TTCT - Trung Quốc đang cân nhắc các chính sách với Hong Kong khi thời điểm 2047 đang đến gần. Ảnh: The Economist Người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) của Trung Quốc, Hạ Bảo Long, vừa có chuyến thăm tới đặc khu hành chính Hong Kong từ 13 đến 19-4; một chuyến đi tìm hiểu thực tế mà Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu cho biết phản ánh sự quan tâm của chính quyền trung ương Bắc Kinh với Hong Kong. Chỉ trong vòng 6 ngày, ông Hạ đã tới 28 cuộc gặp gỡ và họp hành.Ở tuổi 70, đó là một lịch làm việc hết sức dày đặc với ông Hạ, ông đã tiếp xúc giới lãnh đạo hầu hết các lĩnh vực ở Hong Kong, từ hành pháp, lập pháp, tư pháp, tới doanh nghiệp, kinh doanh và tài chính, công nhân, cho đến các trường phổ thông và đại học.Dù cần đợi thêm một thời gian mới biết chuyến đi của ông Hạ có thể dẫn đến các chính sách và biện pháp cụ thể gì từ Bắc Kinh với các vấn đề của Hong Kong, nhưng thông điệp được truyền tải là hết sức rõ ràng. Ông Hạ tuyên bố: "Thành phố nên gác lại chính trị và tập trung vào phát triển kinh tế" - chính quyền Bắc Kinh cho rằng nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất trật tự từ các cuộc biểu tình đường phố đòi dân chủ ở Hong Kong vẫn chưa được loại bỏ, nhưng cũng hiểu rằng muốn Hong Kong tập trung phát triển kinh tế thì thành phố này trước mắt vẫn phải được đối xử khác với các đô thị ở Trung Quốc đại lục.2047Chuyến thăm của ông Hạ tới Hong Kong diễn ra khi thời gian dự kiến dành cho mô hình "một quốc gia, hai chế độ" của hòn đảo chỉ còn hơn 20 năm nữa. Ngày 1-7-2047, đúng 50 năm sau khi Vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, sẽ đánh dấu chấm dứt thỏa thuận hiện giờ, theo đó thuộc địa cũ của Anh sẽ được quản lý hoàn toàn dưới chủ quyền của Trung Quốc.Thời điểm này gợi nhớ lại lịch sử những năm 1970, khi chỉ còn hơn 20 năm là tới mốc 1997 - Hong Kong trở về với Trung Quốc. Những hãng bất động sản đầy quyền lực ở Hong Kong khi đó đã thúc giục chính quyền phải đàm phán với Bắc Kinh về tương lai hòn đảo để họ có thể an tâm tiếp tục xây, bán và cho thuê bất động sản. Ở Hong Kong những năm tháng đó, ngày 30-6-1997 thường được dùng là mốc cuối cùng cho các hợp đồng địa ốc.Tháng 3-1979, Murray MacLehose, toàn quyền Anh ở Hong Kong, bay đến Bắc Kinh để giải thích các vấn đề của Hong Kong với Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc lúc bấy giờ. Cuộc gặp đã mở đầu cho quá trình đàm phán chính thức Anh - Trung Quốc về tương lai Hong Kong, kết thúc bằng tuyên bố chung 1984. Tuyên bố chung đấy bao gồm một phụ lục dành riêng để giải quyết các vấn đề đất đai, trao cho Anh quyền hợp pháp được cấp và gia hạn thuê bất động sản tới sau ngày 30-6-1997 - với điều kiện ngày hết hạn không muộn hơn một cột mốc mới giờ đang tới gần: 30-6-2047.Nhìn vào lịch sử đó, không ngạc nhiên khi đến nay, thảo luận về tương lai Hong Kong sau ngày 30-6-2047 lại một lần nữa tập trung vào vấn đề bất động sản, vốn chiếm khoảng 10% GDP của thành phố. Tuy nhiên, giới hạn thời gian giờ đã khác, khi tất cả đất đai và tài nguyên thiên nhiên thuộc lãnh thổ Hong Kong đã vĩnh viễn thuộc về Nhà nước Trung Quốc. Quyền quản lý, sử dụng và phát triển các đất đai đó, kể cả cho thuê đất, hiện được chính quyền trung ương Trung Quốc ủy quyền cho chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong.Một câu hỏi lớn hơn là liệu kỷ nguyên mới của lịch sử Hong Kong sau 2047 có ảnh hưởng đến giá bất động sản ở thành phố từng có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới, và nền kinh tế Hong Kong nói chung, hay không?Không còn như trướcChuyến thăm của ông Hạ diễn ra trong bối cảnh về mặt kinh tế, Hong Kong ngày kém quan trọng với Trung Quốc. Tỉ trọng của Hong Kong trong GDP Trung Quốc đã giảm đáng kể trong 25 năm qua. Năm 2021, GDP của Hong Kong chỉ còn tương đương 2,1% GDP Trung Quốc đại lục, so với 18,4%, tức gần bằng 1/5, vào năm 1997.Vai trò của Hong Kong như cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài về thương mại và đầu tư theo cả hai chiều cũng đã giảm đi trong những năm gần đây. Khi Trung Quốc mở cửa mạnh mẽ hơn và tham gia trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu với các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh, vai trò của Hong Kong ngày càng lu mờ.Tuy nhiên, Hong Kong với Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế. Mà ngay cả chỉ nói về kinh tế thì trong lĩnh vực tài chính, vai trò của Hong Kong hiện vẫn là không thể thiếu với đại lục, và xét một số phương diện, vai trò đó đã tăng lên chứ không hề giảm bớt thời gian qua. Hong Kong vẫn tỏ ra là nơi huy động vốn cổ phần đáng tin cậy hơn so với đại lục. Yếu tố này tối quan trọng: Hong Kong đang mang tới cho các công ty hàng đầu Trung Quốc khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu.Nhiều công ty nước ngoài cũng sử dụng Hong Kong làm điểm tựa để đầu tư vào Trung Quốc vì đặc khu mang lại cho họ điều không dễ có ở các thành phố đại lục: môi trường đầu tư ổn định, hệ thống tòa án được coi là công bằng, minh bạch, có truyền thống pháp trị lâu đời kế thừa từ Anh.Nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc còn biến Hong Kong thành nơi thử nghiệm một loạt cải cách tài chính: định hướng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã bắt đầu ở chính Hong Kong vào năm 2009, với một thử nghiệm trong thanh toán thương mại. Hong Kong cũng là nơi có thị trường trái phiếu "dim sum" lớn nhất, tức các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ phát hành ở nước ngoài. Hong Kong rất sẵn lòng triển khai những thí nghiệm này cho Trung Quốc đại lục với tư cách là trung tâm tài chính tiên phong. Đây là vị thế mà Thượng Hải hay Thâm Quyến chưa thể thay thế được.Bắc Kinh trông xuống, Đài Loan trông vàoNhững năm qua, khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ liên tục gây mất ổn định ở Hong Kong và xuất hiện mối lo rằng Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh tay, câu hỏi về số phận thành phố sau năm 2047 ngày càng trở nên khẩn thiết.Tháng 3-2022, ông Hạ Bảo Long, vốn là người thân thiết với ông Tập Cận Bình - hai người từng là đồng nghiệp gần gũi ở Tỉnh ủy Chiết Giang giai đoạn 2003-2007, trấn an người dân Hong Kong rằng mô hình "nhất quốc lưỡng chế" và "mức độ tự trị cao" của Hong Kong có thể kéo dài thêm 50 năm nữa sau 2047.