TTCT - Hơn 10 năm qua, cơ sở pháp lý duy nhất để triển khai hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có vấn đề chống lạm thu tiền trường, là thông tư 55/2011/TT–BGDĐT – một văn bản mà nhiều hiệu trưởng coi như không tồn tại. Minh họa: Emiliano Ponzi/Washington PostLá bài "tự nguyện"Vào thời điểm những năm 2010 - 2011, tình trạng lạm thu trong các nhà trường đã là vấn đề nhức nhối mỗi khi năm học mới bắt đầu. Năm 2012, gần 176 triệu đồng (tương đương 240 triệu hiện nay) là con số dự toán thu chi quỹ phụ huynh chỉ cho học kỳ I của một lớp học ở Hà Nội, gần gấp đôi tổng số tiền ngân sách chi cho hoạt động giáo dục cả năm học của một trường ở tỉnh miền Trung. Trong đó, rất nhiều khoản thu nằm ngoài quy định do ban đại diện cha mẹ học sinh vận động, tổ chức thu tiền. Nó được hợp lý hóa bằng con bài "tự nguyện".Có rất nhiều việc của trường được xử lý êm xuôi bằng con đường như sau: Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp, trường muốn đồng bộ hóa máy chiếu, ti vi, điều hòa, bàn ghế, rèm cửa, tủ để đồ cho học sinh... giải quyết ngay. Trường muốn sửa cổng, làm sân khấu, làm hàng rào, mua thêm trang thiết bị, hay cần kinh phí cho các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, tổ chức các lễ hội, kinh phí cho việc vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây cối... cũng có ngay. Đó là chưa kể những khoản kinh phí để thăm hỏi thầy cô giáo, nhân viên của trường vào ngày lễ tết, chi phí cho các hoạt động nội bộ từng lớp học.Ban đại diện cha mẹ học sinh vì thế đã trở thành "bàn tay nối dài" của ban giám hiệu. Vì những gì nhà trường muốn, ban đại diện sẽ thực hiện để quyên góp tiền. Ở nhiều trường, hiệu trưởng chỉ "gợi ý" trong cuộc họp phụ huynh cấp trường. Thậm chí, chỉ gián tiếp thông tin cho ban đại diện cha mẹ học sinh theo những cách tế nhị. Ban đại diện sẽ phải "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình".Việc quyên góp "tự nguyện" được thông báo, lấy biểu quyết qua quýt tại các buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm hoặc phát mẫu phiếu xác nhận tự nguyện đóng góp cho phụ huynh điền tên. Hầu như không có mấy phụ huynh dám từ chối gật đầu hoặc không điền tên vào phiếu "tự nguyện". Cách đóng tiền thường là cào bằng, chia đều theo đầu học sinh/lớp. Những phụ huynh đóng góp vượt trội so với mức chung thì được thông tin công khai để "làm gương".Tất cả những việc này ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra lo liệu. Thế nên, khi có "biến", hiệu trưởng vẫn vô can."Trường không chủ trương việc đó" hoặc "Phụ huynh tự làm, ban giám hiệu không biết việc này" - đó là cách giải thích của nhiều hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng bảo không biết thì đương nhiên trưởng phòng giáo dục, giám đốc sở GD-ĐT cũng "không biết", cả ngành giáo dục "không biết" về những khoản thu trong chính các cơ sở của mình.Nhưng thu tiền kiểu ấy đã gây bức xúc đến độ, rốt cuộc, năm 2011 một thông tư để "điều chỉnh" vấn đề này phải được ban hành. Lần đầu tiên có các quy định mang tính ràng buộc trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm trong kế hoạch hoạt động, kinh phí được thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh.Cụ thể, trong các khoản a, b của điều 10 tại thông tư trên quy định trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể cha mẹ học sinh lớp thống nhất. Trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất.Với quy định này, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm không thể nói "không biết" về các khoản thu chi liên quan tới hoạt động của lớp, của trường.Thông tư trên cũng quy định rõ về nguyên tắc thu chi phải đảm bảo tính tự nguyện, công khai, minh bạch. Đặc biệt không thu theo mức bình quân. Và đây cũng là lần đầu tiên có một thông tư quy định về thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh nêu cụ thể những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, kể cả khi có sự tự nguyện.Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục thời đó, thông tư 55 đã bám sát hơn với thực tiễn, chạm đến và làm rõ những điểm mờ dễ bị lợi dụng để lạm thu.Nhưng hơn 10 năm qua, thực trạng lạm thu vẫn tồn tại, chẳng những thế còn gia tăng dữ dội và lan tràn khắp nơi. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm vẫn thản nhiên phát biểu rằng họ "không biết" chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh thu và chi, bất kể trong kế hoạch chi của ban đại diện có rất nhiều phần việc mà nhà trường đang thực hiện.Và như thế, nhìn từ thực tế, thông tư 55 vẫn còn "tính thời sự" vì những điều nhức nhối nhất của lạm thu hiện nay đều được quy định tại đó. Chỉ có điều, nó không được thực hiện trong hơn một thập niên qua và chưa bao giờ có tác dụng gì lớn trên thực tế.Làm thì ít, lách thì nhiềuỞ thời kỳ đầu khi mới ban hành thông tư, một hiệu trưởng ở Hà Nội cho biết "Mỗi năm học tôi chỉ dám xin phụ huynh một thứ, dù có rất nhiều việc cần phải chi mà tiền không có, chỉ có thể trông đợi vào nguồn xã hội hóa". Ông trực tiếp gửi thư ngỏ trình bày với ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp vào đầu năm học về việc "xin tiền" và nhấn mạnh rằng đây là chuyện tự nguyện, đóng góp tùy tâm. Việc làm xong, trường thông tin về thành quả và gửi thư cảm ơn cha mẹ học sinh.Theo vị hiệu trưởng này, nếu trông chờ ngân sách thì cho dù có được duyệt chi cũng phải rất lâu vì nhiều thủ tục phức tạp, vì thế, cũng như nhiều hiệu trưởng khác, ông tận dụng nguồn thu xã hội hóa cho nhanh được việc.Nhưng không phải hiệu trưởng nào cũng rành rọt được như thế. Trong 10 năm qua, phổ biến trong các nhà trường vẫn là tình trạng hiệu trưởng buông lỏng kiểm soát việc thu chi theo danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra. Thậm chí, có ban giám hiệu còn gợi ý để ban đại diện cấp trường và giáo viên chủ nhiệm truyền đạt lại cho ban đại diện ở các lớp thực hiện các nội dung thu chi sai quy định.Và họ tìm ra cách lách. Ví dụ, đối phó với quy định cấm thu tiền "tự nguyện" theo mức bình quân, nhiều ban đại diện thống nhất với giáo viên chủ nhiệm quy định "mức sàn" hay "mức tối thiểu". "Mới đây ban đại diện đề nghị thu thêm tiền, nói rõ mức đóng tối thiểu không dưới 500 ngàn đồng. Như thế thì còn tệ hơn cả thu bình quân" - một phụ huynh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.Nhiều "ban đại diện" phân ra hai loại tiền: tiền ủng hộ các công việc, hoạt động cụ thể của trường, tùy từng năm học và tiền quỹ phụ huynh để duy trì hoạt động chung. Phần đưa cho nhà trường được thực hiện đúng nguyên tắc theo thông tư 55 hơn, nhưng quỹ cha mẹ học sinh thì trăm hoa đua nở, mức tiền và đầu việc cần chi tiền tăng theo từng năm học.Và vì thế, ngay cả khi việc chi quà cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vào nhiều dịp lễ tết đã bị cấm, đây vẫn cứ là khoản chi chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong quỹ cha mẹ học sinh.Năm học này, trong những bảng kê chi tiết thu chi từ quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh bị rò rỉ hoặc buộc phải cung cấp sau khi có phản ánh của người trong cuộc, có tới 80 - 90% nội dung chi sai quy định.Quỹ cha mẹ học sinh giữa các lớp trong cùng trường, giữa các trường khác nhau có sự chênh lệch lớn hơn so với trước. 5 năm trước, mức thu quỹ cha mẹ học sinh dao động từ 300 - 500 ngàn, hiện nay mức 500 ngàn cũng có nhưng mức 5 triệu đồng cũng có.Cũng những khoản chi giống nhau nhưng mức chi có thể cách biệt hàng chục lần. Nhiều phụ huynh đã nhận được các "tối hậu thư" về việc không đóng tiền thì nên chuyển con đi trường khác.Khi câu chuyện lạm thu bị lên án, các nhà trường bị cấp trên "hỏi thăm", cách đổ lỗi phổ biến vẫn là "do cha mẹ học sinh tự ý làm". Theo thông tư 55, lý do này không giúp hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm vô can, nhưng sự đổ lỗi này cho thấy các hiệu trưởng và giáo viên không nắm hoặc không nhớ gì về những quy định của pháp luật. Thông tư 55 dù còn hiệu lực nhưng đã mất "uy".Sẽ cần nhiều văn bản nữa?Để "chấn chỉnh lạm thu", năm học nào Bộ GD-ĐT cũng đưa vấn đề này vào nhiệm vụ năm học. Các địa phương cũng có nội dung chống lạm thu trong các nghị quyết của HĐND, trong các văn bản chỉ đạo của UBND hay của sở GD-ĐT.Nhưng các văn bản ấy hầu như đứng ngoài cổng trường một khi việc kiểm tra, giám sát và chế tài sai phạm không được làm nghiêm. Trong nhiều vụ đình đám để xảy ra lạm thu và thu sai trong những năm qua, hiệu trưởng chỉ bị phê bình, khiển trách và yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh.Mới đây, khi cử tri chất vấn, ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sẽ nghiên cứu để sửa thông tư 55 nhằm chấn chỉnh lạm thu. Không biết bộ trưởng có hướng sửa thông tư thế nào, nhưng với quy định hiện hành, chỉ cần làm tốt thì lạm thu đã được đẩy lùi.Vấn đề là có thực hiện không và làm như thế nào. Khi nhìn vào động thái của Bộ GD-ĐT trước vấn đề lạm thu gia tăng ở năm học mới, có thể thấy "khó vẫn hoàn khó". Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, họ sẽ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới, trong đó có vấn đề thu chi tiền trường tại 4/63 tỉnh. Số lượng kiểm tra quá ít, lại ở những địa phương không phải điểm nóng về lạm thu là động thái không thuyết phục được ai. Trong khi đó, những trường hợp thu sai nghiêm trọng ở một số địa phương được truyền thông nêu trong thời gian qua lại không được Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT liên quan bày tỏ thái độ và rốt ráo kiểm tra, xử lý. Sự lừng khừng, né tránh này cho thấy lạm thu còn là câu chuyện chưa có hồi kết, kể cả khi Bộ GD-ĐT có thêm các văn bản pháp lý mới. ■GS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong một cuộc trao đổi liên quan tới vấn đề lạm thu ở các trường đã cho rằng cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để "làm gương". Nhưng một số luật sư cho rằng chỉ xử lý hình sự khi có dấu hiệu lấy tiền của phụ huynh sử dụng với mục đích cá nhân, những trường hợp khác vẫn có thể có các mức chế tài có sức nặng.Ông Nguyễn Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thì có một gợi ý: nên cách chức hiệu trưởng ở những nơi xảy ra lạm thu. Tags: Tình trạng lạm thuQuyên góp tiềnHọp phụ huynhNgành giáo dụcSử dụng kinh phíBan giám hiệuNăm học mớiTrang thiết bịHà NộiThông tư 55/2011/TT–BGDĐTBan đại diện cha mẹ học sinhLạm thu tiền trườngQuỹ hội phụ huynh
Bỏ quy định người dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình HỒNG QUANG 05/10/2024 Theo quy định mới về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hình thức giám sát lực lượng công an làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ.
Tiếp sức đến trường 4 tỉnh Bắc Trung Bộ: Bố đi 200km gặp con trên sân khấu nhận học bổng TRÀ PHƯƠNG 05/10/2024 Ông Sùng A Lo - bố của tân sinh viên Sùng A Hồng - vượt hơn 200 cây số từ huyện Mường Lát đến thành phố Thanh Hóa dự lễ trao học bổng. Sùng A Hồng xúc động khi bố xuất hiện ở sân khấu.
Bé 6 tuổi bị bạo hành dã man ở quận 8: Cha ruột và mẹ kế khai gì? ĐAN THUẦN 05/10/2024 Trong thời gian chung sống, cháu K. bị cha bạo hành dã man bằng nước sôi gây thương tích 11% ở chân. Ngoài ra cháu còn bị cha và mẹ kế đánh đập gây thương tích 30%.
Băng sex bị rao bán của Diddy có nhiều ngôi sao lớn của Hollywood? TÔ CƯỜNG 05/10/2024 Có nhiều cuộn băng sex quay tại những bữa tiệc thác loạn của Diddy đang được rao bán, trong đó có nhiều sao lớn của Mỹ được cho là có mặt. Ông Donald Trump cũng được cho là có dự tiệc của Diddy.