Khi các nguyên lý kinh tế là vô nghĩa

LOAN PHƯƠNG 07/08/2013 08:08 GMT+7

TTCT - Số lượng các đội bóng châu Âu lao vào cuộc đua giành chữ ký của một số ít ngôi sao đang đẩy giá chuyển nhượng cầu thủ lên trời và tạo ra những khó hiểu về mặt kinh tế.

Phóng to
Cristiano Ronaldo có thật sự đáng giá 80 triệu bảng? - Ảnh: Rueters

Đề nghị khá kỳ quặc hỏi mua tiền đạo người Uruguay Luis Suarez (của Liverpool) từ Arsenal tại Premier League với giá 40 triệu và 1 bảng nói lên nhiều điều đối với một đội bóng vốn nổi tiếng tằn tiện như Arsenal. Vấn đề ở chỗ gần như mọi đề nghị dưới 50 triệu bảng cho một chân sút hàng đầu ở châu Âu hiện nay đều sẽ bị từ chối.

Kinh tế thế giới đang khủng hoảng nhưng bóng đá chắc chắn là không. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát từ năm 2008 tới nay, giữa những lo ngại về đổ vỡ thị trường bất động sản ở Mỹ, cơn bão nợ tín dụng và cuộc khủng hoảng đồng euro dường như diễn ra ở một hành tinh khác hẳn nơi các đội bóng nhà giàu châu Âu đang thi đấu và vung tiền.

Tám trong số mười hợp đồng mua cầu thủ đắt giá nhất thế giới diễn ra trong thời gian từ năm 2009 tới nay và ba trong số đó là ở mùa hè này, với hứa hẹn thêm những vụ bom tấn nữa sẽ được đưa vào danh sách. Đó là trường hợp Suarez nếu anh ra đi, hay một kỷ lục thế giới đang được chờ đợi: Real Madrid đã đề nghị 86 triệu bảng đổi lấy cầu thủ chạy cánh người Xứ Wales Gareth Bale từ Tottenham.

Quy luật cung - cầu nổi tiếng của kinh tế học thật sự không có nhiều ý nghĩa trong những trường hợp này. Những cái giá 48 triệu bảng cho Neymar (từ Santos sang Barcelona), 55 triệu bảng cho Edinson Cavani (Napoli sang Paris Saint-Germain) hay 55 triệu bảng cho Radamel Falcao (Atletico Madrid sang Monaco) nhảy múa loạn xạ, phụ thuộc nhiều hơn vào sở thích của những ông chủ tỉ phú đến từ khắp nơi: châu Á, Trung Đông và Nga.

Các nhà kinh tế đành bó tay. Liệu Real có tin rằng họ sẽ thu lại khoản đầu tư 80 triệu bảng và mức lương 200.000 bảng mỗi tuần cho Ronaldo qua tiền thưởng, tiền bán vé và bán áo đấu? Khá giống với mô hình cho vay đa cấp, không ai có thể đảm bảo cơn cuồng chuyển nhượng khủng này còn có thể kéo dài bao lâu và những nỗ lực của cơ quan quản lý như Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) hòng giảm bớt rủi ro hệ thống và đổ vỡ vì thiếu bền vững, thông qua đạo luật công bằng tài chính, có vẻ như sẽ chẳng đi đến đâu.

Ngoài số ít những đội bóng hàng đầu, phần còn lại của bóng đá chuyên nghiệp châu Âu đang rên xiết. Đội Bury thuộc League Two (hạng tư Anh) đã xây dựng lại toàn bộ đội hình với 14 cầu thủ mới trong mùa hè, tất cả đều là chuyển nhượng tự do. Marius Cioara chuyển từ Arad, một đội hạng nhì của Romania, xuống đội hạng tư Regal Horia đổi lấy... 14kg thịt. Và đó chỉ là hai ví dụ cực đoan.

Từ 80 triệu bảng cho Ronaldo tới những người ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do, cách các bên tham gia thị trường chuyển nhượng không phản ánh những khái niệm kinh tế thông thường.

Tại sao những vụ chuyển nhượng trong bóng đá lại phức tạp đến thế? Thứ nhất, bởi chúng không chỉ bao gồm hai bên mua - bán như các thị trường thông thường. Các cầu thủ không phải là hàng hóa với một mức giá cố định. Các bên tham gia, bên mua, bên bán, cầu thủ và người đại diện, đều tìm cách tối đa hóa khoản thu hoặc tối thiểu hóa khoản chi của mình.

Mỗi cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đáng giá một lượng tiền nhất định với CLB của anh ta thông qua những gì thể hiện trên sân cỏ, mang lại tiền thưởng giải đấu, hợp đồng truyền hình, doanh thu thương mại..., và họ được đền đáp với mức lương sáu con số mỗi tuần. Nhưng mỗi cầu thủ cũng tạo ra giá trị thặng dư, là khả năng tạo ra hình ảnh và tiếng vang của họ cho đội bóng. Nhưng giá trị này không dễ tính toán.

Nếu lương cầu thủ là 40.000 bảng một tuần, một năm anh ta sẽ nhận 2 triệu bảng, nhưng đó là điều chắc chắn duy nhất vì rất khó đoán mùa tới anh ta sẽ chơi ra sao chứ đừng nói là ba, bốn hay năm năm tới, theo những thời hạn hợp đồng phổ thông bây giờ. Mua bán cầu thủ, do đó, là một nghệ thuật hơn là một khoa học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận