Hai bài học từ cơn sốt giá thịt heo

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 17/01/2020 00:01 GMT+7

TTCT - Có thể nói với nỗ lực vượt bậc, VN đã đạt được những kết quả cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống dịch tả heo châu Phi, tạo tiền đề quyết định để sớm khôi phục ngành chăn nuôi then chốt này. Thế nhưng, vẫn có khả năng những diễn biến gay cấn nhất trên thị trường thịt heo còn kéo dài, và để phát triển bền vững cần phải rút tỉa những bài học hữu ích từ cuộc náo loạn của thị trường thời gian qua.

Mua bán thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Quang Định
Mua bán thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Thành công lớn

Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy dịch tả heo châu Phi (ASF) đã quét qua tất cả tỉnh thành cả nước, khiến tổng số lượng heo phải tiêu hủy ước tính khoảng 6 triệu con và tổng đàn cuối năm 2019 giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018, còn tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước chỉ đạt 3,29 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Cho dù những thiệt hại nói trên là rất lớn, cho đến thời điểm này có thể nói VN đã xử lý thành công những thách thức. Để đặt trong bối cảnh so sánh, theo tờ Financial Times, tháng 10-2019 đàn heo của Trung Quốc chỉ còn 191 triệu con, giảm tới 41% so với khi dịch bắt đầu bùng phát; còn tổng sản lượng thịt heo năm 2019, theo một nguồn khác, giảm tới 13,5 triệu tấn và 25%.

Còn xét về thời gian, tính đến thời điểm này, VN mới trải qua 11 tháng chống dịch, trong khi Trung Quốc phải đối mặt trước đó 6 tháng. Rõ ràng, thời gian khống chế được dịch ngắn hơn hẳn và mức độ thiệt hại cũng thấp hơn là những yếu tố quyết định khiến giá thịt heo ở VN tăng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Không những vậy, điều cũng rất quan trọng nữa là trong khi tổng đàn heo giảm, thông tin của các nhà quản lý cho biết cả nước vẫn còn 109.000 con giống cụ kỵ, 2,7 triệu con nái thương phẩm, đủ đáp ứng nhu cầu tái đàn trong thời gian tới, trong khi “những cỗ máy cái đẻ ra thịt” này của Trung Quốc vào thời điểm tháng 9-2019 thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Thấp thỏm chờ đỉnh

Tuy nhiên, dù các nhà quản lý đã quyết liệt vào cuộc nhằm chống tình trạng găm hàng để đẩy giá lên, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng giá thịt heo trên thị trường tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán (dẫu mức tăng, nếu có, khó có thể quá nhiều và không quá cao như ở Trung Quốc).

Có hai lý do để tin điều đó:

Thứ nhất, số liệu thống kê quý 4-2019 và cả năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng sản lượng các loại thịt và trứng cả năm 2019 ước đạt hơn 5,8 triệu tấn, chỉ giảm nhẹ 230.000 tấn và 3,8% so với cùng kỳ, cho nên nguồn cung này cùng với khối lượng thịt heo nhập khẩu khoảng 100.000 tấn trong 10 tháng đầu năm và 70.000 tấn/tháng trong hai tháng cuối năm là đủ để bù đắp cho nhu cầu.

Tất nhiên, cũng phải tính tới thực tế quý 4-2019 là mùa tiêu dùng chính và năm vừa qua là năm tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng của VN, đồng nghĩa nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như các loại thịt và trứng được kỳ vọng sẽ tăng.

Thứ hai, trong điều kiện như vậy, việc nhập khẩu thịt heo để bổ sung nguồn cung bị thiếu hụt đã được xác định rõ là chưa đủ quyết liệt, thậm chí ngay cả thời điểm khởi động chủ trương này cũng đã là muộn.

Những điều đó có nghĩa là nếu các số liệu thống kê đúng thì cơn sốt giá cả bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm thịt heo mấy tháng gần đây và sau đó kéo theo giá các loại thịt khác và trứng cùng tăng, cho nên rất có thể mức đỉnh của giá thịt heo sẽ được thiết lập trong những ngày cận tết sắp tới, khi nhu cầu tăng đột biến.

Hai bài học chủ yếu

Từ những thực tế và nhìn nhận nói trên có thể rút ra hai bài học chủ yếu sau đây trong việc điều tiết thị trường.

Một là, định kỳ hằng tháng, giới chức hữu quan cần công bố rộng rãi các số liệu thống kê về sự phát triển của ngành chăn nuôi heo nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, điều sẽ giúp ích không nhỏ cho các nhà quản lý thông qua phản biện xã hội.

Về phía các nhà quản lý, tập quán lâu nay là chỉ công bố duy nhất một con số cụ thể: “số lượng lợn [heo] tại thời điểm 1-10 hằng năm”, còn những tháng khác thì “nửa kín, nửa hở” bởi đó chỉ là con số tỉ lệ biến động so với cùng kỳ, cho nên xã hội hầu như “mù tịt” về động thái của ngành chăn nuôi quan trọng bậc nhất này.

Trong khi đó, cách nay ít nhất ba tháng, các phương tiện thông tin đại chúng đã cho rằng giá thịt heo bước vào chu kỳ tăng sắp tới là không thể cưỡng lại được, hoặc sau “sốt ảo” sẽ là “sốt thực”..., trong khi giới quan chức nông nghiệp - thị trường vẫn “rung đùi” cho rằng nguồn cung trong dịp cuối năm “chưa đáng lo”.

Rõ ràng, nếu có đủ các số liệu thống kê tin cậy, những phản biện xã hội thay vì mang nặng tính cảm quan, “đoán già, đoán non”, sẽ có cơ sở vững chắc và có tính thuyết phục hơn.

Hai là, cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số hoặc chỉ số giá thị trường thịt heo, bởi đây là công cụ hữu hiệu định hướng thị trường loại thực phẩm quan trọng bậc nhất này.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ trong những tháng sốt giá thịt heo vừa qua, thông tin về giá xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, nhưng độ tin cậy tới mức nào thì khó có ai biết được một cách chắc chắn.

Trong khi đó, “điệp khúc” được một số nhà quản lý ngành nông nghiệp nhắc đi nhắc lại là giá heo thịt một số nơi tăng cao bất thường không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề, làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Có một bộ chỉ số giá thị trường thịt heo chính là để làm cho thông tin “hết vấn đề” và tình hình “bớt phức tạp”.

Thậm chí rất gần đây, sau cuộc kiểm tra tình hình cung ứng thịt heo và tái đàn tại Bắc Giang, một quan chức cấp cao ngành nông nghiệp ghi nhận nhiều nơi giá heo hơi bị đẩy lên 140.000 đồng/kg mà người nuôi chưa bán, hoặc tại Hưng Yên giá thịt heo hơi bị đẩy lên tới 160.000-170.000 đồng/kg song người dân vẫn muốn giữ hàng chờ tết.

Trong khi đó, một số người trong giới chăn nuôi “phản pháo”: “Không biết các bác khảo sát, kiểm tra giá heo hơi hay giá heo thịt xẻ mà bảo giá heo hơi đến 140.000-170.000 đồng/kg, rồi bảo găm hàng...”; hoặc nói thẳng: “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không nắm được thị trường sản lượng đầu vào lại đi đổ cho thương lái găm hàng tăng giá...”.

Rõ ràng, để tránh tình trạng “nhiễu thông tin” về giá và để giá trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thị trường, các nhà quản lý cần xây dựng cho chính mình các phương tiện để sử dụng công cụ đó và công bố rộng rãi cho người dân dễ dàng tham khảo.

Nói tóm lại, cho dù “cơn bão” ASF ở VN rất có thể đã qua thời đỉnh cao, những “di chứng” của nó vẫn còn kéo dài. Để đoán định triển vọng của thị trường một cách có căn cứ, chúng ta không thể thiếu những công cụ quản lý được xây dựng một cách bài bản xoay quanh ba yếu tố trụ cột: cung, cầu và giá cả. ■

1/4 heo nuôi trên toàn cầu đã bị chết vì dịch

Giống như con người, heo là loài ăn tạp. Chúng ăn cả thịt, rau củ lẫn ngũ cốc. Vì có thể nuôi heo hiệu quả bằng những cơm thừa canh cặn, thịt heo đã trở thành một nguồn lực tối quan trọng với nhiều nước còn nghèo.

Nhưng giờ thì đặc tính ăn tạp đó của heo đang trở thành một vấn đề. Dịch tả heo châu Phi ước tính đã quét sạch 1/4 tổng đàn heo của thế giới, theo The Washington Post, chủ yếu lây nhiễm qua phân heo và thực phẩm cặn mà chúng ăn. Tâm điểm của đại dịch là ở châu Á, nhưng cũng đã xuất hiện các trường hợp heo nhiễm bệnh ở Caribe, châu Âu và Mỹ.

Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là đông bắc Trung Quốc vào tháng 8-2018, rồi sau đó lan sang Việt Nam, Philippines và Indonesia. Dù không gây hại gì cho người, gần như mọi con heo nhiễm virút này đều sẽ chết.

Trong đàn heo hơn 400 triệu con của Trung Quốc, bao gồm 40% thuộc sở hữu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, một nửa có thể chết vì dịch, theo Bloomberg. Thay vì cho heo ăn thức ăn công nghiệp từ bắp hoặc đậu nành như các trang trại khổng lồ ở Mỹ hay châu Âu, nhiều hộ nuôi heo ở Trung Quốc vẫn nuôi bằng cách truyền thống và trong 68 điểm dịch lớn ở Trung Quốc đã được nghiên cứu, hơn một phần ba các ca nhiễm bệnh bắt nguồn từ heo ăn cặn thay vì cám công nghiệp.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng đã khuyến cáo không nuôi heo bằng cơm thừa canh cặn. Tuy nhiên, chuyên gia Mark Essig cho rằng các chính sách cấm đoán tất yếu sẽ dẫn tới sự triệt tiêu những hộ chăn nuôi nhỏ, tạo ra các nông trại tập trung ở quy mô công nghiệp. Quá trình này từng diễn ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha những năm 1960, ở Nga những năm 1990 và giờ đang diễn ra ở Trung Quốc.

                                                                            LOAN PHƯƠNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận