IS đang chuyển “cứ địa” về Trung Á?

TƯỜNG ANH 12/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sau thất bại ở Syria và Iraq, đã bắt tay vào thành lập một đế quốc Hồi giáo ở Trung Á.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á là rất phức tạp. Ảnh: neweasterneurope.eu
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á là rất phức tạp. Ảnh: neweasterneurope.eu

 

Cảnh báo được lãnh đạo Trung tâm chống khủng bố SNG, thượng tướng cảnh sát Andrey Novikov, đưa ra tại cuộc họp lãnh đạo các tổ chức chống khủng bố và an ninh các nước SNG ngày 26-9. RIA Novosti điều tra thực hư hiểm họa này, TTCT trích giới thiệu.

Cuộc họp nêu trên nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận “Issyk-Kul - Chống khủng bố 2018” diễn ra trong hai ngày 25 và 26-9-2018 tại Kyrgyzstan. Khái quát mối đe dọa IS, giám đốc Viện Kế hoạch chiến lược (Nga), tiến sĩ khoa học chính trị, giáo sư Alexander Gusev nói: “Các xúc tu của IS thật sự đã vươn ra khắp khu vực Cận Đông và Trung Á”.

Đế quốc Hồi giáo ở Trung Á

Theo các báo cáo tại cuộc họp, các thành viên IS đã công bố việc thành lập “tỉnh Vilayat Khorasan” ở Trung Á từ ba năm trước (Khorasan là một vùng lãnh thổ nổi tiếng của các đế quốc Hồi giáo Ả Rập Trung cổ, bao gồm một số phần thuộc Afghanistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và Iran). Theo IS, Vilayat Khorasan hiện đại sẽ làm sống lại sự hùng vĩ và sức mạnh của đế quốc lịch sử.

Tháng 3-2015, những kẻ cực đoan đã cố thâm nhập Turkmenistan từ Afghanistan, khiến không chỉ Ashkhabad (Turkmenistan) mà cả Tashkent (Uzbekistan) cũng lo ngại. Chính quyền Uzbekistan đã hỗ trợ láng giềng, cử quân đội tới biên giới Afghanistan - Turkmenistan. Nga cũng hỗ trợ quân sự. Kết quả đã vô hiệu hóa được những kẻ thâm nhập.

Sau biến cố này, các nước Trung Á siết chặt việc kiểm soát vốn đã khá nghiêm ngặt với các tay súng Hồi giáo trong khu vực. Thỉnh thoảng ở Uzbekistan hoặc Tajikistan, những kẻ lạ mặt lại treo cờ đen IS, thu hút sự truy lùng của các lực lượng an ninh khu vực. Hiển nhiên chật vật nhất là chính quyền các nước Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan vì có đường biên giới chung với Afghanistan.

Mùa hè năm ngoái, các tay súng của Vilayat Khorasan tuyên bố thánh chiến ở Nga để trả thù hoạt động chống IS của Nga tại Syria. Matxcơva cho biết bọn khủng bố đã chuẩn bị tấn công những địa điểm quan trọng ở một loạt thành phố. Sau này điều tra làm rõ là trong những kẻ ủng hộ thành lập một đế quốc Hồi giáo có nhiều người xuất thân từ cả vùng bắc Kavkaz của Nga.

RIA Novosti dẫn lời ông Andrey Serenko, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Afghanistan hiện đại (Nga), cho biết tạm thời Vilayat Khorasan chỉ mới hoạt động ở Afghanistan. Cốt lõi của Vilayat Khorasan là những bộ tộc người Pashtun, nhóm sắc tộc đông nhất ở Afghanistan.

Trong thời gian dài, họ ủng hộ phong trào Taliban. Nhưng về sau nhiều thành viên không đồng tình với các chủ trương của Taliban đối thoại với chính quyền Kabul, nên đã chuyển về dưới trướng IS. Sau ba năm tồn tại, Vilayat Khorasan đã kiểm soát một số lãnh thổ ở bắc và đông Afghanistan. Bộ chỉ huy của Vilayat Khorasan cũng chia thành hai nhánh: bắc và đông. Mùa hè năm nay, Taliban ở Afghanistan đã đánh tan bộ chỉ huy phía bắc. Serenko cho rằng đối với các nước Trung Á, hiểm họa gắn với việc IS kiểm soát một phần các tỉnh phía bắc Afghanistan nhưng sau những cuộc tấn công nói trên, nguy cơ này đã phần nào bị khống chế.

Bình luận về tuyên bố của các quan chức Nga liên quan đến cuộc diễn tập “Issyk-Kul - Chống khủng bố 2018”, ông Serenko chỉ ra cách tổ chức của IS: “Các chuyên gia quân sự và an ninh nhiều khi tư duy rằng khủng bố phải có một căn cứ hỗ trợ, điều phối hoạt động các tổ, nhóm và chỉ cần tiêu diệt cơ sở này thì nguy cơ sẽ biến mất. Nhưng ngày nay không có một căn cứ hỗ trợ nào như thế. Các hạt nhân IS không liên quan về thực thể với nhau. Họ gắn kết với nhau bởi một hệ tư tưởng, một huyền thoại, chứ không phải một cơ quan điều hành tối cao”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khu vực khác lại có nhận định trái ngược. Phó giám đốc Trung tâm Hồi giáo học trực thuộc tổng thống Cộng hòa Tajikistan Rustam Azizi tin rằng sau thất bại ở Trung Đông, các tay súng IS đang chuyển hướng về Trung Á: “Chiến thuật đã thay đổi. Các tay súng Hồi giáo đang tuyển mộ giới trẻ, tài trợ cho các nhóm bất hợp pháp. Tình hình còn xa mới ổn định. Chỉ cần trong vùng có một nhóm cực đoan cũng đủ để gióng lên báo động rồi”. Ông cho rằng sự cảnh giác của Nga là có cơ sở, mà việc phớt lờ các nguy cơ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.

“Mọi con đường đều dẫn về Nurek”

Có thể giải thích tinh thần cảnh giác của Tajikistan. Cuối tháng 7, bốn du khách xe đạp người nước ngoài (hai người Mỹ, một Thụy Sĩ và một Hà Lan) đã bị sát hại tại Dangara (Tajikistan), gần biên giới với Afghanistan: bị ôtô chẹt rồi bị đâm bằng dao. IS đã nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, Dushanbe phớt lờ việc nhận trách nhiệm này, khép tội cho Đảng Phục hưng Hồi giáo bị cấm ở nước này. Sau khi hỏi cung những kẻ bị bắt, nhà chức trách Tajikistan đã khám xét Nurek, quê hương của những kẻ tấn công, bắt giữ gần 200 người, lý do là vài ngày trước cuộc tấn công trên những người này đã tiếp xúc với quân khủng bố.

Theo các chuyên gia, diễn tiến ở Nurek không chỉ gắn với vụ tấn công du khách nước ngoài. Từ ba năm trước đã có nghi ngờ thành phố này đang vũ trang cho những nhóm Hồi giáo cực đoan. Đó là lúc trên quảng trường chính của Nurek, những kẻ lạ mặt căng cờ đen của IS. Những kẻ tổ chức bị bắt “nóng” đều là cư dân địa phương, tuổi 20-40, từng tuyên thệ trung thành với IS. Nhưng khi đó, cũng như trong vụ tấn công du khách nước ngoài mới đây, nhà chức trách Tajikistan thông báo đó là hoạt động của phe đối lập cực đoan.

Mùa đông năm ngoái, một xe tải chạy tốc độ nhanh lao vào một đám đông ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Tài xế bị bắt. Đó là Rakhmat Akilov, công dân Uzbekistan từng sống vài năm ở Thụy Điển. Hắn khai thực hiện nhiệm vụ từ những “cố vấn” IS là Abu Osama Noraki, Abu Dovud và Abu Fotim. Cái tên Noraki (có thể viết Nuraki hay Nureki) dẫn các điều tra viên đến giả thiết những kẻ tổ chức chính vụ đâm xe này xuất thân từ Nurek, Tajikistan.

Bốn tháng sau, Noraki xuất hiện trong hồ sơ an ninh Nga - Matxcơva ngăn chặn được các cuộc khủng bố tàu điện ngầm và trung tâm mua sắm. FSB bắt được ba đồng phạm của hắn, cũng là công dân Trung Á. Riêng đồng lõa của Noraki - Abu Dovud, bị cung khai trong vụ tấn công Stockholm - là người Tajikistan, tham gia IS từ năm 2014. Tên khủng bố đâm xe ở Stockholm là Akilov cho biết các “ông thầy” của hắn đã chỉ huy các chiến dịch ở Syria và Afghanistan. Tất cả đều nằm trong danh sách truy nã quốc tế.

Lối tới thánh đường

Nhà xã hội học Alla Kuvatova thuộc Đại học Nga-Tajikistan kêu gọi đừng phóng đại hiểm họa cực đoan hóa. Theo bà, đam mê tôn giáo là một xu hướng bắt nguồn từ thập niên 1990: “Nhập môn Hồi giáo nhưng nhiều người vẫn không hiểu thế nào là một tín đồ Hồi giáo, đơn giản bởi tôn giáo đang là mốt. Mới đây, một cuộc thăm dò giới trẻ Tajikistan cho thấy quyển sách phổ biến nhất đối với họ chính là kinh Koran. Đến thánh đường cũng là mốt”. Đó là lý do, theo bà Kuvatova, các giáo viên luôn theo dõi sao cho vào ngày thứ sáu thiêng của người Hồi giáo, sinh viên đến giảng đường thay vì đến thánh đường.

Việc tuyển mộ giới trẻ vào hàng ngũ các tổ chức Hồi giáo cực đoan được tiến hành chủ yếu qua mạng xã hội. Vì thế, sau cuộc tấn công du khách ở Tajikistan, Dushanbe đã hạn chế việc truy cập Internet. Tuy nhiên, Andrey Serenko cho rằng phong bế mạng xã hội là vô nghĩa vì hệ tư tưởng IS phổ biến khắp nơi.

Ngoài Internet, tư tưởng thánh chiến còn được lan truyền qua sách báo, tờ rơi, cẩm nang hướng dẫn, trong đó kêu gọi không nên chờ đợi, mà phải hành động “ở đây” và “bây giờ”. Từ đó xuất hiện chiến thuật kẻ khủng bố cô độc. Hệ tư tưởng IS biến thành hình thái tiểu văn hóa. Những tổ, nhóm của nó hoạt động ở Trung Á theo nguyên tắc mạng lưới và không liên quan với nhau về mặt tổ chức.

Nhưng các cuộc khủng bố ở châu Âu, Hoa Kỳ và Nga không chỉ được thực hiện bởi những kẻ xuất thân từ Tajikistan. Tháng 1-2017, công dân Uzbekistan Abdulkadir Masharipov đã tấn công người dân tại Câu lạc bộ Reina ở Istanbul.

Ba tháng sau, một kẻ đánh bom liều chết tên Akbarjon Jalilov gây ra một vụ nổ ở tàu điện ngầm Saint Petersburg. Jalilov theo quốc tịch là người Uzbek, nhưng sinh ra và lớn lên ở thành phố Osh của Kyrgyzstan. Ngoài ra, hắn còn có hộ chiếu Nga. Tháng 11-2017, công dân Uzbekistan Saifullah Saipov đến Mỹ, cướp một xe tải và tấn công khách bộ hành ở New York. IS đã nhận trách nhiệm những vụ tấn công này, trong khi các tội phạm xác nhận hành động theo hướng dẫn của các “giáo viên”.

Sau thất bại của các cơ cấu IS ở Syria và Iraq, khó có thể nói có bao nhiêu người Trung Á đang ở trong hàng ngũ IS. Theo số liệu những năm trước, họ có khoảng 5.000 người, trong khi các chuyên gia cho rằng con số này đã bị hạ thấp. Một khó khăn cho giới chức chống khủng bố là các công dân Trung Á được tuyển mộ vào IS thường không ở nước bản xứ, nơi chính quyền giám sát chặt chẽ, mà ở nước ngoài, chủ yếu qua kênh lao động di trú. ■

Khủng bố không có nghĩa là ít học

Thành phố Nurek là một trong những trung tâm công nghiệp từ thời Liên Xô, nơi tập trung đa số trí thức Tajikistan. Sau khi Liên Xô tan rã, các nhà máy lớn ở nhiều thành phố, bao gồm Nurek, bị đóng cửa, dẫn tới thất nghiệp hàng loạt. Nhiều người không có việc làm tìm đến tôn giáo. Giới trẻ cũng cảm thấy khủng hoảng bản sắc nghiêm trọng như Rustam Azizi, chuyên gia Trung tâm Hồi giáo học trực thuộc tổng thống Tajikistan, nhận định. Trung tâm này chuyên giúp những người từ Iraq, Syria trở về nhận ra được bản chất của hệ tư tưởng IS và hỗ trợ họ thích nghi với cuộc sống mới. Giao tiếp với giới trẻ chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, Azizi bác bỏ định kiến rằng trong hàng ngũ IS chỉ gồm những người ít học. Theo quan sát của ông, đa số người được tuyển mộ là người nói tiếng Nga. Và hầu như tất cả đều có trình độ đại học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận