Hệ thống đào tạo kép: Vấn đề là còn ai muốn học?

LÊ QUANG 22/07/2022 11:25 GMT+7

TTCT - Ai còn trẻ thì suy nghĩ đi. Học xong đại học mà loay hoay chạy xe ôm hay bồi bàn thì lao động ấy không hẳn vinh quang. Một cái nhìn vào hệ thống đào tạo kép của châu Âu và cơn khát lao động phổ thông hiện nay của Đức.


Hệ thống đào tạo kép: Vấn đề là còn ai muốn học? - Ảnh 1.

Mỗi năm Đức cần 400.000 lao động bổ sung từ nước ngoài. Ảnh © Tund - stock.adobe.com

Hệ thống đào tạo kép từ nhiều năm nay đã lan tỏa khắp châu Âu và là mặt hàng xuất khẩu siêu hạng của Tây Âu. Về lý thuyết, ai cũng biết học phải đi đôi với hành, song triết lý giáo dục đó có nhiều lý do để không dễ biến thành hiện thực. Và chắc gì đó đã là chìa khóa thành công, khi thực tế cho thấy chính châu Âu bây giờ cũng mặn mà hơn với con đường hàn lâm, thay vì kiếm một nghề kìm búa lấm lem dầu mỡ theo truyền thống xưa nay.

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA

Chuyện dạy nghề ở các nước có nền giáo dục mang màu sắc Nho giáo luôn là một vấn đề nhạy cảm, khi ai nấy đều nghĩ "nhất sĩ, nhì nông", ngay cả khi sĩ cũng có tỉ lệ "hết gạo chạy rông" khá cao. Đặc biệt ở các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội kém phát triển, một công việc tốt của thế hệ con cháu vẫn là sự bảo đảm an toàn tốt nhất cho tuổi già của các bậc cha mẹ. Việc học hành của con cái được thúc đẩy với rất nhiều áp lực tâm lý và tiền của.

Lấy đất nước đông dân nhất thế giới là ví dụ: số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc tăng mạnh từng năm, năm 1998, 830.000 người Trung Quốc có bằng đại học trong túi; đến năm 2010, con số này tăng đến 6 triệu, tức là tăng hơn 7 lần trong 12 năm. Nhưng thị trường lao động không thể song hành với tốc độ phù hợp, vì nó chưa thể hấp thụ được làn sóng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ào ra từ các trường đại học. Nhiều sinh viên có bằng cấp - bất kể thực chất đến đâu - vì vậy không tìm được việc làm hoặc chỉ tìm được công việc dưới trình độ của mình.

Trung Quốc muốn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về vốn nhân lực, nhưng thị trường lao động Trung Quốc đang bị quá tải. Theo nhiều nhà kinh tế học danh tiếng, nạn thất nghiệp ở những người có trình độ cao là một vấn đề hoạch định chính trị: Trung Quốc không để sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào sức điều tiết của thị trường, mà muốn mạo hiểm bước vào thế kỷ mới bằng mọi giá. Do đó, trước tiên Trung Quốc tạo ra nguồn nhân lực dồi dào với hi vọng nhu cầu sẽ tăng theo.

Như bất cứ quốc gia nào, Trung Quốc cũng cần một tầng lớp tinh hoa có học thức để phát triển kinh tế. Nhưng khi một tầng lớp sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp hoặc làm việc dưới trình độ, trong khi vẫn chịu áp lực phải chu cấp cho cha mẹ và đối phó với gánh nặng chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, thì hệ quả ắt sẽ là gia tăng sự bất ổn trong dư luận xã hội. Lịch sử cho thấy các cuộc cách mạng của Trung Quốc trong thế kỷ 20 đều thành công nhờ sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, tuy nhiên động lực cho những biến động lại đến từ giới trí thức.

CON ĐƯỜNG TÂY ÂU

Điểm lại thành công kinh tế của Tây Âu, chắc chắn một trong những nguyên nhân chính là hệ thống đào tạo kép, nôm na là vừa học ở trường dạy nghề vừa làm tại doanh nghiệp thực tế. Hệ thống này được thử thách qua hàng trăm năm ở Đức, Hà Lan, Luxemburg, Nam Ý, Thụy Sĩ, Áo... nhưng đạt trình độ cao nhất ở Đức.

Nguyên lý "đào tạo kép" trong giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được ấn định trong Bản sửa đổi quy chế thương nghiệp năm 1897. Năm 1923, thuật ngữ "trường dạy nghề" được đưa ra ở Phổ. Khái niệm "hệ thống kép" trong dạy nghề sau này được khái quát hóa vào năm 1964 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo Đức.

Hệ thống này được gọi là kép vì việc đào tạo diễn ra tại hai địa điểm: ở doanh nghiệp và ở trường dạy nghề. Mục đích của đào tạo nghề là truyền đạt các kỹ năng và trình độ cần thiết để thực hiện một công việc đạt chuẩn trong một thế giới việc làm luôn thay đổi, nhất là trong hai thập niên gần đây.

Cho dù trong lĩnh vực thương mại, kỹ thuật hay cho cái gọi là nghề MINT (về toán học, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên hoặc công nghệ) - đào tạo kép cho phép bạn tiếp cận nhiều ngành nghề có tương lai và thường kéo dài ít nhất 2 đến tối đa là 3,5 năm. Trong thời gian này, học sinh học một hoặc hai ngày mỗi tuần tại trường dạy nghề, thời gian còn lại ở doanh nghiệp đào tạo. Do đó, điều kiện tiên quyết là phải có các doanh nghiệp đủ điều kiện cho họ học việc và trả lương suốt thời gian đào tạo.

Không phải tất cả các ngành nghề đều có thể học theo cách này. Trong một số ngành, công việc đào tạo diễn ra tại một trường dạy nghề hoặc tại một học viện dạy nghề. Trước hết, đó là các ngành nghề trong lĩnh vực y tế, xã hội và truyền thông, chẳng hạn điều dưỡng viên, trị liệu ngôn ngữ chỉ có thể được học ở trường. Nhưng sau khi tốt nghiệp, đào tạo kép và đào tạo tại trường có vị thế và mức đãi ngộ tương đương.

CUỘC SỐNG CÓ ĐƯỜNG RIÊNG

Thuận lợi của hệ thống đào tạo kép quá rõ ràng và nó là nền móng cho phát triển kinh tế Tây Âu. Học sinh kiếm tiền ngay từ ngày đầu đi học. Được tham gia sản xuất, người ta học hỏi rất nhiều và tích lũy kinh nghiệm chuyên môn. Những gì học ở doanh nghiệp luôn phù hợp tối đa với thực tế, tức là ít khi phải "đào tạo lại" cho hợp nhu cầu doanh nghiệp. Nhiều học sinh được doanh nghiệp để mắt đến trong thời gian học và nhận vào làm việc luôn. Và cơ hội học liên thông trở thành thợ cả, kỹ sư đại học và sau đại học để thăng tiến cũng rộng mở.

Nhưng cũng không thể phủ nhận một số điểm trừ nhãn tiền của hệ thống này. Năm này qua năm khác, nhiều doanh nghiệp không kiếm đủ số học sinh, trong khi vẫn phải trả tiền "nuôi" cơ sở hạ tầng và giáo viên dạy nghề. Một phần, lý do có thể là do xu hướng ngả về học đại học, nhất là ở các nghề hiện đại với hàm lượng công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo cao. Ở một số ít cơ sở, học sinh chỉ được coi như nhân lực bổ sung để sai vặt hoặc làm việc phụ trợ. Doanh nghiệp không truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm thực sự quan trọng, cho dù đó là chức năng của họ.

Theo tính toán thuần túy, trong năm 2021 mỗi ứng viên ở Đức có khoảng 1,5 vị trí tuyển dụng để lựa chọn. Con số này khá cao so với trước, tuy nhiên nó không nói lên điều gì vì suy cho cùng, sở thích của các bạn trẻ là khác nhau và không phải ai cũng phù hợp với hơn một vị trí. Ngoài ra luôn luôn có sự lệch pha trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, ví dụ các công ty công nghiệp đang rất cần thợ cơ khí và chuyên gia trong các ngành kỹ thuật khác - cung thì nhiều nhưng cầu lại thấp. Nghề làm bánh và gia công thịt cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm học sinh, vì khá vất vả và ít thì giờ rảnh. Một số nghề được ưa thích như làm tóc, chăm sóc thú ở vườn bách thú thì lương thấp. Nghề "vàng" như kỹ thuật viên cơ điện tử ôtô lại đang bị xáo động bởi xu hướng chuyển sang ôtô điện...

Có vẻ như người ta ngủ quên trên cái gối êm của vinh quang và không phản ứng kịp thời cuộc. Theo Hiệp hội Nghề thủ công Đức, tháng 7 này hiện có 150.000 vị trí tuyển dụng để ngỏ. Vì không phải tất cả các công ty đều báo cáo lên, hiệp hội ước tính sẽ thiếu khoảng 250.000 thợ thủ công và "xu hướng tăng dần".

GIẢI PHÁP NHỜ NHẬP CƯ?

Từ năm 2001, Đức có cơ quan khảo sát tình hình nhân lực. Năm nay có hơn một nửa trong số khoảng 1.200 công ty được khảo sát báo cáo có 3.900 vị trí cần tuyển dụng, chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng và thủ công cũng như trong lĩnh vực dịch vụ vốn bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch Covid.

Đối với khoảng 40% vị trí tuyển dụng, người ta kiếm những người lao động có tay nghề cao và học sinh học nghề. Nhiều công ty cũng phải lấp chỗ trống do nhân lực đủ tuổi hưu. Nếu không tìm được người thay thế, lực lượng lao động hiện có sẽ phải làm bù. "Nhưng đây không phải là một giải pháp lâu dài, vì nó dẫn đến việc gia tăng số người nghỉ ốm. Đây là một thách thức lớn của sự thay đổi cấu trúc dân số, vì người Tây Âu ngày càng thọ lâu và đẻ ít" - Matthias Forssbohm, chủ tịch Phòng thủ công nghiệp Leipzig, cảnh báo.

Gần 1/3 số công ty được khảo sát đang có kế hoạch thuê công nhân viên nước ngoài. Tháng 3-2020, nước Đức vội vàng thông qua Đạo luật nhập cư cho công nhân có tay nghề. Nhưng có những trở ngại không thể ngày một ngày hai khắc phục được, ví dụ rào cản ngôn ngữ và trình độ đào tạo của nước ngoài. Theo báo cáo, hơn 30% các công ty đã sử dụng lao động nước ngoài, nhưng lượng người nhập cư có tay nghề như muối bỏ bể, càng không thể có từ phía Syria và Ukraine là những nước có nhiều người tị nạn chiến tranh nhất.

Mỗi năm nước Đức cần chừng 400.000 lao động mới - kỷ lục từ sau Thế chiến II - chủ yếu trong các nghề vất vả mà người bản xứ không khoái làm như thợ nề, thợ sơn, thợ lắp ráp, thợ lò sưởi, thợ hệ thống lạnh, thợ cửa cuốn và mành chống nắng, thợ điện, thợ điện máy, thợ làm kính thuốc, thợ làm máy trợ thính, thợ gia công kim loại, hộ lý, điều dưỡng viên, bồi bàn, phụ bếp, phục vụ khách sạn... Lưu ý: "thợ" có nghĩa là đã qua đào tạo theo chuẩn Đức, và dĩ nhiên được hưởng lương kiểu Đức.

Cái còn thiếu ở đây là một chính sách tầm quốc gia từ những nước có dôi dư lao động cũng như hợp tác dạy nghề từ sớm, đặng cùng kiếm lợi cho mọi bên trong tình cảnh này. Tỉ lệ lao động nước ngoài không ngừng tăng lên trong nhiều năm. Theo Sở Lao động liên bang, năm 2021 con số này là 13,4%, gấp đôi so với năm 2010. Năm 2021, có tổng cộng 4,5 triệu người nước ngoài làm việc tại Đức (trên tổng số 33,8 người lao động).

Ai còn trẻ thì suy nghĩ đi. Học xong đại học mà loay hoay chạy xe ôm hay bồi bàn thì lao động ấy không hẳn vinh quang.■

Sự thiếu hụt công nhân lành nghề sẽ là một trong những chủ đề nổi trội tại Hội chợ nghề thủ công quốc tế Munich, khai mạc vào thứ tư tuần qua, lần đầu tiên kể từ năm 2019. "Nếu nước Đức không thực hiện các biện pháp đối phó càng nhanh càng tốt nhằm cung cấp lao động có tay nghề cao, thì không chỉ có nguy cơ thất bại trong quá trình chuyển đổi năng lượng mà còn dẫn đến sự suy thoái kinh tế lớn, đánh mất cuộc sống thịnh vượng" - ông Franz Xaver Peteranderl, chủ tịch Hiệp hội bang Bavaria, cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận