Hayes Valley: Một Thung lũng Silicon mới?

HOA KIM 31/03/2023 06:10 GMT+7

TTCT - Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) từ cú hích ChatGPT khiến cộng đồng khởi nghiệp đổ xô đến khu Hayes Valley ở San Francisco (California, Mỹ) với giấc mơ dựng nên một thung lũng công nghệ tập trung vào AI, tạo nên một "Thung lũng Silicon mới".

Hayes Valley, nằm khá xa Menlo Park, Palo Alto, Mountain View hay Cupertino - những cái tên quen thuộc của Thung lũng Silicon, được đặt biệt danh "Cerebral Valley" (tạm dịch: Thung lũng trí tuệ) để chỉ mối quan hệ mật thiết giữa nơi đây và chất xúc tác đã biến mọi thứ thành hiện thực: AI.

Cơn sốt vàng

"AI dường như là thứ duy nhất trong thế giới khởi nghiệp đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp nhiều đến mức nếu bạn không có mặt ở San Francisco, bạn sẽ gặp bất lợi" - Amber Yang, chuyên viên tại công ty đầu tư Bloomberg Beta, viết trên Twitter ngày 9-1, một trong những lần sớm nhất tên gọi Thung lũng trí tuệ được nhắc đến công khai.

Cerebral Valley đặc biệt thu hút các nhà khởi nghiệp tiềm năng nuôi mộng cưỡi làn sóng công nghệ mới nhất cùng AI tạo sinh (viết nội dung như ChatGPT hay vẽ tranh, hình ảnh như DALL-E 2). 

Hơn 20% công ty AI tạo sinh đặt trụ sở tại khu vực San Francisco Bay Area, trang Insider dẫn lời James Currier, một đối tác của công ty đầu tư NFX. Theo công ty phân tích đầu tư PitchBook, gần một nửa trong số 40,5 triệu USD vốn đầu tư vào start-up AI ở Mỹ trong năm 2022 tập trung cho các công ty ở Bay Area.

Hayes Valley: Một Thung lũng Silicon mới? - Ảnh 1.

Hai nhà sáng lập người Tây Ban Nha Victor Perez và Diego Rodriguez chuyển đến San Francisco vài tháng trước để xây dựng Krea, một start-up chuyên cung cấp các mô hình AI cho dịch vụ quản lý tài sản và tạo hình ảnh chất lượng cao. 

Điểm dừng chân ban đầu của họ khi tới Mỹ hồi năm ngoái là Miami, nhưng thông qua những mối quan hệ trong giới họ được gợi ý nhìn sang bờ Tây nước Mỹ để tìm cơ hội, và sẽ là một thiếu sót lớn nếu làm việc với AI mà lại không có mặt ở San Francisco.

Ban đầu chỉ dự định tạm dừng chân ở San Francisco một thời gian ngắn, nhưng khi bắt đầu gặp gỡ cộng đồng công nghệ tạo sinh tại đây - bao gồm cả những người đang nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Meta và OpenAI - họ biết rằng mình phải ở lại. 

"Chúng tôi cảm nhận được sự hối hả, nhưng không phải vì sợ người khác có thể tạo ra một mô hình tốt hơn mình hôm nay. Điều quan trọng là tạo ra những mô hình tốt nhất của ngày mai" - Perez nói với Insider.

Moritz Wallawitsch (24 tuổi), một nhà sáng lập công nghệ người Đức vừa chuyển đến Bay Area vào tháng 11-2022, so sánh AI với cơn sốt tiền số cách đây không lâu. Nhưng không giống như tiền ảo, AI đang thật sự tạo ra nhiều giá trị vì nó giúp "tự động hóa các công việc" của con người, anh giải thích với The Washington Post.

Nicholas Locascio cùng hai người đồng sáng lập Ian Baldwin và Mitra Morgan đang xây dựng Booth AI nhắm đến mảng thương mại điện tử với bộ công cụ có khả năng tạo ra những bức ảnh sản phẩm chuyên nghiệp như studio chỉ từ ảnh chụp thông thường do người dùng đăng tải. 

"(AI tạo sinh) là một công nghệ khiến rất nhiều suy nghĩ truyền thống về lập trình trở nên không còn phù hợp. Không ai biết cách tốt nhất để làm bất cứ điều gì vào lúc này. Nó hoàn toàn là một cơn sốt vàng" - Insider dẫn lời Locascio.

Đường phố ở "Thung lũng trí tuệ". Ảnh: Camille Cohen/The San Francisco Standard

Đường phố ở "Thung lũng trí tuệ". Ảnh: Camille Cohen/The San Francisco Standard

"Nhà chung" khởi nghiệp

Giới công nghệ có thuật ngữ hacker house để chỉ việc một nhóm người sống cùng nhau trong một ngôi nhà hoặc căn hộ lớn và đều làm việc liên quan đến công nghệ, đặc biệt là những người có ý tưởng khởi nghiệp. 

Cư dân của nhà tin tặc thường trao đổi, chia sẻ kỹ năng và các mối quan hệ công việc để cùng giúp nhau đạt được mục tiêu. Để có một suất vào ở, người thuê không chỉ phải góp một phần tiền thuê nhà hằng tháng (chưa kể chi phí chợ búa và dọn dẹp) - mà còn phải chứng minh kinh nghiệm làm việc, sự am hiểu công nghệ và đôi khi là chung chí hướng khởi nghiệp với những người sống chung nhà.

AGI House, một tòa dinh thự tám phòng ngủ trị giá 58 triệu USD, nằm giữa tổng hành dinh Google và trụ sở OpenAI ở khu Bay Area, đang được những nhà sáng lập, kỹ sư và người nghiên cứu khởi nghiệp trong lĩnh vực AI dùng với mục đích như vậy. AGI là từ viết tắt của "artificial general intelligence" (trí tuệ nhân tạo tổng hợp), cụm từ được OpenAI phổ biến để mô tả ý tưởng về AI thông minh hơn con người.

Dinh thự có hồ cá koi, hồ bơi, một khu vườn kiểu Nhật Bản và hầm rượu được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, với giá thuê khoảng 45.000 USD/tháng, theo báo The Washing Post. Một cuộc thi lập trình được tổ chức gần đây tại AGI House thu hút khoảng 150 dân công nghệ đến tranh tài. Họ là những người trẻ đã đổ xô đến Bay Area với hy vọng đảm bảo vị trí của mình trong một tương lai kinh tế, nơi mà các nhà lãnh đạo công nghệ khẳng định sẽ bị AI chi phối.

Mô hình nhà chung không xa lạ trong giới công nghệ, nhưng gần đây trở nên phổ biến trở lại ở San Francisco là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân: Big Tech sa thải hàng loạt, sự kiện trực tiếp quay lại sau thời gian tạm ngưng vì đại dịch, rào cản gia nhập thấp hơn và triển vọng làm giàu dễ dàng, theo The Washington Post.

Không gian sinh hoạt chung là chìa khóa để xây dựng cộng đồng AI chặt chẽ ở khu Bay Area trong khoảng một thập niên qua, và cũng chính là khởi nguồn của OpenAI - công ty phát triển chatbot ChatGPT đình đám. 

Giao tiếp xã hội tại những ngôi nhà này là cách nhanh nhất để nghe về vị trí đang tuyển dụng tại một phòng nghiên cứu AI hàng đầu, tiếp cận các nhà đầu tư mạo hiểm và hiểu biết sâu sắc về công nghệ mới nhất từ chính những người đang phát triển nó.

Một cuộc thi lập trình ở nhà chung AGI House. Ảnh: @itsandrewgao/Twitter

Một cuộc thi lập trình ở nhà chung AGI House. Ảnh: @itsandrewgao/Twitter

Văn hóa cày cuốc trở lại

Theo Amber Yang, ngày càng nhiều cựu nhân viên công ty công nghệ lớn - bao gồm cả những người bị mất việc trong thời kỳ suy thoái thị trường gần đây - tìm cách tham gia các cộng đồng AI và nhà chung ở Hayes Valley sau khi vỡ mộng với các hứa hẹn từ Big Tech. Thứ họ tìm kiếm là một cộng đồng những người sáng lập có cùng chí hướng để tung ra những sản phẩm mới liên quan đến AI.

"So với thời điểm Covid khi mọi nơi đều bị hạn chế và không có sự kiện nào, tốc độ mọi thứ diễn ra hiện tại nhanh hơn và thú vị hơn rất nhiều" - trang tin The San Francisco Standard dẫn lời Sofia Shvets, CEO Công ty Claid.AI và là người từng sống trong một hacker house có tám thành viên.

Sự trở lại mạnh mẽ của mô hình nhà chung công nghệ đang làm sống lại văn hóa "cày cuốc" và đặc biệt gợi nhớ không khí khởi nghiệp của ngành công nghệ đầu những năm 2000. "Đặc điểm của nhà chung, đặc biệt là khi bạn đang xây dựng một thứ gì đó mới, là bạn sẽ làm việc 24/7 cho mục tiêu đó - Shvets nói - Đó là nơi bạn có thể ngồi làm việc cùng với ai đó cho đến 4h sáng, thảo luận về công việc và đó là cách ý tưởng ra đời".

Nếu văn hóa làm việc này nghe có vẻ khốc liệt, thì đó là bởi đúng là nó như vậy. Nó là lời đáp trả trực diện cho phong trào "quiet quitting" (tạm dịch: âm thầm giảm việc) của giai đoạn đầu hậu giãn cách, khi nhiều nhân viên tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách từ chối làm bất cứ điều gì vượt quá yêu cầu công việc của mức lương mà họ nhận. "Nếu bạn sống và làm việc cùng với nhóm của mình cả ngày, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để 'cày' bất kể giờ giấc" - Yang giải thích.

"Thung lũng trí tuệ" là tên gọi được đặt bởi những người đứng sau những xu hướng mới nhất trong công nghệ tạo sinh, nhưng nó cũng có thể báo hiệu một sự thay đổi về bộ mặt và lối sống của thế giới công nghệ nói chung - một ngành từng tự hào về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Câu chuyện về sự ra đời của Silicon Valley Bank (SVB) là một ví dụ về truyền thống nuôi dưỡng những giấc mơ táo bạo tại cái nôi của Thung lũng Silicon.

SVB được thành lập vào năm 1983 bởi một vài cựu nhân viên ngân hàng nhìn thấy khoảng trống trong ngành ngân hàng truyền thống. Thời điểm đó là giai đoạn bùng nổ các công ty sản xuất sản phẩm hướng tới người dùng máy tính, nhưng những ngân hàng lớn như Bank of America hay Wells Fargo's đánh giá cho các công ty này vay là quá mạo hiểm vì "không biết công nghệ này làm gì", Margaret O'Mara, tác giả sách The Code: Silicon Valley and the Remaking of America viết về lịch sử Thung lũng Silicon, trả lời phỏng vấn Vox.

SVB ra đời bắt đầu giải ngân các khoản vay và rót vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty từ giai đoạn rất sớm. "Nó là một ngân hàng cộng đồng; một ngân hàng mang tính khu vực" - O'Mara nói. Sự sụp đổ của SVB dù đánh dấu "một giai đoạn mới" nhưng "không đồng nghĩa là dấu chấm hết" của Thung lũng Silicon, bà nhận định. "Tôi thật sự nghĩ rằng có nhiều bằng chứng cho thấy việc di chuyển chậm hơn một chút trong nhiều tình huống có thể có lợi, cho dù là trong lĩnh vực thiết kế phần mềm hay AI".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận