Hét vang rằng 'tôi mất việc'

TRỌNG NHÂN 30/03/2025 01:23 GMT+7

TTCT - Từng là điều đáng xấu hổ, mất việc giờ đây đã trở thành một phần của bản sắc cá nhân trên mạng xã hội khi người ta sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, trải nghiệm bị sa thải.

Hét vang rằng 'tôi mất việc' - Ảnh 1.

Một cựu nhân viên hãng kiểm toán Deloittee tự hào kể trên TikTok: "Vì sao tôi lại vui vẻ khi bị một công ty thuộc nhóm big four sa thải". Ảnh chụp màn hình

Từng là điều đáng xấu hổ, mất việc giờ đây đã trở thành một phần của bản sắc cá nhân trên mạng xã hội khi người ta sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, trải nghiệm bị sa thải. Nhiều người thậm chí còn kiếm được tiền nhờ kể chuyện mất việc.

Khi hay tin bị sa thải vào một buổi sáng tháng 1-2023, Sylvia Duran, cựu giám đốc chiến lược của YouTube, đã làm điều từng bị gắn mác khó chấp nhận: công khai chia sẻ lên LinkedIn. 

Chất chứa trong lòng quá nhiều cảm xúc sau 9 năm tận tụy tại Google rồi YouTube, Duran thuật lại chuyện mình được cho nghỉ như thế nào. Không lâu sau, LinkedIn tràn ngập những bài đăng dài đầy tâm trạng từ 12.000 cựu nhân viên Google. Phần nhiều trong số đó là nạn nhân của cơn bão cắt giảm lao động những năm qua.

Thấy nội dung "ăn khách", Sylvia bèn lập kênh podcast, chia sẻ cuộc sống những ngày thất nghiệp tưởng chán chường mà lại có nhiều điều để nói. Kênh podcast không những kết nối cô với những người cùng số phận, mà còn giúp cô có việc mới tại công ty phần mềm Intuit. Phó chủ tịch công ty này đã nghe toàn bộ podcast của cô trước khi liên hệ và đề nghị cô ứng tuyển, Duran kể với Bloomberg.

Nhiều người cũng nhờ kể chuyện như thế mà kiếm được tiền tươi thóc thật, bởi thuật toán TikTok và YouTube vẫn ưu tiên nội dung gây cảm xúc, và các video nức nở nói chuyện sa thải quá hợp chuẩn. 

Năm 2021, Zoe Pritchard mất công việc cố vấn ở Montreal. Buồn tình, cô lập kênh YouTube để tỉ tê, không ngờ có ngay 10.000 người theo dõi trong tháng đầu tiên và kiếm được 5.000 USD từ tiền quảng cáo, còn nhiều hơn mức lương cũ. 

Bạn trai khuyến khích cô thành "người kể chuyện thất nghiệp chuyên nghiệp", song Pritchard cho rằng phải bước tiếp. "Có thể hình dung nếu tôi ra tiếp video về chuyện này, tôi sẽ có thêm rất nhiều người theo dõi. Nhưng tôi đâu thể là người thất nghiệp mãi mãi được?" - cô nói với Bloomberg.

Theo khảo sát của LinkedIn vào năm 2023, 61% người dùng cảm thấy "thoải mái" hoặc "rất thoải mái" khi công khai việc bị sa thải lên mạng xã hội, so với chỉ 36% cách đó 5 năm. Số liệu phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn nhận chuyện mất việc - từ chỗ coi là điều phải giấu kín, sang nhìn nhận đó là một phần bình thường trên nấc thang sự nghiệp, nhất là trong những ngành có tính biến động cao như công nghệ, bán lẻ hay truyền thông. 

Hơn nữa, từ khi nền tảng LinkedIn ra mắt tính năng #OpenToWork vào năm 2020, hàng triệu người đã công khai tìm kiếm việc làm. Sự lan tỏa của các đợt sa thải lớn trong ngành công nghệ đã giúp thay đổi quan niệm, rằng mất việc không còn là lỗi của cá nhân, mà là hậu quả của một số quyết định kinh tế.

Paul Wolfe, cựu giám đốc nhân sự trang tìm việc Indeed, cho rằng công khai tình trạng thất nghiệp sẽ có hiệu quả nếu giữ tinh thần tích cực. Các bài đăng kể lể chuyện sa thải nên có tinh thần xây dựng, rõ ràng và không quá dài dòng. 

"Bạn hoàn toàn có thể bày tỏ cảm xúc chân thành, chẳng hạn như: Rất tiếc khi thông báo rằng tôi là một trong những người bị ảnh hưởng bởi đợt cắt giảm nhân sự tại công ty. Tôi trân trọng khoảng thời gian được làm việc cùng những đồng nghiệp tuyệt vời tại đây và đang tìm kiếm những cơ hội mới phù hợp" - Wolfe nói với Fast Company. Một bài viết như vậy vừa chuyên nghiệp, vừa ngầm khẳng định bạn là người lạc quan, biết trân trọng trải nghiệm quá khứ.

Nhưng không phải ai cũng như thế. Financial Times ghi nhận nhiều nhân viên công khai chuyện thất nghiệp để "công kích" công ty. Tính đến cuối năm 2024, hơn 32.000 video mang hashtag "#layoffs" đã được đăng tải, thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận trên TikTok. Trong đó có nhiều video thuộc xu hướng "loud quitting" (nghỉ việc ồn ào) - khi người lao động đăng video rầm rộ về việc nghỉ việc để tạo sức ép lên doanh nghiệp. 

"Xu hướng này là một phần của sự thay đổi lớn trong văn hóa làm việc hiện đại, khi người lao động trẻ sẵn sàng gọi tên những môi trường độc hại, quản lý yếu kém hay các chính sách bất công" - Katherine Loranger, giám đốc nhân sự của Safeguard Global, nói với Financial Times.

Nhưng cái gì quá cũng không tốt. Một số nhân vật đã công khai cả tên doanh nghiệp và các bên liên quan trong video có thể vi phạm hợp đồng lao động hoặc quy định bảo mật. "Dù khó để xử lý nhân viên sau khi họ đã rời công ty, các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền riêng tư hay bảo vệ dữ liệu vẫn có thể được áp dụng" - Audrey Williams, luật sư lao động tại hãng luật Keystone Law, cảnh báo.

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc công khai thất nghiệp. Nolan Church, cựu nhân viên tuyển dụng của Google, cho rằng những bài đăng quá cá nhân có thể là điểm trừ trong mắt một số nhà tuyển dụng. Một số chuyên gia khuyên rằng việc chia sẻ có chọn lọc và tập trung vào hướng đi mới có thể mang lại lợi ích nhiều hơn.

Mất việc không còn là điều đáng xấu hổ, nhưng "tự hào" thái quá chắc chắn sẽ tác dụng ngược.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận