TTCT - Kệ ai đó vận kiến thức địa lý khăng khăng rằng Bấc chẳng qua là tên gọi khác của những trận gió mùa đông bắc xuôi Nam, tôi thích tin Bấc là đứa con hào sảng sinh ra từ đất nắng quê tôi. Minh họa: VIIP Mấy năm đầu học xa nhà, được nghỉ tết sớm, em trai tôi hay chạy xe máy về quê. Nghỉ dọc đường, cậu chàng thường bày đặt gọi tôi, giọng ra vẻ bí bí mật mật. “Đố Hai em đi tới đâu rồi?”. Không cần định vị GPS, cũng chẳng chờ em mở cuộc gọi video, hễ nghe u u, phần phật vọng cùng lời em, tôi biết mình có thể thở phào. Ấy là vì chàng lữ khách tôi mong đã về đến quê nhà chúng tôi - xứ “gió như Phan”. Gió đây là gió Bấc. Con gió cứ độ tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm lại ù ù cất tiếng chào đời. Khác gió Nồm mùa hạn cháy, ngày Bấc sinh trời Phan Rang mù mù đổ lạnh. Cái lạnh không căm căm buốt da cắt thịt, không kéo theo sương giá mưa phùn như những trận gió mùa xứ Bắc, anh em ruột rà với Bấc. Kệ ai đó vận kiến thức địa lý khăng khăng rằng Bấc chẳng qua là tên gọi khác của những trận gió mùa đông bắc xuôi Nam, tôi thích tin Bấc là đứa con hào sảng sinh ra từ đất nắng quê tôi. Bởi khô khan, ngó bộ dữ dằn đấy mà tính Bấc như dân nắng. Ào ạt, quất xả hết hồi là thôi. Không găm gút nhớ. Không biết giận hờn. Hay để bụng. Người Phan Rang nôn nao chờ Bấc từ độ dứt hạn. Giữa trưa nắng chang chang, nếu nghe tiếng mấy ống tre làm chuông gió trước nhà khẽ khua lọc rọc, nếu như thấy có luồng hơi mát lộng ai đó phà lên mặt. Đích thị Bấc đến! Bấc đến tức mưa về. Mưa giăng võng ầu ơ ru giấc ngủ cho cậu bé Bấc. Người già xứ tôi vẫn trìu mến gọi cậu, cơn bấc đầu mùa, bằng tên gọi Bấc non. Hệt đứa trẻ tinh nghịch, cậu sục sạo chạy khắp các mái nhà, hết đuổi mây sang rủ bọn gió Nồm nam còn sót chơi trò kéo co. Giằng qua kéo lại giữa Bấc và gió Nồm thế mà giải được cho đất hạn cơn khát vô cùng tận. Dải đồng cỏ héo queo uống mưa, lún phún đổ xanh. Bầy cừu hưởng ké lợi lộc, bụng căng, lông trắng múp trở lại. Ráng đổ thêm cho đất, cho cừu đôi ba trận nước trời nữa. Rồi Bấc lớn. Háo hức được phô bày sức mạnh, chàng Bấc trẻ trai vít tay níu cong cả những ngọn neem dai sức nhất, hà hơi thổi cát động bay rát mặt người. Quen phô diễn từ chàng, ông bà già gật gù cùng cháu con: “Bấc thông rồi!”. Đất cũng gật gù với mớ hột giống bắp, giống củ cải, bông tết đang hối hả “xuống đất” cùng mong đợi: “Hết mưa rồi. Ráng lên kịp bán tết nhen bây!”. Người quê tôi ưa đếm bước chân Bấc để ngóng bóng tết. Bấc đi đủng đỉnh. Nho táo chín tranh thủ rớt giàn. Để đám nhỏ con nhà nông được hớn hở nắm tay mẹ ra chợ, rồi về khoe nhau áo mới. Bấc rảo nhanh hơn. Lác đác mâm củ kiệu, củ cải đầu tiên đã thấy phơi trên các mái nhà. Bấc guồng chân chạy. Nô nức những gốc mai rừng vượt Bấc, về cắm bán đầy dưới bãi sông Dinh. Ba tôi, người chăn cừu thâm niên bên bãi sông, nói rằng quê tôi may mắn vì có Bấc. Chung sức cùng dãy núi Chúa án mặt biển hướng đông bắc, Bấc góp công đẩy khỏi xứ nghèo không ít trận bão cuối mùa. Mấy lần thoát nanh vuốt bão dữ chỉ trong gang tấc, âu cũng nhờ trời sắp đặt địa thế cho đất hạn. Theo đúng kiểu “không tuyệt đường kẻ khó”. Tôi cá rằng ba tôi cũng đang thay tụi cừu phát biểu cảm nghĩ về Bấc. Bấc non, cả bầy chẳng cần lo đói cỏ. Bấc thông trời, cừu không phải nơm nớp lo chạy lụt, trốn đỡ trên đầu cầu. Bấc quật dữ, ai run ai nổi da gà, cừu hề gì đâu, vì vốn đã mặc sẵn áo lông dày cộp. Khác với ba và tụi cừu, mẹ tôi, người hơn nửa đời đạp xe ngược Bấc, không thích Bấc. “Gió gì muốn bét mắt!”. Mẹ hay đem câu quở thời còn theo ngoại gánh dưa hồng băng động cát rầy bầy Bấc cứ giật ghiđông, chực xô xe mẹ ngã lúc đạp lên dốc cầu. Càu nhàu, mẹ còn đổ tội Bấc xổ tóc mẹ xác xơ, bào tay chân mẹ da xù lên, đóng vảy. Ngẫm tội chàng Bấc. Trót vương với cõi người chi để rồi vướng víu giữa bao lẽ ghét thương! Em trai sau mấy năm đi làm đã không còn thói quen dong xe máy về quê trong mùa Bấc. Chẳng cần phấp phỏng dõi theo từng bước em với gió bụi đường trường. Nhưng lạ quá. Đôi lúc tôi nghe mình quay quắt nhớ một cuộc điện thoại vọng tiếng Bấc. Chiều nay, chạy xe ra eo Cà Ná, ngay cánh cổng ào ạt mở vào đất quê, tôi gọi em. Cố bắt chước âm điệu ngày nào bí bí mật mật. “Đố Út nha! Hai đang ở đâu?”. Bên kia đầu dây, kẻ xa quê im lặng. Phải chăng. Cũng như tôi, em trai đang nghe tiếng Bấc? Như nghe thêm một lần giọng quê hương...■ Tags: Gió bấcGiọng quê hương
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Việt Nam để quốc tang nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone trong 2 ngày THANH HIỀN 03/04/2025 Ngày 3-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone.
Giá vàng lao dốc, giá USD ngân hàng lần đầu chạm mốc 26.000 đồng ÁNH HỒNG 03/04/2025 Sau khi tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, giá vàng quay đầu giảm mạnh, trong khi đó giá USD ngân hàng vọt lên 26.000 đồng/USD.
Lực lượng diễu binh của Bộ Quốc phòng bắt đầu hành quân vào Nam NAM TRẦN 03/04/2025 Tối 3-4, các khối thuộc lực lượng phục vụ diễu binh, diễu hành Bộ Quốc phòng đã bắt đầu lên đường bằng tàu hỏa, xuất phát từ ga Hà Nội để hành quân vào Biên Hòa, Đồng Nai chuẩn bị cho công tác huấn luyện giai đoạn 3.
Khởi tố 10 người trong vụ lập 'công xưởng' sản xuất ma túy cực lớn tại Khánh Hòa DANH TRỌNG 03/04/2025 Trương Xuân Minh cùng 9 người khác bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc lập "công xưởng" sản xuất trái phép ma túy tổng hợp cực lớn tại Khánh Hòa.