TTCT - Đã hơn 2 năm thế giới chịu đựng dịch COVID-19, những tưởng mọi khó khăn sẽ dần qua và nền kinh tế - sản xuất thế giới được thích ứng tốt hơn. Nhưng không, khi Trung Quốc tái bùng dịch, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở lại và có thể còn nguy hại hơn xưa. Các biện pháp hạn chế phòng dịch quyết liệt theo chiến lược zero Covid của Chính phủ Trung Quốc được dự báo sẽ kéo theo một làn sóng mới những hỗn loạn, đứt gãy cung ứng toàn cầu giữa châu Á, Mỹ và châu Âu. Hàng hóa nghẽn ứ tại các cảng biển Trung Quốc và tác động của cuộc chiến ở Ukraine ngẫu nhiên “hợp lực” đe dọa đà phục hồi của kinh tế thế giới. Đánh giá từ nhóm chuyên gia của Bloomberg cho rằng ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, những đứt gãy cung ứng vẫn sẽ lan rộng toàn cầu và kéo dài cho tới ít ra là hết năm nay.Tệ hơn hai năm trước“Chúng tôi dự đoán mọi sự sẽ còn rối ren hơn năm ngoái - ông Jacques Vandermeiren, giám đốc điều hành (CEO) của Antwerp - cảng có khối lượng container hàng hóa ra vào đông đúc thứ hai châu Âu, nói với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 4 - Nó sẽ gây tác động tiêu cực cho cả năm 2022”.Tương tự, trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asia ngày 27-4, ông Frank Appel, CEO của tập đoàn logistics và bưu chính khổng lồ Deutsche Post DHL của Đức, cảnh báo ảnh hưởng từ các biện pháp chống dịch trong và xung quanh Thượng Hải đã gây ra nhiều bất trắc cho chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Vị này cho rằng tác động của chúng với tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thậm chí còn lớn hơn cả cuộc chiến tại Ukraine.Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng ứng phó với những đợt khủng hoảng lớn nhất về chuỗi cung ứng một phần bằng cách tăng giá hàng hóa và người tiêu dùng là bên “lãnh đủ”. Tuy nhiên, với tình hình tái bùng dịch còn phức tạp tại Trung Quốc, câu chuyện nguồn cung từ Trung Quốc đang được đề cập nhiều hơn là vấn đề nhu cầu của khách hàng.Thượng Hải và tỉnh Giang Tô - nơi có trung tâm sản xuất điện tử lớn nhất thế giới - vẫn đang thực thi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Công ty xe điện Tesla mất trắng khoảng một tháng hoạt động trong giai đoạn Thượng Hải phong tỏa. Đầu tháng 4, nhà bán lẻ Bed Bath & Beyond cho biết tình trạng hàng hóa của họ gặp bất thường rất lớn trong vận chuyển, phân phối suốt giai đoạn đầu quý 2. Nhà sản xuất linh kiện xe hơi lớn thứ 2 tại châu Âu Continental AG đã phải điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng hoạt động sản xuất toàn cầu với xe hơi và xe thương mại hạng nhẹ xuống 4-6% so với mức trước đó là 6-9%.Trung Quốc chiếm khoảng 12% tổng thương mại toàn cầu và các biện pháp phòng dịch của họ cho tới nay đã buộc nhiều nhà máy, hãng xưởng phải “trùm mền”, việc giao hàng bị đình đốn hoặc chậm lại, trong khi lượng container hàng hóa tiếp tục dồn ứ. Các cảng biển ở Mỹ và châu Âu đã ngập hàng tồn đọng và dường như không “còn sức” để chịu đựng thêm những cú sốc khác nữa.“Nếu hoạt động xuất khẩu hàng hóa được nối lại và một số lượng tàu bè lớn tiến về các cảng biển ở bờ tây nước Mỹ, chúng tôi cho rằng thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể” - bà Julie Gerdeman, CEO hãng phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, nói với Bloomberg.Theo hãng vận tải hàng hóa quốc tế Flexport có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ, hiện trung bình thời gian kể từ lúc hàng rời một nhà máy ở châu Á tới một nhà kho của Mỹ vẫn mất khoảng 111 ngày. Mức này gần bằng mức kỷ lục 113 ngày trong tháng 1-2022 và gấp đôi thời gian của hành trình đó năm 2019 (trước dịch). Trong khi đó, cũng hành trình này, nếu tới châu Âu còn lâu hơn nữa, khoảng 118 ngày.Những ngày qua, hàng dài tàu chở container nối đuôi nhau chờ cập cảng ngoài khơi Trung Quốc tăng cao sau khi Thượng Hải - thành phố có cảng container lớn nhất thế giới - thực hiện lệnh phong tỏa toàn thành phố cuối tháng 3-2022 để chống dịch. Dữ liệu của Bloomberg tính tới cuối tháng 4 cho biết số tàu container bị ùn ứ đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu của Project44, các container hàng nhập khẩu phải chờ trung bình 12,1 ngày tại cảng Thượng Hải trước khi được bốc dỡ và chuyển tới các điểm đến nội địa. Để so sánh, thời gian chờ bốc hàng của ngày 18-4 đã tăng gấp gần 3 lần so với 4,6 ngày chờ đợi của ngày 28-3.Về ngắn hạn, tình trạng “dồn toa” hàng hóa sẽ tiếp tục đội thêm chi phí phát sinh cho các bên liên quan. Về dài hạn, những biến cố hỗn loạn này sẽ dẫn tới thay đổi lớn liên quan hoạt động thương mại xuyên biên giới của nền kinh tế toàn cầu. Với một số lãnh đạo doanh nghiệp, việc rút khỏi các mạng lưới sản xuất ở những nước xa xôi không còn là khẩu hiệu chính trị yêu nước nữa, mà trở thành một sự cần thiết với doanh nghiệp khi cân nhắc tất cả những bất trắc liên quan.Định hình lại chuỗi cung ứngTrong một hội nghị trực tuyến cuối tháng 4, ông Lorenzo Berho, CEO của Vesta - nhà thầu xây dựng của Mexico chuyên phát triển các tòa nhà công nghiệp và trung tâm phân phối hàng hóa, nhận định những hỗn loạn của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua “đã thúc đẩy nhu cầu bức thiết để khiến các chuỗi cung ứng trở nên mang tính khu vực nhiều hơn”.“Toàn cầu hóa như chúng ta biết có thể đang dần chấm dứt”, ông Berho nói, ông cho rằng việc thay đổi chuỗi cung ứng ngắn hơn (về khoảng cách) tới những nơi như Mexico đang diễn ra sẽ giúp giảm bớt sự ảnh hưởng từ châu Á.Thực tế cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách tại một số nước lớn đã thay đổi quan điểm, cho rằng cần thiết phải có sự thay đổi mang tính đột phá về các chuỗi cung ứng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng nêu ý tưởng về các mối liên hệ thương mại bền vững hơn với các quốc gia hữu hảo - “friend-shoring” (hay ally-shoring) - một khái niệm mới được truyền thông Mỹ nhắc nhiều thời gian qua.“Chúng tôi muốn gọi nó là ally-shoring” - bà Elaine Dezenski, cố vấn cao cấp của tổ chức phi lợi nhuận Foundation for Defense of Democracies (Quỹ Bảo vệ nền dân chủ), viết trên tạp chí Newsweek. “Ally-shoring có nghĩa là dựa vào hợp tác kinh tế với những bên chia sẻ các giá trị và những lợi ích chiến lược của chúng ta”, bà nói, nhắc tới các đối tác gần với Mỹ như Canada, Mexico, Costa Rica, các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như Puerto Rico và đảo Guam.Sau nhiều thập niên chuyển các dây chuyền sản xuất tới các nước có giá lao động rẻ hơn, lúc này nhiều quốc gia phát triển đang tính toán đưa trở lại nội địa những hoạt động này (gọi là “onshoring” hay “inshoring”), hoặc lựa chọn các nước bạn bè, đối tác tin cậy để xây dựng chuỗi cung ứng (gọi là “friend-shoring”).Việc thay đổi các chuỗi cung ứng “có thể tốn kém hơn, nhưng nếu quý vị sản xuất được số lượng nhỏ hơn mà vẫn có thể bán với mức giá gần như cao nhất, quý vị sẽ thực sự hoàn toàn thay đổi cuộc chơi”, đó là phân tích của ông Brian Ehrig, đối tác tại hãng tư vấn Kearney, cũng là đồng tác giả báo cáo công bố trong tháng 4-2022 cho thấy khoảng 78% các CEO đang cân nhắc thay đổi dây chuyền sản xuất hoặc đã làm xong việc đó.Đồng tình với điều này, bà Shay Luo, một chuyên gia khác cũng tại Kearney, nói: “Tôi cá là toàn cầu hóa sẽ không bao giờ chết, nhưng nó sẽ tiến hóa thành một dạng thức khác”.Trang web của Viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ) từ đầu năm ngoái đã đăng bài viết của hai tác giả Dezenski và Austin đề cập vấn đề này, cho rằng việc tăng cường “friend-shoring” sẽ giúp nâng cao độ tin cậy trong các chuỗi cung ứng trọng yếu, đồng thời giảm lệ thuộc vào Trung Quốc hay một vài quốc gia cụ thể khác.Thực tế, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã xây dựng chiến lược nhằm thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng theo kiểu “friend-shoring” khi công bố báo cáo 250 trang trong tháng 4 có tên “Building Resilient Supply Chains, Revitalizing American Manufacturing, and Fostering Broad-Based Growth” (Xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, hồi sinh ngành sản xuất Mỹ và củng cố tăng trưởng ở nước ngoài).■Lo Bắc Kinh cũng phong tỏaTuy không phải trung tâm của mạng lưới sản xuất toàn cầu như Thượng Hải, nhưng tình hình dịch bệnh tái phát căng thẳng tại Bắc Kinh những ngày qua làm dấy lên nhiều lo ngại về ảnh hưởng đáng kể nếu thành phố thủ đô này cũng bị phong tỏa để ngăn dịch.Hôm 25-4, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu một trong các quận xét nghiệm toàn bộ 3,5 triệu dân và tới ngày 30-4 thì thông báo tạm cấm bán hàng ăn tại chỗ trong 4 ngày, từ 1 đến 4-5. Từ 5-5, chính quyền vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chỉ cho phép người có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính tới những nơi công cộng và dùng phương tiện đi lại công cộng. Theo báo Anh Guardian, chính quyền cũng đã chuẩn bị 4.000 giường bệnh dã chiến và đẩy nhanh việc lập các khu cách ly lớn hơn. Tags: Trung QuốcChuỗi cung ứngĐóng cửaCovidZero covidThượng Hải
Lãnh đạo EU: Các nước thành viên phải thực thi lệnh bắt lãnh đạo Israel và Hamas của ICC NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Borrell cho rằng ông có quyền chỉ trích Israel mà không bị buộc tội 'bài Do Thái', khẳng định các nước EU có nghĩa vụ thực hiện quyết định của tòa ICC.
Chân dung đại gia Malaysia, Hàn Quốc muốn mua lại dự án của bà Trương Mỹ Lan BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc và một vị đại gia Malaysia muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan.
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Man City thua choáng váng 0-4 trước Tottenham HOÀI DƯ 24/11/2024 Rạng sáng 24-11, Man City hứng chịu thất bại gây sốc 0-4 trước Tottenham trên sân nhà ở vòng 12 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).