Trêu Google bằng thành ngữ bịa

KHÁNH NGUYÊN 27/05/2025 16:33 GMT+7

TTCT - Ngoài thử nghiệm chuyện thao túng câu trả lời của AI, còn có đủ trò "cà khịa" các mô hình ngôn ngữ lớn, chẳng hạn phong trào lừa tính năng AI Overview của Google bằng các câu thành ngữ cải biên.

Trêu Google bằng thành ngữ bịa - Ảnh 1.

Ảnh: Reddit / Digital Trends

AI Overviews là tính năng tóm tắt thông tin, trả lời từ khóa tìm kiếm Google của người dùng ngay tắp lự, không cần phải bấm vào các trang web. Ngay từ khi ra mắt, AI Overviews đã bị chỉ trích vì trả lời trật lất, bịa nhiều thông tin. 

Giờ thì khả năng tóm tắt của AI có vẻ đã được cải thiện, nhưng nó lại thành nạn nhân của nhiều người dùng thích đùa: họ thử "sáng tác" một số câu có cấu trúc na ná thành ngữ, tục ngữ rồi vớ nhờ Google giải thích, AI Overviews sẽ nhanh nhảu hiện ra giảng giải như thật, lại còn trích nguồn hẳn hoi.

Theo gợi ý của vài người trên mạng xã hội Threads, nhà sử học kiêm người dẫn podcast Greg Jenner đã thử nhờ Google cắt nghĩa giúp câu "liếm lửng một bận, lận đận lần hai" (You can't lick a badger twice). Một câu nói "chế" lại được AI của Google nhận diện là thành ngữ và giải thích: không thể lừa ai đó lần thứ hai sau khi họ đã bị lừa một lần.

Có thể đoán Gemini - AI đằng sau AI Overviews - thấy câu này quen quen (nghĩ tới câu "không ai tắm hai lần trên một dòng sông" chẳng hạn), nên cứ theo đó mà giải thích, không mảy may hay biết đang bị người dùng "troll". Kết quả là cái mà ta nghe từ lâu: sự ảo giác của AI.

Tác giả Will Shanklin của trang tin công nghệ Engadget đã thử với vài câu khác như "Chơi golf không cá như gà đá không cựa" (You can't golf without a fish), Google nói đây là một câu đố hoặc cách chơi chữ, ám chỉ bạn không thể chơi golf nếu không có thiết bị cần thiết. Ngoài ra nó còn làm hợp lý thêm câu trả lời của mình khi nói quả golf có thể được coi là cá vì có hình dạng tương tự (!?).

Còn với câu nghe có vẻ giống ngạn ngữ như "Hai chân trái cạy không nổi lọ bơ" (You can't open a peanut butter jar with two left feet), AI Overviews giảng giải là không thể làm điều gì đó đòi hỏi kỹ năng hoặc sự khéo léo. Thật là nỗ lực cao cả để hoàn thành nhiệm vụ trả lời, chỉ có điều thiếu kiểm định về sự tồn tại của nội dung. Thậm chí, trong một vài trường hợp, Google còn cung cấp các liên kết tham chiếu nhìn rất đáng tin cậy.

Rất nhiều thành ngữ, tục ngữ "dỏm" đã được nghĩ ra để đánh đố và kiểm chứng ảo giác AI. Kiểu như "Dẫu yêu nhiều cũng không liều lấy pizza" (You can't marry pizza) là một cách diễn đạt vui tươi khái niệm về hôn nhân như một cam kết giữa hai người, không phải là một món ăn (!). 

Hay "Cá không còn sống, dây thừng kéo hoài công" (Rope won't pull a dead fish) là không thể đạt được điều gì đó chỉ bằng vũ lực hoặc nỗ lực; đòi hỏi sự sẵn sàng hợp tác hoặc một sự tiến triển tự nhiên (quá hiển nhiên). 

Hoặc "Gắp món to, lo no trước" (Eat the biggest chalupa first) là khi đối mặt với một thử thách lớn hoặc một bữa ăn thịnh soạn, trước tiên ta nên bắt đầu với phần hoặc món ăn quan trọng nhất.

Google phân trần AI Overviews vẫn trong quá trình thử nghiệm và họ đang liên tục cải tiến để giảm thiểu các lỗi như vậy. Người phát ngôn của Google Meghann Farnsworth cho biết "khi mọi người tìm kiếm các thứ vô nghĩa hoặc sai, hệ thống sẽ cố gắng tìm ra kết quả có liên quan nhất dựa trên nội dung nền mà nó có được". Hóa ra, AI không muốn thừa nhận nó không biết câu trả lời, khi mơ hồ, nó sẽ bịa ra thứ gì đó để gửi cho bạn.

Thật ra chuyện này cũng hợp lý khi nguyên tắc hoạt động của AI trước hết là xác suất, dự đoán từ tiếp theo dựa trên dữ liệu khổng lồ của nó để ngữ cảnh tiếp diễn, theo Ziang Xiao, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Johns Hopkins. 

Nhưng dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, từ nghe có vẻ mạch lạc tiếp theo đó lại không dẫn đến câu trả lời đúng. Ngoài ra, AI được huấn luyện hướng đến việc làm hài lòng và nói với mọi người những gì họ muốn nghe.

Vậy nên mới có chuyện những câu như "Chó chạy rông đừng mong lướt sóng" (a loose dog won't surf) được AI Overviews mô tả điều gì đó không có khả năng xảy ra hoặc sẽ không hiệu quả; "Gắn dây kiểu gì, chạy y kiểu đó" (Wired is as wired does) ngang nhiên trở thành thành ngữ với nghĩa là hành vi hoặc đặc điểm của ai đó là kết quả trực tiếp của bản chất cố hữu; "Lấy chó chọi heo" (never throw a poodle at a pig) thì là tục ngữ có nguồn gốc từ kinh thánh; "Đừng trao môi hồng cho nắm cửa đồng" (Don't kiss the doorknob) hay "Vịt nguyên con nhét gọn ruột chì" (You can't fit a duck in a pencil) bỗng dưng hợp lý ngay.

Nếu trong một ngày làm việc căng thẳng, ta mở Google ra nhập bất kỳ cụm từ lạ lùng độc đáo nào rồi thêm chữ "ý nghĩa" và tìm kiếm, hẳn sẽ nhận về vài kết quả dở khóc dở cười. Chuyện tưởng chừng như vô hại đó lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những kết quả truy vấn mà AI tạo ra. 

Một ngày nào đó AI sẽ trở nên tốt hơn và chính xác hơn, nhưng trong lúc chờ, hãy xem xét kỹ lưỡng và kiểm tra nguồn của các phản hồi nhận được. Khi mọi người ngày càng lệ thuộc vào các câu trả lời AI, thông tin sai có thể lan truyền và rồi thành sự thật lúc nào không hay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận