Hàng xóm tối lửa tắt đèn có... app

HOA KIM 08/12/2022 07:32 GMT+7

TTCT - Giấc mơ đưa "cả tổ dân phố" lên mạng khó hơn ta tưởng.

Hàng xóm tối lửa tắt đèn có... app - Ảnh 1.

Ảnh: Mozilla Foundation

Dù là ứng dụng chat WhatsApp, mạng xã hội Facebook hay một nền tảng mang tính địa phương hóa cao như Nextdoor, nhu cầu có một kênh trực tuyến để hàng xóm láng giềng trao đổi thông tin an ninh trật tự hay thông báo từ chính quyền là có thật bên cạnh các mô hình cộng đồng cấp cơ sở truyền thống.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển các mô hình kết nối xóm giềng trực tuyến này, nhưng sau đó, nhiều nhóm chat "tổ dân phố" và cộng đồng trên mạng xã hội "khu tôi sống" bắt đầu trở thành tấm gương phản chiếu đủ những thứ xấu xa của một xã hội thu nhỏ.

Đưa cả xóm lên mạng xã hội

Xây dựng một nền tảng kết nối những cộng đồng dân cư sống gần nhau là ý tưởng của mạng xã hội Nextdoor - một startup ra đời năm 2008 ở Thung lũng Silicon. 

Người dùng phải xác thực địa chỉ để đăng ký thành viên và tham gia một trong số hơn 295.000 khu dân cư toàn cầu đang hiện diện trên ứng dụng này, với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp tin tức "siêu địa phương" và là một không gian để thảo luận tất tần tật về khu vực sinh sống của người dùng. 

Các chủ đề được thảo luận trên bảng tin Nextdoor rất đa dạng, từ tổ chức biểu tình để phản đối đạp xe trên vỉa hè, nhóm tương trợ phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh, cho đến tìm chủ nhân cho một chú mèo đi lạc...

Tăng trưởng người dùng đột biến của Nextdoor trong mùa dịch (49%) khiến nhiều ông lớn công nghệ muốn bắt chước mô hình này nhưng đều không mấy thành công. Meta thông báo dừng tính năng Neighbourhoods từ tháng 10-2022 sau hơn 2 năm thử nghiệm ở thị trường Mỹ và Canada. Ứng dụng hỏi đáp cộng đồng Neighbourly của Google cũng đóng cửa từ năm 2020 sau 2 năm ra mắt tại thị trường Ấn Độ, theo trang tin công nghệ TechCrunch.

Trong khi đó tại châu Á, một mạng xã hội với công thức tương tự là NextBlock lại đang gặt hái thành công bước đầu ở quê nhà Singapore với hơn 15.000 người dùng cùng 1.200 khu dân cư có cộng đồng hiện diện trên nền tảng chỉ chưa đầy nửa năm sau khi ra mắt vào tháng 6-2022. 

Startup này vừa được đầu tư 500.000 đôla Singapore từ vòng gọi vốn tiền hạt giống với dự định mở rộng kinh doanh sang các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Indonesia. "Chúng tôi muốn giúp những người hàng xóm làm quen với nhau, đồng thời xây dựng một nền tảng an toàn và đáng tin cậy mà mọi người có thể tin tưởng" - trang Vulcan Post dẫn lời nhà đồng sáng lập Darrell Zhang.

Hàng xóm tối lửa tắt đèn có... app - Ảnh 2.

Ảnh: Nextdoor

Một trong những vấn đề của các nền tảng như Nextdoor cũng như mạng xã hội nói chung là yếu tố tiêu cực luôn tiềm ẩn, thông tin sai lệch thì đầy rẫy và người dùng thượng vàng hạ cám bất chấp nỗ lực kiểm soát đăng ký. Tính năng cảnh báo tội phạm của nền tảng này cũng bị cáo buộc dung túng sự phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Theo David Ewoldsen, giáo sư truyền thông và thông tin tại ĐH bang Michigan (Mỹ), những ứng dụng như Nextdoor nuôi dưỡng nỗi sợ hãi về vấn đề tội phạm, vốn là mảnh đất màu mỡ cho những thành kiến sắc tộc cố hữu. 

Hãy tưởng tượng nhóm Facebook gồm các thành viên trong chung cư hay tổ dân phố của bạn, ngày nào cũng có người đăng bài vì thấy "đối tượng khả nghi" đang làm "chuyện mờ ám", dù đó chỉ là anh thanh niên nghèo nhất xóm đang chẳng may thất nghiệp. Từ chỗ không có gì, qua "tai mắt" nhiệt tình quá thể của hàng xóm, không khí bình yên của khu ta sống bỗng nhiên biến mất.

Những ứng dụng như Nextdoor không phải là kim chỉ nam về tình hình tội phạm của một khu vực mà chỉ "đơn thuần là sự phản ánh thành kiến của chính cộng đồng xây dựng lên nó, vốn đóng khung những người da màu, người vô gia cư và các cộng đồng bên lề xã hội là những kẻ phạm tội", theo Steven Renderos, giám đốc chiến dịch cấp cao của mạng lưới Media Justice.

Để đối phó với vấn nạn này, năm 2019 Nextdoor giới thiệu tính năng "nhắc nhở tử tế" với thông báo tự động hiện lên khi phát hiện người dùng đang soạn thảo bài đăng có sử dụng ngôn từ mang tính khiêu khích. Tính năng sau này được mở rộng để đối phó với tin giả về COVID-19.

Láng giềng trong nhóm chat

Bạn đọc có thể đang là thành viên của một nhóm chat chung cư hay khu phố, và nhiều khả năng là các nhóm đó được tạo từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát - một xu hướng chung của thế giới.

Wendy Andrew (47 tuổi), một cư dân khu Croftfoot thuộc thành phố Glasgow (Scotland), cho biết nhóm chat WhatsApp gồm khoảng 20 thành viên sinh sống gần đó là liều thuốc tinh thần giúp cô vượt qua giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh. 

"Chúng tôi rủ nhau trang hoàng nhà cửa cho các dịp Halloween và Giáng sinh, và mỗi khi ghé cửa hàng đều hỏi xem những người còn lại có cần mua giúp món gì hay không. Nhóm chat rõ ràng đã làm sống lại tình làng nghĩa xóm mà tôi nghĩ lâu nay vẫn thiếu vắng" - Andrew nói với tạp chí Time Out.

Với Heidi Selassie, một phụ nữ 35 tuổi sống không người thân thích ở thị trấn Walthamstow miền đông London, nhóm chat là "chiếc phao cứu sinh" giúp cô tồn tại ở mảnh đất xa lạ. Nhờ giữ liên lạc với nhóm hằng ngày trong 5 năm qua, Selassie đã làm quen được với tất cả hàng xóm và học từ họ nhiều bí quyết nấu ăn ngon. 

Các thành viên cho nhau mượn máy in để in tài liệu, chào hỏi khi gặp nhau trên đường và động viên nhau trong những biến cố cuộc đời. "Nhóm chat cho tôi cảm giác an toàn. Tôi biết rằng dù có về nhà muộn thì sẽ vẫn luôn có người trông chừng" - Selassie nói với Time Out.

Nhưng cũng như các app như Nextdoor, những nhóm chat khu phố dù được tạo với mục đích tốt đẹp và đã từng hữu ích cũng có thể trở thành nơi độc hại. Sam (tên nhân vật đã thay đổi) tham gia một nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp với hơn 40 thành viên là những người sống cùng tòa nhà chung cư ở Sydenham (London). Nhưng thay vì là kênh cung cấp thông tin hữu ích cho cư dân, nhóm này đang dần trở thành không gian để mọi người nói xấu lẫn nhau.

Mới đây nhất, một cư dân bị "bóc phốt" công khai trong nhóm vì lén lút nuôi một con thỏ dù tòa nhà có quy định cấm thú cưng. Một cuộc họp khu phố được triệu tập với kết quả là không ai ra về trong vui vẻ. Sự tiêu cực của nhóm chat khiến Sam bất ngờ vì các thành viên đều ở độ tuổi cuối 20, đầu 30 và là người có học thức. 

Đôi khi những lục đục trong nhóm chat của Sam chỉ xuất phát từ chuyện nhỏ nhặt như việc có ai đó nhìn thấy người lạ ở sảnh và lập tức chất vấn rốt cuộc nhà nào đang lén lút tổ chức tiệc tùng. Dù thừa nhận chỉ có khoảng 15% thông tin được chia sẻ trong nhóm là hữu ích đối với mình, Sam chưa dám chủ động rời nhóm vì ái ngại chuyện mọi người sẽ nghĩ anh muốn "tỏ thái độ".

Hàng xóm tối lửa tắt đèn có... app - Ảnh 3.

Những đồn và khiêu khích trong các nhóm chat khu phố có thể làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm. Ảnh: BuzzFeed

Giấc mơ tổ dân phố online

Theo Christine Hine, giáo sư xã hội học tại Đại học Surrey (Anh), ý thức cộng đồng của chúng ta được nâng cao khi ta biết rằng có những người đang làm việc tốt ngoài xã hội thông qua nội dung trao đổi tích cực của các nhóm chat mà ta tham gia. 

Nếu những cuộc trò chuyện đó chứa đầy sự thù địch, tầm phào, hoang tưởng và nghi kỵ thì cũng có thể gây ra tác dụng ngược: nó sẽ khiến ý thức cộng đồng tan rã. "Các nhóm trực tuyến địa phương mang đến cho người tham gia một cách hiểu khác về những người họ đi ngang qua mỗi ngày" - GS Hine giải thích. Cách hiểu đó tốt hơn hay xấu hơn so với tưởng tượng của họ thì còn tùy.

Giấc mơ rằng những công nghệ như WhatsApp hay Nextdoor có thể tạo ra một "tổ dân phố online" hoàn hảo nơi mọi người chia sẻ công thức nấu ăn hay cùng nhau giúp đỡ một cụ bà neo đơn trong xóm là viển vông. 

Thực tế đã cho thấy thay vì giúp thu hẹp những khác biệt xã hội, các ứng dụng này phản chiếu và phóng đại chúng, đặc biệt là ở những khu vực có sự phân chia giai cấp và sắc tộc mạnh mẽ hoặc tỉ lệ tội phạm cao.

Nhưng có một điều mà những nền tảng này đã làm được là giúp ý thức về tính cộng đồng trở nên rõ ràng hơn, và ở một mức độ nào đó nhắc ta nhớ rằng mình vẫn tồn tại bên trong một tập thể. 

"Chúng có thể mang lại cho chúng ta cảm giác thuộc về nơi nào đó, dù chỉ là ảo… Dù chúng ta có những người hàng xóm nuôi thỏ bất hợp pháp hay không thì có một điều chắc chắn là họ đều có những câu chuyện hay để kể" - tác giả Chiara Wilkinson viết cho Time Out.

Số hóa dịch vụ công: hãy bắt đầu từ bất cứ đâu

Giá trị của việc làm cho các dịch vụ và quy trình công trở nên dễ tiếp cận vượt lên trên sự thuận tiện, mà còn là tạo cho người dân cảm giác được dự phần và rằng chính quyền thành phố luôn sẵn sàng phục vụ họ, theo Cyd Harrell, giám đốc dịch vụ kỹ thuật số của thành phố San Francisco (Mỹ).

Đội ngũ 35 người của Harrell chịu trách nhiệm duy trì sự hiện diện trực tuyến của chính quyền San Francisco trong nỗ lực hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn. Theo Bloomberg, một trong những việc đầu tiên Harrell làm sau khi nhậm chức vào tháng 5-2022 là cho thiết kế lại trang web của chính quyền thành phố. Giao diện mới được lột sạch các hình ảnh và đồ họa không cần thiết để ưu tiên thông tin bằng chữ viết với phương châm: tải trang nhanh, dễ hiểu ngay cả đối với học sinh lớp 5, và hiển thị tốt trên bất kỳ thiết bị nào.

Người dân truy cập vào trang web có thể xem thông tin thuế má, các loại giấy phép, dự án nhà ở xã hội, cũng như hàng trăm bộ dữ liệu công khai về các vấn đề hành chính. Đó là nhờ một phần vào sự tồn tại của luật sở tại buộc chính quyền phải công khai hầu như toàn bộ dữ liệu trừ khi việc này đe dọa gây phương hại đến sự an toàn hay quyền riêng tư của người dân. Hiện hơn 100 thành phố của Mỹ có luật quy định điều này và ít nhất 85 thành phố có cổng dữ liệu mở để phục vụ tra cứu, theo Bloomberg.

1400x-1

Giao diện trang web trước và sau khi được nâng cấp. Ảnh: SF.gov

"Trong thế giới thực, nếu người dân nhìn thấy một trụ sở công quyền với hàng rào bê tông bao quanh thì nó sẽ toát ra ấn tượng rằng nơi đó không dành cho mình… Nếu bạn truy cập trang web thành phố và không thể tìm thấy bất kỳ thông tin gì trên đó… thì nó cũng sẽ gửi đến bạn thông điệp tương tự" - Harrell giải thích.

Đối với những thành phố nhỏ, không có điều kiện đầu tư số tiền lớn cho hạ tầng kỹ thuật số hoặc đơn giản là không biết bắt đầu từ đâu, lời khuyên là hãy cứ bắt đầu làm những gì trong khả năng dù nhỏ đến đâu, theo chuyên gia cấp cao Joshua Pine của Tổ chức National League of Cities.

"Các giải pháp công nghệ cao thì rất hay ho, nhưng có những tình huống mà sự đơn giản lại là tốt nhất. Đối với các thành phố chập chững chuyển đổi số, thậm chí chỉ cần công cụ soạn biểu mẫu của Google cũng là một nơi tuyệt vời để bắt đầu" - Pine nói với Bloomberg.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận