Không tặc qua lăng kính Hollywood

TUẤN KHANH 25/03/2014 22:03 GMT+7

TTCT - Mặc dù chỉ là những câu chuyện giải trí, nhưng hầu hết kịch bản về không tặc của Hollywood đều nghiên cứu rất kỹ các tình huống có thật ngoài đời. Và nếu ghi chép về những diễn biến của các vụ không tặc trên màn bạc, người ta cũng rút ra được vô khối điều để suy nghĩ.

Một cảnh trong phim Non-Stop - Ảnh: awn.com

Kịch bản phim Non-Stop, một trong những phim không tặc mới nhất hiện nay, do Liam Neeson thủ vai chính, là một ví dụ.

Luôn lợi dụng truyền thông

Chỉ trong hai tuần đầu phát hành, phim này đã thu về hơn 68 triệu USD vì sự hấp dẫn cũng như độ căng thẳng của kịch bản. Trong phim, những kẻ cướp máy bay giấu mặt và đòi tiền chuộc đã chuẩn bị rất kỹ mọi thứ để truyền thông bị dẫn dắt thành công cụ của họ, làm rối loạn các cách đối phó truyền thống của an ninh hàng không.

Bản thân Non-Stop mở ra một khung cảnh mới: tội ác sẽ được tiến hành bằng cách xếp đặt tình huống qua những đối tượng được nhắm vào. Đỉnh điểm của Non-Stop là chuyện những tên không tặc tìm hiểu rất kỹ cuộc đời nhân viên an ninh hàng không Bill Marks, người trở nên thất thường từ khi con gái của ông chết, để kiểm soát tâm lý.

Đây cũng là mấu chốt khi hệ thống thông tin bên ngoài tường thuật diễn biến của vụ không tặc đã chọn ngay điểm này để mô tả chính Marks là kẻ xấu, khiến mọi thứ trở nên rối loạn.

Lịch sử các vụ không tặc trên thế giới tính từ năm 1968 đến nay cho thấy hầu hết đều sử dụng truyền thông làm con tin để lèo lái mọi thứ theo ý mình. Tuy nhiên, nếu theo sự kiện máy bay Malaysia MH370 mất tích vừa qua, lịch sử của chuyện không tặc (nếu như đúng như vậy) đã mở ra một chương mới: giữ im lặng để làm rối truyền thông cho một mục đích khác lớn hơn.

Không tặc luôn nhân danh

Dù Hijack, tên gọi của nạn không tặc máy bay chỉ đơn giản có nghĩa là chặn và cướp, nhưng hầu hết đều nhân danh các ý nghĩa cao cả hoặc lớn hơn thực tế của nó. Ngay cả trong phim Con Air, sản xuất năm 1997 với Nicolas Cage thủ vai, những tù nhân nguy hiểm được vận chuyển bằng máy bay khi nổi loạn và cướp cũng đã tuyên bố rằng họ lấy lại công lý đã bị mất.

Đối với những người đảm trách thương thuyết (negotiator) các vụ không tặc, việc điều đình luôn cố dẫn dắt ý thức của kẻ không tặc về các giá trị lớn hơn như đạo đức, nhân ái, tự trọng của kẻ có vũ khí… nhằm hạ nhiệt vấn đề đang căng thẳng.

Con Air thu về 101 triệu USD nhưng so với tiền bối là Die hard 2 (1990) với tổng thu là 107 triệu USD, thì Bruce Willis đã giới thiệu một bối cảnh không tặc khác, khi giải quyết vụ không tặc do đại tá Stuart tiến hành để giải cứu cho một tên trùm ma túy.

Mục đích của Stuart cũng chỉ ra rằng nước Mỹ đã sai lầm khi không sử dụng ông ta. Và toàn bộ hành động của Stuart cũng chỉ là cướp, giết nhưng ông luôn răn dạy đồng bọn bằng chuyện hãy dạy cho bọn chúng (chính quyền Mỹ) một bài học về sự kiêu ngạo!

Mới đây, báo New Straits Times của Malaysia đã hé lộ chi tiết: cơ trưởng của chiếc MH370 là thành viên của Đảng Công lý nhân dân (PKR), một đảng thuộc Liên minh đối lập PR của Malaysia do Ibrahim Anwar đứng đầu. Đây có thể là động cơ nhân danh cho một vụ không tặc, nếu sự thật đúng như vậy.

Luôn có tay trong

Hầu hết các vụ không tặc trên thế giới đều có những sự yểm trợ từ ít nhất một người hay tổ chức, từ mặt đất đến trong hành trình bay. Hồ sơ của investigativeproject.org cho thấy ngành an ninh hàng không thế giới luôn cập nhật các sự kiện không tặc và rút ra được một kết quả là không ai làm không tặc một mình.

Ngay cả chuyện cho nổ bom liều chết của các nhóm khủng bố cũng đều có sự tiếp tay của ai đó. Air Force One, câu chuyện kể về một tổng thống bị cướp máy bay, gia đình bị bắt làm con tin khiến cho Hãng Columbia Pictures đếm mệt nghỉ số tiền 172.620.724 USD vào cuối năm 1998, cũng nhấn mạnh vấn đề tay trong.

Không dễ qua mặt an ninh hàng không. Súng, ma túy, bom… xuất hiện trên một chiếc máy bay là điều không tưởng nếu như không có ai đó giúp mang lên trước.

Trong vụ cướp máy bay EgyptAir Flight 648 của Ai Cập vào năm 1985 (cũng được dựng thành phim nhưng không thành công), số lượng súng và lựu đạn đem được lên máy bay nhiều đến mức việc đánh nhau, giật vũ khí và khi nhóm không tặc đấu với lực lượng giải cứu đã làm chết 60 hành khách trong số 92 người đi máy bay.

Từ đó, nhiệm vụ của những người thương thuyết cũng được đặt nặng: hạn chế thương vong cho hành khách là ưu tiên, ngoại trừ những chuyến bay bị cướp với mục đích tìm đến cái chết như vụ 11-9 ở Mỹ.

Chấp nhận cái chết

Với những kẻ không tặc, các phương thức thoát thân là ưu tiên, nhưng chúng luôn tính đến kịch bản B là chấp nhận cái chết. Ngoại trừ cái chết là điều được chọn từ đầu như trên Chuyến bay 93 của Hãng United ngày 11-9-2001.

Câu chuyện có thật này được dựng thành phim vào năm 2006 bởi Hãng A&E Networks, qua bàn tay của đạo diễn Peter Markle. Phim không thành công về doanh thu nhưng thật sự là một câu chuyện sống động và gần gũi về chuyện đối diện với những kẻ không tặc chỉ ưu tiên cho cái chết vì lý tưởng.

Hành khách trên chuyến bay đã cùng nhau đối phó với bốn gã không tặc, và cùng chọn cái chết với chúng để phá vỡ âm mưu đâm máy bay vào Lầu Năm Góc. Tất cả thiệt mạng khi chiếc máy bay rơi ở Shanksville, Pennsylvania mà không gây thiệt hại cho ai khác.

Sách giáo khoa về các loại không tặc liều chết cũng là đường dẫn cho câu chuyện của chiếc máy bay MH370 như một trong những giả thiết. Khi máy bay cất cánh được vài giờ, gia đình cơ trưởng cũng biến mất. Có thể có rất nhiều hành khách đã chết, nhưng cũng có thể cơ trưởng và gia đình đang vui vầy sum họp bí mật ở một miền nhiệt đới nào đó.

Chắc chắn câu chuyện của MH370 lại sẽ là một kịch bản hấp dẫn các nhà sản xuất phim trong tương lai, vì cho tới giờ sự kiện này vẫn là một câu chuyện hết sức mới mẻ, ẩn chứa nhiều dữ liệu khác một vụ không tặc thường lệ. Có thể Hollywood sẽ có lời giải đáp theo góc nhìn khác hơn, dĩ nhiên là có thu phí.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận