TTCT - Pờ Pố Chừ - người đảng viên đầu tiên của vùng ngã ba biên giới - chắc hài lòng lắm, khi con cháu họ Pờ của ông - người thật việc thật - làm điểm tựa tin cậy cho cả cộng đồng Hà Nhì vùng biên ải cực Tây cứ thế mà hi vọng, mà mơ ước và phát triển. Bản Tà Miếu ở cực Tây Việt Nam - Ảnh: Ngọc QuangCực Tây Tổ quốc, nơi có ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung lừng danh với câu “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Câu nói đó nay đã được in lên chiếc áo phông làm quà lưu niệm cho những ai thích chinh phục cột mốc số 0 ở toạ độ 22°23'59”B (độ vĩ Bắc), 102°8'42”Đ (độ kinh Đông). Đấy cũng là đỉnh ngọn núi Khoang La San.Trên con đường lên cao điểm cực Tây đất nước, phóng tầm mắt xuống thung lũng của xã biên ải Sín Thầu, những bản làng của người Hà Nhì thật bình yên trong màu nắng. Từ đây sẽ nhìn thấy con đường nhựa như một vệt chỉ nhỏ vắt qua những mái đồi lên tới cửa khẩu biên giới A Pa Chải. Con đường đó vừa được thông tuyến lên biên giới vài năm nay - tức là mất hơn nửa thế kỷ cho một tuyến đường đến cực Tây, tuyến đường được coi là “huyền thoại”. Bây giờ, hơn 200 cây số từ ngã ba Mường Chà và quốc lộ 4D vào tới đây chỉ mất hơn một buổi đường đi ôtô. Nhưng 50 năm trước, những người dân Hà Nhì mang họ Pờ của xã Sín Thầu đã bền bỉ đi bộ ròng rã hàng chục ngày trời trên những lối mòn hàng trăm cây số ấy để viết nên những huyền thoại cho dân tộc mình. Ngã ba biên giới cực Tây chất chứa và cất giữ nhiều điều thật kỳ lạ.Bền lòng nuôi chữLần thứ ba trở lại cực Tây, chúng tôi có được một sự tình cờ thú vị khi gặp đúng dịp đám cưới người em trai út Pờ Pò Xá của anh bạn Pờ Hùng Sang. Những ai làm báo đã lên cực Tây chắc không thể không nhớ đến người bạn này. Pờ Hùng Sang là sinh viên đầu tiên của người Hà Nhì tốt nghiệp đại học báo chí của Học viện Báo chí tuyên truyền. Ra trường, Pờ Hùng Sang về công tác tại Huyện ủy Mường Nhé.Thuở lên cực Tây chưa có đường sá đàng hoàng, Sang vẫn thường làm “thổ địa” dẫn đường cho các nhóm bạn trẻ đi “phượt” chinh phục cực Tây. Gặp dịp đám cưới, lại đúng kỳ nghỉ Tết dương lịch, bà con anh em họ Pờ đang công tác, học hành từ khắp nơi đều về quê chung vui. Và ở đây, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng dòng họ Pờ của Sang không chỉ có Sang làm nên “chuyện lạ đầu tiên”. Hầu như lĩnh vực nào cũng có người của dòng họ Pờ ở Sín Thầu tiên phong, ghi tên vào biên niên của người Hà Nhì trên vùng đất này.Năm kia, lên cực Tây lần đầu, đêm ngủ ở đồn biên phòng A Pa Chải, chúng tôi gặp một chàng sĩ quan trẻ rất đẹp trai, hỏi ra mới hay anh tên Pờ Bạch Quân, người dân tộc Hà Nhì, là đồn phó đồn biên phòng A Pa Chải. Pờ Bạch Quân là chàng trai Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp Học viện Biên phòng.Một chuyến khác lên làm việc ở Điện Biên, chúng tôi gặp thiếu tá Pờ Bạch Long, hỏi ra anh cũng là người Hà Nhì ở Sín Thầu và là người con trai Hà Nhì đầu tiên của tỉnh Lai Châu tốt nghiệp Học viện An ninh. Một lần ghé thị trấn Mường Nhé, Pờ Hùng Sang đưa chúng tôi tới nhà người bác ruột, ông Pờ Diệp Sàng, bí thư Huyện ủy Mường Nhé. Ông Sàng là người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ...Quá nhiều những nhân vật “là người đầu tiên...” mang họ Pờ, nhưng khi gặp lại những gương mặt ấy trong đám cưới ở Sín Thầu lần này, chúng tôi thật sự bất ngờ lần nữa bởi hóa ra tất cả đều là anh em trong một gia đình. Pờ Bạch Long và Pờ Bạch Quân là hai anh em ruột. Pờ Hùng Sang với Quân và Long là anh em chú bác ruột. Và hầu như tất cả anh em cháu chắt trong dòng họ Pờ ở Sín Thầu đều là những gương sáng của người dân tộc Hà Nhì.Bố của Pờ Hùng Sang là ông Pờ Dần Sinh, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Sín Thầu - con trai thứ sáu của một gia đình có 11 anh chị em họ Pờ mà giờ đây những cái tên như Pờ Sí Tài (người anh cả), Pờ Gia Tự, Pờ A Sinh, Pờ Diệp Sàng (bí thư Huyện ủy Mường Nhé)... đều là những “huyền thoại đầu tiên” của miền cực Tây. Thế hệ thứ hai như Long, Quân, Sang... cũng đang viết tiếp những chuyện truyền kỳ mới.“Pho sử sống” của người Hà Nhì ở Sín Thầu được cất giữ bởi người anh trai cả của dòng họ - ông Pờ Sí Tài. Người đàn ông Hà Nhì cao lớn, nặng gần 1 tạ, mà nhiều người gọi là “ông gấu” ấy gây ấn tượng mạnh không chỉ ở sự to khỏe vạm vỡ mà chính bằng những câu chuyện kể ông đã nhiều lần tay không đánh nhau với... gấu thế nào.Chỉ riêng Pờ Sí Tài, huyền thoại về ông và ngã ba biên giới nửa thế kỷ qua cũng đủ chất liệu cho các nhà văn dựng nên một pho tiểu thuyết về người Hà Nhì nơi vùng biên viễn này.Biên niên của miền biên ải này hơn nửa thế kỷ qua được in dấu lên mỗi cuộc đời cụ thể của người Hà Nhì đất Sín Thầu.Pờ Dần Sinh - bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Sín Thầu, người cán bộ được người dân Hà Nhì vùng ngã ba biên giới vô cùng tin cậy - Ảnh: Ngọc QuangMỗi người con họ Pờ là một tấm gương!Nhìn những mái ngói lô nhô ven con đường lên cửa khẩu, tuyến đường xuyên Mường Nhé rõ ràng đã góp phần thay đổi cuộc sống người Hà Nhì nơi đây. Những ngày ở Sín Thầu, chúng tôi về tận từng bản để nhận ra cực Tây giờ đây không còn quá xa xôi, người Hà Nhì nơi đây vẫn lấy câu chuyện những người con họ Pờ để làm gương cho con cái mình học tập, theo câu chuyện làm ăn của người cán bộ họ Pờ mà bắt chước.“Không có cách mạng, chắc chắn người Hà Nhì nơi cực Tây sẽ không được như hôm nay” - ông Pờ Dần Sinh chậm rãi bảo. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ câu chuyện đi bộ gần cả tháng trời để tới được lớp học của thế hệ ông ngày xưa đến những đứa trẻ Hà Nhì bây giờ cứ mỗi sớm mai đều đặn cắp sách đến lớp, với ông là cả một sự đổi đời.“Bố tôi là ông Pờ Pố Chừ - đảng viên đầu tiên của vùng ngã ba biên giới. Những năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy chỉ cách Điện Biên hơn 200 cây số nhưng biên ải cực Tây gần như biệt lập bởi không có đường sá nào đến được.Vùng ngã ba thổ phỉ quấy nhiễu, sau này thì biệt kích nhảy dù xuống để phá hoại, người Hà Nhì ngày đó chưa mấy ai được học chữ. Mấy anh em tôi để ra tới trường học của huyện phải dắt díu nhau đi bộ hàng tuần. Mang theo nồi và gạo, tối ở đâu là kiếm củi nấu cơm ăn ở đó, leo lên cây buộc mình vào thân cây để ngủ, tránh thú dữ. Chuyện cọp, gấu vồ chết người ở vùng này là chuyện cơm bữa.Ông anh cả Pờ Sí Tài của tôi hồi đó đi săn cọp và gấu nổi tiếng khắp vùng. Mỗi lần ra trường huyện, sợ nhất không chỉ chuyện cọp chuyện gấu mà sợ nước suối dâng, cả đêm kẹt giữa rừng. Nhưng con đường đến trường không vì thế mà đứt đoạn. Và người họ Pờ ở Sín Thầu có được như ngày hôm nay cũng nhờ biết ham học” - ông Pờ Dần Sinh bảo.Ông Pờ Sí Tài, người anh cả làm trưởng ban Công an xã Sín Thầu đến mấy chục năm. Sín Thầu là xã đầu tiên có ban công an được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.Mấy người con của ông Tài nay đều phương trưởng, người con cả là trung tá Pờ Chí Lìn, chính trị viên phó huyện đội Mường Nhé, Pờ Pờ San là thượng úy công an huyện, Pờ Trinh Phạ là phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu...Người anh thứ hai là Pờ Gia Tự (bố của Pờ Bạch Long và Pờ Bạch Quân), trước khi về hưu là phó chánh án TAND huyện Mường Tè; người anh thứ ba là Pờ A Sinh, có người con gái đang là chủ tịch HĐND xã; người chị thứ tư là Pờ Mì Đu có năm người con là sĩ quan trong lực lượng vũ trang; ông anh thứ năm chính là bí thư Huyện ủy Mường Nhé Pờ Diệp Sàng.Điểm tựa miền biên ảiNhưng câu chuyện của Sín Thầu và những người họ Pờ không chỉ là sự học. Khoát tay một vòng như bao quanh cả núi non cực Tây, Pờ Dần Sinh bảo: “Trước đây dân Sín Thầu nghiện nhiều lắm, bản nào cũng có người nghiện, cả xã có 1.350 người mà hơn 120 người nghiện. Những năm 1990 Sín Thầu vẫn biệt lập, hầu như nhà ai cũng có nương anh túc. Mình làm cán bộ, muốn cho dân không đói thì phải giúp dân không nghiện”.Đó cũng là một nỗ lực cam go ở Sín Thầu. Hôm theo các anh ở đồn biên phòng xuống bản, chúng tôi gặp Sừng Pó Tư, trưởng bản A Pa Chải. Sừng Pó Tư trước đây cũng nghiện thuốc phiện, nhưng nghe lời cán bộ Pờ Dần Sinh, anh cai nghiện, rồi năm 2001 được bầu làm trưởng bản. A Pa Chải là một bản lớn của Sín Thầu, nay tách thêm các bản Tá Miếu, Tả Kô Ky, Pờ Nhù Hồ. Trưởng bản Pờ Nhù Hồ là anh Khoàng A Phèn, nguyên trưởng bản Tá Miếu là Mạ Gió Tư, nay là phó chủ tịch HĐND xã... đều từng nghiện hút rồi cai nghiện, nay là những cán bộ tích cực.Ông Trang Váng Sinh ở bản Tá Miếu - người có đàn bò hơn 100 con - nói rằng theo gương cán bộ Pờ Dần Sinh mà từ vài con bò, nay ông thành “vua bò” của ngã ba biên giới. Với người dân ngã ba biên giới này, sự thuyết phục với họ không phải là điều gì xa xôi diệu vợi. Người Hà Nhì chỉ tin vào những điều họ được tận mắt nhìn thấy, mà không ai khác, những người họ Pờ nơi đây chính là những tấm gương đầy tin cậy.Đám cưới của chàng trai Pờ Pò Xá hôm nay dân cả vùng Sín Thầu đều đến chung vui. Ông Pờ Dần Sinh ngả ba con bò, năm con lợn và mấy tạ cá, tất cả đều là của nhà làm ra. Cũng vừa dịp người Hà Nhì vào mùa tết của mình. Tags: Huyền thoạiTấm gươngThành lập đảngBiên ảiHọ Pờ
Khởi công cầu dây văng lớn thứ 2 Việt Nam, rút ngắn 80km từ TP.HCM về miền Tây MẬU TRƯỜNG 09/12/2024 Phần cầu chính cầu Đại Ngãi 1 có nhịp chính dài 450m khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng 80km so với tuyến quốc lộ 1 đi từ miền Tây về TP.HCM.
Hợp nhất hai bộ nông nghiệp và tài nguyên môi trường: Tinh gọn tối đa cục vụ quản lý chuyên ngành NGỌC AN 09/12/2024 Quá trình thực hiện hợp nhất hai bộ nông nghiệp và tài nguyên - môi trường cần dân chủ, khách quan, 'không hợp nhất một cách cơ học'.
Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Có đồng chí phải rời vị trí để đất nước phát triển cũng là việc ý nghĩa' THẢO LÊ 09/12/2024 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị cả hệ thống chính trị tập trung sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.
Hoa hậu Ngọc Châu, ca sĩ Phương Mỹ Chi là ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2024 Quốc Linh 09/12/2024 Thành Đoàn TP.HCM đã chính thức công bố danh sách 15 ứng cử viên để bầu chọn danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" 2024 ngày 9-12.