TTCT- Ở Việt Nam hiện không và khó có thể có thống kê chính xác, nhưng tại Mỹ thì 3/4 thuốc được kê toa cho người lớn là thuốc thứ cấp (tức generic drugs, cũng được gọi là “thuốc gốc” ở Việt Nam, hàm ý các loại thuốc sử dụng dược liệu gốc nhưng không có thương hiệu. Viagra cũng vừa hết hạn bảo hộ bản quyền và đã bắt đầu có phiên bản generic.-Ảnh: The New York Times Tuy nhiên, có lẽ gọi là thuốc thứ cấp mới chính xác và không gây hiểu lầm). Có tới 43% người Mỹ lo lắng hay hiểu sai về thuốc thứ cấp, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm quốc gia Dữ liệu người tiêu dùng. Với tiêu chuẩn ở Mỹ, quá trình cho ra một loại thuốc mới cực kỳ phức tạp và đôi khi kéo dài rất lâu. Thuốc mới dựa trên việc bào chế - tổng hợp dược liệu mới. Sau khi dược liệu được thử nghiệm trên động vật cho kết quả khả quan, các nhà nghiên cứu sẽ chuyển sang giai đoạn chiết tách hoạt chất và bắt đầu thử nghiệm ở người. Để được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, một loại thuốc thương mại phải trải qua bốn pha thử nghiệm lâm sàng và có ít nhất hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng độc lập cho ra cùng kết quả. Hãng dược được cấp phép sẽ đặt tên thương mại cho dược chất và biến nó thành thuốc từ nghiên cứu gốc đó. Bù đắp chi phí, thời gian và rủi ro mà họ phải trải qua để cho ra đời loại thuốc mới, các hãng dược được nắm sở hữu trí tuệ độc quyền với dược chất trong một thời gian nhất định (thường là 20 năm). Sau khi hết thời hạn đó, các công ty dược khác có thể bắt đầu sử dụng dược chất, bào chế sao cho tỉ lệ các dược chất gần giống với nghiên cứu gốc nhất và do đó được cho là có tác dụng tương đương. Các loại thuốc “làm lại” này được gọi là thuốc thứ cấp, với giá bán thấp hơn nhiều so với thuốc gốc. Nghiên cứu thuốc thứ cấp đơn giản hơn nhiều, thường chỉ bằng một pha của quá trình hình thành biệt dược gốc và các loại thuốc này cũng đã có sẵn trên thị trường. Nỗi lo chất lượng Trong khi FDA khuyến cáo người dân vẫn nên sử dụng thuốc thứ cấp bình thường, nhiều tranh luận và lo lắng đã nổ ra liên quan tới việc sản xuất những loại thuốc này, nhất là khi ở một số quốc gia sản xuất và xuất khẩu rất nhiều loại thuốc này - đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ - việc quản lý nhà nước về dược phẩm chưa có được sự chặt chẽ và nguồn lực kiểm soát như tại Mỹ. Theo Consumer Reports, 80% nguyên liệu trong tất cả các loại thuốc ở Mỹ - cả thứ cấp lẫn có thương hiệu - hiện đều được sản xuất ở nước ngoài. Hầu hết các loại thuốc có thương hiệu cũng được sản xuất ở cùng những nước và nhiều khi là cùng nhà máy với các loại thuốc thứ cấp của chúng. FDA thỉnh thoảng cũng phát hiện vài vụ thuốc thứ cấp chất lượng kém nhập khẩu, nhưng cơ quan này về cơ bản không thể vươn bàn tay thanh tra, kiểm tra của họ ra các nhà máy tại nước ngoài. “Nguy cơ thuốc chất lượng kém tồn tại với cả thuốc thương hiệu và thuốc thứ cấp, chúng ta cần cảnh giác chuyện đó - Aaron Kesselheim, giáo sư về dược học ở Bệnh viện Phụ khoa Boston, nói với Consumer Reports - Nhưng tới giờ, có vẻ như các loại thuốc giả và nhập lậu là cực hiếm gặp ở Mỹ”. Trong hơn 50 năm qua, các hãng sản xuất dược dựa trên nghiên cứu gốc đã cố gắng thuyết phục bác sĩ và bệnh nhân là thuốc thứ cấp không tốt như thuốc thương hiệu nguyên bản. Không giống các hàng hóa thương phẩm thông thường, để được tiếp thị một loại thuốc mới, nhà sản xuất cần cung cấp hàng nghìn trang kết quả dữ liệu thử nghiệm lâm sàng chứng minh rằng nó an toàn và có tác dụng. Còn để nhận giấy phép thuốc thứ cấp, một hãng dược cần chứng minh rằng sản phẩm của họ giống với bản gốc trong mọi khía cạnh quan trọng về các đặc điểm sinh hóa, bao gồm thành phần dược liệu, độ tinh khiết, chất lượng, tá dược và tỉ lệ hấp thu thuốc. Cuộc tranh cãi nằm ở chỗ những sự giống nhau đó. Nhiều nhà hoạt động và cả giới làm chính sách, từ những năm 1960, bắt đầu lập luận rằng sự khác biệt lớn về giá cả giữa thuốc thương hiệu và thuốc thứ cấp ngày càng khó chấp nhận. Nếu thuốc thứ cấp giống nhưng rẻ hơn, theo họ, thì lập luận của những hãng sản xuất thuốc thương hiệu rằng thuốc của họ tốt hơn chỉ là để tiếp tục sự độc quyền trên thị trường. Nhưng các công ty dược không phải là các thực thể duy nhất có lợi ích kinh tế trong việc phân biệt thuốc thứ cấp với thuốc gốc. Ở phía bên kia, nhiều tổ chức của các bác sĩ nói người làm chính sách và các công ty bảo hiểm ủng hộ thuốc thứ cấp cũng chính vì lợi ích kinh tế của họ: động cơ chi ít tiền hơn dù chất lượng có giống hay không. Hai lập trường này, chống và ủng hộ thuốc thứ cấp, trở thành cuộc chiến “ý thức hệ” chính của ngành dược trong thế kỷ 20. “Không đáng kể” và “chủ yếu” Nếu chỉ nhìn vào một sự kiện cụ thể, như vụ H-Capita ở Việt Nam đang diễn ra, người ta có thể xác quyết đúng sai khá nhanh và dễ dàng. Tuy nhiên, nếu nhìn cả một thời gian dài, xung đột về thuốc thứ cấp không dễ phân định như thế. Như thường lệ, những cuộc tranh luận giờ mới bắt đầu ở Việt Nam đã diễn ra ở các nước phát triển một thời gian dài trước đây. Một ví dụ đáng tham khảo là loại thuốc cực kỳ thành công của Hãng dược Mỹ Parke-Davis, Chloromycetin, mà vào năm 1966 trở thành loại thuốc kháng sinh đầu tiên không được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nữa và đối mặt với cạnh tranh từ thuốc thứ cấp. Với rất nhiều tổ chức vận động cho người tiêu dùng và người làm chính sách ở chính quyền liên bang, đây là dịp để họ tiết kiệm chi tiêu y tế từ Medicare và Medicaid, vốn trước đó chi tiền hoàn toàn cho thuốc thương hiệu. Nhưng với các giám đốc của Parke-Davis, thuốc thứ cấp có nguy cơ gây ra tổn thất lớn về thị phần cho sản phẩm chủ lực của họ. Tuy nhiên, khi các viên Chloromycetin thứ cấp xuất hiện trên thị trường, một trong các sản phẩm rẻ tiền hơn đó hóa ra không tan trong nước. Thử nghiệm tiếp tục ở hàng loạt căn cứ quân sự và nhà tù Mỹ cho thấy một số viên thuốc thứ cấp đi thẳng qua hệ tiêu hóa của người và không hề được hấp thụ. Mặc dù các loại thuốc này đã được chứng minh có cùng thành phần hóa học, chúng rõ ràng không có tác dụng tương đương. FDA đã ra lệnh rút các phiên bản thứ cấp này khỏi kệ hàng, rồi điều chỉnh quy định nói các loại thuốc làm lại phải “tương đương về mặt sinh học” với bản gốc. Một năm sau, một phiên bản thứ cấp mới của Chloromycetin được FDA chấp thuận và từ đó tới nay thuốc thứ cấp trở nên phổ biến ở Mỹ. Các loại thuốc thứ cấp được tiếp thị là giống với thuốc thương hiệu trong tất cả những điểm quan trọng. Ở Mỹ, chúng được phép khác biệt về tên thương hiệu, giá cả, màu sắc, kích thước, hình dáng, nơi sản xuất, một số chất nhuộm cụ thể..., nhưng chìa khóa để các loại thuốc này được chấp nhận là tuyên bố những khác biệt “không đáng kể” và những điểm giống nhau là “chủ yếu”. Tuy nhiên, như trường hợp Chloromycetin nhắc nhở chúng ta, hiểu biết của chúng ta về điều gì là “không đáng kể” và điều gì là “chủ yếu” trong dược học là một mục tiêu di động, một cuộc tranh luận về tri thức và cả về lợi ích kinh tế. Cấu tạo hóa học hay tác động sinh học tương đương chỉ là hai trong nhiều thước đo có thể được sử dụng để đánh giá sự giống và khác nhau trong cuộc tranh cãi về thuốc thứ cấp. Trong khi đó, thuốc thứ cấp từ chỗ chỉ chiếm 10% tất cả các loại thuốc kê toa ở Mỹ vào năm 1960 thì tới năm 2010 đã là hơn 80%. Trong cuộc chiến giống và khác này, gần như mọi thứ đều quan trọng, ngay cả những thứ về mặt kỹ thuật không phải là thành phần hoạt tính. Khi uống một viên kháng viêm Ibuprofen, chúng ta thường nghĩ đó là một phân tử ibuprofen, nhưng viên thuốc không chỉ có ibuprofen, nó còn được ion hóa thành một loại muối với các chất tạo hương, chất gắn, chất độn và phủ một loại màu có bản quyền. Tất cả các thành phần không hoạt tính này đều là bí mật thương mại và một số khía cạnh - như kích cỡ, hình dáng và màu sắc viên thuốc - được bảo vệ theo Luật bản quyền. Một nghiên cứu lâm sàng từ những năm 1950 ở Mỹ đã cho thấy cách thức sử dụng thuốc cũng quan trọng không kém chất lượng thuốc. Có thể ở một thời điểm nào đó sẽ có đủ bằng chứng để đo đếm chính xác tất cả các loại thuốc thứ cấp so với thuốc gốc. Tuy nhiên, hiện giờ cách diễn giải ngay cả của FDA với việc cấp phép thuốc thứ cấp và Luật bản quyền ở Mỹ vẫn coi những thứ như hình dạng và lớp phủ bên ngoài của các loại thuốc là không quan trọng với tác dụng của nó. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể phức tạp hơn. Hương vị và hình dáng thuốc có thể là chuyện nhỏ khi thuốc dùng cho một bệnh nhân người lớn nhưng với một đứa trẻ 5 tuổi chẳng hạn, thuốc có vị ngọt hay không, có mùi dâu hay không có thể là chuyện hoàn toàn khác. Các hệ thống phân loại trong xã hội của chúng ta thật ra đều là nhân tạo. Hai con gà thịt từng được tiếp thị như nhau vào những năm 1980, giờ có thể được phân loại và bán giá hoàn toàn khác nếu một con nuôi trong lồng theo kiểu công nghiệp, còn con kia nuôi thả. Quần áo thì được phân loại có phải sản xuất ở những nhà máy tính đến phúc lợi của công nhân may hay không. Giấy được phân loại là tái chế - thân thiện môi trường và không tái chế. Tương tự là với thuốc thứ cấp. Thật khó nói chúng giống hay khác thuốc gốc, để rồi có thể mặc nhiên đưa vào sử dụng đại trà.■ Vấn đề của các nước đang phát triển Tiến sĩ Ashok Panagariya - giáo sư danh dự và là phó chủ tịch Đại học Y khoa Rajasthan, Ấn Độ - viết trên First Post hồi tháng 4: “Trong khi ở Mỹ có sự kiểm tra chất lượng và giám sát định kỳ với chất lượng thuốc, ở Ấn Độ thì không như thế. Ở Ấn Độ, việc cấp phép cho một loại thuốc qua các mối quan hệ chính trị bằng những phương tiện nhũng lạm cũng dễ như mua rau ngoài chợ. Cơ chế kiểm soát thuốc ở Ấn Độ có những hạn chế lớn cả về nhân lực và công nghệ. Tham nhũng trong hệ thống khiến tình hình tồi tệ thêm… Không người làm trong nghề y nào lại phản đối thuốc thứ cấp giá thấp miễn là có chất lượng, nhưng tôi tin không tới 1% thuốc thứ cấp bán ở Ấn Độ đã trải qua các thử nghiệm chất lượng như ở Mỹ và châu Âu… ”. Tags: Thuốc giảThuốc gốcThuốc thứ cấp
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.