Hans Rudoft và một hành trình tìm kiếm

NGUYỄN VĂN THỌ 10/11/2010 12:11 GMT+7

TTCT - Hẹn mấy lần mới gặp ông. Khác với một Hans Rudoft bên Đức đi đứng khoan thai, bộ râu rậm tỉa chỉnh tề, trên đường phố Hà Nội với áo chẽn bỏ trong quần jean, Hans có vẻ trẻ ra ở tuổi 69.

Phóng to
Giáo sư Hans Rudoft

Bao năm qua, mỗi năm Hans Rudoft đều vài lần tới Việt Nam theo lời mời hợp tác giảng dạy của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh. Ông tất bật tiếp xúc, gặp gỡ, có hôm từ sáng sớm tới tận nửa đêm. Mỗi chuyến đi của ông kéo dài 4, 5 tuần, nay ở Hà Nội, mai có khi ở tỉnh xa nào đó làm phim với sinh viên.

Đi để giải mã

Điều gì ở Việt Nam đã cuốn hút ông lao vào cuộc hành trình? Có lần tôi đem điều đó hỏi ông, Hans trầm tư hẳn. Ông kể: khi nước Đức vừa thống nhất, ông được xem một triển lãm chân dung người Việt do Pháp tổ chức ở Berlin. Những bức ảnh ám ảnh ông ghê gớm. Vài trăm chân dung người Việt đã được chụp khi thực dân Pháp còn cai trị Việt Nam.

Hans nói: “Nhìn ảnh tôi biết thời ấy về kỹ thuật, nhân vật sẽ phải đứng rất lâu để người ta chụp và tất nhiên những bức ảnh khi đó được đưa về Pháp chỉ nhằm cho dân chúng thời ấy chiêm ngưỡng, như đi xem những bộ tộc hoang dã. Song không có một khuôn mặt Việt Nam nào thể hiện sự khuất phục. Chỉ thấy sự bình thản, tự chủ và lòng kiên nhẫn tới đau đớn”. Khi ấy Hans đã có học trò người Việt. Ông quyết định tới Việt Nam để tự giải mã.

“Tôi đã nhận ra Việt Nam, con cháu của thế hệ ở các bức ảnh triển lãm kia, thật thân thiện và dễ thành bạn bè. Đi làm phim, tôi tận mắt thấy đất nước Việt Nam trải qua chiến tranh đau khổ ra sao, miền Trung còn đầy những vết thương... Một dân tộc thật kỳ lạ, bị cai trị triền miên và luôn bị dòm ngó nhưng chỉ có thái độ cảnh giác ban đầu với người ngoại lai. Ở nhiều nước khác thì không như vậy”.

Đó là năm 1997, lần đầu Hans tới một vùng hẻo lánh ở miền Trung. Tất nhiên nhóm làm phim có đủ giấy tờ của nhiều cơ quan, song khi tiếp xúc với người sở tại, Hans nhận ra họ cố phân biệt ông là người Nga hay là... gián điệp. Chuyến đó đi tới đâu ông cũng phải luôn chứng minh mình không phải là gián điệp, mà chỉ là một nhà quay phim Đức. Sau khi nhóm đã quen được già làng, lập tức thái độ của người dân thay đổi.

Ông chiêm nghiệm: “Cảm giác lo âu của tôi qua đi, thay vào đó là sự lạ lẫm khi đến đâu cũng được mời uống trà rất đậm... Thì ra ở Việt Nam đôi khi việc quen biết một già làng quan trọng hơn tất cả giấy tờ của bộ trưởng!”.

Gần đây hơn, Hans tới thăm một nhà thờ vùng quê. Khát nước, ông vào quán gọi một ly bia. Người đàn bà bán hàng đột nhiên chạy nhanh vào nhà sau.

Hans kể: “Người chồng bước ra. Không hiểu nhau, hai bên bèn ra dấu. Bia được rót. Người chồng hỏi tôi từ đâu tới, có vợ chưa, mấy con, con cái học hành, làm ăn tốt không... điều mà ở châu Âu chẳng ai hỏi cả. Nửa tiếng trôi qua, người đàn ông đưa chân sát vào chân tôi để so sánh chân anh ta vàng và chân tôi trắng thế nào rồi chúng tôi bỗng cùng cười ngất”.

Hans nói chính những điều tự nhiên như thế, trong các hoàn cảnh tương tự, luôn cho ông cảm giác thân thiện tới lạ lùng, vui và cảm động, dù trước đó những người ông gặp hoàn toàn xa lạ.

Làm phim tài liệu với máy quay chỉ 100 euro

Hans bắt đầu dạy thỉnh giảng tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh vào năm 1997. Giảng dạy trong điều kiện Việt Nam còn thiếu thốn rất nhiều trang thiết bị cho ngành điện ảnh, Hans thường nói với sinh viên rằng có được phim hay rất khó, nhưng cái khó nhất của một người làm phim không phải là tiền bạc, phương tiện mà là ý tưởng.

Ông bảo: “Nếu ai bảo sẽ làm được phim hay khi trong tay có một chiếc máy HD (*) thì đừng vội tin. Ngày nay với kỹ thuật mới, người ta có thể làm phim tài liệu hay với máy quay chỉ 100 euro”. Ông đơn cử phim của một sinh viên Hà Nội làm về vấn đề nhập cư mà ông vừa được xem hồi tháng 10-2010, hay phim của đạo diễn trẻ Vũ Diễm Ly.

Giữa hai cánh cửa được quay bằng chiếc máy quay rất bình thường cô mang từ Việt Nam sang được người Đức đánh giá rất tốt, chạm tới vấn đề rất đáng quan tâm và suy nghĩ: sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ, thế hệ đến từ Việt Nam và thế hệ sinh ra ở Đức đang tồn tại trong các gia đình người Việt ở Đức hiện nay.

Hơn 20 năm đào tạo sinh viên Việt, học trò của ông ở Việt Nam giờ đã có tới ba thế hệ. Trong số họ, nhiều người trở thành những đạo diễn tên tuổi như Bùi Thạc Chuyên, Phi Tiến Sơn, Nguyễn Như Vũ... Quan trọng hơn là nhiều tác phẩm của học trò ông đã đoạt nhiều giải liên hoan phim trong nước và quốc tế, điều mà Hans không muốn nói ra.

Ông nhận định: “20 năm qua, ở Việt Nam có ba thế hệ làm phim. Thế hệ bằng tuổi tôi rất đáng được tôn trọng với những gì họ đã làm, song họ đang có nguy cơ bị quên lãng. Thế hệ thứ hai kế tiếp đang gánh vác điện ảnh đất nước trên vai. Thế hệ thứ ba rất trẻ, có thể nói họ chưa có gì và một phần trong họ đang được nuông chiều. Tôi hi vọng, chờ đợi ở những sinh viên sẵn sàng lăn lộn, bất chấp khó khăn, thiếu thốn vật chất”.

Người thầy, người bạn

Giáo sư Hans Rudoft tốt nghiệp quay phim tại Filmstudio Defa năm 1968. Từ đó tới nay, ông theo đuổi tình yêu với phim ảnh, bắt đầu với tư cách quay phim rồi đạo diễn, ông đã làm 30 bộ phim tài liệu, 25 phim truyện ngắn và dài. Ông nổi tiếng từ thời Cộng hòa dân chủ Đức với nhiều phim gây tranh cãi, đặc biệt người ta hay nhắc tới hai phim Das Gesicht des Fremden fraogt meine Zuoge (phim tài liệu, tạm dịch: Những khuôn mặt lạ có nét giống tôi) và Maschenserie fur das Fernsehen (phim truyện, Chùm phim thần thoại cho truyền hình).

Một trong các học trò thế hệ thứ hai của Hans là Phạm Hồng Thắng, nay là phó trưởng ban biên tập và đối ngoại Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, nói với tôi: “Học thầy Hans là tiếp nhận tri thức với phương pháp sư phạm rất chuyên nghiệp, lại luôn cập nhật cái mới của điện ảnh thế giới, trong sự kiểm định đầy chiêm nghiệm của một người thầy vốn là một nhà quay phim, đạo diễn lâu năm.

Những lần ông tới Việt Nam, tôi đều tìm cách tiếp xúc. Bởi qua các cuộc nói chuyện, ông đã gợi mở cho tôi nhiều điều suy nghĩ làm phim sao cho bớt tụt hậu với truyền hình, điện ảnh thế giới”.

Vũ Diễm Ly, nguyên sinh viên tốt nghiệp xuất sắc lớp đạo diễn K25, nói: “Thầy Hans bằng tuổi ông tôi, tôi mới 23 tuổi, nhưng học và làm việc với ông cũng như khi cùng ông trò chuyện, tôi luôn cảm giác ông và tôi đồng hành. Thầy ít khi nói lý luận. Quá trình tôi học nửa năm ở Đức, khi xảy ra những khó khăn cần tư vấn, thầy không nói phải thế này hay thế kia mà thường kể một câu chuyện thầy đã chiêm nghiệm để tôi tự tìm ra con đường, lối thoát riêng...”.

Đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Như Vũ kể về sự giúp đỡ quý báu của Hans. Nhiều sinh viên Việt Nam sang Đức tu nghiệp đều được ông giúp đỡ tận tình từ việc ăn ở tới học hành. Sang Việt Nam giảng dạy, Hans bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam phương tiện, máy móc, tìm tài trợ cho sinh viên qua Đức tu nghiệp.

Kể về những lớp sinh viên của mình, Hans bảo: “Dạy sinh viên Việt, tôi đã có lần phải tự hỏi mình liệu còn có thể làm giáo viên nữa hay không? Nhiều người thầy cứ tin rằng mình luôn nói đúng”.

Ông thành thật kể: “Một lần tôi phải xem lại điều ấy, khi trong quá trình dạy và thực hành có sinh viên đã làm khác đi những lối mòn của giáo án. Tôi giật mình kiểm tra và đã điều chỉnh. Người thầy trong tôi sẽ già cỗi nếu không nhận ra trên thực tế, ở một nền văn hóa khác như Việt Nam có những tư duy, xử lý khác biệt. Dạy những sinh viên Việt như vậy, tôi thấy mình luôn trẻ”.

Hỏi Hans bây giờ đã giải mã được điều ông muốn tìm kiếm gần 20 năm trước hay chưa, Hans cười nói: “Tôi đã nhận ra Việt Nam, con cháu của thế hệ ở các bức ảnh triển lãm kia, thật thân thiện và dễ thành bạn bè. Đi làm phim, tôi tận mắt thấy đất nước Việt Nam trải qua chiến tranh đau khổ ra sao, miền Trung còn đầy những vết thương...

Một dân tộc thật kỳ lạ, bị cai trị triền miên và luôn bị dòm ngó nhưng chỉ có thái độ cảnh giác ban đầu với người ngoại lai. Ở nhiều nước khác thì không như vậy. Ở Việt Nam, tôi an toàn, tự do đi lại tiếp xúc cởi mở. Vì sao dân tộc các bạn lại như vậy thì chỉ chính người Việt trả lời chính xác câu hỏi này. Việt Nam với tôi đã gần gũi lắm rồi”...

__________

(*) Máy HD là loại máy kỹ thuật số đời mới nhất, cho hình ảnh tương tự gần như hình ảnh phim nhựa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận