu để đảm bảo cuộc sống của họ nhằm tăng nguồn cung. Ngoài việc cung cấp phân đạm miễn phí cho nông dân trồng lúa và có những nhượng bộ để giữ giá ổn định, Malaysia còn dành khoảng 1,3 tỉ USD mỗi năm để trợ giá các mặt hàng liên quan đến lương thực, gồm trợ giá trực tiếp cho bột mì, bánh mì và dầu ăn.Tổng cộng bước đầu có khoảng 45 tỉ ringgit (gần 14 tỉ USD) được Chính phủ Malaysia chi vào trợ giá nhiên liệu, khí đốt, thực phẩm, giáo dục. Giá nhiên liệu và thực phẩm của nước này nằm trong nhóm các nước rẻ nhất, một phần vì chính phủ trợ giá cho dù khoản trợ giá này là gánh nặng tài chính của nhà cầm quyền. Ngân hàng trung ương gần đây đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay còn 5%-6%, so với dự báo 6%-6,5%. Năm 2007, kinh tế nước này tăng trưởng 6,3%. Theo AP, Thủ tướng Abdullah đang rút ra bài học từ sau khi liên minh cầm quyền của ông không còn giữ được đa số (2/3 số ghế) trong quốc hội qua cuộc bầu cử vào tháng ba năm nay, vì dân nghèo cho rằng giá cả leo thang quá sức chịu đựng một phần do sự điều hành kém của chính quyền. Trong thực tế, chính quyền Malaysia đang cảnh giác cao độ trước một thực trạng đang diễn ra tại nước láng giềng Indonesia.Indonesia và Myanmar: hậu quả nhãn tiền vì tăng giá xăngNgày 13-5, sinh viên Indonesia đã biểu tình ở tây Sulawesi phản đối quyết định của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tăng giá dầu trong nước khi ông đến thăm tỉnh này. Hãng AP dẫn nguồn tin các quan chức cho biết giá xăng, diesel và dầu hỏa có thể tăng 30% vào cuối tháng năm này. Những người biểu tình hô vang: “Điều này chỉ khiến người dân khổ thêm thôi!”.Theo The Jakarta Post, những người biểu tình yêu cầu chính phủ không tăng giá dầu và nhiên liệu trong nước vì sẽ rất khó khăn cho những người nghèo, vốn chiếm phần lớn trong dân số Indonesia. Đồng thời, họ yêu cầu chính phủ phải hạ thấp giá các mặt hàng cơ bản. Ông còn phải đối mặt với các cuộc biểu tình khác của sinh viên khi đến Surabaya, tây Java, để dự Ngày giáo dục quốc gia. Dù các cuộc biểu tình mới có qui mô nhỏ và tương đối ôn hòa, nhưng chính phủ vẫn phải theo dõi thận trọng các động thái. Lý do: những lần giá cả leo thang trước đây đã gây ra bạo loạn trong dân chúng và lật đổ chính phủ của nhà độc tài Suharto năm 1998. Các khoản trợ giá đã giúp nhiều mặt hàng đến được với hàng triệu người nghèo của Indonesia. Bất kỳ việc tăng giá nhiên liệu nào cũng khiến các mặt hàng lương thực, điện và phương tiện giao thông công cộng tăng theo. Chính phủ hứa sẽ giải quyết việc này bằng việc cấp tiền cho dân trong vài tháng tới. Myanmar là một trường hợp đặc biệt. Đến cuối năm 2007, các cuộc biểu tình được coi là hi hữu đã xảy ra ở đây mà nguyên nhân, theo các nhà phân tích, bắt nguồn từ việc chính quyền tăng giá nhiên liệu. Thaung Tun, đại sứ Myanmar tại Manila, cho Hãng tin AP biết Myanmar không thể trợ giá nhiên liệu được nữa vì giá dầu thế giới tăng. Việc cắt giảm trợ cấp khiến giá xăng tăng gấp đôi.Cũng cần nhắc lại Myanmar có nguồn dự trữ khí tự nhiên được coi là đứng đầu châu Á. Nước này đã sản xuất dầu khí từ thế kỷ 19, sản lượng khí ở đây lớn thứ 10 thế giới. Ngành dầu khí nếu so sánh với ngành sản xuất và dịch vụ (vốn rất yếu do hạ tầng kém và tham nhũng) thì có giá trị lớn hơn nhiều đối với 53 triệu dân ở đây. Dù nguồn thu từ khí tự nhiên tăng nhưng Myanmar đã chi tiêu các khoản khác quá nhiều khiến chính phủ thiếu tiền. Các khoản khác gồm xây thủ đô mới ở Naypyidaw tại các khu vực đồi núi cách 400km về phía bắc Yangon, tăng lương công chức thêm năm lần, tăng lương mười lần cho quân đội và ngân hàng...Từ các khuyến cáo của ADB đến các kinh nghiệm xung quanh, có quá nhiều bài học “kinh bang tế thế”, nhất là vào lúc giá cả các mặt hàng chiến lược đang được dọa tăng, nhân danh “phát triển kinh tế”. Tags: Châu ÁXăng dầuGiá xăngBất ổn xã hội
Tuần lễ du lịch TP.HCM lần thứ 4: Loạt sự kiện và ưu đãi, nhiều tour miễn phí NHƯ BÌNH 29/11/2024 Tuần lễ du lịch TP.HCM lần thứ 4, dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 12-12 tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn.
Diện mạo ga ngầm Bến Thành lớn nhất metro số 1 sẵn sàng khai thác thương mại THU DUNG 29/11/2024 Sau nhiều năm xây dựng, ga ngầm Bến Thành - ga lớn nhất của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thiện.
Bộ Tài chính tính dừng miễn thuế VAT cho hàng giá trị nhỏ vào Việt Nam qua chuyển phát nhanh LÊ THANH 29/11/2024 Bộ Tài chính đề xuất không miễn thuế VAT cho đơn hàng giá trị nhỏ nhập vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Nếu áp dụng chính sách này, số thu ngân sách sẽ tăng vài nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Uniqlo bị dân mạng Trung Quốc tẩy chay, chỉ trích dữ dội vì phát biểu của lãnh đạo NGỌC ĐỨC 29/11/2024 Thương hiệu thời trang Uniqlo vấp phải chỉ trích lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc, sau phát ngôn nhạy cảm của lãnh đạo cấp cao nhãn hiệu này.