Đến 1-7-2022, ông Tập thậm chí không đề cập chuyện năm 2097, mà ngụ ý chế độ riêng cho Hong Kong có thể kéo dài không xác định. Trong lễ kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong trở về đại lục, ông phát biểu: "Đối với loại hệ thống tốt này, không có lý do gì để thay đổi nó, nó phải được duy trì lâu dài". Có thể thấy, lời bảo đảm đó không chỉ dành cho đặc khu Hong Kong.Đã từ lâu, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố họ có thể cho Đài Loan những quyền tự trị còn lớn hơn Hong Kong nếu hòn đảo này trở về với "đất mẹ". Tuy nhiên, cử tri Đài Loan những năm gần đây có vẻ không thấy thuyết phục với đề nghị đó. Họ đã bầu lên bà Thái Anh Văn, người có quan điểm ly khai với đại lục, vào năm 2016. Hai năm trước đó, phong trào xuống đường "dù vàng", với nòng cốt là người trẻ và giới sinh viên, nổ ra ở Hong Kong.Chính vì vậy, lời hứa duy trì mô hình "một quốc gia, hai chế độ" cho Hong Kong trong thời gian vô hạn định có liên quan tới cuộc bầu cử sắp tới ở Đài Loan, sẽ diễn ra vào tháng 1-2024. Bắc Kinh ít nhất sẽ phải cho thấy họ đối xử nhất quán với Hong Kong. Những năm qua, Chính phủ Anh đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm tuyên bố chung 1984 bằng cách can thiệp trực tiếp vào hệ thống pháp luật Hong Kong, áp đặt luật an ninh quốc gia vào tháng 6-2020, cũng như yêu cầu các cải cách lớn với hệ thống bầu cử chính quyền đặc khu.Không có gì lạ khi ở Đài Loan, nhiều người sẽ nhìn vào chính sách và triển khai thực tế của chính quyền trung ương Trung Quốc ở Hong Kong để đánh giá "công thức thống nhất" của Bắc Kinh. Hong Kong vì vậy sẽ trở thành nơi thử nghiệm không chỉ các chính sách kinh tế hay tài chính của đại lục, mà cả chính sách "một Trung Quốc" nữa. ■ Các công ty Trung Quốc đại lục hiện chiếm khoảng 80% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Hong Kong - Hang Seng, so với chỉ 16% vào năm 1997. Những đại gia công nghệ đại lục như Tencent hay Alibaba đều đã niêm yết ở Hang Seng, nơi có 7/10 cổ phiếu hàng đầu là công ty Trung Quốc đại lục, thay vì các đại gia Hong Kong cũ như Cathay Pacific hay Television Broadcasts Limited (tức Đài TVB khá quen thuộc với khán giả Việt Nam). Tags: Đặc khu hành chínhChính quyền Bắc KinhPhát triển kinh tếTrung Quốc đại lụcBất động sảnGiá bất động sảnChính phủ Trung QuốcĐồng nhân dân tệHong KongBắc KinhĐài LoanHạ Bảo Long
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Mây dông từ biển kéo vào, TP.HCM sắp có mưa nhiều nơi LÊ PHAN 13/12/2024 Mây dông đang phát triển mạnh ở vùng biển sát TP.HCM có xu hướng di chuyển vào đất liền, mưa ở Cần Giờ rồi mở rộng ra nhiều nơi.
Người đàn ông kể lại giây phút 'thót tim' cứu em nhỏ khỏi điểm mù xe tải HỒNG QUANG 13/12/2024 Dù nhiều người gọi là "người hùng", anh Tiến Anh chỉ cho rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy, bởi "đơn giản là dành sự quan tâm đặc biệt với trẻ em".
Khởi tố, bắt tạm giam bị can đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở quận 4 MINH HÒA 13/12/2024 Ngày 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa về tội cố ý gây thương tích vì đánh cô gái sau va quẹt giao thông ở quận 4.
Phát hiện xe hơi dưới kênh nước, tài xế chết trong xe AN LONG 13/12/2024 Sáng sớm, người dân phát hiện chiếc xe hơi 5 chỗ đã lật ngửa, chìm dưới kênh nước.