Hỡi ôi, trùng tu!

VÕ VĂN TẠO 10/12/2011 23:12 GMT+7

TTCT - Phản hồi chuyên đề trùng tu di tích “Tiền tỉ và những vết thương di sản” trên TTCT số 48 ra ngày 4-12.

Phóng to
Người dân địa phương xem bác sĩ Yersin là huyền thoại nhờ cốt cách giản dị của ông - Ảnh: Võ Văn Tạo

Không chỉ việc trùng tu những di tích Huế “có vấn đề”, dự án “cải tạo và xây mới” mộ bác sĩ A.Yersin - di tích quốc gia - ở Nha Trang, Khánh Hòa gần đây cũng gặp phải nhiều tranh cãi. Một kế hoạch “đẽo gọt, mông má” ngôi mộ có nguy cơ phá vỡ hồn cốt giản dị, kín đáo hiếm có của người quá cố.

“Không thể đòi hỏi bệnh nhân trả công…”

Trong di chúc, bác sĩ Yersin viết: “Tôi muốn được chôn cất đơn giản, không một chút cầu kỳ, không điếu văn, điếu từ”. Trung thành tuyệt đối tinh thần ấy, người dân ở đây đã an táng ông thật giản dị nhưng trang trọng trên quả đồi nhỏ ở thôn Suối Dầu (Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa). Nhiều thập niên qua, nấm mộ đơn sơ, nơi an nghỉ nhà bác học lừng danh đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa dịch hạch, cống hiến lớn phát triển y tế Đông Dương, khai sinh TP Đà Lạt..., đã đi vào tiềm thức không chỉ của người dân Nha Trang mà cả du khách trong và ngoài nước.

Cả đời cống hiến cho khoa học, cho nhân loại, đến lúc yên nghỉ, nhà bác học Yersin để lại một sản nghiệp khổng lồ. Dường như mọi vinh quang hào nhoáng với ông đều phù phiếm. Bác sĩ Kiều Xuân Cư (92 tuổi, ở Nha Trang) kể ngày nhận Bắc đẩu bội tinh, bác sĩ Yersin đi xe đạp về nhà, một tay cầm lái, một tay úp mũ che huân chương trên ngực, về bỏ trong hộc bàn. Đám trẻ nít Nha Trang chạy theo réo “Ông Năm! Ông Năm!”.

Người dân Nha Trang có thể kể cả ngày không hết những câu chuyện về cách làm người, lối sống giản dị của ông Năm bên cạnh sự ham mê học hỏi tiến bộ kỹ thuật của ông. Một trong số đó có chuyện ông là người đưa chiếc ôtô đầu tiên vào Trung kỳ. Sau một lần suýt tông phải một cậu bé, ông bỏ luôn ôtô, đi xe đạp. Một đời gắn bó với dân nghèo Nha Trang, niềm hạnh phúc duy nhất của bác sĩ Yersin là được hướng dẫn họ sống văn minh, biết cách giữ vệ sinh, giúp đỡ họ đi biển tránh bão, thăm khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo…

Trong thư gửi mẹ, bác sĩ Yersin viết: “Con rất vui được tiếp những người hỏi ý kiến, nhưng con không muốn hành nghề bác sĩ. Vì con không thể đòi hỏi bệnh nhân trả công. Con xem ngành y là một thiên chức như mục sư. Đòi bệnh nhân tiền công, có phần như hỏi họ tiền hay cuộc sống! Đồng nghiệp không phải ai cũng chia sẻ ý nghĩ này, nhưng đó là điều con nghĩ và sẽ khó từ bỏ”…

Hơn một tượng đài khoa học, ông Yersin còn là một con người hết sức nhân văn, nhân cách cao cả và thanh đạm, một huyền thoại. Vì thế ngày tiễn ông về Suối Dầu, không chỉ giới chức và đồng nghiệp, người dân Nha Trang nối nhau cả chục kilômet, rất nhiều người đau buồn như mất đi người cha thân yêu, đức độ.

Gần 70 năm qua, người dân địa phương tự nguyện giữ gìn, chăm sóc mộ phần Yersin như một cách tri ân. Nhiều ngôi chùa đặt di ảnh, thờ cúng ông như bậc “cứu nhân độ thế”.

Trùng tu là trùng tu nào?

Tháng 4-2010, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Viện Pasteur Nha Trang bàn giao khu mộ Yersin cho Công ty cổ phần Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang quản lý, tôn tạo để khai thác du lịch. Hội Ái mộ Yersin, đứng đầu là các trí thức cao niên khả kính, ra văn bản cảnh báo việc “thương mại hóa” nơi thờ phụng tôn nghiêm Yersin. Một năm sau, ngôi mộ của nhà bác học đáng kính lại được giao cho đơn vị khác trùng tu tôn tạo. Hội Ái mộ Yersin cực lực phản đối thiết kế “cải tạo và xây mới” khu mộ của Công ty Lạc Hồng, bởi e ngại thiết kế mới làm hỏng hình ảnh huyền thoại của người dân.

Nhà thơ Giang Nam, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng sẽ “nguy hiểm” nếu thiết kế xa lạ với tư tưởng nhân văn của Yersin. Đó sẽ là sai lầm không thể khắc phục. Yersin vĩ đại không chỉ bởi tài năng sáng chói, cống hiến xuất sắc, mà còn bởi nhân cách giản dị, dễ mến, thân thiện với dân, khinh ghét thói hống hách. Di tích về ông là báu vật vô giá không chỉ của Khánh Hòa và Việt Nam. Không nên biến khu mộ giản dị do người dân lập theo ý nguyện của Yersin, gìn giữ nó lâu nay, thành lăng tẩm theo kiểu “nhà giàu hợm của”.

Trùng tu, tôn tạo đúng đắn các di tích luôn là việc không dễ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận