TTCT - Nếu một buổi trưa hè đi trên đường vô tình bạn bắt gặp một anh chàng già không ra già, trẻ không ra trẻ, đội chiếc mũ cối tự tạo của “Thắng vespa”, khoác một túi chéo bằng vải bố, mắt đeo kính đen to tổ chảng nghênh ngang trên chiếc xe máy CD 125 sơn màu lá cây gỉ sắt, thi thoảng tủm tỉm cười thì có thể là nhân vật của Tuổi Trẻ Cuối Tuần lần này: họa sĩ Lê Quảng Hà. Phóng to Tự họa Lê Quảng Hà qua điêu khắcTTCT - Nếu một buổi trưa hè đi trên đường vô tình bạn bắt gặp một anh chàng già không ra già, trẻ không ra trẻ, đội chiếc mũ cối tự tạo của “Thắng vespa”, khoác một túi chéo bằng vải bố, mắt đeo kính đen to tổ chảng nghênh ngang trên chiếc xe máy CD 125 sơn màu lá cây gỉ sắt, thi thoảng tủm tỉm cười thì có thể là nhân vật của Tuổi Trẻ Cuối Tuần lần này: họa sĩ Lê Quảng Hà. Lê Quảng Hà sinh năm 1963, được coi là một trong những họa sĩ “con cáo” vì rinh khá nhiều “chùm nho” giải thưởng trong và ngoài nước. Anh cũng là người gây nên nhiều thái cực trong giới hội họa: yêu cực độ và ghét đến cực độ. Ít ra là hai lần bị “huýt còi” triển lãm bởi “không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN”. Nhưng cũng không nhiều họa sĩ VN vẽ nhiều và vẽ trần trụi về đề tài xã hội như Lê Quảng Hà. Anh muốn biến tranh của mình như một tấm gương mà đứng trước nó, những ai có “dị tật”, không trong sạch sẽ biết xấu hổ. Nhiều khi chính bản thân họa sĩ cũng bị những tác phẩm của mình soi xét lại. Đó là một sự tự lộn trái chính mình. Tuổi trẻ công nhân và sinh viên 25 năm trước, có lẽ dù nhiều mộng danh họa đến mấy “anh công nhân” Lê Quảng Hà cũng không thể mường tượng rằng mình sẽ thành danh như ngày hôm nay. Khởi điểm là sinh viên Trường đại học Thủy lợi theo mong muốn của ông bà và cha mẹ, nhưng đến năm thứ 3 Hà quyết định bỏ học. Không phải vì ý thích nhất thời hay sự nổi loạn muốn thoát khỏi chế khắc của gia đình, chỉ đơn giản anh thấy hướng đi đó không phù hợp với mình. Bắt đầu tự lập với bàn tay trắng vào tận Vũng Tàu, khi đó vẫn chưa là thành phố du lịch sầm uất như hiện nay, Lê Quảng Hà xin làm công nhân của Tổng công ty Dầu khí xây lắp VN. Ban đầu là thợ phụ, rèn những vật dụng giản đơn, sau đó chuyển sang làm thợ đổ bêtông, nghe có vẻ “chuyên nghiệp” hơn nhưng vất vả chẳng kém nghề quai búa. Có vẻ mọi thứ đến với Hà như một định mệnh. Nhưng không, chính Hà là người tạo nên định mệnh đó cho mình. Một thanh niên tuy chưa tốt nghiệp đại học nhưng có trình độ nhất định, lại cam chịu cuộc sống vất vả của người thợ xây chắc phải có “mưu đồ” riêng. Hẳn vậy, thời bao cấp muốn thi vào một trường đại học phải có hộ khẩu, nếu không có hộ khẩu phải thuộc biên chế của một cơ quan nhà nước nào đấy. Lê Quảng Hà sau một ngày quần quật đến tóp cả người lại hì hục luyện vẽ đề thi vào Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp ở TP.HCM. Cuộc đời có những thứ thật oái oăm! Lê Quảng Hà được trao tay nhiều nghề nhưng chẳng nghề nào trọn vẹn và viên mãn bằng nghề họa sĩ. Làm thợ rèn chỉ được vài tháng, thợ đổ bêtông thì bị tai nạn suýt mất một chân, chạy bàn ở quán được một thời gian, mở quán cà phê thì số khách đếm được trên đầu ngón tay... Nhưng đến năm 1986, Lê Quảng Hà đã đỗ vào ngôi trường mình mơ ước. 23 tuổi, Hà lại khởi đầu với cái mác “sinh viên”. Tại đây, Hà đã được theo học một họa sĩ rất giỏi về hình họa cơ bản: nữ họa sĩ Kim Bạch. Thời gian đầu sáng tác, từ năm 1986 đến triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 1995 tại gallery Vĩnh Lợi, TP.HCM, Lê Quảng Hà vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của cô với những chủ đề nhỏ và tình cảm như Chân dung bạn già, Múa lân, Thôn nữ, Đêm mộng du... Tuy nhiên, sự tung tẩy, phóng túng và cách dùng màu táo bạo đã lộ ra ở Quảng Hà một khí chất riêng của sự nổi loạn và bất chấp. Trong khi tranh của cô Kim Bạch là một cái gì nhẹ nhàng, man mác buồn và sâu thẳm. Nếu có thể chuộc lỗi bằng tiền thì đó là cái rẻ nhất Nhiều người nhận xét trong tranh Hà luôn lộ ra thứ bản năng mà con người muốn giấu giếm nhất: đó là tình dục và cái ác. Cái “con” và “người” trong tranh Hà vừa hòa quyện vừa đấu tranh dữ dội. Chối bỏ những thứ được coi là “đèm đẹp” hay “kitsch” - rởm, Hà cũng như nhiều họa sĩ đích thực đang miệt mài tìm kiếm con đường riêng của mình để thoát khỏi cái bóng của những người khổng lồ thế giới: danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso - chủ soái trường phái lập thể và danh họa người Anh Francis Bacon - chủ soái trường phái biểu hiện. Thời kỳ thứ hai của giai đoạn sáng tác - thời kỳ biểu hiện, từ năm 1995-1999 - được coi là giai đoạn phát triển rực rỡ và chín muồi phong cách cá nhân của Lê Quảng Hà. Vẫn là những gam màu đối chọi như đỏ máu, xanh lân tinh, tím bầm, cam sáng... như trước đây nhưng được phủ lên mặt toan rộng lớn với vẻ no căng đến cực độ. Quảng Hà thích thú những khuôn mặt người được bóp méo, biến dạng, đau đớn với những cái mồm be bét máu, tỏ ra kích động sau cũi sắt (bức chân dung liên hoàn 20 tấm như Cuộc gặp, Thập tự, Chợ tình, Những người nóng tính, Thời đại đàn bà, Trở về...). Những nhân vật bạo lực như được chui ra từ trong phim kinh dị của đạo diễn Quentin Tanratino. Nhưng không chỉ có vậy, họ cũng đầy cô đơn hoang hoải (Chân dung tự họa, Một mình trong ngôi nhà mới, Thét). Và hơn bao giờ hết họ cần nương tựa vào nhau. Người hiểu biết một chút về hội họa có thể thấy ngay rằng Hà cũng như nhiều họa sĩ VN khác, khi theo trường phái biểu hiện không thể thoát khỏi ảnh hưởng của danh họa Francis Bacon. Đó là điều dễ hiểu khi ông đã đạt tới đỉnh cao nhất của trường phái biểu hiện, sau Bacon có lẽ sẽ chẳng có ai vượt qua nổi. Nhưng Hà không chấp nhận điều này. Anh tự huyễn hoặc mình: “Tôi cho rằng nghệ thuật là thứ gì đó rất phức tạp. Có người nói rằng tìm ra một con đường nghệ thuật riêng rất khó vì các con đường rất dày đặc. Tìm ra con đường cho mình thật khó khăn. Tôi bảo cũng chẳng cần. Tại sao chúng ta không đạp lên các con đường mà đi”. Ảo giác và sự tự huyễn hoặc là chất kích thích đôi khi cần thiết với công việc sáng tạo. Nhưng có lẽ chẳng ai như Lê Quảng Hà, khi anh tự so sánh mình với Bacon: “Không từ chối tôi thích Bacon. Nhưng Bacon đau đớn hơn tôi. Còn tôi thì mạnh mẽ hơn ông ta”. Sự ngạo mạn của Hà khiến nhiều người yêu quý và cả căm ghét, đố kỵ. Có một giai thoại: Hà từng mua lại tranh của mình với giá không rẻ để đốt đi. Đó là câu chuyện có thật nhưng không phải câu chuyện điên rồ để đánh bóng tên tuổi như một số họa sĩ khác thường làm. Chuyện là có một thời gian suy nghĩ chưa thấu đáo nên đã vẽ một số bức tranh “xấu”, Lê Quảng Hà muốn lấy lại nhưng galery lại trót bán cho nhà sưu tập. Khi đủ tiền mua lại, anh đem về nhà sửa. Những bức không sửa được thì đem đốt. Có lẽ chỉ những ai coi sáng tạo là tôn giáo mới hiểu được nỗi đau này. Khi anh nhìn đứa con của mình sinh ra méo mó, dị tật mà không thể sửa lại được thì cách duy nhất là anh phá hủy nó và tái tạo nó thành một phiên bản khác hoàn hảo hơn. Đối với Hà, nếu có thể chuộc lỗi bằng tiền, đó là cách rẻ rúng nhất, còn hơn là anh phải chuộc lỗi bằng niềm đam mê và cuộc sống của mình. Sau này, Lê Quảng Hà không còn cảm giác muốn đốt tranh nữa. Trong thời gian rất ngắn ngủi của xu hướng biểu hiện, từ năm 1995 đến khoảng những năm 1999, Lê Quảng Hà đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ không chỉ đối với giới hội họa trong nước mà còn cả quốc tế. Anh có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm ở Đức, Ý, Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Thái Lan. Nhiều họa sĩ trẻ thần tượng và không thoát nổi cái bóng của Lê Quảng Hà. Có lần, một họa sĩ trẻ sắp làm triển lãm cá nhân từng hỏi: “Anh Hà ơi, em bị ảnh hưởng của anh rất nhiều. Em sắp làm triển lãm, theo anh có vấn đề gì không? Hà trả lời: Với tôi thì không có vấn đề gì cả, vì có một người đồng hành cũng là một điều thú vị. Nhưng với cậu thì có vấn đề. Tớ từng nói với cậu rằng chúng ta sinh ra chỉ có một lần. Nếu cậu sống cuộc sống của tôi thì phí cuộc sống của cậu!”. Cảm xúc từ những bức bối của xã hội đương đại Có năng lực biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ nên ngay cả khi đã bước qua giai đoạn chín muồi của sự định hình phong cách, con người này vẫn giữ được sự hưng phấn của tuổi trẻ là luôn muốn tiếp tục vận động. Khao khát được làm mới luôn thúc giục Lê Quảng Hà phải tạo ra những khác biệt, không chỉ với người khác mà với cả chính mình. Bước sang đầu những năm 2000 mà cụ thể là triển lãm cá nhân lớn tại Bảo tàng Mỹ thuật tháng 12-2001, Lê Quảng Hà đã bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ pop hóa và siêu thực hóa. Gốc rễ của thời kỳ này xuất hiện từ cuối thời kỳ biểu hiện với những tác phẩm lột bỏ tận cùng “cái thịt” bên ngoài, và thay vào đó là những đầu lâu xương xẩu, những xác chết khật khưỡng tìm đến bầy đàn. Thời kỳ pop hóa và siêu thực hóa đánh dấu sự thay đổi không chỉ trong ngôn ngữ nghệ thuật và cách tạo hình mà còn là ý thức chính trị xã hội của Lê Quảng Hà. Những con người đầy bản năng vẫn xuất hiện trong tranh, nhưng họ không còn sự đau đớn đến tận cùng mà thay vào đó là những nhân vật mang tính tượng trưng xã hội: công nhân, lính thủy, nhạc công, diễn viên, nhà tài phiệt, công chức, gái điếm... Không còn nhiều những khuôn mặt thú hóa, thay vào đó là những khuôn mặt “máy hóa” của một nền văn minh vật chất trơ lỳ và rập khuôn trong Khúc ngợi ca số 1, Người quan trọng, Tên độc tài, Dàn đồng ca, Khủng bố... Con người trong tranh Lê Quảng Hà thời kỳ này không còn đau đớn mà thay vào đó là những cảm giác và dục vọng của số hóa, của những cơn u mê và bạo lực tập thể. Lê Quảng Hà là một trong những đại diện tiêu biểu của họa sĩ VN đương đại nổi lên từ năm 1990. Nhiều người cho rằng Hà có một thái độ quay lưng với truyền thống. Anh không dùng nghệ thuật để làm đẹp hay chiều lòng những người hoài cổ cũng như giới sưu tầm tranh. Mà người họa sĩ này luôn đập nát cái cách họ định tính mọi sự cũng như sáng tạo những hình ảnh mà người xem không chấp nhận. Nhưng hội họa không phải là sự phản kháng xã hội mà thể hiện cái nhìn thông minh của họa sĩ đối với xã hội. Đó là sự dấn thân và nhập cuộc thật sự mà vai trò của nó không chỉ là sự thức tỉnh mà còn là phản tỉnh và mang dự báo. Lê Quảng Hà giả dụ, nếu bị “quẳng” vào một đảo hoang và tách biệt hoàn toàn với xã hội thì chưa chắc anh đã có đủ cảm hứng để vẽ. Người họa sĩ này thích đương đầu với áp lực, sự đối chọi và cả sự nguy hiểm. Anh sẽ tận dụng những điều đó để tạo nên sức mạnh cho mình. Hơn hai mươi năm miệt mài trước giá vẽ với một vị trí tiêu biểu trong giới họa sĩ đương đại, nhưng anh không coi đó là thành công. Bởi có lẽ, anh thấm thía được điều này từ danh họa Picasso: “Sự thành công thì nguy hiểm.Người ta bắt đầu sao chép chính mình, và sao chép chính mình thì nguy hiểm hơn sao chép những kẻ khác.Điều này dẫn tới tự tuyệt sản”. Các giải thưởng chính - Huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật thủ đô các năm 1992, 1993, 1994 - 1994: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - giải ba - 1995: Huy chương bạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc - 2000: Huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc - 2001: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - giải ba - 2001: Giải thưởng Triển lãm Việt Nam - Asean do Philip Morris tài trợ - 2002: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - giải ba Có tranh sưu tầm tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore và Bảo tàng Mỹ thuật châu Á Fukuoka (Nhật Bản) Phóng to Một số sáng tác mới nhất của Lê Quảng Hà: Cuộc đời vẫn đẹp (1), Liên minh (2), Vỗ tay (3)
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Hàng ngàn người dân xếp hàng xem triển lãm quốc phòng quốc tế HÀ QUÂN 21/12/2024 Sáng 21-12, tại sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội, hàng ngàn người dân xếp hàng từ sớm, có người phải đi từ 5h, 6h sáng để có chỗ xem tốt.
Financial Times: Ông Trump đòi tăng gấp đôi ngân sách NATO, vẫn sẽ ủng hộ Ukraine NGỌC ĐỨC 21/12/2024 Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định ông Trump vừa thay đổi yêu sách của mình với NATO và vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine.
Lừa đảo đang nhắm người lớn tuổi có nhiều tiền ĐỨC THIỆN 21/12/2024 Những kẻ lừa đảo đang nhắm đến người lớn tuổi bằng những chiêu lừa khá đơn giản, thậm chí không hề mới.
Vụ chồng bị khởi tố vì ném hỏng điện thoại của vợ: Điện thoại là tài sản chung hay riêng? TUYẾT MAI 21/12/2024 Vụ việc ông Lê Văn Tuấn bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài sản khi ném hỏng chiếc điện thoại của vợ đang được nhiều người quan tâm.