Hòa bình cho Ukraine: Bước khởi đầu chật vật

TƯỜNG ANH 22/06/2024 10:34 GMT+7

TTCT - Đúng như các dự báo, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Bürgenstock (Thụy Sĩ) đã không mang đến đột phá nào cho hòa bình Ukraine.

Ông Kim Jong Un ra tận máy bay đón ông Putin ở Bình Nhưỡng ngày 19-6. Ảnh: Reuters

Ông Kim Jong Un ra tận máy bay đón ông Putin ở Bình Nhưỡng ngày 19-6. Ảnh: Reuters

Các nhà tổ chức đã gửi 160 lời mời, mong muốn được sự ủng hộ của thế giới cho "công thức hòa bình" của Ukraine, nhưng chỉ khoảng 100 nước tham dự, và tuyên bố cuối cùng cũng chỉ được 78 nước và 4 tổ chức ký. 

Trong số những nước quan trọng không ký tuyên bố có Saudi Arabia, Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi, Brazil, Indonesia và UAE. Trung Quốc thậm chí không cử đại diện tham dự hội nghị.

Hội nghị cũng đã chỉ thảo luận 3/10 điểm của "công thức hòa bình" Ukraine và không bàn gì về chủ đề gay cấn nhất: lãnh thổ và biên giới.

Điều kiện của ông Putin

Vị thế của những người tham gia thượng đỉnh không tương đương nhau - một số nước được đại diện ở cấp cao nhất, trong khi những nước khác chỉ cử cấp thứ trưởng và đại sứ đã nghỉ hưu. 

Hầu hết các nước phương Tây là thành viên NATO và/hoặc EU cử đại diện cao nhất: Pháp (Emmanuel Macron), Cộng hòa Czech (Petr Pavel), Litva (Gitanas Nausėda), Phần Lan (Alexander Stubb), Latvia (Edgars Rinkēvičs), Đức (Olaf Scholz), Áo (Karl Nehammer), Anh (Rishi Sunak), Ý (Giorgia Meloni), và Estonia (Kaja Kallas). Hungary, thành viên cả NATO và EU, cử Ngoại trưởng Peter Szijjarto, còn Serbia, không phải thành viên cả hai tổ chức đồng minh của Ukraine, cử Ngoại trưởng Marko Djuric.

Trong các nước Bắc Mỹ, chỉ thành viên NATO Canada là có đại diện cấp cao nhất: Thủ tướng Justin Trudeau. Mỹ chỉ cử Phó tổng thống Kamala Harris tham gia thay Tổng thống Joe Biden.

Trong các nước cộng hòa hậu Xô viết ở Kavkaz, có Tổng thống Salome Zurabishvili của Gruzia dự hội nghị, còn Armenia cử Thư ký Hội đồng an ninh Armen Grigoryan.

Trong các quốc gia quan trọng nhất ở châu Á, Nhật Bản cử Thủ tướng Fumio Kishida. Nhưng Ấn Độ chỉ cử cựu đại sứ tại Nga Kapoor Pawan. Đại diện Thái Lan có Thứ trưởng Ngoại giao Russ Jalihandra.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres không dự hội nghị vì trước đó, trong một cuộc họp ngắn ở Geneva, ông Guterres đảm bảo Liên Hiệp Quốc sẽ có đại diện ở "cấp độ phù hợp".

Phó giám đốc Viện các nước CIS Igor Shishkin cho rằng việc trong số các thành viên CIS (khối các nước Liên Xô cũ) chỉ có Armenia tham dự hội nghị là thành công của ngoại giao Nga. 

Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu thì nhận xét nhiều nước ở Nam Bán cầu đang phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan: không để bị lôi kéo vào việc giải quyết vấn đề Ukraine theo lăng kính phương Tây, đồng thời không gây hấn với nước lớn. 

Họ đồng thời muốn thể hiện sự tôn trọng với phương Tây và ra hiệu cho Nga rằng "đây không phải cuộc chơi của họ".

Ảnh: x.com

Ảnh: x.com

Dù Nga không được mời tham dự hội nghị, Tổng thống nước này Vladimir Putin vẫn tìm cách truyền cho các đối thủ thông điệp về điều kiện ngừng bắn của Matxcơva. 

Một ngày trước khi hội nghị khai mạc, trong cuộc gặp các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, ông Putin đã nói tới một đề xuất hòa bình "cụ thể và thực sự", cho rằng hòa bình không có nghĩa là đóng băng cuộc xung đột, mà phải chấm dứt nó.

Ông nêu yêu cầu của Nga: Đầu tiên Ukraine phải rút quân khỏi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. 

Thứ hai: Ukraine phải từ chối gia nhập NATO. Đối với Nga, việc đảm bảo tình trạng trung lập, không liên kết và không có vũ khí hạt nhân của Ukraine là quan điểm mang tính nguyên tắc. 

Ông Putin nhấn mạnh: Ngay sau khi đối phương đồng ý với những điều kiện này, "từ phía chúng tôi, ngay lập tức, theo đúng nghĩa đen, sẽ có lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán".

Ông Putin cũng dọa nếu đề xuất hiện tại bị từ chối, yêu cầu của Nga có thể sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai. "Rõ ràng thực tế trên thực địa đang tiếp tục thay đổi theo hướng không có lợi cho Kiev", ông nói.

Thông điệp nào của thượng đỉnh hòa bình?

Trong khi đó, chương trình nghị sự của hội nghị Bürgenstock, vốn dự kiến thảo luận "công thức hòa bình" 10 điểm của Ukraine, đã giảm xuống chỉ còn ba nội dung chính. 

Các nội dung này đều không đả động tới các điều kiện tiên quyết trước đó của ông Zelensky như Nga phải rút quân, chấm dứt chiến sự, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.

Ảnh: Harvard Gazette

Ảnh: Harvard Gazette

Ba nội dung được bàn thảo ở Thụy Sĩ là: 

(1) An toàn hạt nhân và quy chế Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, nơi mọi thứ đều khá rõ ràng: không ai muốn xảy ra chiến tranh hạt nhân, và ông Zelensky, vì Ukraine đang mất điện trầm trọng, thực sự muốn tiếp cận nhà máy điện hạt nhân quan trọng này; 

(2) An ninh vận tải hàng hải để bảo đảm an toàn lương thực cho Ukraine; 

Và (3) trao đổi tù nhân theo công thức "tất cả đổi lấy tất cả".

Nhưng ngay cả những điểm này cũng được ít quốc gia ký kết hơn mức ban tổ chức mong muốn. 

Để so sánh, hai năm trước, nghị quyết chống Nga với ngôn từ gay gắt từng nhận được 141 phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Tuy nhiên, cũng có những nhìn nhận như của Tổng thống chủ nhà Thụy Sĩ Viola Amherd cho rằng tiến trình hòa bình không có Nga là không tưởng và Thủ tướng Maia Sandu của Moldova thừa nhận "hòa bình ở Ukraine chính là hòa bình ở Moldova".

Kết quả, các nước chủ chốt không phải phương Tây lưu ý rằng việc thảo luận vấn đề hòa bình Ukraine mà không có Nga là vô nghĩa. 

Có lẽ đó là nguyên nhân một số nhân vật chính của hội nghị đã rời Thụy Sĩ trước thời hạn: ông Scholz ra về trước phiên bế mạc, với nguyên nhân được DPA giải thích là do "có lịch họp ở Berlin". Phó tổng thống Mỹ Harris cũng rời hội nghị sớm, để Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan ở lại thay thế vào ngày hội nghị thứ hai.

Những người ở lại đã thảo luận về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở đâu, khi nào và trong những điều kiện nào. Đã xuất hiện những tin tức nói các quốc gia khác, trung lập hơn và rất có thể là ở châu Á, sẽ là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Tin mới nhất nói Zelensky thừa nhận ông muốn Nga có mặt tại hội nghị lần thứ hai: "Nếu Nga tham dự hội nghị lần thứ hai, điều đó có nghĩa là họ muốn hòa bình và đã quyết định chấm dứt chiến tranh". Ông cũng nói rằng Ukraine sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Nga vào ngay ngày mai nếu Matxcơva "tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận