Kho thuốc của những lão nông

MỄ THUẬN 21/11/2011 19:11 GMT+7

TTCT - Vừa liền tay đảo qua đảo lại những lát thuốc nam vàng rộm phơi đầy mặt sân, ông Trần Phước Thế nói: “Thấy nhà kho thuốc nhỏ vậy chứ mỗi năm cung cấp cho các phòng chẩn trị khắp nơi hàng trăm tấn thuốc khô đó”.

Read this on Tuoitrenews.vn

Phóng to
Các lão nông hằng ngày miệt mài với công việc xắt thuốc tại nhà kho thuốc xã Tân Lược - Ảnh: Mễ Thuận

Chuyện nhà kho thuốc nam đặt tại xã Tân Lược của Hội đông y huyện Bình Tân (Vĩnh Long) mỗi năm có thể cung cấp miễn phí hàng trăm tấn thuốc cho các phòng chẩn trị từ thiện là chuyện lạ của ngành đông y từ chục năm qua. Điều đáng quý là những người đi sưu tầm, sơ chế hàng trăm tấn thuốc ấy đã đến với công việc bằng tất cả tấm lòng.

Kẻ góp công, người góp thuốc

Lương y Nguyễn Tấn Tuấn cho biết nhà kho thuốc xã Tân Lược được xây dựng trên nền đất rộng 500m2, sau 10 năm hoạt động hiện đã có thể cung ứng thuốc cho các phòng chẩn trị từ thiện đến từ nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Cần Thơ, TP.HCM… với số lượng hàng trăm tấn thuốc khô mỗi năm. Mô hình nhà kho thuốc này đang được hội nhân rộng tại các địa phương khác để phục vụ công tác sưu tầm cây thuốc quý của hội.

Ông Thế hiện là chủ nhiệm ban quản lý nhà kho thuốc. Trước kia, do rất thích sưu tầm các loại cây thuốc quý nên đi đâu ông cũng chú ý nhặt nhạnh từng mẩu cây, nhánh lá đem về chất thành kho thuốc tại nhà. Bà con khắp nơi ai cần thuốc ông đều cho không. Tiếng lành đồn xa, năm 2002 một đoàn y tế của Hà Lan được Hội đông y huyện Bình Tân dẫn đến nhà ông tham quan kho thuốc. Sau đó, họ quyết định đầu tư cho địa phương nguồn kinh phí xây dựng nhà kho thuốc như hiện nay.

Theo ông Thế, điều may mắn là ngay khi nhà kho thuốc được hình thành đã có kẻ gần, người xa tự nguyện góp những vị thuốc họ sưu tầm được. Cũng có người đến xin… làm việc không công. Ông Trần Văn Trà dù đã 81 tuổi vẫn tình nguyện xin ở tại nhà thuốc để vừa làm việc vừa bảo vệ kho thuốc. Khi được hỏi chuyện, ông vừa mò mẫm hốt những lát thuốc văng ra từ máy xắt thuốc (dao cầu) đem phơi vừa móm mém kể: “Tui ở đây từ ngày đầu tiên có nhà kho thuốc tới giờ, chắc đến chục năm rồi. Mà ngộ là bữa nào con cháu bắt về nhà độ hai ba hôm thì tui nhớ kho thuốc muốn bệnh luôn”.

Hay như trường hợp ông Bùi Văn Ba, 61 tuổi, dù nhà ở rất xa, tận xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nhưng vẫn trốn các con đến giúp việc cho mọi người. Ông Ba tâm sự: “Tôi thường đi làm việc thiện ở nhiều nơi, nhưng chỉ khi tới đây mới thấy ưng vì không khí đầm ấm như gia đình. Chắc do bà con tới đây ai cũng thiệt bụng thiệt dạ muốn góp công góp sức cho nơi này ngày một lớn mạnh đặng làm phước nhiều nơi”. Ưng nơi này nên từ bốn năm nay ông Ba không đi đâu nữa mà ở làm công quả cho nhà kho thuốc, đôi ba tháng mới về Đồng Tháp thăm con cháu một lần.

Nhận thấy mọi thứ cần được hoạt động quy củ nên Hội đông y huyện Bình Tân cho thành lập ban điều hành quản lý nhà kho thuốc nam xã Tân Lược. Họ gồm 24 người và đều là các lão ông, lão bà nông dân trên dưới 60 tuổi. Hoạt động của nhà kho thuốc có sự phân công rõ ràng, đến bất cứ lúc nào cũng có thể thấy mọi người làm việc khá tất bật và chuyên nghiệp.

Người có sức khỏe thì điều khiển máy xắt thuốc, người thay phiên đảo qua đảo lại thuốc phơi, người đóng bao, người lo chuyện cơm nước… Nơi sân phơi lúc nào cũng hoạt động hết công suất và tỏa hương thoang thoảng.

Phóng to
Lương y Nguyễn Tấn Tuấn giới thiệu cây thuốc trong vườn thuốc nam của Hội đông y huyện Bình Tân - Ảnh: Mễ Thuận

Từ tổ chức sưu tầm dược liệu…

Theo ông Thế, để có được nguồn thuốc dồi dào, hội đông y huyện mỗi năm tổ chức bốn đợt đi sưu tầm cây thuốc quý quy mô lớn (địa bàn sưu tầm ở các tỉnh thành khác ngoài Vĩnh Long) và chục đợt sưu tầm quy mô nhỏ (địa bàn trong tỉnh). Cá biệt, theo ông Thế, có những chuyến đi sưu tầm thu hút đến 200 người gồm cả già, trẻ, trai, gái và đều là nông dân địa phương. “Chính nhiều dược liệu thu nhặt từ những chuyến đi với quy mô lớn do người dân giúp sức như thế đã giúp nhà kho có thể duy trì hoạt động quanh năm” - ông Thế khẳng định.

Dù không phải thành viên ban điều hành nhà kho thuốc, nhưng ông Hai “đầu bạc” (tên đầy đủ là Trần Văn Hai, 62 tuổi) ấp Tân Vĩnh, xã Tân Lược chưa bao giờ vắng mặt trong những chuyến sưu tầm cây thuốc quý. “Thấy mọi người chấp nhận xa nhà, ăn ở đầy trách nhiệm với kho thuốc, không lẽ bản thân mình không đến bằng tinh thần tự nguyện?” - ông lý giải đơn giản lý do tham gia hoạt động. Nhờ năng nổ, ông Hai “đầu bạc” được mọi người tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ sưu tầm của nhà kho thuốc nam.

Lương y Nguyễn Tấn Tuấn, phó chủ tịch Hội đông y huyện Bình Tân, cho biết hầu hết người tham gia sưu tầm thuốc quý đều là nông dân nên trước mỗi chuyến sưu tầm, các lương y phải tổ chức tập huấn rất kỹ về nghiệp vụ giúp họ nhận dạng được chính xác cây thuốc. Ông nói: “Điều thú vị là hầu hết người dân tham gia đều tìm đúng chứ không nhầm cây thuốc. Có lẽ với mỗi người dân, cây thuốc nam vốn từ lâu rất thân thuộc với họ. Do đó công việc hướng dẫn của chúng tôi cũng nhẹ nhàng hơn”.

Phóng to
Ông Trần Phước Thế làm công việc phơi thuốc hằng ngày - Ảnh: Mễ Thuận

…Đến phát triển vườn thuốc nam

Cũng nhờ gắn bó với nhà kho thuốc lâu ngày, tiếp cận kiến thức từ các lương y truyền đạt thường xuyên nên giờ đây kiến thức về dược liệu của mỗi thành viên trong ban điều hành nhà kho thuốc được nâng lên rõ rệt. Hễ có khách tham quan hoặc có đại diện các phòng chẩn trị đến đặt vấn đề xin thuốc quý, ông Thế cũng như mỗi thành viên của ban sưu tầm đều có thể vừa dẫn khách tham quan vườn thuốc và nhà kho thuốc, vừa có thể kể vanh vách tên và công dụng từng loại trong số hơn 60 vị thuốc hiện có.

Trước sự lớn mạnh về hoạt động sưu tầm thuốc nam của người dân xã Tân Lược và nhận thấy giá trị thiết thực của nhà kho thuốc, năm 2009 UBND xã Tân Lược đã cho nhà kho thuốc mượn 6.000m2 đất để hình thành vườn chuyên canh thuốc nam. Diện tích bổ sung này đã giúp nâng tổng diện tích đất trồng dược liệu chuyên canh của Hội đông y huyện Bình Tân lên 17.000m2. Trong số diện tích này, đa số do các hộ nông dân hiến đất cho hội mượn trồng thuốc quý.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn thuốc của xã Tân Lược với hàng trăm loại cây, lá xanh mượt, ông Tuấn cho biết: “Nhờ có đất nên chúng tôi trồng được nhiều chủng loại thuốc quý như ké đầu ngựa, ý dĩ, dừa cạn, thuốc dũ, đinh lăng, dâu tằm… Sản phẩm thu được từ các vườn thuốc tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 50 tấn mỗi năm) trong tổng số thuốc hội sưu tầm được, nhưng chính nơi đây giúp chúng tôi chủ động ươm trồng được những giống cây ngoài thiên nhiên đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện chúng tôi còn thành lập hẳn ban quản lý vườn bảo tồn dược liệu để phục vụ công tác nhân giống các loại dược liệu quý”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận