Giải Nobel Y học 2003 nhìn từ Việt Nam

Bác sĩ PHAN THANH HẢI 12/10/2003 09:10 GMT+7

TTCN - Giải Nobel y học 2003 vừa được trao cho các tác giả các công trình phát triển kỹ thuật cộng hưởng từ (MRI), một kỹ thuật rất cao siêu. Tại VN, một trong những người đầu tiên làm quen và "làm bạn" với kỹ thuật cộng hưởng từ là bác sĩ Phan Thanh Hải. TTCN đã nhờ bác sĩ Phan Thanh Hải giới thiệu một cách giản dị nhất về giải Nobel y học 2003 trong góc độ ứng dụng tại VN.


Paul Lauterbur (trái) và Peter Mansfield

Ngày 6-10-2003, Hội đồng Nobel đã công bố giải Nobel y học năm 2003 về tay hai tác giả lý thuyết cộng hưởng từ, là các ông Paul C. Lauterbur, 74 tuổi, người Mỹ và ông Peter Mansfield, người Anh, do đã có công phát triển kỹ thuật MRI (cộng hưởng từ ảnh) đạt đến đỉnh cao như ngày nay .

Thật ra, kỹ thuật cộng hưởng từ ảnh này đã thoát thai từ kỹ thuật cộng hưởng từ nhân (NMR), ứng dụng từ lý thuyết vật lý cộng hưởng từ nhân do hai nhà nghiên cứu Edward Purcell và Felix Bloche (người Mỹ) đề xuất và áp dụng vào lĩnh vực nguyên tử phân tích. Công trình này đã được nhận giải Nobel vật lý năm 1952. 

Năm 1991, giải Nobel hóa học đã được trao cho công trình có liên quan đến cộng hưởng từ của ông Richard Ernt (người Thụy Sĩ) với công trình MRS (cộng hưởng từ phổ). Năm 2002, một giải Nobel hóa học khác cũng đã được trao cho cho ông Kurt Wuthrich (người Thụy Sĩ) cho công trình về cấu trúc đại phân tử ba chiều với cộng hưởng từ. 

Như vậy, giải Nobel năm nay là giải Nobel thứ tư được dành cho kỹ thuật cộng hưởng từ. Sở dĩ một công trình kỹ thuật cộng hưởng từ lại được chọn trao giải Nobel năm nay là do tính hữu dụng tuyệt vời của kỹ thuật này áp dụng vào trong kỹ thuật chụp ảnh y học. 

Một kỹ thuật không xâm lấn (không mổ xẻ, xâm lấn vào cơ thể con người), không gây chảy máu, song lại cho phép nhìn thấy được mọi nơi trong con người một cách rất chính xác, rất tinh vi. Kỹ thuật tạo ảnh trên nguyên lý cộng hưởng từ phát triển không ngừng nhờ vào áp dụng kỹ thuật điện toán xử lý nhanh và liên kết các phần mềm xử lý ba chiều, ghép nối liên tục phát triển. 


Song song, nhờ công nghệ chế tạo từ trường càng ngày càng phát triển hơn, cho phép tạo ra một lực từ vừa cực mạnh vừa an toàn, nên có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý tạo ảnh nhanh. Nhờ đó, hình ảnh thêm rõ nét và thời gian chụp ảnh cực ngắn, chỉ còn 1/100 giây thay vì 1-2 giây/ảnh, vì thế các loại máy MRI đua nhau tăng sức từ, từ 0.1 Tesla (đơn vị đo từ trường) đến 1 Tesla, rồi 1,5 Tesla, nay lên đến 2 Tesla. 

Để tạo ra từ trường mạnh như vậy người ta phải cần đến vật liệu siêu dẫn ở nhiệt độ thấp. Vật liệu này được tạo thành nhờ công trình sáng tạo chất siêu dẫn của ba tác giả đã được trao giải Nobel vật lý năm nay là Alexel Abrakosov (75 tuổi, người Mỹ gốc Nga), Vitaly Ginzburg (87 tuổi, người Nga) và Anthony Leggett (65 tuổi, người Mỹ gốc Anh).

Trong số hai tác giả nhận giải Nobel Y hoc năm 2003 thì Paul C. Lauterbur là người có công đầu do tạo ra ảnh hai chiều cộng hưởng từ bằng cách ghép các phổ cộng hưởng từ (spectroscopy) điểm lại với nhau. Nay thì ta có ảnh CHT ba chiều, bốn chiều (không gian liên tục, chuyển động như thật)... cho toàn thân thể con người. Hiện nay kỹ thuật cộng hưởng từ được chỉ định để chụp ảnh chẩn đoán bệnh lý não, cột sống, mô mềm, mạch máu, khối u lành - ác…

Kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ du nhập vào VN mới từ tháng 7 -1997 với chiếc máy cộng hưởng từ đầu tiên được vận hành tại Trung tâm y khoa Medic, đó là loại máy nam châm vĩnh cửu Model Acess LPT do Công ty Toshiba America cung cấp. 

Đến nay ở nước ta có trên tám máy cộng hưởng từ. Tại Medic có hai máy (Toshiba Acess và GE 1,5Tesla). Ở Bệnh viện Chợ Rẫy có một máy Siemens một Tesla. Tại Đà Nẵng có một máy cộng hưởng từ của Hãng Hitachi. Tại Hà Nội có ba máy: một máy Siemens một Tesla tại Bệnh viện Hữu Nghị, một máy Siemens 0,35 Tesla của tư nhân, một máy Philips 1,5 Tesla tại Bệnh viện Quân y 108 và một máy do Trung Quốc chế tạo. 

Chi phí chụp CHT giá trung bình là 2 triệu đồng, nếu có chích thuốc cản từ (gadolium) chi phí là 2,5 triệu đồng. Một máy CHT một ngày chỉ chụp từ 5 - 10 bệnh nhân, tối đa là 24 bệnh nhân/ngày.

Cộng hưởng từ là đỉnh cao của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn. Kỹ thuật cao này tiếp tục được nâng cao nhờ vào các thành tựu của công nghệ điện toán xử lý, của công nghệ siêu dẫn. Nhờ thế ngày càng có nhiều bệnh nhân được chẩn đoán, mà trước đây với các kỹ thuật khác đều không tìm ra. Thế nhưng không phải trong trường hợp nào đều có thể chụp cộng hưởng từ: khi trong cơ thể bệnh nhân có kim loại nó sẽ nóng lên và di chuyển, làm tổn thương các cơ quan lành mạnh. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận