TTCT - Vốn một thời ưa chuộng sự tối giản, hòa mình vào đám đông, các tỉ phú công nghệ giờ đây đang ăn diện và thu hút sự chú ý của công chúng hơn bao giờ hết. Mark Zuckerberg chuyển từ mặc áo hoodie tại các hội nghị công nghệ sang "retro" thời trang thập niên 1990 như Bill Gates và diện vest. Ảnh: AFP, @ZUCK/INSTAGRAMVốn một thời ưa chuộng sự tối giản, hòa mình vào đám đông, các tỉ phú công nghệ giờ đây đang ăn diện và thu hút sự chú ý của công chúng hơn bao giờ hết. Ở vị thế của họ, sự "rũ áo" này là một tín hiệu cảnh báo cho Thung lũng Silicon chứ không chỉ mang tính thẩm mỹ đơn thuần.Với huyền thoại ngầm lưu truyền, "CEO bận cứu thế, không màng chuyện ăn mặc", các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ những năm 2000 và 2010 rủ nhau bận đồ tối giản; họ coi những cân nhắc về thời trang là phù phiếm trong một ngành tôn thờ tính hiệu quả và giải pháp tối ưu. Đáng nhớ nhất là chiếc áo len đen cổ lọ của Steve Jobs, áo thun xám của Mark Zuckerberg, hay gần hơn là cách ăn bận lòa xòa của Sam Bankman-Fried (cựu CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX đã bị bắt giam). Giờ thì tất cả đảo ngược. Không ai có vẻ còn muốn xây dựng hình tượng thiên tài gần gũi như trước.Trở về với "lề lối quý tộc"Từ giữa năm 2024, báo giới bắt đầu thấy ông chủ Meta Mark Zuckerberg nuôi dài mái tóc xoăn, mặc áo thun rộng dáng Nhật, cùng sợi dây chuyền vàng không khác gì các rapper. Vừa sang tuổi 40, vị CEO chẳng còn nét nào của "cậu bé thiên tài" chỉ diện áo thun xám năm xưa: bắt đầu lướt sóng, đấu quyền anh và cười nhiều hơn bao giờ hết. "Giờ đây tôi không khúm núm xin lỗi vì bất kỳ điều gì nữa" - Zuckerberg trả lời trong một tập podcast Acquired tháng 9-2024.Trong khi đó, CEO Jeff Bezos của Amazon, sau một thời gian dài gắn mình với chiếc áo khoác gilê Patagonia (sau này trở thành đồng phục không chính thức của dân công nghệ Mỹ), nay đã đổi mốt sang ngôi sao phim hành động, với bắp tay cuồn cuộn không kém cạnh Vin Diesel, xuất hiện tại hàng ghế đầu của tuần lễ thời trang Milan, diện áo khoác bomber của nhà tạo mốt Dolce & Gabbana, sau đó đội mũ cao bồi xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue bên cạnh vị hôn thê Lauren Sanchez.Elon Musk trong chiếc mũ cao bồi tại một sự kiện của Tesla. Ảnh: AFPTất nhiên, còn phải kể Elon Musk - sứ giả của giới công nghệ trong cuộc viễn chinh đến sao Hỏa trong vài năm qua - đã chuyển dần từ sơ mi văn phòng và mái đầu hói sang áo khoác da, bốt cao bồi và tóc tạo kiểu kỹ lưỡng."Các tỉ phú công nghệ đang dần đón nhận vị thế quý tộc thời đại mới của mình, bắt đầu thể hiện tiền bạc, quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình trong mắt công chúng" - Tim Barber, chuyên gia về đồng hồ xa xỉ của tạp chí WIRED, cho biết. Có thể thấy rõ từ thú chơi đồng hồ mới khởi phát của Mark Zuckerberg: trong video thông báo dừng chương trình kiểm chứng thông tin (fact-checking) trên Facebook vào đầu năm nay, vị CEO diện chiếc đồng hồ Thụy Sĩ Greubel Forse cực hiếm có giá 895.000 USD trên tay.Theo sử gia Benjamin Wild tại Học viện Thời trang Manchester (Anh), sự thay đổi của Zuckerberg ít nhiều cho thấy một nhóm tỉ phú đang thích ứng với trật tự chính trị mới tại nước Mỹ, với tư cách là những "ông trùm", đứng đầu các tập đoàn đa quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu như Meta, Google và Amazon, lẫn những mục tiêu bị các chính trị gia kiểm soát.Từ trước khi nhậm chức lần hai, ông Trump đã đe dọa bỏ tù Mark Zuckerberg vì dám gỡ các bài đăng ủng hộ phe cánh hữu trong chương trình kiểm chứng thông tin của Meta. Vậy mà khi cuộc bầu cửa 2024 ngã ngũ, Zuckerberg và nhiều tỉ phú công nghệ khác đã nhanh chóng "xoay trục", vừa quyên góp hàng triệu đô la cho lễ nhậm chức của tổng thống, vừa lũ lượt kéo đến tư gia của Trump. "Với tôi, hình ảnh này tương đồng với triều đình phong kiến trước kia - nơi các thành viên quý tộc cạnh tranh lẫn nhau trong trang phục và các xa xỉ phẩm, nhằm giành được sự chú ý của bậc quân vương. Với nước Mỹ ngày nay, những người đàn ông này có lẽ ít quan tâm đến việc công chúng nghĩ gì về họ, mà phần nhiều là về việc các quý tộc khác, cũng như Trump, nghĩ gì về họ" - Wild nói với WIRED.Nhưng Trump không phải yếu tố duy nhất khiến các tỉ phú này bắt đầu "bung lụa" trong ăn mặc; chúng đã bắt đầu từ nhiều năm trước.Chiến lược dài hơi & "nam tính alpha"Tháng 4-2024, một hình ảnh Zuckerberg râu rậm, đeo vòng bạc (tất cả đã qua chỉnh sửa) lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhận được phản hồi tích cực của công chúng. Người ta thích thú vì có thể bỏ qua thuyết âm mưu cho rằng Zuckerberg không phải người hay đến từ hành tinh khác do biểu cảm vô hồn của ông trước đây.Cứ ngỡ đó cũng là khởi đầu cho công cuộc tiến hóa hình ảnh cá nhân của Zuckerberg, song tờ The Times (Anh) trích một số tài liệu nội bộ của Meta cho thấy Zuckerberg và đối tác tin cậy Peter Thiel đã thảo luận về một cú "tái định vị thương hiệu" cho vị CEO từ năm 2020."Zuckerberg cần phải truyền cảm hứng cho khách hàng trẻ... Sẽ hợp lý hơn nếu Zuckerberg trở thành "người phát ngôn thế hệ millennial", hơn là trở thành một người trẻ millennial ngoan ngoãn theo tưởng tượng của giới già" - Peter Thiel viết trong một email bị rò rỉ, đề ngày 31-12-2019.Jeff Bezos xưa và nay. Ảnh cắt từ clip CNBC5 năm sau, chiến dịch tái định vị thương hiệu của Zuckerberg - từ thiên tài công nghệ khiêm tốn đến người lãnh đạo sành sỏi, biết đấm bốc... cho thấy một xu hướng rộng hơn của Thung lũng Sillicon. Hình mẫu những con người thường ngày có đủ tài năng và nhiệt huyết để cống hiến cho xã hội đã được thay thế bằng những nhân vật có cái tôi cao, nam tính và có phần quân phiệt hơn.Cũng như Google từng thay đổi slogan từ "đừng trở nên độc ác" sang "làm chuyện đúng đắn", các tập đoàn - và người lãnh đạo chúng - đang sẵn sàng để điều khiển của mình bao trọn các ngành, thậm chí các quốc gia. Có thể thấy phần nào qua những slogan tiếng Hy Lạp bắt đầu xuất hiện trên áo thun của Mark Zuckerberg: từ "Pathei Mathos" (học qua chịu đựng) đến "Aut Zuck aut nihil" (Zuckerberg hoặc không gì cả) - cái tôi và sự kiểm soát đang được đặt lên hàng đầu.Từ năm 2018, Elon Musk - với vai trò CEO Tesla và SpaceX (khi đó vẫn còn chưa mua lại X và sắm vai phản diện) - đã làm việc với nhà thiết kế Emily Dawn Long để xây dựng hình ảnh mới cho mình, dựa trên các biểu tượng nam tính cổ điển của Hollywood như Harrison Ford, Paul Newman, hay nhà thám hiểm Nam cực Ernest Shackleton. Musk đã không ngại bỏ ra hàng trăm ngàn đô la để mua đồng hồ Paul Newman Rolex Daytona - biểu tượng của nam tính cổ điển, đồng thời gắn logo Tesla lên một bộ sưu tập mũ cao bồi - biểu tượng của thám hiểm và chủ nghĩa cá nhân, như một lời khẳng định vị thế của mình như một kẻ tiên phong tự thân trong thế giới công nghệ.Đến nay, khi tham gia rõ rệt vào chính trị ở phe cực hữu, với liên hoàn các phát ngôn thù địch với nhóm thiểu số trên X, các chỉ dấu trang phục kể trên của Musk có vẻ dễ hiểu hơn rất nhiều. Xuất hiện trên màn hình lớn giữa sân khấu tranh cử của đảng cực hữu AfD (Đức) tháng 1, Musk tươi cười trong tiếng hò reo của người ủng hộ đảng này. "Bạn sẽ đứng về phía đảng của [Thủ tướng] Olaf Scholz và các hoạn giả bên họ? Hay về phe chúng tôi, với Elon Musk và Donald Trump? Phe nào có nhiều sức quyến rũ hơn?" - nghị sĩ Maximilian Krah của AfD hào hứng.Với các nhân vật quyền lực này, nam tính và cái tôi cá nhân không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài; đó cũng rất có thể là tấm vé giúp họ thắng được lòng công chúng, từ đó thực hiện kế hoạch quyền lực mà họ đã luôn muốn đạt được. Theo lẽ dĩ nhiên, một khi các nhân vật đứng đầu như Zuckerberg hay Musk đổi phong cách, sức ảnh hưởng của họ sẽ nhanh chóng chảy ngược xuống cấp dưới trong ngành. Theo tờ The Wall Street Journal, nam giới trong ngành IT Mỹ cũng dần thay đổi tủ đồ, từ diện Patagonia sang nón cao bồi và bốt da rắn. Một lý do lớn là làn sóng di dời nơi làm việc từ Thung lũng Silicon về các miền viễn tây như Texas của nhiều công ty lớn (trong đó có Tesla của Elon Musk) khiến dân IT cũng phải đổi phong cách để "nhập gia tùy tục". Có người chuộng phiên bản hiện đại của trang phục cao bồi truyền thống; có người "đông tây kết hợp", phối đồ cao bồi với trang phục văn phòng phố thị (mặc áo sơ mi kiểu cao bồi bên trong và khoác ngoài bằng áo Patagonia); lại có người "gần như thay toàn bộ tủ đồ" sau khi chuyển từ San Francisco đến Austin.Đội mũ cao bồi, đi bốt và mặc áo Poncho ngắn tay, Joshua Schultz, làm cho một công ty AI, đúc kết không hoa mỹ: "Tôi muốn sống hết mình với nền văn hóa mà tôi tôn trọng (…) Với lại, ở đây nóng muốn chết". Dù thay đổi vì lý do gì, các chàng cao bồi gõ phần mềm cũng phản ánh xu hướng trình hiện nam tính đang ngày một mạnh mẽ hơn trong ngành IT. "Dân ngành IT đang có xu hướng muốn thể hiện rằng "tôi là đàn ông đích thực, không chỉ là mọt sách suốt ngày cắm mặt vào máy tính". Và trong văn hóa Mỹ, còn điều gì đậm đặc nam tính hơn là các chàng cao bồi?" - Austin Nasso, một diễn viên hài chuyên châm chọc dân IT, nói với The Wall Street Journal. Tags: Tỉ phú công nghệCông nghệMark ZuckerbergElon muskJeff Bezos
Lợi ích hai chiều từ việc lấy ý kiến người dân CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 29/05/2025 1778 từ
Đêm nay nhiều nơi có mưa to, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở 30 tỉnh CHÍ TUỆ 29/05/2025 Dự báo đêm nay 29-5, nhiều vùng miền trên cả nước tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại 30 tỉnh thành.
Công bố chương trình tín dụng 500.000 tỉ đồng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo... LÊ THANH 29/05/2025 Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phải nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng.
Vụ án hàng giả mỹ phẩm do Đoàn Di Băng quảng cáo: Hé lộ tập đoàn gia công đứng sau BÌNH KHÁNH 29/05/2025 Tập đoàn Y Dược EBC từng quảng bá là nhà máy sản xuất gia công mỹ phẩm thuần chay, quy trình sản xuất đóng gói nghiêm ngặt, được kiểm tra chặt chẽ.
Nga nói trưởng đoàn đàm phán nước này bị Ukraine dọa giết TRẦN PHƯƠNG 29/05/2025 Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết các nhà điều tra đang truy tìm nguồn gốc của những lời đe dọa gửi đến nhà đàm phán Nga Vladimir Medinsky và gia đình.