"Mỏ hỗn" trong mắt nhà khoa học

THANH NHI 28/05/2025 15:22 GMT+7

TTCT - Không biết từ khi nào dân mạng Việt Nam nảy ra từ "mỏ hỗn" để chỉ những cái miệng ăn nói bốp chát hoặc thường xuyên văng tục, chửi thề.

phát triển của mạng xã hội - Ảnh 1.

Ảnh: iStock

Không biết từ khi nào dân mạng Việt Nam nảy ra từ "mỏ hỗn" để chỉ những cái miệng ăn nói bốp chát hoặc thường xuyên văng tục, chửi thề. Giới khoa học cũng đặc biệt thích nghiên cứu hình thức ngôn ngữ đặc biệt này. Họ thấy rằng đôi lúc mạnh miệng một chút cũng chẳng sao.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, phim ảnh và truyền thông, tiếng chửi ngày một trở nên thông dụng, đến mức có nhiều người vẫn nghĩ "chửi" là đặc trưng của xã hội hiện đại. 

Thật ra ở Việt Nam ta, quay lại thế kỷ thứ XIX, Cao Bá Quát đã "chửi" qua thơ: "Tưởng đến khi vinh hiển coi thường/ Song nghĩ lại trần ai đếch chỗ" (Tài tử đa cùng phú). Trước đó gần một thế kỷ, Hồ Xuân Hương đã bày tỏ nỗi tức giận bằng ngôn từ đầy phẫn uất "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung" (Lấy chồng chung). 

Và hẳn còn có thể truy ngược lại xa hơn. Còn ở ngoại quốc, một trong những từ chửi thề thông dụng nhất như fuck hay arse (cách nói thay cho từ ass) được ghi nhận đã xuất hiện cách đây hơn 1.000 năm.

Một lát cắt ngôn ngữ học

Chửi cũng có dăm bảy loại. Có những tiếng chửi chỉ thêm vào câu như nêm gia vị vào món ăn và không có ý xúc phạm (Mình chẳng biết nên làm cái quái gì). Có những tiếng chửi lại mang tính lăng mạ người khác (Bọn khốn kiếp!). Cũng có những tiếng chửi chỉ để bày tỏ cảm xúc, như cách Chí Phèo "vừa đi vừa chửi", chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại.

Dù là tiếng chửi loại gì, khi nghe người khác chửi bậy, ta thường có một số định kiến liên quan đến trình độ văn hóa hay học vấn. Dễ thấy nhất là suy nghĩ: ai chửi càng nhiều, bảo đảm học vấn càng thấp. Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ học từ Đại học Lancaster đã chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu đem lại bất ngờ, đánh tan định kiến trên.

Khi xét đến tương quan tần suất chửi thề và giai cấp xã hội, ban đầu tần suất này giảm dần khi so sánh giữa các nhóm không có việc làm, lao động kỹ năng thấp, lao động kỹ năng cao, giai cấp trung bình thấp (nhân viên văn phòng và nhân viên có chuyên môn cấp thấp). 

Thú vị hơn, khi so sánh giữa giai cấp trung bình thấp và giai cấp trung bình cao (bao gồm các vị trí quản lý và chuyên môn cấp cao), tần suất này tăng 300%. Nguyên nhân có thể là do ở giai cấp cao hơn, họ có vị trí vững chắc hơn, ít phải kiềm nén bản thân hơn và chửi thề thoải mái hơn. Dù sao, với giai cấp quản lý, việc chửi mắng cũng không thể dễ dàng khiến họ bị sa thải hay kỷ luật như vị trí cấp thấp.

phát triển của mạng xã hội - Ảnh 2.

Giáo sư tâm lý Timothy B. Jay tại Massachusetts College of Liberal Arts còn tiến hành đo lường sự trôi chảy trên ngôn ngữ thông thường và trên bộ từ vựng chửi bậy. Thông qua đếm số lượng từ người tham gia nghĩ ra trong một phút, kết quả cho thấy tương quan đồng biến: người nào càng thuần thục ngôn ngữ lại càng có vốn từ vựng chửi bậy phong phú.

Các phát hiện này cho thấy không phải cứ ai nói tục chửi bậy thì người đó có trí thông minh thấp hay kém khả năng ngôn ngữ. Những người ở vị trí quản lý chắc chắn không thể nào kém cỏi hay ngôn ngữ nghèo nàn mà vẫn trụ vững ở vị trí của họ lâu như vậy.

Dù chắc chắn về tương quan giữa sự thành thạo ngôn ngữ và từ vựng chửi bậy, bất ngờ thay, não bộ xử lý việc chửi thề khác với xử lý ngôn ngữ thông thường. 

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California đã tiến hành thăm dò trên nhiều đối tượng, bao gồm cả các bệnh nhân mắc chứng rối loạn ngôn ngữ (vốn gặp khó khăn khi nói theo cách có nghĩa, hoặc nói nhiều từ khi ghép lại thành câu vô nghĩa). 

Khi thực hiện kiểm tra não bệnh nhân, hầu hết đều bị tổn thương phần vỏ não bên trái - có liên quan đến vùng ngôn ngữ. Vậy mà một số bệnh nhân vẫn có thể chửi thề một cách trơn tru và dùng những cụm thông dụng như Sacre nom de Dieu, Jesus Christ và Goddammit (đại khái đều là "trời đất quỷ thần ơi").

"Gia vị" của tiếng chửi

Ta có thể nghe người khác chửi vì nhiều lý do. Nếu đã từng coi MasterChef bản gốc của Mỹ hay Hell's Kitchen với sự dẫn dắt của đầu bếp "mỏ hỗn" nổi tiếng Gordon Ramsay, dễ dàng thấy chương trình để nguyên những lần chửi thề của vị đầu bếp này. 

Không thể phủ nhận một trong những sức hút khó cưỡng của chương trình đến từ sự thẳng thắn của ban giám khảo. Khi Gordon Ramsay nói món ăn đó "fucking good" (mà dân ta ngày nay sẽ kêu là ngon + một mớ từ viết tắt không tiện nói ra), người xem cảm thấy món ăn đó tất nhiên phải ngon hơn mức "good" thông thường. 

Việc đệm thêm từ chửi vào câu khiến câu nói dường như tăng tính thuyết phục và nhấn mạnh hơn, và chắc chắn để lại ấn tượng cho người xem nhiều hơn.

Vậy tại sao một mặt nào đó, tiếng chửi bậy dù xấu xí nhưng vẫn mang lại sức hút như thế? Một trong những nguyên nhân có thể là vì ngôn ngữ chửi mang đậm tính đặc trưng của cảm xúc. 

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đo mức độ "rùng mình" khi cất tiếng chửi thông qua phản ứng điện da (galvanic skin response, đo mức độ căng thẳng hoặc cảm xúc bằng cách theo dõi sự thay đổi độ dẫn điện của da).

Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu ở Đại học Bristol (Anh) chọn cách cho tình nguyện viên đọc to các chữ cunt và fuck (so với chỉ đọc c-word và f-word); còn các nhà tâm lý học ở Đại học Yale lại yêu cầu người tham gia nghiên cứu đọc những từ kích thích cảm xúc bao gồm những lời tục tĩu, từ ngữ khiêu dâm và cấm kỵ. 

Kết quả chung là phản ứng điện da xảy ra mạnh hơn khi người tham gia dùng những từ chửi thề trực tiếp.

phát triển của mạng xã hội - Ảnh 3.

Như thể gia vị cho một món ăn, ngôn ngữ này tăng thêm sự kích thích cho các tình huống và có thể gây ra phản ứng cảm xúc. Như những quán "bún mắng cháo chửi" ở ngoài Hà Nội cách đây độ mười năm (hình như tới giờ vẫn còn) thu hút một lượng khách hàng nhất định đổ về từ cả các tỉnh thành khác, bởi vì cảm giác mới lạ và tò mò đem đến cho thực khách.

Tiếng chửi và cơn đau

Có những tình huống đặc thù mà khi tiếng chửi cất lên sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ. Cảm hứng nghiên cứu về liên hệ giữa tiếng chửi và cơn đau của tiến sĩ Richard Stephens (Đại học Keele) vốn bắt nguồn từ người vợ, khi cô đã dùng nhiều từ ngữ tục tĩu khi chuyển dạ vì đau đớn. Cứ mỗi khi cơn đau dịu đi, vợ anh lại xin lỗi vì cảm thấy xấu hổ, nhưng sau đó mọi thứ lặp lại khi cơn đau tiếp theo kéo đến.

Stephens bắt tay vào nghiên cứu. Trong thử nghiệm đầu tiên, anh và đồng sự cho những người tình nguyện ngâm tay vào nước đá lạnh. Kết quả: những người lặp đi lặp lại một từ chửi thề cảm thấy ít đau hơn và nhịp tim tăng nhiều hơn so với việc thốt ra nhiều lần những từ trung tính. Đây là tác dụng của cơ chế sinh lý "fight or flight" (chiến đấu hay bỏ chạy). Thậm chí, đã có một từ ngữ riêng dành cho việc sử dụng từ ngữ thô tục để giảm căng thẳng hay đau đớn: lalochezia.

Trong nghiên cứu thứ hai, người tham gia được yêu cầu ước tính tần suất chửi thề trong một ngày bình thường theo thang đo từ 0 - 60 từ chửi được dùng. Kết quả cho thấy khả năng chịu đau khi chửi thề ở nhóm "mỏ hỗn thường trực" sẽ thấp hơn nhóm không chửi thề. Bạn bị "quen thuộc" với việc chửi thề và hưởng được ít ích lợi hơn.

Nghiên cứu thứ ba, để chứng minh phản ứng cảm xúc (ở đây chọn sự hung hăng) làm tăng khả năng chịu đau, trong 10 phút, họ cho tình nguyện viên tham gia một trong hai loại trò chơi điện tử: bắn súng góc nhìn thứ nhất (first-person shooter) hoặc trò chơi golf. Sau đó những người này tham gia thử thách ngâm tay vào nước đá. Nhờ cảm giác hung hăng sau trò chơi bắn giết, tình nguyện viên chịu lạnh lâu hơn và giữ mức nhịp tim cao hơn so với khi chơi trò đánh golf.

Chuỗi nghiên cứu trên của Đại học Keele cho thấy sự hung hăng có thể mang tác dụng giảm đau và được kích hoạt khi bạn cất tiếng chửi. Và nhờ chửi thề, ta chịu đau tốt hơn. Nhưng nếu lạm dụng trong tình huống hằng ngày thì tác dụng giảm đau sẽ kém đi.

Nhưng dù có chút ích lợi, việc thường xuyên chửi thề sẽ khó lòng mang lại hiệu quả cả về giảm đau lẫn hình ảnh của chúng ta. Cho đến giờ, việc chửi thề vẫn gây nhiều tranh cãi. Có lúc bị phản đối, như cách một bộ phim điện ảnh Việt Nam doanh thu hàng tỉ từng gây tranh luận bởi việc lạm dụng nhiều câu thoại chửi mắng nhau giữa các nhân vật. 

Tuy nhiên, cũng chứa đựng từ ngữ thô tục như cách Rhett Butler nói với Scarlett O'Hara trước khi rời đi, lời thoại trong phim Cuốn theo chiều gió (1939) từng được Học viện phim ảnh Hoa Kỳ (AFI) bầu chọn là câu thoại hay nhất trên màn bạc. 

"Frankly, my dear, I don't give a damn" ("Em yêu, thật lòng mà nói, anh cóc thèm quan tâm!") đã mang tới một khoản phạt 5.000 đô la cho nhà sản xuất vào thời điểm đó, nhưng đã đem đến một cảnh phim kinh điển trong lòng người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy.

Biết rằng dùng đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng mới là tốt, nhưng "đúng" là như thế nào, quả thật vẫn là bài toán nan giải.

Vậy nếu ta nói trại đi các từ chửi thề theo cách giới trẻ vẫn hay dùng (móa, mọe, đậu xanh rau má...), hoặc dùng ký hiệu tay (như giơ ngón giữa), liệu chúng có còn mang lại lợi ích như trên?

Các từ nói trại có thể được hình dung như một cây cầu trung gian của các từ gốc, nên chúng chỉ kích hoạt một phần nào đó tác dụng của các từ gốc.

Còn ký hiệu tay, tạm thời có thể nói tác dụng bằng... không. Chưa có kết quả thuyết phục nào cho thấy chúng có lợi ích tương đương với việc chửi thề thành tiếng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận