TTCT - Một điều tra của Ngân hàng Thế giới và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong báo cáo “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam” (CAMS 2014) thực hiện trong ba năm, được công bố cuối tháng 7 vừa rồi khẳng định có tới 75% người được hỏi muốn hàng hóa thiết yếu phải được quyết định bởi Nhà nước. Trong vòng 12 tháng kể từ khi quyết định áp giá trần có hiệu lực, lượng sữa bột tiêu thụ tại sáu thành phố lớn của VN giảm 11% - Ảnh: T.T.D. Tháng 5-2014, sau rất nhiều phàn nàn về việc “giá sữa quá cao”, Bộ Tài chính quyết định áp giá trần lên các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Một năm sau, kết quả của việc áp giá trần có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: điều tra của Nielsen về thị trường sữa Việt Nam vào tháng 6-2015 khẳng định rằng trong vòng 12 tháng kể từ khi quyết định áp giá trần có hiệu lực, lượng tiêu thụ sữa bột tại sáu thành phố lớn của Việt Nam giảm tới 11%. Nghĩa là sự kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính đã không hề tăng cơ hội tiếp cận với sữa của trẻ em, nếu chưa muốn nói là ngược lại. Và đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ để bác bỏ logic đơn sơ rằng “nhà nước can thiệp về giá sẽ tạo ra sự công bằng”. Sự can thiệp “thô ráp” Báo The Wall Street Journal trong bài xã luận tháng 2-2009 mang tên “Một thảm họa phi tự nhiên” mô tả việc hãng bảo hiểm State Farm bắt đầu rút chân khỏi bang Florida để “trốn” giá trần. Thời điểm đó, State Farm cùng người dân Florida hứng chịu thiệt hại nặng nề sau nhiều cơn bão lớn trong những năm trước, đang thua lỗ và đề xuất tăng giá. Chính quyền bang Florida cương quyết nói không. Khi đó, mỗi tháng State Farm lỗ 20 triệu USD ở bang Florida. Kết quả, State Farm “cắt điện” ở Florida, nơi họ đang có 1,2 triệu khách hàng. Sau sự kiện này, thống đốc Charlie Crist tự tin tuyên bố rằng công ty bảo hiểm nhà nước Citizens Property Inusurance Corp. (Hãng bảo hiểm tài sản công dân) sẽ chịu hết trách nhiệm nếu có một siêu bão Katrina nữa ập đến. Nhưng Wall Street Journal chỉ ra rằng tài sản của công ty bảo hiểm nhà nước này chỉ có khoảng 3,4 tỉ USD - trong khi nếu có siêu bão nữa thì mức độ thiệt hại sẽ lên đến 40 tỉ USD. Bản thân Công ty Citizens này cũng đang được áp một mức giá trần bởi chính quyền. Báo gọi sự rời bỏ của State Farm là “một thảm họa nhân tạo” - bởi nó khiến hàng triệu gia đình Florida trở nên mong manh trước bão. Tới năm 2012, thống đốc mới Rick Scott tuyên bố khả năng tài chính của Công ty Citizens sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu bảo hiểm nếu có siêu bão. Năm 2014, Citizens bắt đầu một kiểu chạy trốn khác: họ trả tiền cho những công ty khác để nhận hợp đồng hộ mình. Thảm họa chưa thật sự diễn ra, nhưng một mức giá áp đặt của chính quyền, một cuộc chạy trốn của doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra rất nhiều khó khăn và rủi ro cho người dân. Thị trường bảo hiểm Florida thay vì được bình ổn, trở nên xáo động vì mệnh lệnh áp đặt này. Khi nhắc tới mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường trong thế kỷ 21, người ta thường nhắc tới những bài học của Venezuela. Chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez bắt đầu các biện pháp áp giá trần lên các mặt hàng từ năm 2003, sau một cuộc đình công kéo dài hai tháng trên toàn quốc. Kể từ đó, hàng chục mặt hàng được áp giá bởi chính phủ. Các nhà sản xuất, điển hình là các chủ trang trại và nhà sản xuất nông sản, không còn muốn đẩy hàng ra thị trường vì không có lợi nhuận (thậm chí lỗ) với mức giá của chính phủ. Họ còn không sản xuất hết công suất. Các quầy hàng siêu thị trống trơn. Người mua và người bán tìm đến chợ đen, vật giá lại leo thang và lạm phát tăng. Báo cáo CAMS 2014 khẳng định rằng có tới 75% người được hỏi (từ nhiều tầng lớp trong xã hội) muốn “giá hàng hóa thiết yếu nên được quyết định bởi Nhà nước” Sự điều tiết thị trường bởi nhà nước là điều cần thiết nhằm đảm bảo sự công bằng. Nhưng ở khắp nơi, người ta bắt gặp những bài học về sự can thiệp trực tiếp từ phía chính quyền thông qua các mệnh lệnh hành chính như “giá trần”. Ngay cả ở những nền kinh tế thị trường lâu đời nhất thế giới, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường vẫn có thể hàm chứa rủi ro. Nó tạo ra nguy cơ phá vỡ khả năng tự điều tiết của thị trường. Khi dư luận muốn “bị” can thiệp Kịch bản của thị trường hàng hóa tại Venezuela có thể khiến nhiều người Việt Nam có trí nhớ tốt giật mình. Nó gợi ra một thời kỳ không tươi sáng mà ta từng trải qua. Và đó cũng là một vấn đề đã được nhận thức ở nước ta từ lâu trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường. Ngay trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đòi hỏi “tôn trọng đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường” cũng được nêu ra. “Sự can thiệp của Nhà nước vào giá là tất yếu, nhưng phải là sự can thiệp có nguyên tắc - tiến sĩ Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả thuộc Bộ Tài chính, khẳng định trong một bài bình luận trên Nhân Dân chủ nhật (10-2012) - Trong đó nguyên tắc quan trọng là tôn trọng các quy luật thị trường, nhất là giảm dần các biện pháp trực tiếp, hành chính, mệnh lệnh, thay vào đó là các biện pháp linh hoạt can thiệp gián tiếp”. Tuy nhiên, báo cáo CAMS 2014 khẳng định rằng có tới 75% người được hỏi (từ nhiều tầng lớp trong xã hội) muốn “giá hàng hóa thiết yếu nên được quyết định bởi Nhà nước”. Tỉ lệ này tăng 11% so với khảo sát năm 2011. Người dân muốn có thêm sự can thiệp từ “bàn tay thép” của Nhà nước trong quyết định giá cả. Đó là một tâm lý phổ biến. Tuy nhiên, báo cáo này cũng đưa ra những phân tích cụ thể rất thú vị: trong khi 34% người được hỏi ở các bộ ngành và cơ quan chính phủ muốn giá cả được điều tiết bởi thị trường thì chỉ 16% đại diện của các cơ quan quốc hội và 18% các sở ban ngành địa phương muốn có điều này. Nghĩa là trong khi Chính phủ muốn hướng tới một nền kinh tế thị trường rõ nét hơn thì các đại biểu nhân dân và khối địa phương lại muốn sự can thiệp mạnh hơn. Thống kê của Nielsen khẳng định một điều quan trọng: quyết định áp giá trần lên sữa bột không, hay ít nhất là chưa tạo ra hiệu quả mà nó hướng tới là giúp trẻ em dễ tiếp cận với sữa hơn. Sẽ cần đến một cuộc điều tra xã hội học quy mô hơn nữa để biết điều gì đang thúc đẩy tâm lý “muốn Nhà nước can thiệp” từ người dân Việt Nam. Nhưng tâm lý này có thể tạo ra sức ép lên phía các cơ quan quản lý: cho dù đã hơn một lần khẳng định chủ trương “không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính” nhưng trên thực tế điều này vẫn diễn ra. Năm 2010, cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa tuyên bố: “Nhà nước nhất quán quản lý giá theo cơ chế thị trường, tức là để giá cả vận động theo đúng quy luật vốn có của nó là quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, không chạy theo dư luận”. Tới năm 2014, giá trần cho sữa bột được áp đặt. Việc sản lượng tiêu thụ sữa bột giảm mạnh ngay sau khi Bộ Tài chính áp giá trần là một tín hiệu không lành về việc các quy luật thị trường có thể bị phá vỡ. Về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền KTTT của Việt Nam trong năm năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết tốc độ này còn chậm... Đa số những người ủng hộ nền KTTT vẫn muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu. Tỉ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với năm 2011... Có thể phần nào thấy rằng việc vận hành KTTT ở Việt Nam chưa thật sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy lại càng khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của Nhà nước. Mâu thuẫn này cũng có khả năng xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào thị trường, e ngại rằng tình trạng độc quyền thậm chí sẽ tăng cao hơn trước khi mà trên thực tế rất nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay can thiệp của Nhà nước và do Nhà nước độc quyền (như điện, nước, xăng dầu, thuốc men...). (Trích CAMS 2014) Điều gì đã tạo ra sự sụt giảm này? Chưa có đủ thông tin để trả lời. Nhưng thống kê của Nielsen khẳng định một điều quan trọng: quyết định áp giá trần lên sữa bột không, hay ít nhất là chưa tạo ra hiệu quả mà nó hướng tới là giúp trẻ em dễ tiếp cận với sữa hơn. Trong khi người tiêu dùng chưa có dấu hiệu được hưởng lợi thì các doanh nghiệp đã “kêu trời”. Vinamilk - công ty sữa bột lớn thứ hai Việt Nam - trong đại hội cổ đông tháng 4-2015 khẳng định doanh số mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm “từ 30-34%” và “càng bán càng lỗ”. Quyết định can thiệp này khiến tháng 3-2014, Phòng Thương mại châu Âu và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đứng tên một lá thư chung gửi bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ sự lo ngại với việc kiểm soát giá sữa. Tìm gặp lại ông Nguyễn Tiến Thỏa, vị cục trưởng năm năm trước đã tuyên bố Nhà nước sẽ không can thiệp giá bằng mệnh lệnh hành chính, nay đã nghỉ hưu, ông vẫn giữ nguyên quan điểm. “Quản lý giá trần chỉ là biện pháp cấp bách khi thị trường có biến động bất thường và phải chứng minh được biến động bất thường này theo Luật giá - ông nói về trường hợp của giá trần sữa bột - Tôi nghĩ đã đến lúc cần gỡ bỏ biện pháp này để tránh những hệ lụy không tích cực cho đầu tư, cho sản xuất kinh doanh”. Khi hỏi ông Thỏa về mâu thuẫn giữa sức ép từ dư luận muốn có “bàn tay thép” của Nhà nước vào thị trường, ông vẫn một mực phản đối: “Điều hành giá thì phải tuân thủ luật pháp, chủ động theo các tín hiệu khách quan của thị trường trong nước và thế giới, thực tiễn của sản xuất kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội, chứ không phải bị động chạy theo dư luận”. Vị cựu cục trưởng tin rằng ngay cả trong trường hợp giá sữa thật sự cần điều chỉnh, Nhà nước vẫn có thể can thiệp bằng nhiều biện pháp linh hoạt, ví dụ như điều hành để không thiếu hụt nguồn cung, phát triển nguồn cung trong nước; thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá sữa của doanh nghiệp; thực hiện quy chế công khai thông tin về mặt hàng, về giá để giảm thiểu tâm lý gây bất ổn thị trường... chứ không phải là áp giá trần. Con số 75% người dân muốn có sự “quyết định” của Nhà nước về giá các mặt hàng thiết yếu có thể chỉ đơn thuần phản ánh nguyện vọng muốn có một đời sống kinh tế - xã hội ổn định. Nhưng cũng có thể con số ấy nói rằng sẽ còn mất rất nhiều thời gian để hiểu được các quy luật của nền kinh tế thị trường. Bởi điều gọi là “quyết định bởi nhà nước” có thể được triển khai theo nhiều cách, trong đó có những cách hàm chứa đầy rủi ro cho thị trường. Tags: Cải cách kinh tếThị trường sữaKinh tế thị trườngMặt hàng thiết yếuĐiều tiết thị trường
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.