Hai cuộc đoàn viên để ký ức được giải phóng

NICOLAS CORNET(*) 03/02/2020 18:02 GMT+7

TTCT - Đó là một sáng mùa xuân ấm áp ở Nghệ Tĩnh. Năm 2001, chúng tôi nhân dịp các con mình lần đầu sang thăm Việt Nam để về thăm “quê ngoại”. Làng Yên Hồ nằm ở chỗ dòng sông La lượn quanh, ngay trước khi chảy vào sông Lam gần thành phố Vinh.

Ẩn mình sau con đê, Yên Hồ là một làng thuần nông, với lũy tre và những cánh đồng lúa vây quanh. Trong những ao nước nhỏ, bầy trâu đầm mình thích thú. Sau khi đã dâng lễ và thắp hương ở khu mộ tổ gia đình, các con tôi mới được biết về phả hệ bên ngoại từ tận thế kỷ 15, chúng thuộc về thế hệ thứ 20 của gia đình. 

Trước đôi mắt kinh ngạc của chúng, những người họ hàng bên ngoại mở ra cuốn gia phả giấy màu vàng với tên tuổi các bậc tổ tiên, những người thành đạt, những ai vinh hiển bằng đường khoa cử được in thếp bạc. Chúng được nghe kể rằng mỗi khi có giặc giã, để giữ gìn những di sản của làng, các văn bia được thả xuống một hồ nước gần đó và những tờ bằng sắc giấu trong một ống tre chôn sau vườn.

Cũng năm đó, chúng tôi về thăm quê mẹ vợ tôi. Trên những ngọn đồi ở Kim Ngọc, Huế, các con tôi đã được biết về những mối quan hệ thân thuộc gắn bó gia đình với một vị quan thuộc hoàng tộc từ thời chúa Nguyễn. Trên một ngọn đồi cách xa làng, chúng tôi đi theo dì Lan, một người em họ của mẹ vợ tôi.

Bước đi lặng lẽ giữa những ngôi mộ dòng tộc, dì cầm một bó nhang trong tay, tay kia là những tờ bạc lẻ để phân phát cho đám trẻ chúng tôi gặp trên đường. 

Với các con tôi, chúng tôi thi thoảng lại phải giải thích cho chúng nơi này một cử chỉ lạ kỳ, nơi kia một truyền thống chúng không biết. Nhà dì Lan ở Huế tên là Lạc Tịnh Viên, nơi các con tôi lần đầu tiên biết được khái niệm “nhà vườn”.

Bên trong Lạc Tịnh Viên. Ảnh: N. Cornet
Bên trong Lạc Tịnh Viên. Ảnh: N. Cornet

Trong hai cuộc đoàn viên điển hình đó, cũng như trong đời sống thường nhật của tôi trong ba mươi năm học hỏi về Việt Nam, tôi dần hiểu ra những giá trị cơ bản của nền văn hóa gắn kết nội tại với đời sống hằng ngày của người dân, trở thành một lịch sử sống động. Văn hóa với người Việt Nam ở khắp mọi nơi, ăn sâu bén rễ vào những kết cấu xã hội. 

Thường là ẩn tàng, để hiểu thực sự những giá trị đó cần sự giải mã từ người trải nghiệm. Những chi tiết nhỏ bé của đời sống hòa lẫn vào những câu chuyện kể mở ra các cánh cửa vào lịch sử đất nước. Rất lâu trước khi được ghi lại trong chính sử, những câu chuyện đó đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những cuộc phiêu lưu trong dòng tộc được truyền miệng, những biến cố lớn với làng xã, quê hương, rồi đất nước, được kể đi kể lại, giúp hiểu rõ hơn những xung đột hằng ngày. Một ông chú thời kháng chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long đi bộ sang Thái Lan để huy động kiều bào kháng Pháp, một người anh họ từng là đại tá phụ trách hậu cần trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Hạ Lào, một người em đi bộ đội trong chiến tranh biên giới phía Bắc...

Ngày nay, lịch sử và văn hóa xuất hiện hằng ngày trong những cuộc trò chuyện, ngôn ngữ hằng ngày là không ràng buộc, ký ức là sự giải thoát, chứ không phải là thứ chính sử ngày tháng năm khô khan. Những ký ức về các thập niên 1960, 1970, và 1980 ăn sâu vào tâm trí đất nước, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam.

Triển lãm người nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 1960, 1970 tại một quán cà phê gần hội trường Thống Nhất. Ảnh: N. Cornet
Triển lãm người nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 1960, 1970 tại một quán cà phê gần hội trường Thống Nhất. (Ảnh: N. Cornet)

Cạnh gia đình và bè bạn miền Bắc, chúng tôi ôn lại thời “bao cấp” với cả một trời hoài niệm, trong những quán cà phê, những đồ vật, và những câu chuyện cùng chủ đề “Thương nhớ thời bao cấp”.

Ở miền Nam, ông chú họ kể cho chúng tôi về đời sống học thuật sôi động của đô thành Sài Gòn quốc tế hóa cuối những năm 1960 đầu 1970. Đó cũng là một thời đại của nhiều bài học lớn. Tôi gặp nhiều doanh nhân thành đạt ngày nay nói về thời kỳ đó như một giai đoạn văn hóa đa dạng và phong phú ở miền Nam, vào lúc thành công của Việt Nam ngày nay cũng dựa không ít trên những con người cởi mở, có văn hóa, năng động và có đầu óc toàn cầu.

Gần đây, tôi ghé thăm Hà Nội với một người bạn. Ngạc nhiên thấy anh nghe “nhạc vàng” cả ngày, tôi hỏi anh tại sao. Anh đáp: “Trong chín năm quân ngũ, tôi bị cấm nghe nhạc vàng, nhưng chúng tôi tò mò và ưa thích những bài tình ca cũng như mối hoài niệm trong đó. Giờ tôi chỉ bù đắp cho thời xưa thôi!”.

Góc nhỏ trong một quán cà phê ở Hà Nội lấy chủ đề thời bao cấp. Ảnh: N. Cornet
Góc nhỏ trong một quán cà phê ở Hà Nội lấy chủ đề thời bao cấp. Ảnh: N. Cornet

Văn hóa không chỉ giải phóng ký ức, nó còn thôi thúc sự sáng tạo. Đó là khát khao khám phá những con đường chưa biết qua tri thức và trí tưởng tượng. Khi tôi nhìn vào khung cảnh văn hóa Việt Nam đương đại, tôi nhìn thấy sự tự do sáng tạo: một nhóm thi sĩ ở miền Nam, những tác phẩm sắp đặt video của các nghệ sĩ miền Bắc, các nghệ sĩ thị giác triển lãm ở những nơi ít người lui tới, những tiểu luận bằng ảnh phản ánh muôn mặt đời sống từ các học trò của tôi. Qua những người trẻ, văn hóa Việt Nam đang tỏa sáng và mang tới cho người xem những tác phẩm nguyên bản và đầy ý nghĩa.

Theo một nghĩa nào đó, văn hóa không phải là tài sản của riêng ai. Tất cả đều dựa vào nó, và giúp cho nó phát triển. Những sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân, một thời từng bị kỳ thị, nay được khuyến khích, thành công được ca ngợi, người ta không còn trông đợi quá nhiều ở các thể chế to lớn, mà mỗi người đã có thể tự sáng tạo và mang tới cái riêng của mình vào nền văn hóa chung.

Cứ như thế, từ những ngôi làng sau lũy tre tới các tòa nhà chọc trời ở những siêu đô thị Việt Nam, trong ba mươi năm làm việc ở đất nước này, tôi đã được chứng kiến khung cảnh văn hóa biến hóa, thay đổi và tỏa sáng. Chúng ta chỉ có thể lấy làm hạnh phúc mà thôi. ■

(*): Nicolas Cornet là nhiếp ảnh gia người Pháp. Ông gắn bó sâu đậm với Việt Nam, từng thực hiện nhiều sách ảnh về văn hóa và kiến trúc Việt, cũng như tổ chức các lớp nhiếp ảnh, triển lãm ảnh cho các nhiếp ảnh gia trẻ Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận