Giá thịt heo và kinh tế học hành vi

NAM MINH 02/06/2020 22:06 GMT+7

Đáng lẽ trong tình hình đại dịch, nhu cầu tiêu dùng giảm xuống thì giá thịt heo phải giảm. Nhưng bất chấp những xoay xở của giới chức quản lý nhà nước, giá thịt theo vẫn tiếp tục hình thành các mức đỉnh mới, kể cả khi Chính phủ đã cho phép nhập khẩu một lượng lớn thịt từ nước ngoài.

Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, kể từ tháng 4, giá heo hơi lên đến 93.000 - 95.000 đồng/kg, khiến mặt bằng bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng lên đến con số kỷ lục: 140.000 - 190.000 đồng/kg.

Đại gia lãi lớn

Nhờ đó, khá nhiều DN chăn nuôi thu được lợi nhuận cực lớn. Đơn cử như Masan MEAT Life (MML), ghi nhận doanh thu thuần trong quý 1-2020 đạt 3.397 tỉ đồng. Trong đó, ngành hàng thịt là động lực tăng trưởng chính với doanh thu ước tính tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. “Doanh thu MML dù chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 6%, nhưng mảng kinh doanh thịt mát có doanh thu tăng 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là động lực tăng trưởng chính của MML trong tương lai” - Công ty chứng khoán Phú Hưng nhận định.

 

 Đồ họa: L. T.


Ở công ty chuyên bán thịt heo Vissan, doanh thu và lợi nhuận ròng quý đầu năm ghi nhận lần lượt hơn 1.453 tỉ đồng và 46,5 tỉ đồng, tăng 21% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thịt tươi sống chiếm gần 669 tỉ đồng, tăng 20%, và doanh thu thực phẩm chế biến chiếm gần 742 tỉ đồng, tăng 22%.

Thị trường Việt Nam cũng đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Tập đoàn CP (Thái Lan). Theo đó, doanh thu của tập đoàn chăn nuôi hàng đầu khu vực này lên tới 138 tỉ bath (4,37 tỉ đôla) trong quý 1, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. “Doanh số năm nay có thể là tốt nhất của công ty, được thúc đẩy bởi việc kinh doanh lợn vì sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến sự sụt giảm đáng kể số lượng lợn ở Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Lào” - lãnh đạo CP cho hay.

Theo ước tính của CP, dịch tả lợn châu Phi có thể khiến nguồn cung Trung Quốc giảm 200 triệu con, còn Việt Nam sẽ giảm 20 triệu con trong năm nay. Viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung trong phần còn lại của năm khiến cho giá thịt heo có thể sẽ còn leo thang nếu thiếu các biện pháp bình ổn hiệu quả hơn.

Hành vi tiêu dùng quyết định giá thịt

Lợi nhuận tăng vọt của nhiều đại gia chăn nuôi cho thấy sức hấp dẫn của ngành hàng có giá trị ước tính lên tới 10 tỉ đôla Mỹ mỗi năm này. Hiện 65% thị phần cung ứng thịt heo là từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, nên trong thời gian tới, một số DN đã lên kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư chuồng trại, nâng cấp chuỗi sản xuất và phân phối theo hướng hiện đại hòng cải thiện thêm thị phần và ổn định giá.

Trong quý 1, Chính phủ đã yêu cầu các công ty chăn nuôi đưa mặt bằng giá về 60.000 đồng/kg heo hơi, đặc biệt là cho phép nhập về hàng chục nghìn tấn thịt từ các cường quốc chăn nuôi, nhưng một lượng lớn nguồn thịt bổ sung này vẫn chưa dập được cơn sốt giá.

Lý do, theo các chuyên gia, là phần lớn người tiêu dùng Việt Nam cho rằng chỉ dùng thịt lợn vừa giết mổ mới đảm bảo giá trị dinh dưỡng (thịt nóng). Trong khi đó, phần lớn nguồn hàng nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ mất thời gian vận chuyển lên đến hơn 30 ngày - một khoảng thời gian đủ dài để người tiêu dùng lo ngại chất lượng thịt. Khẩu vị ưa dùng thịt “nóng” của người dân khó lòng thay đổi một sớm một chiều.

Dưới lăng kính của kinh tế học hành vi, thị trường thịt heo có thể đã được vận hành dựa trên các đặc điểm nằm ngoài yếu tố giá và sản lượng mà người làm chính sách hiện đang căn cứ vào để đưa ra các quyết sách bình ổn. Theo kinh tế học hành vi, thói quen và tâm lý của người tiêu dùng phần nào chịu ảnh hưởng bởi quá khứ. Một ví dụ, nhu cầu ăn món mắm kho của bạn sẽ lớn hơn vào thời điểm hiện tại nếu ngay từ nhỏ bạn đã sớm được cha mẹ cho ăn. Trái lại, với những vùng miền không quen thuộc với món đó, nhu cầu gần như không tồn tại. Điều đó đồng nghĩa một số nhu cầu, nhất là liên quan tới thực phẩm, nhìn chung đã được định hình rõ và ít chịu tác động bởi biến động giá cả trên thị trường hơn, kể cả khi sản phẩm ở đây không phải là một mặt hàng được coi là thiết yếu.

Đặc điểm cộng đồng bao quanh cũng ảnh hưởng phần nào đến quyết định tiêu dùng. Ví dụ, nếu định danh của người tiêu dùng gắn liền với văn hóa cộng đồng mà ở đó thịt heo bị cấm (như trong cộng đồng Hồi giáo), nhu cầu của người tiêu dùng đối với thịt heo cũng về không dù giá có giảm đến mức nào đi chăng nữa.

Kinh tế học truyền thống luôn giả định con người là duy lý, có sở thích rõ ràng và ổn định, luôn tối đa hóa lợi ích bản thân khi thực hiện một lựa chọn nào đó. Dựa vào đó, các nhà kinh tế có thể xây dựng các mô hình dự báo cá nhân, công ty và xã hội tương tác và ra quyết định như thế nào. Nhưng nhiều hiện tượng của đời sống muôn màu muôn vẻ cho thấy giả định đó không đúng một cách phổ quát và ngày càng có nhiều biệt lệ. Các nhà kinh tế học hành vi, một trường phái kinh tế đang lớn mạnh những năm gần đây, đã đưa ra bằng chứng khoa học cho thấy con người đầy thiên kiến, nhiều trường hợp không biết mình muốn gì và có quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân. Họ cho rằng các yếu tố tâm lý phải được đưa vào các mô hình dự báo hành vi, và hành vi của con người có thể thay đổi nếu bối cảnh ra quyết định được thiết kế phù hợp với các quy luật tâm lý.

Quay trở lại câu chuyện giá thịt heo cao ngất ngưởng, có vẻ các chính sách bình ổn được áp dụng vừa qua mới chỉ nghiêng về biện pháp hành chính hoặc kinh tế chứ chưa thật sự đánh trúng vào cách ứng xử của người tiêu dùng, tức một vấn đề xã hội học và tâm lý. Công cụ có tính áp đặt như nhập khẩu thịt đông lạnh hay “yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá” đã không thể phát huy tác dụng trong một cộng đồng mà thói quen tiêu dùng thịt mới giết mổ trong ngày vẫn còn ngự trị.

Theo thống kê của nhiều DN, trước mùa dịch COVID-19, thị phần thịt “lạnh” của cả nước chiếm không quá 10%, nhưng nay chỉ 2 - 3% là cao nhất, còn lại dân vẫn có thói quen mua thịt “nóng”, nên hàng đông lạnh bán rất chậm. Đó là lý do vì sao thịt heo “nóng” lên 200.000 đồng/kg vẫn có người mua, nhưng thịt đông lạnh nhập về bán 50.000 đồng/kg chưa chắc người dân chọn.

Việc thay đổi phương cách bình ổn giá, bắt đầu cho phép một số DN nhập heo sống nguyên con về Việt Nam giết mổ, theo Bộ NN&PTNT có thể giúp hạ nhiệt giá thịt trong nước, đáp ứng thị hiếu thích ăn thịt nóng của người Việt. Ngoài nhập thịt và sản phẩm từ thịt, bộ cũng cho phép các DN nhập khẩu lượng lớn heo giống, heo giống bố mẹ, cụ kị, ông bà..., khoảng 15.000 con, về để tái đàn. Chính sách hướng tới khôi phục khâu chăn nuôi và sản xuất hứa hẹn sẽ là cách tiếp cận căn cơ hơn để gia tăng một lượng hàng hóa mới, phù hợp với văn hóa tiêu dùng thịt nóng của người dân.■

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm

Theo các đầu mối nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá các nguyên liệu đầu vào đã giảm đáng kể so với đầu năm và xu hướng này còn tiếp tục trong những tháng tới. Đại diện Công ty thức ăn chăn nuôi Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết giá các nguyên liệu chính như đậu nành, bắp đã giảm khoảng 10% so với đầu năm nay. Cụ thể, giá bã đậu nành khoảng 9.000 đồng/kg, giá bắp khoảng 5.000 đồng/kg. Các đơn hàng giao từ nay đến cuối năm, người bán đang chào giá thấp hơn hiện tại.

Dù nguyên liệu chế biến giảm nhưng theo người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm lại tăng trong những tháng qua. Một số công ty lớn đã tăng giá hai, ba lần với tổng mức tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Các công ty có quy mô nhỏ hơn cũng tăng giá bán theo và tăng chiết khấu cho người mua để giữ khách hàng.

T.Mạnh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận