TTCT - Du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế VN. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú tăng trưởng mạnh và không ai nghĩ phải trải qua những thời điểm khó khăn như hiện nay. Hai câu chuyện sau đây là những ví dụ mà doanh nghiệp lữ hành và lưu trú VN đang phải đối mặt.Ông Nguyễn Sơn Thủy, giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương, TP Hội An (Quảng Nam): “Tôi phải đi tìm việc cho nhân viên”Sau thời gian làm công chức trong cơ quan nhà nước, tôi nghỉ việc và nuôi ý định tự kinh doanh. Năm 2011 với vốn liếng và chút kiến thức ít ỏi, tôi thành lập một công ty lữ hành. Cùng giai đoạn này, du lịch Hội An bắt đầu bùng nổ nên tôi vay mượn tiền xây một biệt thự du lịch trên đường Cửa Đại, Hội An.Thời gian đầu, tôi tập trung cho cả hai mảng lữ hành và lưu trú, lúc đó du lịch Hội An tăng trưởng nhanh, sẵn nguồn khách từ quốc tế mà công ty đưa đón nên villa của tôi nhận được nguồn khách thường xuyên, đặc biệt là khách thị trường châu Âu. Nhờ vậy doanh thu lưu trú của tôi luôn đạt kỳ vọng, việc kinh doanh lưu trú này cũng bổ trợ cho mảng lữ hành nên tình hình rất khả quan. Năm 2019, với đà phát triển đó, tôi mua thêm một số khu đất lớn và lên kế hoạch sẽ phát triển chuỗi khách sạn tại Huế, Đà Nẵng, Hội An. Kế hoạch “ngời ngời” đó đã bị giội một gáo nước lạnh và sụp đổ hoàn toàn khi đại dịch COVID-19 ập tới.Ông Nguyễn Sơn Thủy. Ảnh: nhân vật cung cấpSo với các khu lưu trú ở Hội An, villa của tôi thuộc nhóm nhỏ. Ban đầu khi dịch đến, nhiều trấn an lạc quan cho rằng “bão” COVID-19 sẽ gây thiệt hại và nhóm lưu trú tầm trung sẽ dễ cầm cự hơn. Nhưng thực tế tới nay đã cho thấy cơn bão này càn quét không trừ một ai. Villa của tôi ban đầu vẫn có khách, nhiều đoàn khách châu Âu, khách Úc tiếp tục bay qua để tránh dịch, dù sụt giảm nhưng doanh thu vẫn khá tốt. Chúng tôi không nghĩ sẽ phải đóng cửa.Nhưng khi Chính phủ quyết định đóng cửa thì mọi thứ đã bắt đầu rơi vào bi kịch, khách ngoại quốc bị cắt đứt. Chúng tôi nhanh chân chuyển qua khai thác thị trường nội địa. Sau đợt dịch thứ nhất, villa mở cửa trở lại, tung các gói kích cầu và có khách trở lại, doanh thu quay ngược lên. Cuối tuần các phòng luôn được lấp kín. Chúng tôi tiếp tục chi tiền để sale, kích cầu và bám vào nguồn khách nội địa. Nhưng tất cả đã tan nát khi dịch quay lại lần thứ 2. Từ giữa năm trở đi, chúng tôi mất dần hi vọng, các chương trình kích cầu không còn tha thiết tham gia và kinh doanh trong tâm trạng vừa làm vừa thom thóp lo. Chúng tôi đứng giữa hai ngả đường: đóng cửa thì toàn bộ nhân viên sẽ mất việc, buồng phòng, thiết bị sẽ bỏ không và xuống cấp nặng nề vì không có ai chăm sóc. Nếu mở cửa thì gánh nặng lãi suất ngân hàng đè nặng, chi phí vận hành tốn kém. Tôi mất ngủ cả nhiều tuần liền. Và tôi quyết định chọn phương án đóng cửa.Với công ty du lịch, đây là tài sản của cả đời tôi, 9 năm kể từ ngày ban đầu chỉ có hai con người, tới lúc dịch đến chúng tôi có 20 người điều hành tại văn phòng, hơn 100 hướng dẫn viên tại cả Bắc, Trung, Nam. Công ty cũng đã thành lập văn phòng đại diện tại Đài Loan, Philippines, Ấn Độ, Hong Kong, Thái Lan... Năm 2019, chúng tôi đón được hơn 40.000 khách du lịch Đông Nam Á vào VN. Cũng như mảng lưu trú, tháng 5-2020 khi dịch không có dấu hiệu tiến triển, chúng tôi quyết định phải tạm đóng cửa công ty du lịch. Công ty hỗ trợ nhân viên 3 tháng lương đầu tiên và nuôi hi vọng hết dịch sớm. Nhưng tới tháng 6, rồi tới tháng 9, diễn biến dịch vẫn lan rộng. Lúc này nguồn quỹ công ty cũng vơi cạn, chúng tôi phải thông báo cho anh em cắt giảm mức hỗ trợ tới mức tối thiểu.Suốt một năm qua chúng tôi đã xoay xở đủ kiểu để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, nhưng cửa nào cũng đóng khép bởi không có thị trường, nhu cầu du lịch đã rất yếu. Chúng tôi tính lấy văn phòng công ty để mở quán cà phê nhưng tính lại thì thấy rủi ro quá lớn. Đóng băng là giải pháp cuối cùng. Điều buồn nhất là tôi phải chứng kiến những nhân viên của mình lần lượt ra đi, sống chật vật, lay lắt. Khi villa của tôi buộc phải đóng cửa, chúng tôi hỗ trợ một khoản bước đầu cho 8 anh chị em, nhưng tới lúc đóng cửa thì nguồn này không còn. Nhân viên người thì đi bán hàng online, có người thậm chí đi làm phụ hồ. Tôi đứt ruột khi nhìn thấy người của mình đứng bưng bê cà phê, quét dọn ở các quán sá, làm tạp vụ nhà hàng... Cảm giác làm ông chủ mà thấy bất lực trước cảnh nhân viên mình lao lực thật tồi tệ. Nhưng xót đau hơn là tôi phải chứng kiến bộ máy anh em trong một nhà của tôi ở công ty du lịch dần tan đàn xẻ nghé.Tôi khuyên nhân viên đi tìm việc làm khác, dịch qua đi sẽ về lại. Tôi đi đâu cũng dòm ngó, hỏi han những mối quen biết để xem có đơn vị nào tuyển dụng việc làm cho nhân viên mình không, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Hôm trước, lang thang trên mạng tôi thấy một khu du lịch tại Đà Nẵng tuyển nhân viên kế toán, lương 6 triệu đồng/tháng. Chỗ này tôi có quen với tổng giám đốc nên tôi gửi gắm. Những ngày tới tôi tiếp tục hẹn các mối quen biết để xin việc cho những nhân viên còn lại.Đọc báo thấy tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố có thể dập tắt dịch sớm nên tôi đang hi vọng. Tôi mong dịch được khống chế, bởi dù đã hủy tour hầu hết nhưng các đối tác ở nước ngoài vẫn sẵn sàng kết nối và đưa khách qua VN cho chúng tôi. Đội ngũ tốt, đối tác tốt, chúng tôi chỉ cần du lịch phục hồi là sẽ “bung lụa”. Mỗi nhân viên nắm một vùng, ai đánh ở thị trường nào thì chuyên chăm chút ở đó. Tất cả đã đi vào quy củ, chỉ cần dịch qua là anh em tỏa đi khắp nơi để kéo khách về.Một khách sạn ở quận 1, TP.HCM đã ngưng kinh doanh, trả lại mặt bằng và chủ nhà đang sửa lại. Ảnh: NGỌC HIỂNÔng Lê Quốc Việt, chủ Santa Villa Hội An: "Phải chủ động trong mọi tình huống"Giữa năm 2012, tôi đến Hội An mua đất, mở villa, từ đó tới nay dù khó khăn và đợt đại dịch này gây sóng gió nhưng tôi vẫn cầm cự được, khách sạn của tôi hiện nay vẫn có khách lai rai, trừ những thời điểm đóng cửa hoàn toàn. Tôi xoay xở đủ cách và không bao giờ cho phép mình ngồi yên để đợi dịch qua đi.Từ thực tế những gì đã trải qua, tôi nghĩ rằng khủng hoảng của dịch COVID-19 lần này sẽ không dễ để cầm cự nếu không có sự chuẩn bị tốt. Sự gượng dậy của ngành du lịch sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: phân khúc thị trường của từng khách sạn và quốc tịch của khách du lịch. Lượng khách hạng sang qua kinh doanh, làm ăn lâu dài và lưu trú có thể sẽ phục hồi mạnh do nhu cầu giao thương, đầu tư, công tác, sau đó mới đến khách du lịch, nghỉ dưỡng. Thị trường nội địa cũng chắc chắn sẽ phục hồi trước do nhu cầu du lịch, đi lại của người dân vẫn cao, chỉ cần an toàn là dân sẽ tiếp tục đi du lịch. Đối với khách quốc tế thì nếu VN công bố hết dịch và mở cửa bến cảng, sân bay thì lần lượt từ các quốc gia an toàn sẽ đến trước. Có thể là từ Úc, sau đó là các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc rồi mới đến Âu, Mỹ...Kinh nghiệm lớn nhất mà tôi đúc rút tới lúc này là trong hoàn cảnh nào cũng phải chủ động, linh hoạt. Chúng ta phải có phương án dự phòng cho mọi rủi ro. Khi đầu tư thì cần chú ý đến tính hiệu quả thiết thực của đầu tư. Liều nhưng phải có cơ sở chắc chắn dựa trên các phân tích kỹ lưỡng, khoa học. Trong khó khăn, có thể có những lối thoát hay ý tưởng mới, quan trọng là phải luôn suy nghĩ, tìm tòi để tìm ra những ý tưởng, sáng kiến hay lối thoát khả thi và tối ưu. Ông Lê Quốc Việt. Ảnh: B.D. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thị trường khách sạn đóng băng bởi covid-19 Tiếp theo Tags: Du lịchHội AnDịch COVID-19Khu lưu trúDu lịch mùa COVID
Người Việt chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới TRUNG NGHĨA 25/11/2024 Chị Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6.812m trên dãy Himalayas sáng 9-11.
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.