​Khi thế giới “lụy” giá dầu 

HẢI MINH 22/12/2014 21:12 GMT+7

TTCT - Sự gia tăng bất ngờ trong sản lượng và mức cầu toàn thế giới thấp hơn dự kiến đã khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua, khoảng 40%, về mức 60 USD/thùng so với tháng 6.

Bloomberg
Bloomberg

Đây là sự kiện lớn nhất của nền kinh tế thế giới trong năm nay.

Những diễn biến như thế này trong quá khứ thường để lại các hệ quả lâu dài và trọng yếu. Quy mô của lần giảm giá này vẫn rất khó đánh giá do vẫn còn mang tính thời sự.

Thật ra, giá dầu giảm là điều ít ai lường tới. Trong khi các thị trường tài chính và những nhà bình luận kinh tế vẫn bị ám ảnh bởi các căng thẳng địa chính trị và các chính sách của những ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thì giá dầu lao dốc chỉ mới được chú ý tới gần đây.

Tới tận cuối tháng 10, một quan ngại lớn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn là rủi ro giá dầu có thể tăng cao vì các căng thẳng địa chính trị ở Syria, Nga - Ukraine, Iraq và Iran. Nhưng đó là những lo lắng thừa thãi.

Tin tốt cho kinh tế toàn cầu

Dự trữ dầu tại các nước giàu ở Bắc Bán cầu cho mùa đông giá lạnh đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai năm qua, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Giá dầu Texas và Brent giao ngay đều giảm hơn 40% trong sáu tháng qua.

Thay vì căng thẳng chính trị làm tăng giá dầu, như kịch bản tiên đoán của IMF, những lực kinh tế do giá dầu giảm lại đang tạo ra tác động ngược lên các vấn đề chính trị. Giá dầu giảm đang đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế Nga.

Ở Trung Đông, tài chính cho tất cả các bên tham chiến trong những cuộc nội chiến ở Iraq và Syria đều sẽ bị ảnh hưởng, và Mỹ giờ sẽ ít muốn can thiệp hơn ở khu vực này sau khi có thể tự đảm bảo gần 90% nhu cầu năng lượng từ những nguồn nội địa so với 70% vào năm 2005.

Giá dầu giảm hoặc tăng mạnh luôn gây ra ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế thế giới. Có thể coi đó như một gói kích thích kinh tế lớn hơn bất cứ gói kích thích nào mà các chính phủ từng đưa ra trong giai đoạn sau khủng hoảng. Nhưng đồng thời, điều đó cũng không nghiễm nhiên đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Một tác động tức thời, chính yếu lúc này là sự phân phối lại phúc lợi giữa các nhà sản xuất và nhập khẩu dầu. Trong khi phía xuất khẩu sẽ có ít động cơ khai thác hơn, những người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhờ vận tải và năng lượng rẻ hơn, giúp họ chi nhiều tiền hơn cho các hàng hóa và dịch vụ khác.

Cho tới giờ, hầu hết kinh tế gia chủ chốt vẫn đồng ý với giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde khi bà nói giá dầu giảm là “tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu”.

Gabriel Sterne thuộc Tổ chức Oxford Economics giải thích chi tiết hơn trên báo The Financial Times: “Các nhà sản xuất vẫn còn thặng dư và không có khuynh hướng cắt giảm sản lượng, trong khi giá dầu giảm giúp phân phối lại thu nhập để làm gia tăng đầu tư”.

Oxford Economics ước tính cứ mỗi 20 USD giá dầu giảm sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm 0,4% trong 2-3 năm. IMF cũng đưa ra ước tính tương tự, đồng nghĩa với việc giá dầu giảm 40 USD trong hai tháng qua là tin rất tốt cho viễn cảnh kinh tế chung.

Kẻ thắng, người thua

Nhưng tất nhiên không phải mọi nước đều hưởng lợi. Những kẻ thắng cuộc lớn nhất sẽ là các nước tiêu thụ nhiều năng lượng và phụ thuộc vào dầu mỏ xuất khẩu. Hãng đánh giá tín dụng Moody’s ước tính các quốc gia “đang chật vật với cuộc chiến chống lạm phát và ngân sách trợ giá dầu quá lớn, như Indonesia và Ấn Độ, sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu giảm”. 

Đánh giá 45 nền kinh tế khác nhau, Oxford Economics xác nhận rằng các nền kinh tế mới nổi - nhập khẩu dầu mỏ sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Hầu hết các nền kinh tế phát triển cũng là kẻ chiến thắng, dù họ ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn trong việc duy trì tăng trưởng.

Một tác động quan trọng khác ở các nền kinh tế mới nổi là giá dầu giảm giúp họ giảm bớt trợ giá năng lượng, dỡ bỏ phần nào áp lực lớn lên chi tiêu công. Lord Stern của Trường kinh tế London (LSE) đánh giá “đây là thời điểm thích hợp nhất để chấm dứt các trợ giá năng lượng hóa thạch và tăng cường đánh thuế đến những hoạt động gây hại cho môi trường”.

Dù vậy, các nhà kinh tế vẫn cảnh báo không nên lạc quan quá sớm. Stephen King, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng HSBC, cho rằng mức cầu vẫn rất thấp ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu trong mùa hè là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm, nên kết luận thông thường “giá dầu giảm tốt, giá dầu tăng xấu không còn hoàn toàn chính xác”.

Ông lưu ý: “Trong rất nhiều trường hợp, giá dầu giảm chỉ đơn giản là triệu chứng của những vấn đề tệ hại hơn phía trước”.

King nói giá dầu giảm trong quá khứ mang lại lợi ích cho nền kinh tế nhờ kèm theo là lãi suất và lạm phát giảm, nhưng hiện điều đó khó xảy ra vì lãi suất ở các nước phát triển đều được điều chỉnh về thấp gần bằng không.

Tình trạng lạm phát thấp và giảm phát cũng đang lan tràn ở nhiều nền kinh tế lớn, và giá dầu giảm có thể lại càng khiến các chỉ số đó xuống thấp hơn. Mối đe dọa là có thật. Oxford Economies ước tính nếu giá dầu còn 60 USD/thùng, 13 nước châu Âu sẽ chứng kiến mức lạm phát trở về 0 trong năm 2015. 

Một số dấu hiệu đáng lo ngại xuất phát từ những bài học trong quá khứ. Năm 1986, giá dầu giảm hơn một nửa sau khi Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể kiểm soát được nguồn cung, giúp kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức đỉnh điểm 4,6% vào năm 1988, tỉ lệ chỉ xuất hiện một lần nữa vào năm 2000.

Trong khi đó, năm 2008 mức cầu thấp trên toàn thế giới khiến giá dầu giảm từ 133 USD xuống còn 40 USD/thùng và nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ.

Nhà xuất khẩu thiệt hại nặng

Với các nước xuất khẩu dầu mỏ, viễn cảnh còn đen tối hơn và đang gây ra những tác động trực tiếp, tức thời. Moody’s cho rằng Nga và Venezuela bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 16-12, Nga, một quốc gia không phải thành viên OPEC, đã tuyên bố sẽ cân nhắc đơn phương cắt giảm sản lượng. Những người theo thuyết âm mưu cũng được dịp nêu ra giả thuyết về một toan tính toàn cầu của phương Tây chống lại Nga. 

Cho tới giờ, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là trụ cột của OPEC, vẫn giữ nguyên mức sản lượng và không có động thái gì cho thấy họ sẽ thay đổi trong tương lai gần.

Là một đồng minh thân cận của Mỹ, chống lại chế độ của Bashar al-Assad mà Nga ủng hộ ở Syria và không ưa Iran, Saudi Arabia có mọi lý do để hành động như thế, nhất là khi nước này có đủ dự trữ tài chính để vượt qua cuộc khủng hoảng giá dầu (với họ).

Với giá dầu 60 USD/thùng, Saudi Arabia, với 85% kim ngạch xuất khẩu và 90% ngân sách quốc gia là từ dầu mỏ trong năm 2013, sẽ phải gánh chịu thâm hụt ngân sách tương đương 14% GDP vào năm 2015, theo Moody’s, nhưng dự trữ ngoại hối khổng lồ 740 tỉ USD sẽ giúp họ không cần phải vội vàng trong cắt giảm sản lượng.

Trong khi đó, với Nga giá dầu giảm đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này trong bối cảnh họ đang bị phương Tây cấm vận vì cuộc khủng hoảng Ukraine, kinh tế trì trệ và đồng rúp đã mất giá 40% trong sáu tháng qua.

Dầu mỏ và khí đốt chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga và đóng góp hơn một nửa vào ngân sách liên bang.

Việc đồng rúp giảm giá mạnh theo với giá dầu khiến khoản nợ ngoại tệ 600 tỉ USD của các ngân hàng và công ty Nga với những chủ nợ nước ngoài đột ngột tăng 40% chỉ sau sáu tháng. Kèm theo đó, lạm phát ở nước này đã tăng lên mức 9,4% và dự kiến đạt 10% vào cuối năm nay.

Để bảo vệ đồng rúp, ngày 16-12 Ngân hàng trung ương Nga đã có một quyết định chưa từng thấy kể từ năm 1998: nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% chỉ sau một đêm, sau khi đồng rúp mất giá gần 10% trong một ngày.

“Động thái này cho thấy Nga sẵn sàng hi sinh tăng trưởng kinh tế để bảo vệ hệ thống tài chính. Đó là một bước đi đúng nhưng không dễ dàng” - Ian Hague của Công ty New York Firebird Management, với khoản đầu tư 1,1 tỉ USD vào cổ phiếu ở Nga, phân tích trên Bloomberg.

Iran cũng gặp vấn đề tương tự nhưng còn nghiêm trọng hơn vì lệnh cấm vận trước đó của các nước phương Tây với dầu mỏ xuất khẩu của nước này. Chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani đã phải cân đối lại nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, với mục tiêu tỉ lệ đóng góp cho ngân sách 93,6 tỉ USD vào năm tới sẽ chỉ từ 1/3 là từ dầu mỏ, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Do giá dầu sẽ ở mức thấp trong tương lai gần, áp lực với Iran phải đạt được thỏa thuận hạt nhân cùng các nước phương Tây trước thời hạn chót tháng 6-2015 sẽ càng lớn. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận