TTCT - Sử dụng tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng luôn là một vấn đề lớn trong quá trình đầu tư phát triển đất nước để tìm kiếm sự giàu có. Tài nguyên thiên nhiên chỉ do thiên nhiên ban tặng. Đó có thể là nguồn gốc làm nên sự giàu có của quốc gia và cũng có thể là nguyên nhân gây nên các thảm họa. Phóng to Khai thác than ở mỏ than Hà Tu, Quảng Ninh - Ảnh: Cấm Thủy Chủ nghĩa thực dân cũ trước đây được xây dựng trên nền tảng chiến tranh xâm lược do các nước lớn tạo ra để cướp tài nguyên thiên nhiên của các nước nhỏ, đó là thảm họa chiến tranh. Đến nay, chủ nghĩa thực dân chưa mất, chỉ có hình thái thô thiển cũ đã bị thay thế. Khai thác tài nguyên khoáng sản còn đang đứng trước những thảm họa do chính những con người đang nắm giữ tài nguyên của quốc gia đó gây ra, mà dễ thấy nhất chính là những thảm họa về môi trường. Nhà đầu tư chỉ nhăm nhắm lấy lợi nhuận cao nhất từ khoáng sản đào được, không chịu chi ra những khoản cần thiết để ngăn ngừa tác động xấu vào môi trường. Nhà quản lý cùng nhà đầu tư do ham lợi cá nhân đã gây ra sự bất công bằng trong thụ hưởng lợi ích từ tài nguyên khoáng sản vốn là tài sản chung của toàn dân tộc. Những nguy cơ đã bị điểm mặt Không phải vô cớ mà Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2011 (Vietnam Development Report 2011, VDR-2011) của Ngân hàng Thế giới lại tập trung vào chuyện “quản lý tài nguyên thiên nhiên”, cũng là tên gọi của báo cáo này. VDR 2011 chỉ rõ: cả ba trụ chính của quản lý tài nguyên thiên nhiên nước ta (hiệu quả kinh tế, bền vững môi trường và công bằng xã hội) đều đang có nhiều khoảng trống, nhất là quản lý tài nguyên khoáng sản. Và lĩnh vực này đang cần được đổi mới hơn bao giờ hết. Điều quan trọng nhất là Nhà nước phải thực hiện thật tốt quá trình điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản để từ đó có đầy đủ thông tin, có cơ sở để xây dựng và phê duyệt chiến lược sử dụng khoáng sản quốc gia, sau đó là xây dựng và phê duyệt quy hoạch khai thác khoáng sản của cả nước cũng như của địa phương cấp tỉnh. Khâu này của chúng ta còn thiếu và yếu, từ đó tạo ra nguy cơ tham nhũng từ khâu lập chiến lược sử dụng khoáng sản và lập quy hoạch khai thác khoáng sản. Để giảm nguy cơ tham nhũng này, Nhà nước cần đầu tư phù hợp cho khâu điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên khoáng sản. Nhà nước ta làm rất tốt nhiệm vụ này trong thời bao cấp nhưng lại xem nhẹ khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường.Tham nhũng trong quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng trở thành trọng tâm trong đối thoại hằng năm giữa Chính phủ Việt Nam và nhóm các nước tài trợ cho Việt Nam. Năm 2010, đối thoại tập trung vào vấn đề tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Năm 2011 tập trung vào tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản. Mỗi kỳ đối thoại lại chỉ ra những khu vực phát sinh nguy cơ tham nhũng. Đối thoại về chống tham nhũng năm nay vừa thực hiện vào tuần trước cũng đã chỉ ra những khu vực chủ yếu phát sinh tham nhũng lớn. Bức tranh tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản phức tạp hơn nhiều so với tham nhũng trong đất đai. Vài năm trước, nhà đất được đánh giá là khu vực có tham nhũng cao nhất. Những nỗ lực trong thời gian qua nhằm tăng cường khâu quản lý nhà đất từ hoàn chỉnh pháp luật, nâng cấp quy hoạch, đẩy mạnh công khai minh bạch, tăng cường kiểm tra giám sát... đã làm cho độ nóng của nhà đất có xu hướng giảm đi. Ngay sau đó, độ nóng mới lại xuất hiện và tăng mạnh trong khâu khai thác khoáng sản. Những thông tin về cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản dưới đây cho thấy rất rõ độ nóng này: Tính đến tháng 4-2011, UBND cấp tỉnh đã cấp 121 giấy phép thăm dò và 3.882 giấy phép khai thác đang thực hiện, trong đó có 82% là giấy phép khai thác vật liệu xây dựng và than bùn, 2% là giấy phép khai thác tận thu, còn lại 16% là giấy phép khai thác các loại khoáng sản khác. Về phần Bộ Tài nguyên - môi trường, từ khi mới thành lập đến tháng 6-2009, bộ đã cấp 82 giấy phép thăm dò và 218 giấy phép khai thác (không có số liệu từ tháng 6-2009 tới nay). Một báo cáo khác của Thanh tra Chính phủ nhận định: những biểu hiện của tham nhũng xuất hiện trong lĩnh vực khai thác khoáng sản rất đa dạng, xuất hiện hầu hết trong mọi khâu công việc, cụ thể bao gồm: 1. Khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã hình thành cơ chế độc quyền và cửa quyền trong cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản, có văn bản hướng dẫn trái Luật khoáng sản, tạo ra kẽ hở pháp luật cho doanh nghiệp lách. 2. Khâu cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản: cấp phép không đúng quy hoạch hoặc không được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với những nơi chưa có quy hoạch (có địa phương có tới nửa số giấy phép cấp sai thuộc loại này), cấp phép cho nhà đầu tư không đủ năng lực, cấp phép trái thẩm quyền, cấp phép sai quy định hoặc kéo thời gian quá dài. 3. Khâu thực hiện khai thác mỏ có những biểu hiện trốn các khoản chi phí cần thiết như không đúng quy chuẩn kỹ thuật, không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, không thực hiện an toàn lao động, không thực hiện các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với đất đai (có nhiều địa phương tới 60% số mỏ chưa làm thủ tục thuê đất), chậm nộp nhiều năm các nghĩa vụ tài chính liên quan tới khai thác khoáng sản như thuế và phí môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... 4. Không thực hiện các quy định về quản lý môi trường như không ký quỹ môi trường (có tỉnh chiếm tới 50% số doanh nghiệp), không hoàn nguyên môi trường khi đóng cửa mỏ, không thực hiện quan trắc môi trường trong quá trình khai thác... Trong ba năm gần đây, hệ thống Thanh tra Chính phủ đã xử phạt 12 tỉ đồng và xử lý giải tỏa nhiều điểm khai thác khoáng sản trái phép. Con số này cho thấy một nỗ lực lớn của thanh tra khi hệ thống quản lý còn chưa chặt chẽ, dù chưa thỏa mãn yêu cầu so với thực tế nóng bỏng của khai thác khoáng sản. Minh bạch và thật sự muốn làm EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu gồm hai cơ chế chủ yếu: 1. Yêu cầu các công ty khai khoáng công khai các khoản chi cho chính phủ và ngược lại, yêu cầu chính phủ công khai nguồn thu mà chính phủ nhận được từ các công ty khai khoáng. 2. Yêu cầu một cơ quan quản trị độc lập nhằm đối chiếu các số liệu thu được, cơ quan này được quản lý và giám sát bởi một ủy ban nhiều thành phần.“Bây giờ nếu hỏi sắt đâu, vàng đâu thì phải hỏi thổ phỉ!” - phát biểu buồn bã này của GS.TS Ngô Đình Tuấn, chủ tịch hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, mới đây phần nào cho thấy thực tế khó nắm bắt và tiếp cận thông tin về tài nguyên. Tiếp cận thông tin về quy hoạch, thông tin về thủ tục tiếp cận khoáng sản... cũng vậy, và vì thế nó tạo ra nguy cơ tham nhũng do thiếu minh bạch, tương tự những gì đã xảy ra trong quản lý đất đai. Cơ chế quản lý của chúng ta đã thể hiện tính độc quyền quyết định của hệ thống hành chính khá cao, cũng như tính cửa quyền của quyết định cá nhân lãnh đạo cấp bộ và cấp tỉnh. Cơ chế giám sát là có nhưng thiếu hiệu lực và cộng đồng cư dân tại những nơi có khoáng sản gần như bị loại ra ngoài hệ thống quản lý. Đây chính là nguy cơ tham nhũng của khâu quyết định cấp phép. Luật khoáng sản mới đã đẩy mạnh cơ chế đấu thầu mỏ nhưng thực tế vẫn chưa thể hiện được hiệu quả. Để giảm nguy cơ này, rõ ràng cần phải có cách giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền cũng tăng cường cơ chế giám sát của các cơ quan ngoài hệ thống hành chính và người dân. Đưa cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản vào tham gia quản lý là một ví dụ dễ thực hiện. Thực tế cũng đã cho thấy lợi nhuận từ khai thác khoáng sản thiếu minh bạch vì khó đánh giá được, nhất là khi nhà đầu tư có ý đồ báo cáo thiếu trung thực, từ đó gây thất thoát nguồn thu thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác phụ thuộc sản lượng khai thác. Đây là nguy cơ tham nhũng do thiếu minh bạch nguồn thu. Cộng đồng quốc tế đang thực hiện sáng kiến của Na Uy về cơ chế minh bạch nguồn thu từ khai thác khoáng sản mang tên EITI (xem bảng). Việt Nam cần tham gia cộng đồng này và chủ động áp dụng các cơ chế do cộng đồng này đề xuất. Không chi trả hoặc chi trả không đủ những kinh phí cần thiết để bảo vệ môi trường và khôi phục môi trường khi đóng cửa mỏ lại là vấn nạn đáng kể khác trong khai thác mỏ ở nước ta. Khá nhiều doanh nghiệp không những không tự giác thực hiện nghĩa vụ với môi trường mà còn sẵn sàng “quỵt” kinh phí bảo vệ môi trường khi có điều kiện. Mặt khác, về quản lý đã có không ít những phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không chính xác và thiếu trách nhiệm. Đây chính là nguy cơ phát sinh tham nhũng khác. Và không có cách nào ngoài việc cải thiện chất lượng công tác quản lý môi trường, giám sát tốt quá trình thực hiện các giải pháp môi trường trong khai thác mỏ. Tham nhũng luôn gắn liền những khu vực kinh tế có độ nóng cao. Nhận diện hình thức và phạm vi của tham nhũng trong những lĩnh vực như khai thác khoáng sản không quá khó, vấn đề vẫn nằm ở chỗ ta thật sự muốn làm việc này và làm bằng những giải pháp hữu hiệu như đã được thảo luận và cùng nhìn nhận.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.