​Khoảng không riêng cho “một cá thể độc lập”

NGUYỄN THỤY ANH 10/01/2015 22:01 GMT+7

Cảm thức tự do luôn cần thiết cho con người, ngay từ bé, và đặc biệt quan trọng vào thời điểm chớm dậy thì. Nó không chỉ là một không gian sống riêng tư. Nó là mong muốn được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Thời tôi còn bé, những năm bao cấp khó khăn, các gia đình đều có không gian sống nhỏ hẹp, khó có thể nghĩ đến việc mỗi thành viên lại có một căn phòng riêng. Thế nhưng, tôi vẫn có được một không gian riêng tự do của mình. Năm tôi 13 tuổi, bố mua về cho mỗi chị em một chiếc bàn học có kèm tủ và khóa. Bố đưa tôi chìa khóa và bảo: “Những gì của riêng con, là bí mật, hãy cất vào đây”. Tôi đã cất những vỏ giấy kẹo, những chiếc lá ép, vài ba mẩu giấy chép thơ tự sáng tác... và ngăn tủ đầy lên lúc nào không hay. Tuổi mới lớn của tôi thỏa mãn với sự tự do ấy.

Cảm thức tự do

Cảm thức tự do luôn cần thiết cho con người, ngay từ bé, và đặc biệt quan trọng vào thời điểm chớm dậy thì. Nó không chỉ là một không gian sống riêng tư. Nó là mong muốn được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Nó là khoảng thời gian riêng tư được làm những gì mình muốn, không ai biết, đôi khi chỉ đơn giản là ngồi nghĩ ngợi, mơ mộng...

Nhu cầu nghĩ, tưởng tượng, ước mơ trong thời gian riêng là có thật và cần được tôn trọng. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ các nước, đó là thời gian “tự do”, một khoảng thời gian riêng tư không ràng buộc. Tôi thấy ái ngại khi nhìn bọn trẻ bây giờ phải đi học bán trú từ sáng đến chiều tối, về nhà lại còn bài tập hoặc đi học thêm, không có cơ hội cho thời gian tự do. Điều này không chỉ đáng buồn mà còn nguy hiểm! Trẻ không có điều kiện nghĩ: nghĩ mông lung, nghĩ sâu xa, nghĩ phản biện, nghĩ về điều đã xảy ra, về một người, về lỗi mình phạm phải, rồi ước mơ... Thiếu “nghĩ” thì khó bắt chúng sống cho đúng con người chúng được... Trẻ cần có điều kiện để phát triển sự độc lập của mình.

Tự do của con - nỗi lo của bố mẹ

Tôi hiểu nỗi lo của các ông bố bà mẹ về việc “phòng riêng cho con”. Khi con còn bé thì việc để con trong phòng riêng lại có nhiều nguy hiểm, cụ thể như con có thể ngã, có thể bị cảm mà mình không biết. Khi chúng lớn lên, những nguy hiểm không cụ thể như thế nữa mà trở thành “những mối nguy tiềm ẩn” mà trong đó một phần là có thật (Internet trong phòng, tiếp bạn trong phòng riêng...), một phần là trong suy nghĩ, phỏng đoán mơ hồ của các bậc phụ huynh về những gì chúng ta không kiểm soát được.

Có một câu nói thú vị mà tôi hay được nghe hồi còn là sinh viên: “Nơi nào bắt đầu ranh giới tự do của một người, nơi đó kết thúc sự tự do của ta”... Bây giờ, khi con tôi có phòng riêng và cằn nhằn về việc mẹ vào phòng nó không gõ cửa, tôi thấm thía điều ấy. Chính câu nói đó nhắc nhở tôi về quyền riêng tư của đứa trẻ, ranh giới can thiệp của bố mẹ vào cuộc sống của con, từ quyền được tự xúc ăn, tự mặc quần áo khi con còn nhỏ cho đến quyền tự sắp xếp, trang trí, lo dọn vệ sinh phòng... khi đến tuổi dậy thì.

Tuy nhiên, phải có một sự thỏa thuận nghiêm túc ở đây. Nếu ở gia đình bạn, phòng riêng cho con đã có từ lúc con mới sinh, hay đến khi có điều kiện mới có thì khi trẻ đến độ tuổi 11, 12, bố mẹ cũng cần chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện với con, bàn bạc về “quyền” và “trách nhiệm” của mỗi thành viên trong gia đình (không chỉ về đứa trẻ). Mỗi người lo một việc tùy theo sức và sự nhất trí. Trong thỏa thuận đó có nhắc đến không gian riêng tư của mỗi người. Ví dụ:

Điều 1: Vào phòng riêng của con, của bố mẹ, mọi người đều phải gõ cửa và chỉ được vào khi có sự đồng ý.

Điều 2: Vì sự thực hiện nghiêm túc điều 1, không cần phải khóa trái cửa phòng, đề phòng mệt, đau ốm và những nguy hiểm khác...

"Nhu cầu nghĩ, tưởng tượng, ước mơ trong thời gian riêng là có thật và cần được tôn trọng."

Và ta giải thích cho trẻ vì sao bố mẹ vẫn phải có sự thỏa thuận nhất định về việc sử dụng phòng riêng của con, vì bố mẹ chịu trách nhiệm về con ít nhất là cho đến khi con 18 tuổi. Thậm chí nếu bố mẹ không làm thế là vi phạm pháp luật. Vì vậy, có thể cùng nhau thống nhất những việc con cần phải làm với không gian riêng của mình. Để trẻ đồng tình, cần một lý giải thuyết phục đồng thời cần đưa ra “quyền” trước khi nói “trách nhiệm”. Chẳng hạn: Con có quyền tự trang trí phòng mình bằng tranh ảnh, miễn đó là những hình ảnh lịch sự, và thống nhất thế nào là lịch sự. Con sẽ tự lau dọn phòng của con hai ngày một lần, trước khi ra khỏi phòng phải gấp chăn màn, tắt điện. Đôi khi phụ huynh chỉ nghĩ đến những gì mình cần phải kiểm soát, vì thế mà khó đạt được thỏa thuận. Những gì cần thiết, chính đáng hãy để trẻ tự quyết, tự quản lý. Chỉ có cách đó mới tìm được tiếng nói chung giữa bố mẹ và con cái.

Riêng chuyện máy tính cá nhân và các thiết bị công nghệ khác, thỏa thuận lại càng cần thiết: về mục đích sử dụng, thời gian sử dụng cho hợp lý. Theo tôi, máy tính không nên để trong phòng riêng của trẻ hay của bất kỳ ai vì nó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Máy tính nên để ở không gian chung của cả nhà như phòng khách hoặc phòng làm việc.

Và cuối cùng, đừng quên làm một tấm biển xinh xắn đề rõ: “Phòng của...” treo trước cửa phòng, xác lập một cách tự hào không gian riêng. Điều này luôn cho cảm xúc tích cực. Ở nhà anh bạn tôi, phòng đứa con còn ghi một cách hài hước: “Phòng riêng của ngài X, con của ngài A và bà B”...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận